Độc đáo lễ cúng dòng họ của người H’mông

14:55 | 24/06/2022

Lễ cúng dòng họ là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay và vẫn được duy trì trong cộng đồng người H’mông ở một số tỉnh


Trong các dân tộc anh em ở Việt Nam, người H’mông cư trú thường ở độ cao từ 800 đến 1500m tại hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Người H’mông có tập quán sống thành từng bản. Theo ngôn ngữ của dân tộc H’mông, bản được gọi là Lu Dò (Lu Dò mang ý nghĩa là Tổ), chỉ địa điểm của một nhóm người cùng làm ăn sinh sống và có mối quan hệ họ hàng với nhau.

Bản có mối quan hệ riêng, gắn bó với dân bản qua nhiều thế hệ và ít có sự thay đổi. Theo quan niệm của người H’mông có 3 nhà trở lên, không phân biệt cùng họ hay khác họ, cùng cư trú trên một khu vực nhất định thì được gọi là bản.

Thầy cúng chuẩn bị giấy màu để dùng trong lễ Dù Su. Ảnh: TL

Người H’mông cho rằng, có như vậy “lúc tối lửa tắt đèn”, khi gặp tai nạn, ốm đau, trộm cướp xẩy ra mới có thể giúp nhau được. Điều này thể hiện tính cộng đồng rất cao của người H’mông. Như vậy, để hình thành một bản, người H’mông có hai hình thức tập hợp, đó là tập hợp theo quan hệ láng giềng và tập hợp theo quan hệ huyết thống.

Người H’mông cư trú chủ yếu ở trên các rẻo đồi, núi cao; hình thức tập hợp bản thường theo hình vành khăn từ lưng chừng đồi, núi trở lên. Cũng có một số bản H’mông nằm ở thung lũng tương đối bằng phẳng.

Người H’mông rất coi trọng dòng họ, với quan niệm cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, luôn giúp đỡ, cưu mang nhau. Từ đó, hình thành lễ cúng dòng họ.

Tùy từng dòng họ khác nhau mà người H’mông tổ chức lễ cúng dòng họ hàng năm hoặc 3 – 5 năm/lần và có tên gọi khác nhau như: Tu Su, Ùa Su, Dù Su, Sầu Su, Dù Tàu, Giữ Máu.

Trong đó, tất cả các dòng họ của người H’mông tổ chức cúng cho người cùng dòng họ, thờ cùng ma trong một bản trong lễ cúng hàng năm.

Lễ cúng dòng được đồng bào H’mông đến từ huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tái hiện lại tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: dsvh.gov.vn

Đối với lễ cúng 3 – 5 năm/lần, tổ chức vào ngày 13 hoặc 23 tháng Ba Âm lịch, ở một số dòng họ nhất định (chủ yếu là người H’mông trắng).

Lễ  cúng dòng họ hàng năm được chia làm hai phần: Phần đầu (Tu, Dù, Sầu…): Nghĩa là cầu, làm lễ cầu cúng thần linh về phù hộ cho con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển.

Phần hai (Su: nghĩa là nạn), là phần thầy cúng nhờ sức mạnh của thần linh thu hết những tai nạn, rủi ro, bệnh tật, khó khăn… làm phép để bảo vệ con người khỏi bệnh tật, rủi ro, khó khăn…

Trước ngày làm lễ, đại diện các gia đình họp bàn thống nhất chọn 1 gia đình trong dòng họ để tổ chức lễ cúng. Gia đình được chọn phải có người chủ gia đình là người cao tuổi, trưởng dòng họ của bản, thuộc bậc trên có uy tín với người dân trong dòng họ, trong bản. Thường gia đình này được chọn làm lễ đến khi người chủ gia đình mất đi, người trưởng họ của bậc dưới sẽ thay.

Chủ nhà có thể làm chủ lễ nếu được thần linh chấp nhận hoặc tổ chức lễ cúng chọn chủ lễ, tức thầy cúng bằng cách bói trứng gà xin thần linh, tổ tiên chấp nhận người được chọn.

Tuỳ vào số hộ gia đình nhiều hay ít mà trưởng họ quyết định chọn số lượng thầy cúng (từ 1 đến 3), trong đó có 1 thầy cúng chính.

Chọn được thầy cúng, dòng họ cử đại diện đi mời, mang theo lễ vật đến xin phép tổ tiên nhà thầy cúng cho phép thầy đến cúng cho bản, xin mang theo đồ nghề của thầy về trước, đến ngày cúng sẽ cho người đến đón thầy.

Khi đi, mỗi thầy cúng mang theo 2 bộ vật dụng sử dụng trong lễ cúng (1 để cúng tổ tiên, 1 để cúng thần linh): 2 bộ chũm chọe; 2 bộ chư nênh; 1 bộ chiêng và dùi gõ; 2 bộ sừng trâu bổ đôi; 2 mảnh vải đỏ, đen để thầy trùm đầu khi cúng..

Bữa tiệc giữa rừng trong lễ cúng dòng họ. Ảnh: QĐND

Chủ nhà chuẩn bị các lễ vật cúng gồm một con gà trống to để làm lễ; một hoặc hai con lợn để làm cơm mời cả họ ăn; tiền mặt; một con gà trả công cho thầy cúng, thực chất là nhờ thầy cúng dâng lễ vật lên cho thần linh; tiền trả cho người mang đồ lễ đi chôn, tiền lễ vật dâng lên thần linh thông qua những người này; tiền âm phủ…

Mỗi nam giới trong dòng họ khi tham gia lễ cúng phải mang theo 3 sợi chỉ màu vàng, xanh, đỏ, dài từ 20 – 40cm với quan niệm đây là phương tiện, mối liên hệ giữa người sống với thần linh; là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên, cho linh hồn của tổ tiên về đầu thai lại với con cháu; một con gà trống hoặc tiền để ăn 3 bữa chính.

Mỗi gia đình người H’mông hoa và H’mông đen mang đến 3 bông lau, còn người H’mông trắng dùng giấy màu cắt thành hình vuông nhỏ và hình nhân để cúng.

Chủ nhà làm một bàn thờ cho thầy cúng, cạnh bàn thờ tổ tiên. Hương được cắm trên ban thờ, ở bếp, hai cánh cửa, bếp phụ và cây cột ma nhà để thông báo cho các thần linh cai quản những nơi ấy biết về lễ cúng và hiển linh báo cho thầy cúng những vấn đề sắp xảy ra hoặc đã xảy ra đối với gia đình. Chủ nhà chuẩn bị một cái ghế gỗ dài để thầy cúng ngồi làm, tượng trưng cho con ngựa để thầy cưỡi đi tìm thần linh trong quá trình làm lễ.

Đối với lễ cúng 3 – 5 năm/lần, chủ yếu của các dòng họ người H’mông trắng, tổ chức tại gia đình trưởng họ có người cao tuổi nhất, gồm toàn bộ nam giới trong dòng họ cư trú tại các bản trong xã, khác xã, cùng thờ chung một ông tổ.

Việc chọn thầy cúng, địa điểm làm lễ cũng như công tác chuẩn bị được thực hiện như lễ cúng hàng năm. Thầy cúng không có tuổi lẻ (như 3, 7, 9), có sức khỏe, gia đình không vận hạn, tang ma, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm.

Tương tự như lễ cúng hàng năm, chủ nhà cũng chuẩn bị các lễ vật cùng với sự đóng góp của các thành viên để làm lễ. Tuy vậy, ở đây, ngoài 3 sợi chỉ màu xanh, đỏ, vàng, mỗi nam giới còn chuẩn bị cho mình một con dao, một cái kiếm, một khẩu súng bằng gỗ mềm (người H’mông gọi là gỗ ma – ca thinh) được kết thành dây bằng thân cây cỏ gianh hoặc sợi vải đỏ tượng trưng cho vũ khí để bảo vệ gia đình, dòng tộc và dùng săn bắn kiếm sống.

Nghi lễ diễn ra cũng gồm các phần như nghi lễ hàng năm, có thể khác một vài chi tiết vì đây là lễ cúng lớn, cho nhiều gia đình ở nhiều bản, huyện khác nhau.

Lễ cúng dòng họ là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay và vẫn được duy trì trong cộng đồng người H’mông ở tỉnh Sơn La. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thể hiện sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau của cả dòng họ, thúc đẩy, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng làng, bản, xã.

Một số hình ảnh lễ cúng dòng họ của người H’mông tỉnh Sơn La. (Nguồn: Bảo tàng Sơn La)

Gia chủ chuẩn bị các lễ vật bày lên bàn thờ và các vật dụng chuẩn bị cho lễ cúng dòng họ

Các thầy cúng tiến hành làm lễ

Thầy cúng đốt giấy đại diện cho từng gia đình sau khi cúng xong cho gia đình

Cúng riêng cho từng gia đình để giải hạn và cầu may mắn

Thầy cúng cảm ơn và tiễn đưa thần linh

Lễ cúng thể hiện quan niệm của người H’mông về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần giáo và thể hiện quan niệm về gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản cũng như cố kết cộng đồng. Duy trì lễ cúng dòng họ trong cộng đồng là góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ truyền thống của tộc người, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa.

Với giá trị đặc biệt, Lễ cúng dòng họ của người H’mông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

T.Toàn

Nguồn Báo Công Luận

https://congluan.vn/doc-dao-le-cung-dong-ho-cua-nguoi-hmong-post200379.html#p-4


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái