Một trong những sao chổi từng du hành ở nơi xa nhất của hệ Mặt Trời vừa được phát hiện đang tiến gần Trái Đất, trong đó thời điểm áp sát nhất chính là hôm nay 14-7.
Theo Live Science, đó chính là sao chổi “C/2017 K2 (PANSTARRS)”, được gọi tắt là K2, được Kính viễn vọng Khảo sát toàn cảnh và hệ thống phản ứng nhanh (Pan-STARRS, đặt tại Hawaii – Mỹ) phát hiện vào năm 2017 ở vùng ngoài cùng của hệ Mặt Trời.
Trong ngày 14-7, K2 sẽ tiếp cận Trái Đát gần nhất ở khoảng cách 270 triệu km, tức bay vòng ngoài quỹ đạo Sao Hỏa. Tuy nhiên, nó rất to lớn nên đây là dịp cực tốt để các đài thiên văn ghi hình nó.
Đốm sáng mờ ảo hiện lên trong hình ảnh ngày 26-6 chính là sao chổi K2, đang tiến ngày một gần về phía Trái Đất – Ảnh: DỰ ÁN KÍNH VIỄN VỌNG ẢO
Người dân có thể xem trực tuyến đường đi của sao chổi thông qua công cụ của Dự án Kính viễn vọng ảo, sẽ được tờ Space chuyển tiếp lại trên trang chủ Space.com, bắt đầu từ 22 giờ 15 phút giờ GMT (tương đương với 5 giờ 15 phút sáng 15-7 giờ Việt Nam).
K2 từng lang thang đến tận vùng xa xôi giữa Sao Thổ và Sao Thiên Vương, nhưng trong 5 năm quá nó đã liên tục hướng về phía Trái Đất.
Sao chổi khổng lồ này là một khối khí đông lạnh, đá và bụi, đang dần thăng hoa khi tiến gần đến Mặt Trời. Hiện tượng sao chổi thăng hoa là do sức nóng của Mặt Trời khiến băng rắn của nó chuyển trực tiếp thành khí, tạo nên một quầng coma tuyệt đẹp bao vây sao chổi.
Quan sát từ Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA cho rằng đường kính của sao chổi K2 có thể khoảng 12 km, tuy nhiên Kính viễn vọng Canada – Pháp – Hawaii (CFHT, đặt tại Hawaii) thì cho rằng hạt nhân của K2 có thể có đường kính từ 30-160 km.
Anh Thư
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/khoa-hoc/sao-choi-sa-xuong-trai-dat-dem-nay-co-duong-kinh-to-toi-160-km-20220715081003757.htm