Tối 20/6, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022).
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phan Văn Mãi , Chủ tịch UBND TP HCM, Dương Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND TPHCM;Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cùng Trưởng VPĐD các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn thành phố, Các Tổng Biên tập các cơ quan báo chí thành phố, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM.
Cần phản ánh chân thực – Thực hiện tốt chức năng giám sát
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng đến đội ngũ người làm báo TP HCM.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí cần phản ánh chân thực tình hình phát triển kinh tế- văn hóa –xã hội và trở thành kênh giám sát, cảnh báo sớm đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch nước nêu rõ, từ những năm 60 của Thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Mih đã căn dặn đội ngũ người làm báo Cách mạng Việt Nam, quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật vì thế các nhà báo chân chính không tô hồng, cũng không tô đen, không thông tin một chiều, thông tin một nửa sự thật mà phải thực hiện thật tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Người cũng phê phán những nhà báo thường nói một chiều đôi khi thổi phồng các thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức đến khoa khăn hoặc khuyết điểm của ta. Vì vậy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn báo chí cần phải phản ánh chân thật tình hình của mỗi địa phương, của cả nước cũng như phản ánh những dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân để các cơ quan nhà nước cũng có phản ứng, chủ trương kịp thời. “Báo chí có thể cảnh báo sớm hơn đối với các cơ quan nhà nước, những tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân tới các hoạt động để họ không thể, không dám làm sai, không dám tham nhũng, tiêu cực, giúp ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để các sai phạm nhỏ trở thành những sai phạm lớm, vụ án lớn gây thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước và nhân dân như những vụ việc, vụ án lớn vừa qua. Báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội cũng là hành động cụ thể góp phần xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó, đội ngũ những người làm báo cả nước cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò trách nhiệm, chính trị của báo chí trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo…”. Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM ghi nhận những đóng góp của đội ngũ báo chí cho thành phố và ông mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cơ quan báo chí trong thời gian tới. Trong đó, các cơ quan báo chí tiếp tục phản biện xã hội, kể cả những mặt chưa hoàn thiện, làm sao chỉ ra những điểm cần được cải thiện, đấu tranh chống tiêu cực.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, cho biết, trải qua 47 năm báo chí thành phố đã có sự phát triển vượt bậc với 19 cơ quan báo chí, trong đó có 7 tờ báo; 2 đài phát thanh truyền hình, phát thanh và 10 tờ tạp chí. Ngoài ra, trên địa bàn TP HCM còn có 161 cơ quan báo chí trung ương và địa phương đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Ông Trần Trọng Dũng bày tỏ sự xúc động vì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả nước và TP dành tình cảm, quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho báo chí phát triển. Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để báo chí thành phố ngày càng phát triển.
P.V