Khi làm phim tiểu sử phải tránh những chi tiết gây hiểu lầm là vu khống, bôi nhọ và tôn trọng các thỏa thuận để không xảy ra kiện tụng về sau
Dẫu nhiều thách thức, song người trong giới nhận định đây là dòng phim tiềm năng, cần được phát triển ở thị trường Việt.
Phim là hư cấu
Kể từ những suất chiếu sớm bắt đầu từ 19 giờ ngày 10-6, các phim về Trịnh Công Sơn với hai phiên bản gồm “Em và Trịnh”, “Trịnh Công Sơn” do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn đã liên tục gây tranh cãi. Đầu tiên, khán giả tranh cãi trái chiều về nội dung phim, về độ giống và khác nhau giữa 2 phiên bản.
Gần đây, hàng loạt tranh luận nổ ra khi ca sĩ Khánh Ly lên tiếng trên truyền thông rằng nhân vật Khánh Ly trong “Em và Trịnh” có nhiều chi tiết không giống với bà ngoài đời. Cụ thể, bà không bao giờ “đút sữa chua” cho ông Trịnh Công Sơn hay dám dùng những từ ngữ suồng sã với ông như một câu thoại trong phim đã sử dụng là “anh thó của ông Văn Cao à”.
Bà cũng không lên B’lao thăm cố nhạc sĩ như một phân cảnh trong phim. Nữ ca sĩ cho rằng phim phản ánh không chân thật mối quan hệ giữa bà và nhạc sĩ. Khánh Ly lên tiếng không bao lâu thì ca sĩ Thanh Thúy cũng khẳng định hình ảnh trên phim không phải là bà từ trang phục đến phong cách sống. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chưa từng đưa bà về đến đầu ngõ như những gì phim cho khán giả thấy.
Cảnh trong phim “Em và Trịnh” – tác phẩm gây nhiều tranh cãi hiện nay. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Từ chia sẻ của 2 nữ ca sĩ, một bộ phận công chúng cho rằng phim là hư cấu và phim tiểu sử không phải phim tài liệu nên yếu tố hư cấu để câu chuyện mượt mà theo cách kể của đạo diễn là điều hiển nhiên. Những tình tiết không thật giống với ngoài đời nhưng lại không quá đà, phù hợp với mạch phim, tạo được độ hấp dẫn nhất định cho câu chuyện thì vẫn được chấp nhận trong khuôn khổ trên màn ảnh.
Một bộ phận công chúng khác thì lên án gay gắt ê-kíp sản xuất, cho rằng ê-kíp khắc họa sai lệch nhân vật so với đời thật, yêu cầu các ca sĩ nên khởi kiện… Điều đáng chú ý, ca sĩ Khánh Ly, Thanh Thúy lên tiếng vì họ liên quan trực tiếp đến phim, có quyền luận bàn. Thế nhưng không ít người lao vào tranh luận theo hướng giống hay không giữa nhân vật và người thật rồi đưa ra những nhận định khá cực đoan.
Phim tiểu sử mới lạ tại thị trường Việt nhưng không xa lạ với thế giới khi hàng loạt nhân vật từ âm nhạc cho đến lịch sử, thể thao, thời trang xuất hiện trên màn ảnh: “Rocketman” kể về Elton John, “Bohemian Rhapsody” kể về Freddie Mercury, “House of Gucci” nói về sóng gió gia tộc Gucci xoay quanh “góa phụ đen” Patrizia Reggiani… Những chỉ trích, không hài lòng từ phía nhân vật, người thừa kế di sản của nhân vật (nếu nhân vật qua đời) cũng không ít, thậm chí còn kiện tụng ra tòa.
Khán giả hiểu phim là hư cấu và đã hư cấu thì dù giống hay khác với sự thật bao nhiêu phần trăm vẫn là hư cấu. “Những tranh cãi quanh yếu tố hư cấu hay không, hư cấu bao nhiêu là đủ xoay quanh phim “Em và Trịnh” tôi thấy chệch hướng và bất công cho phim. Tác phẩm điện ảnh bản chất là hư cấu và khán giả thưởng thức phim là xem một nhân vật, chứ không thể từ nhân vật trên phim lại quy chụp vào đời thật. Thiết nghĩ, khán giả chỉ nên tranh luận kịch bản có tốt không, diễn xuất của diễn viên có thuyết phục, hình ảnh và âm thanh của phim có đẹp, tác phẩm mang đến giá trị gì cho người xem” – đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh phân tích.
Không vì khó khăn mà tránh né
Phim thuộc dòng nào cũng có cái khó riêng nhưng phim tiểu sử ở thị trường Việt được nhận định nhiều thử thách hơn so với dòng phim khác. Dòng phim này có lợi thế vì nhân vật được kể là người nổi tiếng, đông đảo công chúng biết đến, nhiều tư liệu để tham khảo, nghiên cứu. Tuy nhiên, cái khó là biên kịch và đạo diễn phải chọn câu chuyện mình muốn kể trong một cuộc đời kéo dài nhiều năm với nhiều góc nhìn khác nhau của nhân vật.
Trong vô số tư liệu, nhà làm phim chắt lọc những gì cần nhất. Những tình tiết hư cấu trong phim phải phù hợp với mạch tác phẩm, tạo điểm nhấn, cao trào nhưng hẳn nhiên không quá đà dẫn đến bị cho là mang tính bôi nhọ, vu khống để tránh kiện tụng. Sự thảo luận, thỏa thuận giữa nhân vật (nếu còn sống) và nhà làm phim cũng cần các biên bản ghi nhớ hợp pháp giữa đôi bên cũng vì tránh đưa nhau ra tòa về sau.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng từng khẳng định làm phim về nhân vật có thật vô cùng khó. “Cùng một câu chuyện mỗi người lại kể theo cách khác nhau. Nếu làm phim theo lời kể của người này thì người khác sẽ nói câu chuyện không đúng như vậy. Chúng tôi nghiệm ra rằng sự thật là những gì mà người kể câu chuyện cho là sự thật, là ký ức của họ và họ tin vào đó. Vì thế, chúng tôi quyết định kể câu chuyện riêng mình muốn kể” – đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ.
Phim tiểu sử được nhận định nhiều tiềm năng và cũng có không ít dự án đang được triển khai: phim về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, phim “Viên đạn cuối cùng” nói về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, phim “Trưng Vương” nói về Hai Bà Trưng, phim “Quỳnh hoa nhất dạ” nói về thái hậu Dương Vân Nga. Dẫu nhiều khó khăn lẫn thách thức nhưng rõ ràng với tiềm năng lớn, nhà làm phim vẫn chọn đương đầu.
“Sau nhiều tranh cãi, nhà làm phim sẽ rút ra các kinh nghiệm để những dự án sau không lặp lại vấn đề gây tranh cãi trước đó. Tôi nghĩ sẽ có nhiều khó khăn nhưng không thể vì khó khăn mà nhà làm phim sẽ tránh né, không muốn thực hiện tác phẩm thuộc một dòng phim nào đó” – đạo diễn Mai Thế Hiệp lạc quan.
Thị trường phim Việt vẫn đang trong giai đoạn phát triển, đòi hỏi sự đa dạng thể loại để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Dòng phim tiểu sử mới ở giai đoạn đầu qua các tác phẩm khơi dòng, cần nhiều sự ủng hộ từ nhiều phía để tạo đà cho sự phát triển về sau.
MINH KHUÊ
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/khong-de-khi-lam-phim-tieu-su-20220627203825689.htm