Bộ VH-TT-DL đã có ý kiến liên quan đến thư kiến nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu” của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.
Tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ngày 22-6 cho biết Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương vừa ký công văn số 2135/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về thư kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.
Lễ giỗ bà Phi Yến ở Côn Đảo – Ảnh: Du lịch Côn Đảo
Theo văn bản này, ngày 5-5, Bộ VH-TT-DL nhận được Thư kiến nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu” của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam theo thẩm quyền và quy định pháp luật về di sản văn hóa, sau khi nghiên cứu, thống nhất với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan, Bộ VH-TT-DL có ý kiến:
“Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009).
Về thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, công bố đưa di sản vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia, khoản 5, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 quy định: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương và lựa chọn, lập hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cấp Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quyết định đưa ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Đối với di sản “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, sau khi được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quyết định công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Bộ VH-TT-DL nhận được thư của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam kiến nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức khảo sát về di sản trong cộng đồng chủ thể di sản tại Côn Đảo, làm việc với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, gồm Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để xem xét lại quy trình kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và những nội dung liên quan đến kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.
Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT-DL đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức Đoàn công tác làm việc với Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế về nội dung kiến nghị.
Ngày 16-6-2022, Bộ VH-TT-DL tiếp tục phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia xem xét thêm về kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam liên quan đến hồ sơ di sản “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến”.
Qua kết quả làm việc, nghiên cứu hồ sơ, tư liệu liên quan, Bộ VH-TT-DL cho rằng di sản “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến”, với các tên gọi khác là: Lễ giỗ Bà, Lễ hội Bà Phi Yến (theo hồ sơ đề nghị của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có giá trị đáp ứng các tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc ghi danh di sản nhằm ghi nhận những giá trị sáng tạo văn hóa tinh thần của cộng đồng chủ thể di sản tại Côn Đảo và khuyến khích, nâng cao ý thức trong việc thực hành, trao truyền di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của chính cộng đồng chủ thể. Đồng thời, còn là sự ghi nhận một lễ hội – thực hành tín ngưỡng của họ được pháp luật bảo hộ, hoàn toàn không mang ý nghĩa vinh danh hay công nhận một nhân vật lịch sử hoặc một sự kiện lịch sử.
Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất di sản với tên gọi “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu”, cùng một số chi tiết trong hồ sơ đề cập tới truyền thuyết Bà Phi Yến có thể gây ra hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử, trong khi, với cộng đồng, di sản có các tên gọi: Lễ giỗ Bà, Giỗ Bà, Giỗ Bà Phi Yến, Giỗ Bà Hoàng Phi Yến…
Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cộng đồng chủ thể của di sản, tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo thẩm quyền, trách nhiệm được phân cấp của Luật di sản văn hóa, xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn căn cứ quy định của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Luật di sản văn hóa, Thông tư số 04-2010, triển khai việc phối hợp với cộng đồng chủ thể của di sản nghiên cứu, điều chỉnh tên gọi chính thức của di sản tại hồ sơ và các thành phần kèm theo cho phù hợp, tránh dùng tên gọi có thể gây ra hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử như đã nêu trên.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể theo hướng làm sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi, đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cư dân biển đảo, đồng thời, lược bỏ những yếu tố mới, không xác thực về lịch sử trong hồ sơ.
Quyết định công bố đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia sẽ được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ khoa học di sản đã được chỉnh sửa, bổ sung theo quy định (Có đầy đủ các bản cam kết của cộng đồng chủ sở hữu di sản, kèm theo Tờ trình) của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, điều chỉnh nội dung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản và di tích liên quan: Di tích lịch sử – văn hóa An Sơn miếu, đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xếp hạng di tích cấp tỉnh – địa điểm được cộng đồng tổ chức Lễ giỗ Bà hằng năm để tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, xung đột giữa các cộng đồng.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3176/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VH-TT-DL phối hợp với Hội đồng Di sản văn quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Tháng 5-2022, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã có đơn kiến nghị Bộ VH-TT-DL hủy bỏ hoặc thu hồi ngay quyết định công nhận lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo là di sản phi vật thể quốc gia. Việc này nhằm bảo vệ tính chính đáng của hồ sơ khoa học, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn với vị vua khởi nghiệp triều đại để đất nước có được hình hài như hôm nay, không xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh linh hoàng đế Gia Long.
Đơn kiến nghị cho hay quyết định công nhận di sản không chỉ gây băn khoăn trong dư luận, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trên phương diện chuyên môn mà trên phương tiện tình cảm còn gây bức xúc với bà con dòng tộc Nguyễn Phúc trên toàn quốc cũng như ở hải ngoại. Các cứ liệu lịch sử là cơ sở xếp loại di sản văn hóa cấp quốc gia đã động chạm một cách phi lý đến cuộc đời và sự nghiệp hoàng đế Gia Long, vua khai sáng và khởi nghiệp vương triều Nguyễn.
Đầu năm 2022, lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo hồ sơ di sản, bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, thứ phi chúa Nguyễn Ánh (sau là hoàng đế Gia Long), hiện thờ tại An Sơn Miếu. Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, chạy ra Côn Đảo. Bà Phi Yến cùng chạy theo ra. Vì ngăn Nguyễn Ánh cầu viện Pháp, bà bị chồng giam giữ trong hang đá trên hòn đảo hoang vắng, phía tây nam của đảo chính. Con trai bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) khóc đòi mẹ, bị chúa ném xuống biển, xác trôi vào làng Cỏ Ống, được dân làng mang chôn và lập miếu thờ.
Năm 1785, bà Phi Yến được dân làng rước về. Tuy nhiên, tại đây bà bị người làng là Biện Thi xâm phạm danh tiết, nên tự vẫn. Bà mất ngày 18-10 âm lịch, năm 1785. Để tỏ lòng thương tiếc, dân làng xây ngôi miếu để thờ bà. Sang thế kỷ XIX, năm 1861, Pháp chiếm Côn Đảo, lập nhà tù và di dời toàn bộ dân về đất liền nên ngôi miếu không được chăm sóc, dần hư hỏng, sụp đổ.
Đến năm 1958, Trưởng ty ngân khố tỉnh Côn Sơn là ông Nguyễn Kim Sáu đã xem lại sử lược, nhận thấy người phụ nữ trung trinh tiết liệt nên cho xây lại ngôi miếu nhỏ trên nền ngôi đền ngày xưa, thờ bà Phi Yến, đặt tên An Sơn Miếu. Để tưởng nhớ, ngày 17 và 18-10 âm lịch hàng năm, dân làng An Hải tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến.
Tuy nhiên, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam khẳng định “thứ phi Hoàng Phi Yến chỉ là nhân vật hư cấu”. Trong “Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện” không ghi chép ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy Phi Yến. Gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên hoàng tử Cải là con vua Gia Long. Kết quả khảo cứu sử sách triều Nguyễn cho thấy chúa Nguyễn Ánh chưa từng đến Côn Đảo.
Y.Anh
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/de-nghi-ba-ria-vung-tau-dieu-chinh-ten-goi-hoan-thien-ho-so-di-san-le-gio-ba-phi-yen-20220622182501963.htm