Lan huệ sầu ai?

11:16 | 15/08/2022

Ngày còn nhỏ, khi còn ở bên nội, tôi thấy quanh nhà nội có hàng rào tre gai chen lẫn mấy bụi tre mạnh tông bao bọc mảnh vườn nhỏ trồng nhiều cây mãng cầu ta.


Loại mãng cầu này trái tròn bằng nắm tay, có nhiều mắt, khi chín nở lớn, căng mịn, nứt vỏ. Nếu không kịp leo hái trái mãng cầu xuống thì lũ chim trao trảo nghe mùi thơm kéo nhau bay vào vườn ăn sạch. Góc vườn giáp với hàng rào tre có cây khế chua. Mỗi khi khế trổ bông, suốt ngày tôi nghe tiếng lũ ong bầu vo ve trên những chùm bông màu đỏ tím.

Tôi không biết lũ ong bầu thích mùi phấn hương hay tìm mật ẩn kín trong nhụy bông khế. Nhưng với trẻ con tinh nghịch, ưa khám phá, tìm tòi, thích những trò chơi của tuổi thơ, việc bắt ong bầu dằn lên đáy cái thùng nhôm để nghe tiếng chúng kêu u u rất lạ tai lại là trò chơi thú vị. Cứ chú ong bầu của đứa nào kêu to nhất là đứa đó thắng cuộc chơi âm thanh. Ở góc sân nhà nội tôi, sát hàng cây bông gòn, nơi có mương nước rất trong, còn có cây lê-ki-ma trái tròn giống như hột gà nên còn gọi là cây trứng gà. Trái lê-ki-ma chín có màu vàng ươm, nhìn rất ngon mắt.

Thứ tôi thắc mắc, quan tâm nhất không phải là cây trái trong vườn nhà nội mà là một loài hoa nảy chồi lá từ củ vùi sâu trong lớp đất pha cát suốt mùa nắng. Chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, chồi lá đã trồi lên. Loài hoa có củ này có nhiều dưới thềm nhà nội tôi, mọc thành từng bụi nhỏ. Những cọng lá xanh nhô lên cao khỏi mặt đất, lớn dần. Khi cao khoảng 20 cm thì giữa những cọng lá ấy nhú lên một chồi hoa, độc nhất cái hoa có 6 cánh thon, dài màu hồng rất mỏng manh, không hương thơm nhưng rất đẹp. Vẻ đẹp yếu đuối, mong manh ấy tàn lụi sau một – hai ngày bung nở.

Hoa lan huệ Ảnh: TƯ LIỆU

Cũng không ai cho tôi biết loài hoa có củ ấy tên gọi là gì nhưng tôi rất ấn tượng về nó. Đó là sự bí ẩn đối với tuổi thơ tôi mà mãi sau này, tôi mới biết đó là loài huệ mưa, còn gọi là lan huệ. Chỉ riêng mình tôi gọi nó là “ẩn lan”, tên hàm chứa sự bí ẩn của loài hoa củ vùi sâu trong đất.

“Lan huệ sầu ai lan huệ héo/Lan huệ sầu tình trong héo ngoài tươi”. Trước khi biết tên loài hoa bí ẩn này là lan huệ, tôi đã nghe câu hát ru em của mẹ ngày bà còn xuân sắc khi mới về bên nội. Ba tôi đi kháng chiến, vắng nhà biền biệt… Những buổi trưa thôn xóm thanh vắng, chỉ có gió mùa khô lướt qua hàng rào tre rì rào cùng với nhịp võng đưa trước hiên nhà, mẹ đã ru em tôi ngủ bằng câu ca này.

Ngày ấy, có thể mẹ tôi đã biết có một loài hoa trước thềm nhà nội tên là lan huệ, hoặc có thể bà cũng không biết. Nhưng câu hát ru em của mẹ tôi từ thời xuân sắc về ở quê chồng, mà chồng thì biền biệt xa, đã trở thành mối cảm hoài ẩn sâu trong câu hát ru em buồn não lòng ấy. Khi lớn lên, tôi càng hiểu thêm tình ý của câu hát ru “Lan huệ sầu ai”. Và tất nhiên, tôi cũng rất trân trọng, dành nhiều thiện cảm cho loài hoa có cuộc đời bị vùi lấp rất sâu trong đất, chịu hết sự khô cằn, nắng lửa để chỉ đợi lúc mưa rào.

Bây giờ, tôi về ở quê ngoại, trong căn nhà cất trên mảnh vườn tôi mua lại của người bà con cho mẹ ở suốt tuổi nghỉ hưu của bà đến khi bà mất. Trong lúc quét dọn vườn tược, tôi mới khám phá ra trong đám cúc bò, quanh kẹt hồ chứa nước mưa, ven lối đi có những củ lan huệ không biết sống sót thế nào trong đất vườn nhà, bỗng dưng nhú chồi xanh. Chúng mọc ra những cọng lá mảnh rồi nảy lên những cái hoa 6 cánh, không chỉ có màu hồng mà cả màu vàng và màu đỏ. Trời ơi, “ẩn lan” của tôi đó, là huệ mưa, là “Lan huệ sầu ai lan huệ héo/Lan huệ sầu tình trong héo ngoài tươi”!

Thế là tôi dành trọn một buổi tìm bứng những củ huệ mưa từ tuổi thơ thăm thẳm của đời người mọc rải rác nhiều chỗ đem trồng gom lại một nơi cho tiện việc chăm sóc, nhìn ngắm mỗi ngày. Tôi cũng khám phá ra sự bí ẩn khác của huệ mưa khá thú vị. Loài hoa này không chỉ ẩn mình cam chịu dưới lớp đất sâu suốt mùa nắng lửa đợi đến khi mưa đầu mùa trút xuống mới trồi lên khỏi đất rồi nở hoa, chứng tỏ sức sống mãnh liệt. Huệ mưa còn một tập tính khác: nếu được ngắt những cọng lá xanh sát củ, chúng sẽ ra lá mới và lại cho hoa liên tục.

Thiên nhiên có những điều thật kỳ diệu mà chỉ ai ở gần, sát với thực tiễn mỗi ngày để nhìn thấy tận mắt, mới dần khám phá ra. Thú vị hơn cả là câu ca dao, câu hát ru em “Lan huệ sầu ai” mà ta nghe, mỗi người sẽ cảm nhận sâu hơn về loài hoa vốn có cuộc sống, vòng đời bí ẩn, đã mang sẵn một cái tên rất buồn này.

Từ Kế Tường

Nguồn báo điện tử Người lao động

https://nld.com.vn/van-nghe/lan-hue-sau-ai-20220814195934888.htm


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam