Hồng Châu hay Hồng Lộ xưa kia là một vùng đất rộng lớn, bao gồm một phần vùng đất thuộc Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng ngày nay. Nơi đây là trung tâm đồng bằng Bắc bộ, giữa tứ giác sông Thái Bình, sông Hồng, sông Đuống và sông Luộc. Vùng đất này cũng lưu lại giai thoại về cụ tổ nghệ thuật hát Chèo.
Theo sử sách ghi chép lại thì Hồng Châu xưa kia là chiếc nôi sinh ra nhiều đoàn hát nổi tiếng. Thời nhà Đinh có bà Phạm Thị Trân rất thông tuệ nghệ thuật hát, từ nhỏ đã tham gia các gánh hát đoàn múa đi khắp nơi diễn trò, đến khi trưởng thành thì có giọng hát trong trẻo, lại nết na xinh đẹp, chẳng bao lâu đã nổi tiếng nhất trong các đoàn chèo ở Hồng Châu.
Theo “Hý phường phả lục” của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, vào những năm niên hiệu Thái Bình, vua Đinh Tiên Hoàng ban chiếu tìm người giỏi ca múa, viên quan trấn thủ Hồng Châu lập tức tìm ngay đến Phạm Thị Trân rồi đưa đến Hoa Lư tiến cử với đức Vua.
Nhà Vua sau khi được thưởng thức tiếng hát thì tấm tắc khen ngợi, rồi phong cho Phạm Thị Trân chức quan Ưu Bà. Chức quan này chịu trách nhiệm dạy quân sĩ ca múa, đánh trống cùng các nhạc cụ khác nhằm cải thiện tinh thần binh sĩ.
PhạmThị Trân chỉ dạy cho binh sĩ lời ca tiếng hát cùng nhạc cụ, lúc đấy gọi là hát Nhời hay còn gọi là hát Chèo, chính vì thế mà bà được tôn là tổ nghề của nghệ thuật hát Chèo.
Nhà Vua còn yêu cầu có được phép đánh trống không chỉ để biểu diễn mà còn áp dụng được trong chiến trận. Theo ý Vua, bà Trân đã sáng tạo ra phép đánh trống hào hùng mạnh mẽ.
Từ đó hát chèo được phổ biến ở kinh đô Hoa Lư rồi lan ra khắp cả nước.
Trung tâm phát triển của hát Chèo vẫn là ở Đồng bằng sông Hồng. Đến mùa thu hoạch, tiếng hát Chèo vang vang trên khắp các cánh đồng lúa, nguời phương xa nghe tiếng Chèo có thể đoán biết được mùa màng có bội thu hay không.
Chèo trở thành loại hình nghệ thuật không hể thiếu trong các lễ hội trước đây, nhạc cụ chủ yếu là trống Chèo, tiếng trống không chỉ được dùng khi hát mà còn được sử dụng trong các lễ hội và cầu chúc mùa màng tươi tốt.
Các vở hát Chèo miêu tả cuộc sống bình dị của người dân. Các truyện cổ tích, truyện nôm, thông qua các vở diễn Chèo mà mang tính nghệ thuật sâu sắc. Những lời dạy của tổ tiên được truyền tải lại thông qua nghệ thuật Chèo khắc sâu vào tư tưởng người xem.
Xưa kia mỗi khi nghe tiếng trống Chèo là người dân biết có đoàn Chèo đến, nhiều người chạy tới xem, vì thế mà có câu:
Ăn no rồi lại nằm khoèo,
Nghe giục trống Chèo vỗ bụng đi xem.
Chẳng thèm ăn chả ăn nem,
Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát Chèo.
Xưa kia người dân mê hát Chèo, nên các đoàn diễn thường phải diễn liên tục phục vụ người dân. Nổi tiếng có thể kể đến như làng Khuốc (nay là xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) có rất nhiều đoàn Chèo, đầu thế kỷ 19 có đến 15 gánh Chèo, không chỉ phục vụ trong làng mà còn đi khắp nơi biểu diễn. Chèo làng Khuốc đã đi vào câu ca người Việt:
Hỡi cô thắt dải lưng xanh,
Có xem chèo Khuốc với anh thì về.
Vùng đất Nam Định cũng có nhiều làng Chèo tiếng, nhà thơ Nguyễn Bính cũng từng nhắc đến Chèo làng Đặng ở đây:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”
Sau này này nhạc cụ hát Chèo thêm cả đàn Nguyệt, đàn Nhị và đàn Bầu. Thế nhưng tiếng trống vẫn là quan trọng nhất, vì thế mà có câu “phi trống bất thành Chèo”.
Ngày nay các chiếu Chèo, làng Chèo ở miền bắc đều có đền thờ tổ để nhớ ơn cụ tổ nghề hát Chèo Phạm Thị Trân. Ngày 12 tháng 8 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ, các buổi biểu diễn được tổ chức nhớ về cụ tổ cũng như thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Chèo xưa kia.
Theo Trithucvn