Bộ phim “Người vợ của Tchaikovsky” của đạo diễn Nga Kirill Serebrennikov vừa lọt vào chương trình tranh giải chính thức của Liên hoan phim Cannes. Tuy nhiên, bộ phim đã gây ra những phản ứng trái chiều.
Các nhà phê bình và khán giả cho rằng, các mối quan hệ riêng tư phức tạp của Tchaikovsky được thể hiện quá sơ sài. Trong khi đó, cuộc sống đời thực của ông là một chuỗi bi kịch, đặc biệt là trong tình yêu.
Cú sốc đầu đời
Bộ phim kể về cuộc hôn nhân ngắn ngủi của Tchaikovsky với Antonina Milyukova suýt nữa khiến nhạc sĩ mất mạng, còn bà đã phải trả giá bằng lý trí của mình. Tuy nhiên, mối quan hệ của nhạc sĩ vĩ đại với phụ nữ luôn trắc trở.
Tchaikovsky yêu lần đầu vào năm 28 tuổi, ông gặp nữ ca sĩ opera nổi tiếng người Bỉ Désirée Artôt ở Matxcơva. Bà nhiều hơn ông 5 tuổi và đã là một ngôi sao ca nhạc. Thời gian này, Tchaikovsky còn là một nhạc sĩ trẻ. Trong khi đó, Désirée Artôt đã được cả châu Âu biết đến. Tchaikovsky bị mê hoặc bởi tài năng và trí tuệ sắc sảo của Désirée. “Người phụ nữ này khiến tôi phát điên. Chúa ơi, tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình có thể bị quyến rũ đến mức ấy”, Tchaikovsky nói về Désirée Artôt.
Nhạc sĩ đã viết tặng bà một số bản tình ca dành cho piano. Trong những lần gặp nhau, họ thường đàm đạo về nghệ thuật. Và tình yêu của cặp đôi đam mê âm nhạc ngày càng trở nên lãng mạn. Tất cả giới thượng lưu Matxcơva xì xào về mối quan hệ giữa Artôt và Tchaikovsky. Tình yêu của họ đã tưởng tiến tới hôn nhân. Đúng lúc đó, mối tình của họ xuất hiện trở ngại.
Mẹ của Désirée Artôt cho rằng chàng nhạc sĩ trẻ vô danh không xứng đôi với cô con gái nổi tiếng của bà. Bạn bè của Tchaikovsky cũng khuyên không nên kết hôn, điều đó sẽ tước đi cơ hội phát triển của ông.
Trong khi cặp tình nhân giãi bày với mọi người xung quanh thì tình cảm của họ bắt đầu giảm sút. Mệt mỏi chờ đợi quyết định dứt khoát của Tchaikovsky, Désirée Artôt đi lưu diễn ở châu Âu, và chẳng bao lâu kết hôn với một ca sĩ Tây Ban Nha. Nửa năm sau, khi Artôt trở lại Matxcơva, Tchaikovsky đến dự buổi biểu diễn của bà. Bạn bè kể lại, suốt buổi biểu diễn ông không rời mắt khỏi ống nhòm, nước mắt chảy dài trên má.
Rất có thể, chính cú sốc đầu đời này đã báo hiệu những bi kịch riêng tư của nhạc sĩ về sau. Và bi kịch lớn nhất là hôn nhân.
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi
Sau thất bại với Artôt, Tchaikovsky dành toàn tâm toàn ý cho công việc sáng tác. Các tác phẩm giao hưởng, thính phòng, ba lê và opera của ông đều thành công vang dội. Công chúng đánh giá cao cách tiếp cận tác phẩm âm nhạc sáng tạo và giàu cảm xúc của Tchaikovsky.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Tchaikovsky là một thiên tài âm nhạc. Ông liên tiếp được mời đi lưu diễn nhiều nơi ở Nga và châu Âu. Cựu sinh viên Nhạc viện Matxcơva là Antonina Miliukova mê đắm tất cả tác phẩm của Tchaikovsky, bà quyết định viết cho ông một bức thư tình. Trong thư, Antonina Miliukova mong muốn được sống cùng Tchaikovsky nếu không sẽ tự sát… Xiêu lòng, Tchaikovsky viết thư trả lời người phụ nữ quá hâm mộ mình. Chẳng bao lâu sau, chính Antonina đã ngỏ lời cầu hôn nhạc sĩ qua thư, Tchaikovsky đồng ý.
Họ đính hôn năm 1877, khi đó Tchaikovsky đã 37 tuổi, Miliukova mới 29 tuổi. Nhạc sĩ thật thà thừa nhận, ông không có tình cảm mặn nồng với Antonina. Bà chiếm cảm tình của ông bằng sự tận tụy và phục vụ ông như một kẻ mù quáng.
“Cô ấy rất đảm đang, hài lòng với mọi thứ và không muốn gì hơn ngoài niềm vui được ủng hộ và an ủi anh. Anh vẫn chưa thể nói rằng yêu cô ấy, nhưng anh cảm thấy tình yêu sẽ đến khi hai đứa bén hơi nhau” – Tchaikovsky viết cho em trai Modest. Tuy nhiên, những hy vọng đầy lạc quan ấy đã tan biến sau đêm tân hôn.
Hai vợ chồng nằm hai giường khác nhau, và đây là một đòn nữa giáng mạnh vào Antonina Miliukova. Những cố gắng chung đụng xác thịt với chồng sau đó chỉ làm nhạc sĩ thêm khó chịu.
Tchaikovsky không thể làm việc được nữa, ông bắt đầu uống rượu. Tuy nhiên, ông không thể ly hôn vợ vì chẳng có lý do chính đáng. Việc tiếp tục chung sống đối với Tchaikovsky và Miliukova đã trở thành địa ngục thực sự.
Một lần, trong cơn tuyệt vọng, Tchaikovsky đã lội xuống sông Matxcơva một cách vô thức, ông uống nhiều nước và khi trở về nhà bị cảm lạnh. Em trai ông, Modest phát hiện sự việc và đã đưa anh trai sang Thụy Sĩ để chữa bệnh. Tại đây, được sự quan tâm của một người phụ nữ khác, có lẽ là người đóng vai trò tích cực chính trong cuộc đời Tchaikovsky, nhạc sĩ đã sống ở nước ngoài một thời gian khá lâu và bình phục hoàn toàn. Sau đó, Tchaikovsky và Miliukova hoàn toàn sống ly thân, nhưng đến tận cuối đời, Miliukova vẫn không đồng ý ly hôn với Tchaikovsky.
Niềm tin, hy vọng, tình yêu
Nam tước phu nhân Nadezhda Von Meck (1831 – 1894), một góa phụ 45 tuổi với khối tài sản hàng triệu USD, tình cờ gặp Tchaikovsky trong một cuộc dạo chơi bằng xe ngựa ở làng Brailov (Thụy Sĩ) cuối năm 1876.
Bà hơn Tchaikovsky 9 tuổi, và đã có một con gái. Một thứ tình yêu sét đánh đã khiến bà mê Tchaikovsky ngay từ buổi gặp đầu tiên. Lần thứ hai họ gặp nhau tại hòa nhạc. Tuy nhiên, hai người ngồi cách xa nhau. Bà ngồi trong phòng riêng với con gái. Tchaikovsky chỉ nhìn thấy họ qua ống nhòm.
Nam tước phu nhân Von Meck đã tài trợ cho Tchaikovsky trong 12 năm liền (1877 – 1890). Bà không đặt hàng nhạc sĩ mà trả lương cho ông mỗi năm 6 nghìn rúp (số tiền rất lớn thời đó), để ông có thể bỏ luôn chức giáo sư ở nhạc viện, chuyên tâm vào sáng tác. Tổng số tiền bà Von Meck tài trợ cho Tchaikovsky trong suốt 12 năm lên tới 85 nghìn rúp.
Sự ủng hộ tài chính và tinh thần của bà Von Meck đã có tác động lớn đến sự nghiệp âm nhạc của Tchaikovsky, một người vốn có tâm lý thiếu tự tin vào khả năng của bản thân. Nhờ đó, ông có thể vượt qua các chỉ trích của giới phê bình đương thời, kiên định con đường của mình.
Để cảm ơn bà, Tchaikovsky đã đề tặng giao hưởng số 4 với dòng chữ: “Tặng người bạn tốt nhất của tôi”.
Từ tháng 10/1890, do công việc làm ăn sa sút, bà Von Meck không còn khả năng tài trợ cho Tchaikovsky nữa. Ngay sau khi bà ngừng tài trợ, quan hệ giữa hai người cũng nhạt dần.
Về phía Tchaikovsky, ông đã bị dư luận xã hội chỉ trích vì sau khi đã được Sa hoàng Alexander III cấp cho một khoản tiền hàng năm hậu hĩnh, ông vẫn tiếp tục nhận tài trợ của bà Von Meck, thậm chí còn luôn đòi bà gửi tiền trước hạn vài tháng.
Tchaikovsky qua đời ngày 6/11/1893 ở tuổi 53 vì bệnh tả.
Hơn hai tháng sau đó, Nam tước phu nhân Von Meck cũng qua đời ở tuổi 62 vì bệnh lao.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/duong-tinh-duyen-lan-dan-cua-pyotr-tchaikovsky-post599429.html