Thời gian qua, quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh Thanh Hóa đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và quy luật phát triển kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng để hệ thống đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Năm 2010, tỷ lệ đô thị của tỉnh Thanh Hóa chỉ đạt 10,4% và là một trong 05 tỉnh có tỷ lệ đô thị thấp nhất cả nước, trong đó: Bắc Giang 9,6%, Thái Bình 9,9%, Hà Nam 9,8%, Bến Tre 10% và Thanh Hóa là 10,4%. Với xuất phát điểm như vậy, trong những năm qua, để tập trung cho lĩnh vực phát triển đô thị, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị của tỉnh đã có những đột phá mới. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính toàn bộ các thị trấn hiện có, thành lập thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thành lập các thị trấn: Nưa thuộc huyện Triệu Sơn; Yên Lâm và Quý Lộc thuộc huyện Yên Định.
Thanh Hóa phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh (Ảnh trung tâm thành phố Thanh Hóa nhìn từ trên cao – Nguồn internet).
Sự phát triển đô thị của tỉnh đã góp phần quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng trưởng vùng và địa phương. Diện mạo đô thị của tỉnh đang dần khởi sắc, hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt, nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp và được đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nhiều đô thị mới, quy mô lớn ra đời với những công trình kiến trúc hiện đại đã tạo nên những đô thị kiểu mẫu, văn minh và hiện đại.
Nhận thức sâu sắc được vai trò của phát triển đô thị trong xu thế phát triển hiện nay, ngay từ khi Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị mới được ban hành, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Kế hoạch số 57-KH/TU để quán triệt thực hiện. Ngoài các mục tiêu chung, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn đề ra nhiều mục tiêu tổng quát như: Phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh theo đúng quy hoạch. Nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra trên cơ sở phân tích hiện trạng và điều kiện phát triển đô thị hiện tại. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40% trở lên, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích tự nhiên đến năm 2030 dự kiến đạt từ 1,9 đến 2,3%; toàn tỉnh có 45 đô thị.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND về phát triển hệ thống đô thị nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa, phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; đảm bảo đến năm 2025 đạt mục tiêu đô thị hóa 40% trở lên. Theo đó, đến 2025 Thanh Hóa sẽ phát triển 1 đô thị loại I là TP Thanh Hóa (sáp nhập TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn); 2 đô thị loại III gồm TP Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn; 1 đô thị loại IV là thị xã Nghi Sơn và 29 thị trấn là đô thị loại V, gồm: Tân Phong, Nông Cống, Triệu Sơn, Nưa, Nga Sơn, Quán Lào, Thống Nhất, Yên Lâm, Quý Lộc, Vạn Hà, Bút Sơn, Hậu Lộc, Bến Sung, Vĩnh Lộc, Kim Tân, Vân Du, Phong Sơn, Lang Chánh, Yên Cát, Thường Xuân, Cành Nàng, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Thọ Xuân, Lam Sơn, Sao Vàng, Ngọc Lặc, Hà Trung. Trên lộ trình ấy, tỉnh cũng thành lập 13 đô thị mới, gồm: Diêm Phố, Cầu Quan, Bồng, Kiểu, Tiên Trang, Gốm, Hải Tiến, Hà Long, Hà Lĩnh, Ba Si, Luận Thành, Thạch Quảng, Xuân Thiên.
Trên cơ sở kịch bản phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ và hội nhập kinh tế quốc tế. Định hướng phát triển chung không gian đô thị của tỉnh Thanh Hóa cơ bản được phát triển hợp lý trong các vùng đô thị hóa quan trọng gắn với 5 trụ cột tăng trưởng (Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; y tế; nông nghiệp; phát triển hạ tầng), đồng thời đảm bảo phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị. Hệ thống đô thị toàn tỉnh cơ bản được phân bố theo mô hình mạng lưới, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và quy luật phát triển kinh tế, là tiền đề quan trọng để hệ thống đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng, từng địa phương và toàn tỉnh trong mối liên kết có hiệu quả.
Phần lớn các đô thị đã khẳng định được vai trò, vị thế, tầm quan trọng, góp phần phát triển đáng kể vào phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Cụ thể: Các tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa chủ yếu diễn ra tại khu vực các đô thị. Giá trị sản xuất tại các đô thị chiếm khoảng trên 70% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Phát triển hệ thống đô thị làm cho tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh luôn duy trì ở mức cao, giai đoạn 2011 -2020, tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá cố định 2010) bình quân đạt 10,2%; trong đó giai đoạn 2011 – 2015 đạt 8,08%, giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 12,54%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Kết cấu hạ tầng các đô thị lớn, đô thị ven biển được đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng độ bộ, hiện đại, văn minh; liên kết thành phố Thanh Hóa – thành phố Sầm Sơn đang được đầu tư kết nối, là hạt nhân phát triển chủ đạo liên kết với các đô thị trọng điểm, gồm: Thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng.
Một số khu đô thị mới ra đời với những công trình có kiến trúc hiện đại, nổi bật là KĐT phường Điện Biên, KĐT phường Đông Hải, KĐT Bình Minh, KĐT mới Đông Sơn; Dự án FLC Samson Golf Links và KĐT sinh thái FLC Sầm Sơn,… đã làm thay đổi diện mạo đáng kể của tỉnh. Đồng thời, hạ tầng nhiều đô thị quy mô nhỏ và vừa trên địa bàn các huyện đã được đầu tư làm trung tâm đầu mối kết nối với các khu vực dân cư nông thôn lân cận; gắn kết các Cụm công nghiệp, các điểm dịch vụ theo quy hoạch của tỉnh. Hệ thống giao thông đô thị, hệ thống thoát nước, cấp nước, điện, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, viễn thông, công nghệ thông tin đang dần từng bước hoàn thiện.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đây cũng là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị bởi các cực tăng trưởng của tỉnh được xác định tại Nghị quyết này đều là các đô thị lớn. Đồng thời, cũng là dịp để tỉnh hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và nhu cầu hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị.
Thế Hiếu/ VHVN