Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống tại Hà Nội

9:18 | 03/08/2022

Những làng nghề của Hà Nội là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và tạo thu nhập cho hàng vạn người dân nông thôn và giàu tiềm năng để khai thác phát triển du lịch. Tuy vậy, những năm gần đây, số làng nghề trên địa bàn thành phố giảm nhanh, đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều nghề truyền thống đã mai một…


Số làng nghề giảm

Theo khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 806 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống.

Số hộ tham gia nghề dệt Vạn Phúc giảm theo năm tháng.

Mặc dù đạt một số kết quả đáng khích lệ song công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố còn rất nhiều khó khăn. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến, trước đây, thành phố Hà Nội có 1350 làng nghề và làng có nghề, tuy nhiên, qua điều tra, rà soát cho thấy đã mai một 544 làng nghề, làng có nghề; hiện còn 806 làng nghề, làng có nghề đang hoạt động.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung ở thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết, nghề mây tre đan ở địa phương đã có từ hàng trăm năm nay, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân. Những năm qua, mây tre đan Phú Vinh được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, thời gian gần đây, làng nghề cũng gặp khó khăn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất. “Trước đây, các loại mây, song phục vụ sản xuất có thể mua dễ dàng từ các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng hiện nay nguồn cung từ các vùng này bị thiếu hụt nghiêm trọng, chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Indonesia… nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, không chủ động được nguồn nguyên liệu”, ông Trung cho biết.

“Do đó, để tồn tại làng nghề may tre đan, ngành chức năng sớm có quy hoạch vùng nguyên liệu”, ông Nguyễn Văn Trung đề xuất.

Trong khi đó, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) băn khoăn trước tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh, kinh tế – xã hội phát triển mạnh nên nhiều người bỏ nghề dệt lụa chuyển sang các nghề khác có lợi nhuận cao hơn. Nếu như năm 2001, cả làng có 500 máy dệt thì hiện chỉ còn 300 máy hoạt động mà những người giữ nghề chủ yếu đã lớn tuổi, nếu thế hệ này mai một, nghề sẽ khó bảo tồn…

Mặc dù, Trung ương và thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề song làng nghề vẫn là ngành kinh tế yếu thế. Qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, đặc biệt là giao thông xuống cấp hoặc chưa đồng bộ. Các làng nghề gắn với phát triển du lịch chưa có đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như: Bãi đỗ xe, khu vệ sinh, nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông, chiếu sáng, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên… Các cơ sở sản xuất chủ yếu là quy mô hộ, ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề…

Thích ứng với xu thế mới

Trước rất nhiều khó khăn, để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, ông Đào Ngọc Hùng, chủ cơ sở may comple ở xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) mong muốn được thành phố hỗ trợ xây dựng, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất làng nghề tham gia bán hàng bằng hình thức thương mại điện tử…

Ông Bùi Văn Hiếu, đại diện làng nghề mây tre đan thôn Trê, xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức) cho rằng: Hà Nội sớm hỗ trợ điểm sản xuất tập trung để chuyển sản xuất ra xa khu dân cư, vừa an toàn phòng cháy, chữa cháy, vừa giảm ô nhiễm môi trường và thuận tiện cho sản xuất… Đó là những mong muốn của rất nhiều người ở các làng nghề của Hà Nội.

Làng nghề Bát Tràng gắn giới thiệu sản phẩm với phát triển du lịch.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho làng nghề, theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, trên địa bàn thành phố có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ để tìm đầu ra cho sản phẩm cần sự phối hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương, Sở Du lịch để có mẫu mã, thiết kế phù hợp với thị hiếu hiện nay và đặc biệt sản xuất sản phẩm quà tặng du lịch… Làng nghề Hà Nội có thợ giỏi nhưng để bán được sản phẩm trong quá trình hội nhập phải xây dựng được câu chuyện hấp dẫn du khách, phù hợp với thị hiếu đương đại. Với lợi thế của Thủ đô, các làng nghề của Hà Nội khai thác lợi thế để phát triển du lịch, vừa nâng giá trị cho sản phẩm, vừa tạo thêm nhiều việc làm.

Về định hướng phát triển làng nghề Hà Nội, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, Hà Nội đã đóng góp nhiều cho phong trào nông thôn mới cả nước với 15/18 huyện đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 83%), 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới… Công tác phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP Hà Nội cũng là bức tranh sáng của cả nước. Sản phẩm làng nghề là tiền đề để phát triển sản phẩm OCOP, coi phát triển làng nghề là bước đi trước cho sản phẩm OCOP. Hà Nội với lợi thế của mình cần rà soạt lại cơ chế chính sách để phát triển làng nghề, mỗi làng nghề, nhóm làng nghề cần có kế hoạch phát triển riêng. Đồng thời, Hà Nội phát huy tinh hoa sáng tạo của mỗi người thợ, mỗi nghệ nhân trong phát triển sản phẩm; Xây dựng cảnh quan môi trường làng nghề, góp phần vào hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hà Nội cũng cần nghiên cứu xây dựng môi trường làng nghề xanh sạch đẹp gắn với du lịch…

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đặc thù là Thủ đô nên Hà Nội rất khó có nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các làng nghề, do vậy, thành phố cần liên kết với các tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, những năm qua, thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề thành phố; ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch, triển khai chương trình OCOP, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của thành phố…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, với mong muốn khôi phục và chấn hưng làng nghề, không để các làng nghề truyền thống bị mai một, nghề quý bị “thất truyền”, tạo sự bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch làng nghề, các địa phương triển khai mô hình phát triển sản xuất hộ gia đình, doanh nghiệp làng nghề, trong đó hạt hân là các nghệ nhân kết hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp du lịch để qua đó thực hiện có hiệu quả Chương trình 04 của Thành ủy về Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn cho làng nghề phù hợp cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; có cơ chế, chính sách về đất đai xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài…

Bài và ảnh: XM/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/bao-ton-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-tai-ha-noi-20220801230846497.htm


Cùng chuyên mục

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Thủ tướng: Mãi mãi tỏa sáng truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam

Thủ tướng: Mãi mãi tỏa sáng truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam