Sau 2 mùa hè trầm lắng vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, thị trường sách cho thiếu nhi đang có những tín hiệu đầy lạc quan, với nhiều lựa chọn đáng tin cậy cho độc giả “nhí”.
Nhà Xuất bản Tổng hợp TP HCM vừa giới thiệu tiểu thuyết “Ngài Kẹo” – tác phẩm đầu tay của Quỳnh Trần (SN 2007). Quỳnh Trần sở hữu khả năng làm chủ ngôn từ tốt, với giọng văn tự tin và mạch lạc, mang đến một câu chuyện đậm màu phiêu lưu.
Cách xây dựng nhân vật sinh động và chân thật, tạo lập cốt truyện với nhiều tình huống kịch tính, những chi tiết kỳ ảo tạo nên sức hút cho trang viết của tác giả trẻ tuổi này. Còn quá sớm để có thể biết được cô bé vừa học xong THCS này còn tiến xa đến đâu nhưng không thể phủ nhận “Ngài Kẹo” là cột mốc đầu tiên rất đáng quan tâm trên hành trình theo đuổi văn chương của Quỳnh Trần. Cuốn sách góp phần khơi dậy cảm hứng kể chuyện cho nhiều bạn nhỏ khác.
Mới đây, lễ trao giải cuộc thi sáng tác “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ 4, diễn ra vào tháng 4-2022 tại TP Hà Nội, cũng trao giải nhất chung cuộc cho một tác giả mới 8 tuổi là Nguyễn Thanh Ngân với tác phẩm “Đoàn tàu gió”. Giải nhất hạng mục dành cho học sinh THCS thuộc về Đặng Phương Lan (13 tuổi) với tác phẩm “Mở cửa”.
Tác giả Quỳnh Trần với tác phẩm đầu tay “Ngài Kẹo” (Ảnh: QUỐC THẮNG)
Các sáng tác cho thiếu nhi được trình làng gần đây, nhất là các tác phẩm đoạt giải thưởng, đều thể hiện sâu sắc những giá trị nhân bản và hội nhập với cách lồng ghép khéo léo, nhẹ nhàng, không lên gân.
Trò chuyện với Hồ Huy Sơn – tác giả tập thơ “Những ngọn đèn thơm” – dễ dàng nhận thấy sự hồn nhiên và chân thành từ trong tính cách và lối sống đã theo Sơn vào từng trang viết. Thơ của Sơn trong trẻo, giàu sức biểu cảm qua những hình ảnh khi thì đậm màu thôn quê với đống rơm, mo cau, cỏ dại, chuồn chuồn kim…; lúc thì rất gần gũi nhịp sống hiện đại với cảnh bố đi công tác livestream về cho mẹ và bé, khi là mảng xanh hoa lá trong những căn nhà đô thị với khu vườn trên cao. Nhà thơ gửi gắm những bài học cuộc sống nho nhỏ một cách tự nhiên, dễ hiểu và dễ nhớ trong “Đôi bàn tay ngoan”, “Chơi bập bênh”, “Chỉ cần mỉm cười”, “Kết bạn”…
Bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cầm bút, cũng cần nhắc đến vai trò của các nhà xuất bản và phát hành đã chăm chút về chất lượng lẫn hình thức, ra mắt hàng loạt ấn phẩm dành cho thiếu nhi từ đầu mùa hè.
Cuốn “Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby” của Isabelle Muller là một “món ăn lạ” trong thực đơn sách hè khi được in bằng 3 thứ tiếng Việt – Anh – Đức. Ngoài việc có những trải nghiệm thú vị khi chìm đắm trong thế giới bay bổng, thần tiên do tác giả mang hai dòng máu Việt – Pháp này viết và tự vẽ minh họa, độc giả “nhí” còn có dịp trau dồi ngoại ngữ cho mình.
Sách thiếu nhi Việt ngày càng bắt mắt nhờ kỹ thuật thiết kế, in ấn chuyên nghiệp. Các đơn vị xuất bản cũng chú trọng đến sức khỏe của trẻ khi dùng chất liệu làm sách nhẹ, có sắc độ phù hợp, tránh gây hại mắt; các loại giấy, mực thân thiện với người đọc và môi trường.
Xuân Huy
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/thieu-nhi-tha-ho-chon-sach-he-20220614210940038.htm