Nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, xưa nay trên sân khấu phần lớn đều được nhìn nhận từ bi kịch của sự nhẹ dạ, cả tin. Còn trong vở kịch “Kỹ nữ” của đạo diễn Quốc Thảo, sự tác động của Kiều đối với các nhân vật được thể hiện rõ nhất.
Chọn góc nhìn này để tìm sự đồng cảm với khán giả và đạo diễn Quốc Thảo đã nhận được sự tán thưởng trong suất diễn tối 18-6 tại Sân khấu kịch Quốc Thảo (81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM).
Cảnh trong vở “Kỹ nữ” trên sân khấu kịch Quốc Thảo
Bi kịch đầu tiên, cũng là nguyên nhân của chuỗi bi kịch trong cuộc đời Thúy Kiều là bán mình chuộc cha. Hành động đó được thể hiện qua góc nhìn, sự cảm thông của Thúy Vân, để giữ tròn chữ hiếu, lo cho cha qua hành động cùng một lúc đóng cả hai vai, khi là Thúy Kiều, khi là Thúy Vân để người cha an lòng dưỡng bệnh.
Khánh Dương (vai Thúy Vân) và Tô Trọng Đức (vai Vương ông)
Bi kịch xảy ra với Kiều qua cách kể chuyện của đạo diễn Quốc Thảo đã làm rõ một trình tự mắc lừa của nàng hết lần này đến lần khác. Và trong 15 năm lưu lạc, Kiều chịu sự dày vò, chà đạp về thể xác lẫn tinh thần, nhưng những kẻ hại nàng đều đối diện với bản án lương tâm.
Đầu tiên, nàng bị mắc lừa Mã Giám Sinh, rồi đến Tú Bà, Bạc Bà… tất cả đều có những luận tội trước lương tâm. Ở góc nhìn này, thước đo số phận cuộc đời Kiều đã được kể để qua cách thể hiện của các nhân vật, người xem hiểu rõ bản chất sự việc.
Diễn viên trẻ của sân khấu kịch Quốc Thảo đã tạo nhiều cảm tình với khán giả, cụ thể là Thùy Dương (phải) vai Tú Bà diễn rất duyên dáng
Thủ pháp dàn dựng sinh động của đạo diễn Quốc Thảo qua kịch bản cảm tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du đã liên tục khiến người xem đặt câu hỏi “Vì sao nàng Kiều dễ tin đến thế?”.
Nhưng cốt lõi của vở diễn chính là nghị lực đáng quý của Kiều, bởi nàng dù đối mặt với hoàn cảnh bế tắc, cần dựa vào tình yêu để tìm lối thoát, nhưng vẫn giữ được tình yêu chân thành dành cho cuộc sống. Cảnh Bạc Bà bị móc mắt đau hơn cả phiên xét xử trong tác phẩm Truyện Kiều khi Từ Hải muốn “ơn đền, oán trả” cho nàng Kiều. Cảnh Tú Bà bị ném vào lửa bởi tên Mã Giám Sinh cũng là một lớp diễn hay, cho thấy cái giá phải ngay tức thì dành cho chính kẻ gây nên nghiệp ác.
Trong chuỗi bi kịch của Thúy Kiều, bi đát nhất là mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Chính hắn đã lừa Kiều, để rồi giết chết Từ Hải nhưng hắn cũng không thể khuất phục được nàng. Cảnh Hồ Tôn Hiến thú tội với Kiều làm khán giả xúc động.
Cảnh trong vở kịch “Kỹ nữ”
Đạo diễn Quốc Thảo cho biết anh làm vở kịch này và chọn góc nhìn mới về Kiều qua cách kể của dàn diễn viên trẻ đều là học trò do anh đào tạo đã muốn khái quát một bi kịch đời người.
“Để từ bi kịch một con người, một gia đình mở rộng ra đến bi kịch quốc gia đại sự, mang tính xã hội sâu sắc, mang màu sắc chính trị rõ nét. Tôi muốn khán giả cùng tôi phân tích, suy đoán, lập luận trước những cạm bẫy cuộc đời, suy nghĩ nông cạn, không biết cách ứng xử của Kiều mà dẫn đến hại chính mình. Và trên hết là sự đền tội, nhìn nhận của bản án lương tâm từ những nhân vật gây ra bi kịch của Kiều” – đạo diễn Quốc Thảo tâm sự.
Các diễn viên trẻ đã diễn xuất tự tin, để lại nhiều cảm xúc cho người xem
Vở kịch đã tạo cơ hội để các diễn viên trẻ hóa thân vào tác phẩm kinh điển của văn học với góc nhìn đương đại. Các diễn viên như: Mai Phương, Uyên Thanh, Thanh Ngân cùng đảm nhận vai Thuý Kiều, Khánh Dương vai Thúy Vân, Trọng Đức vai Vương Ông, Lê Văn Thuận vai Quan, Khánh Vi vai “thằng bán tơ”, Nhật Hào vai bà mối, Hoài Giang vai Mã Giám Sinh, Thùy Dương vai Tú Bà, Hữu Tài vai Thúc Sinh, Tú Hảo vai Hoạn Thư và kỹ nữ Mái Anh, Hữu Nhân vai Bạc Bà, Nguyễn Anh Kiệt vai Hồ Tôn Hiến, Thanh Tâm vai Từ Hải…
Vở sẽ được tái diễn tối 2-7 tại Sân khấu kịch Quốc Thảo.
Diễn viên Nguyễn Anh Kiệt diễn rất ấn tượng vai Hồ Tôn Hiến
Tin, ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/goc-nhin-moi-cua-dao-dien-quoc-thao-ve-truyen-kieu-20220619080550901.htm