Với hơn 50 tác phẩm của “bộ tứ” Đông Dương bên trời Âu: Phổ – Thứ – Lựu – Đàm, hứa hẹn sẽ là triển lãm nghệ thuật lớn nhất tại Việt Nam.
Triển lãm “Timeless Souls: Beyond the Voyage – Hồn xưa Bến lạ” sẽ diễn ra vào ngày 11 – 14/7/2022 tại TPHCM, do nhà đấu giá quốc tế Sotheby’s – sàn đấu giá lớn nhất châu Á và thế giới bảo trợ.
Văn hóa Việt bên trời Tây
Mới đây, trên trang thông tin của nhà đấu giá quốc tế Sotheby’s đưa thông báo về cuộc triển lãm sắp tới tại Việt Nam. Đây là dự án triển lãm phi thương mại đầu tiên của Sotheby’s hay bất kỳ nhà đấu giá quốc tế nào khác được mở tại Việt Nam. Đặc biệt, với hơn 50 tác phẩm của “bộ tứ” Đông Dương bên trời Âu – đang thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng mộ điệu và giới mỹ thuật Việt Nam.
Với cương vị giám tuyển khách mời của triển lãm, nhà nghiên cứu Ace Lê cho hay, đây sẽ là một trong những triển lãm nghệ thuật Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam về cả giá trị và số lượng.
“Bộ tứ” lừng danh Phổ – Thứ – Lựu – Đàm đã lần lượt di cư sang Pháp trong các thập kỷ 1930 – 1940. Họ thường xuyên lồng ghép tâm tư hoài cố hương của mình vào trong các tác phẩm được sáng tác nơi hải ngoại. Họ mượn những gì còn đau đáu trong ký ức để thể hiện các lát cắt khác nhau về đời sống và văn hóa Việt trong tranh, thông qua các chủ đề quen thuộc.
Dù vẽ hoa cỏ hay cảnh quan, gia đình hay phong tục, văn hóa hay kiến trúc, “bộ tứ” Phổ – Thứ – Lựu – Đàm đã tạo dựng được những biểu quan thị giác bắt nguồn từ cội rễ Việt, thu hút đông đảo khán giả quốc tế.
Theo Sotheby’s, với “Hồn xưa Bến lạ” thì chữ “Hồn” trong tiếng Việt vừa để chỉ phần sâu thẳm nhất của mỗi người. Đó là tiếng nói chung của một dân tộc cũng như nền văn hiến, và cả cốt cách của một tác phẩm nghệ thuật.
Tựa đề cho triển lãm theo đó hi vọng biểu trưng được những giá trị vĩnh cửu gửi gắm bản sắc Việt trong suốt quãng đời viễn xứ của bốn danh họa. Kết tinh trong tác phẩm là một hòa âm giữa truyền thống và văn hiến phương Đông với những kỹ thuật mỹ học mới mẻ trong phong trào hậu ấn tượng phương Tây.
Giám tuyển Ace Lê cho biết: “Triển lãm là sự kiện cần thiết để mở rộng sự tiếp cận tới công chúng cho các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương. Đặc biệt trong bối cảnh giá tranh Đông Dương tăng phi mã, và tình trạng thẩm định tranh còn nhiều tồn tại – cần tham vấn của các học giả người Việt”.
Ông Ace Lê cho biết thêm, đây sẽ là một bước tiến tích cực trên con đường xây dựng một thị trường tranh Việt minh bạch, uy tín. Vì vậy, nhà đấu giá Sotheby’s đã đồng ý bảo trợ cho dự án và biến thành một triển lãm phi thương mại, mở rộng để mọi người cùng thưởng lãm.
“Bộ tứ” tài danh
Giám đốc điều hành Sotheby’s châu Á – Nathan Drahi – cho biết : “Chúng tôi tự hào khi lần đầu tổ chức triển lãm tại nơi sôi động như TPHCM. Sự kiện là cơ hội để Sotheby’s chia sẻ những tác phẩm xuất sắc tới công chúng. Đồng thời, là cách quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam thông qua lăng kính của một nhóm nghệ sĩ tài danh vào hàng bậc nhất thế giới”.
Còn Jasmine Prasetio – Giám đốc điều hành Sotheby’s Đông Nam Á thì cho rằng, Sotheby’s đã giới thiệu được nhiều kiệt tác Việt Nam ra thế giới. Đồng thời ghi nhận vai trò của Việt Nam như một cái nôi văn hóa nghệ thuật quan trọng, kèm theo một cộng đồng nhà sưu tập đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Nằm trong nhóm các thị trường tăng trưởng nhanh trong khu vực, nghệ thuật Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ giới sưu tập toàn cầu. Sau khi phá kỷ lục giá mới nhất cho Lê Phổ tại phiên đấu vừa qua tại Hồng Kông, hiện Sotheby’s đang nắm giữ cả ba kỷ lục về giá cao nhất cho tranh.
Trong thời gian qua, tranh của bốn danh họa Thứ – Phổ – Đàm – Lựu đã thu hút giới sưu tập thế giới thông qua các buổi đấu giá với mức gõ búa cao ngất ngưởng. Họ là bốn họa sĩ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương và là những học trò xuất sắc nhất của trường.
Mai Thứ được Lê Phổ coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925 – 1930). Lê Phổ là học trò cưng của Giáo sư Tardieu, thường tháp tùng ông sang Pháp. Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926 – 1931).
Đáng chú ý có một nữ danh họa là Lê Thị Lựu – thủ khoa hội họa khóa III (1927 – 1932). Bà sinh năm 1911 tại Bắc Ninh, sau khi tốt nghiệp bà tham gia giảng dạy tại Trường Bưởi.
Từ năm 1935 – 1937, bà vào Nam dạy vẽ ở Trường Áo Tím (sau này là Gia Long, Nguyễn Thị Minh Khai), vẽ ký họa cho các báo Phụ Nữ Tân Văn, Đàn Bà Mới, ký tên Văn Đỏ. Năm 1938, bà bị lao phải trở về Hà Nội điều trị. Năm 1939, bà dạy Trường Bưởi, Trường Nữ Sư Phạm (Trưng Vương sau này) ở Hà Nội.
Tháng 3/1940, bà theo chồng sang Pháp và tham gia nhiều triển lãm, tạo được tên tuổi nơi xứ người. Tranh lụa của Lê Thị Lựu là một thế giới khác hẳn, bà tái tạo xã hội Việt Nam tiền chiến với những đứa bé ngây thơ, những nàng sơn nữ tuyệt đẹp trong một nghệ thuật ấn tượng toàn bích.
Vì thế, giới phê bình gọi tranh của bà là “Ấn tượng hoàng hôn”. Bởi khi bà trở lại với hội họa năm 1956, thì trường phái Ấn tượng đã về chiều, không còn mấy người vẽ. Bà đem cái hoàng hôn thơ mộng ấy, xây dựng lại một thế giới mới – thế giới Việt Nam của riêng bà, để giới thiệu ra bên ngoài.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/lan-dau-mo-trien-lam-tai-viet-nam-sotheby-s-dem-den-bat-ngo-gi-post599261.html