Hơn 30 năm nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, Nhà giáo – nhà báo – nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung đã không bỏ quên việc sáng tác thơ là niềm đam mê và cũng là cách giúp bà cân bằng tâm trí trong cuộc sống công tác bận rộn và vất vả.
Nhà giáo – nhà báo – nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 trong một gia đình trí thức. Bà theo học khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh. Sau khi tốt nghiệp, bà về công tác tại trường cấp 3 Hải Hậu, tỉnh Nam Định, rồi về Hà Nội dạy ở các trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Đoàn Kết. Bà còn là cán bộ chỉ đạo Vụ Cấp 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hơn 30 năm nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, bà đã không bỏ quên việc sáng tác thơ là niềm đam mê của bà và cũng là cách giúp bà cân bằng tâm trí trong cuộc sống công tác bận rộn và vất vả.
Người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, bài thơ về vị tướng tài ba
Bà là tác giả của nhiều tập thơ và tập sách ở các Nhà xuất bản, trong đó THƠ: gồm 8 tập, TIỂU THUYẾT: gồm 5 tập, KÝ: gồm 6 tập, TẠP VĂN: gồm 5 tập. Ngoài ra là nhiều bài thơ đăng trên các báo, tạp chí. Bà là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên nòng cốt của CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam.
Bà làm thơ, viết văn theo nhiều chủ đề khác nhau, nhưng đặc biệt là với lòng ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà đã dồn tâm huyết và trí tuệ sáng tác hàng trăm bài thơ về ông và nhân 100 ngày mất của Đại tướng, bà đã xuất bản tác phẩm “Tri ân đại tướng – người hiền”, được đông đảo độc giả đón nhận.
Gần đây, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng, bà đã có sáng kiến sáng tác và chuyển thể sang diễn ca hàng trăm bài thơ về Đại tướng và buổi triển lãm thơ diễn ca lịch sử đã được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức, với tiêu đề “Theo dấu chân Đại tướng” vào ngày 21/12/2021 tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Triển lãm gồm 110 bài thơ được sáng tác bởi nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, Nguyễn Thị Mỹ Dung – người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, bài thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm qua. Ngay sau đó, Triển lãm tiếp tục được tổ chức tại Điện Biên vào ngày 13/3/2022 rất thành công.
Từ những thành công của Triển lãm, ý tưởng về cuộc Tọa đàm – Ra mắt Sách “Triển lãm Theo dấu chân Đại tướng” cũng được nhà thơ Mỹ Dung nghĩ đến và bắt tay vào thực hiện. Cuốn sách “song ngữ” đặc biệt này có nhiều ấn tượng và hấp dẫn khi đi sâu phân tích và cảm nhận. Cuốn sách có 2 phần chính: Phần 1 gồm 110 bài Thơ – diễn ca, song ngữ ( Việt – Anh) về Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu” và về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại – thiên tài quân sự lỗi lạc – Người Anh hùng Dân tộc kiệt xuất của mọi thời đại, cùng hàng trăm bức ảnh minh hoạ của TTXVN, của NSNA Trần Hồng, của Bảo tàng PNVN sưu tầm và của chính tác giả (nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung tự chụp và cung cấp).
Theo mạch cảm xúc của Triển lãm, tác phẩm “Theo dấu chân Đại tướng” cũng gồm 3 chủ đề: “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, “Vị tướng trong lòng dân” và “Sáng mãi ngàn năm”. Ở phần 2 cuốn sách là một số hình ảnh tại Lễ Khai mạc Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” đã diễn ra ở Hà Nội và ở Điện Biên. Cùng với đó là một số trang lưu bút (lựa chọn) của khán/độc giả tại Triển lãm trong các Sổ ghi cảm tưởng…
Điểm đặc sắc trong cuốn sách phải kể đến những bài thơ được sắp xếp rất khoa học theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề đều gắn liền với những dấu ấn lịch sử, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chủ đề thứ 1: “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”
Cách đây 68 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Góp phần vào chiến thắng vĩ đại ấy, có vai trò to lớn của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, “Người anh cả” kính mến của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”.
Sau một đêm thức trắng, sáng ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu lên với Ban lãnh đạo những khó khăn về chiến thuật mà bộ đội Việt Nam chưa có điều kiện khắc phục và khẳng định “đánh nhanh” không bảo đảm thắng lợi cho chiến dịch quan trọng này.
Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ ý định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Theo đúng phương châm và kế hoạch tác chiến mới đề ra, sau khi có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, 13 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Sau 3 đợt tiến công, đến ngày 07/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Bác Hồ và Trung ương điện, gửi thư khen, nhà thơ viết:
“Bác Hồ và Trung ương điện, thư khen:
Bộ chỉ huy mặt trận tài tình
Thay đổi cách đánh hoàn toàn đúng
Phối hợp cùng chiến thắng ba miền”.
Trong đêm chiến thắng vị Đại tướng huyền thoại, Tổng Tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ không trọn giấc, nghĩ về bao đồng đội, đồng bào đã hy sinh:
ĐẠI TƯỚNG KHÔNG TRỌN GIẤC
“Đại tướng ngả mình trên đệm cỏ tranh
Niềm vui lớn làm Người không trọn giấc!
Một tối ở lại Điện Biên trong hầm chỉ huy Đờ Cát
Đại tướng nghĩ về bao nhiêu đồng bào, đồng chí đã hy sinh
Hiến tuổi thanh xuân cho Độc lập – Hòa bình
Đêm chiến thắng- Đại tướng ngả mình không trọn giấc”.
Bài thơ mang đầy tính nhân văn và tấm lòng nhân ái cao cả của Đại tướng.
Chủ đề thứ 2: Đại tướng trong lòng dân
Trong chủ đề thứ 2 này gồm có những bài thơ nói lên tình cảm của quân dân đối với vị đại tướng huyền thoại:
ĐẠI TƯỚNG VÀ CHIẾN SĨ – NHƯ TÌNH PHỤ TỬ
“Sau chiến thắng Điện Biên/Các chiến sĩ công kênh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp/Hồ hởi mà ấm áp
Ngưỡng mộ và tự hào
Của vị tướng huyền thoại/Đã làm địch đại bại
Sáng mãi trong toàn quân/Tướng sĩ – như phụ tử
Tình anh – em gụi gần”.
Là tổng tư lệnh toàn quân, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ nếp nhà, sống một cuộc đời giản dị thanh bạch. Ta nghe thi nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung diễn tả bữa cơm gia đình của Đại tướng mà lòng thấy xúc động nghẹn ngào:
BỮA CƠM GIA ĐÌNH CỦA ĐẠI TƯỚNG
“Cao lương mỹ vị có gì đâu
Chỉ miếng cá kho với đĩa rau
Quả trứng luộc còn nguyên trong đọi
Vợ chồng Đại tướng mải nhìn nhau!
Việc quân trăn trở suốt canh thâu
Bữa cơm đạm bạc mới bên nhau
Trên chiếc mâm nhôm thật giản dị
Mà bao nghĩa nặng với tình sâu”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước và hiếu học tại làng quê An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, Đại tướng gắn bó với nhiều miền quê của Tổ quốc và ở đâu cũng để lại những tìm cảm sâu đậm, đặc biệt là quê hương Quảng Bình. Về thăm quê hương Quảng Bình, rồi Đại tướng đến thăm chiến sĩ Trường Sơn:
THĂM NHỮNG BÔNG HỒNG THÉP
“Đại tướng về thăm chiến sĩ Trường Sơn
Tại trọng điểm đèo Phù La Nhích
Nụ cười Đại tướng lan tỏa những nụ cười
Toàn đơn vị hồ hởi phấn khích
Những hứa hẹn cùng người Anh cả của toàn quân
Lòng quyết tâm diệt địch”.
Chủ đề thứ ba: Sáng mãi ngàn năm
Theo thông báo của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút ngày 4/10/2013 (tức ngày 30/8 năm Quý Tỵ), tại Hà Nội, hưởng thọ 103 tuổi. Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang. Ngay sau khi Đại tướng qua đời, các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài đã có bài viết về Đại tướng, họ gọi ông là vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung đã nói lên phần nào những đánh giá đó:
NGUYÊN SOÁI ANH HÙNG ĐẤT VIỆT
“Đất Việt tướng tài bậc vĩ nhân
Là người Anh Cả của toàn quân
Thắng hai đế quốc vang danh Võ
Thống nhất sơn hà rạng tiếng Văn
Bách tuế sắt son trung với nước
Trọn đời chung thủy: Hiếu vì Dân
Như cây đại thụ trong trời đất
Nguyên soái Anh hùng Đại tướng Văn”.
Như một bản tổng kết chủ đề ba, qua bài thơ “THƯƠNG TIẾC ĐẠI TƯỚNG – NGƯỜI HIỀN”, nhà thơ nói lên niềm tiếc thương, xót xa Đại tướng ra đi và niềm mong ước Đại tướng được an nghỉ nơi cực lạc, độ trì cho dân cho nước:
“Tiếc thương Đại tướng đi rồi
Trời non nước Việt bời bời niềm đau
Ngàn xưa cho tới muôn sau
Người như tướng Võ phải đâu dễ tìm
Xót xa triệu triệu con tim
Hòa chung nhịp đập một niềm tiếc thương
Người về cực lạc Tây phương
Độ trì đất nước con đường tiến lên
Mạnh giàu vạn thuở bình yên!”
Đại tướng đã về trời, để lại tấm gương sáng mãi ngàn năm, nhân dân Việt Nam và nhân loại đời đời nhớ ơn:
“Gương trong Đại tướng – người Hiền – sáng soi
Tiếc thương Đại tướng về trời
Nhân dân, nhân loại đời đời nhớ ơn
Tượng đồng, bia đá cũng mòn
Tâm – tài Đại tướng như non nước mình!”
PGS.TS. NGƯT Bùi Minh Trí
(Hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội – UV BCH TW Hội CGC Việt Nam, Chủ tịch CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam)
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/mot-tac-pham-co-y-nghia-de-doi-cua-nha-giao–nha-bao–nha-tho-nguyen-thi-my-dung-post209535.html