Phòng, chống đuối nước cho trẻ, cần giải pháp đồng bộ – Bài 1: Phổ cập bơi cho học sinh vẫn còn nhiều khó khăn

10:02 | 02/06/2022

Dù mới chỉ vào đầu mùa hè nhưng thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em.


Thực trạng này không chỉ đem đến những đau buồn, mất mát cho các gia đình và xã hội, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước ở trẻ em; đòi hỏi các cấp, các ngành, gia đình và xã hội quan tâm tới việc quản lý, giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ, đặc biệt trong dịp nghỉ hè sắp tới.

Hướng dẫn cho học sinh các động tác bơi tại trường Tiểu học Thanh Lâm, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Với chùm 3 bài viết về phòng, chống đuối nước cho trẻ, phóng viên TTXVN đã làm rõ hơn những khó khăn, giải pháp cần triển khai để hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở nước ta.

Bài 1: Phổ cập bơi cho học sinh vẫn còn nhiều khó khăn 

Việc phổ cập bơi trong các trường học là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Dù đã được đề nghị đưa vào nội dung học chính thức nhưng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, bơi lội vẫn chỉ là môn học tự chọn. Nhiều năm qua, mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chưa đạt kết quả như mong đợi 

Việt Nam là đất nước có nhiều sông hồ, năm nào cũng có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở trẻ em. Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), đuối nước là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

Từ tháng 1-5/2022, cả nước đã ghi nhận hơn 100 trẻ tử vong do đuối nước. Đặc biệt trong thời gian từ giữa tháng 4 đến tháng 5, liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, rất nhiều vụ có nhiều trẻ tử vong cùng lúc. Trước thực trạng đáng báo động này, ngày 2/5/2022, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 398/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trong đó, công điện đặc biệt nhấn mạnh việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có công văn chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Đến nay, hầu hết các địa phương đều có đề án hoặc thực hiện thí điểm việc phổ cập bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn rất nhiều khó khăn khiến kết quả chưa như mong đợi.

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc phổ cập bơi cho học sinh đang gặp những khó khăn chính như: Thiếu cơ sở vật chất, cụ thể là bể bơi tại các trường học, cơ sở giáo dục, kể cả trong cộng đồng. Theo thống kê, hiện nay chỉ có khoảng 2.000 bể bơi trong trường học, chiếm hơn 1%. Bên cạnh đó, kinh phí để duy trì hoạt động hiệu quả của bể bơi cũng như việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong nhà trường rất thiếu và hạn chế do chưa có cơ chế để huy động nguồn kinh phí. Đội ngũ nhân lực thực hiện việc dạy bơi hiện nay cũng thiếu ở các bậc phổ thông, đặc biệt là trong các trường tiểu học.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người trong tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất yếu. Hiện vẫn còn rất nhiều giáo viên giáo dục thể chất chưa được tập huấn, cấp chứng chỉ dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh theo quy định của ngành. Cơ chế phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc tổ chức dạy bơi cho học sinh cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều phụ huynh học sinh chưa quan tâm đến việc cho con em tham gia học bơi và phòng, chống đuối nước…

Triển khai nhiều giải pháp

Để tháo gỡ những khó khăn trên, nhiều ý kiến đề xuất đưa môn bơi thành môn học bắt buộc trong nhà trường hoặc yêu cầu học sinh phải có chứng chỉ bơi trước khi tốt nghiệp bậc tiểu học hoặc phổ thông cơ sở. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi.

Dù bơi không được quy định là môn học bắt buộc nhưng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao có quy định trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp giữa cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Như vậy, luật đã chỉ ra giải pháp khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất là các địa phương cần tận dụng công trình thể thao, bể bơi ở các Trung tâm thể dục – thể thao các quận, huyện để dạy bơi cho học sinh. Chỉ cần các địa phương thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì việc phổ cập bơi cho học sinh sẽ giảm được rất nhiều khó khăn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa, trong thời gian qua, các bộ, ngành đã quan tâm, chỉ đạo địa phương, trường học tăng cường việc dạy kỹ năng an toàn cũng như dạy bơi cho trẻ em trong nhà trường. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp xây dựng các tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đồng thời chỉ đạo phổ biến trên toàn quốc, đặc biệt tại các trường học. Các đơn vị đã huy động nguồn lực đầu tư các bể bơi và triển khai các hoạt động dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em ở một số tỉnh có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Hoa, việc phổ cập rộng rãi việc dạy bơi trong trường học còn gặp nhiều khó khăn. Để có thể làm tốt công tác này, các trường cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh thông qua sinh hoạt trong trường. Với các trường đã có đầy đủ cơ sở vật chất cần đẩy mạnh việc tổ chức dạy bơi cho học sinh theo các tài liệu hướng dẫn chuẩn về dạy bơi an toàn đã được ban hành. Các trường tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên dạy bơi và kỹ năng an toàn cho các em; tăng cường việc huy động nguồn lực của cộng đồng. Địa phương cũng cần quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo các hướng dẫn viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học cũng như tại cộng đồng, bà Vũ Thị Kim Hoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ, trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh; đồng thời giáo dục các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhận biết nguy hiểm, kỹ năng tự phòng tránh đuối nước cho học sinh.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức tập huấn cho 400 giáo viên cốt cán của các Sở Giáo dục và Đào tạo về phòng, chống đuối nước, dạy bơi, cứu đuối an toàn. Đây là lực lượng nòng cốt để các địa phương tiếp tục nhân rộng, triển khai tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên của địa phương. Bộ cũng tiếp tục thực hiện số hóa các tài liệu tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho học sinh để triển khai rộng khắp trong các cơ sở giáo dục.

Riêng với việc phổ cập bơi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất để phấn đấu 100% giáo viên ở các cơ sở giáo dục đều có chứng chỉ và có thể tổ chức dạy bơi cho học sinh. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục đánh giá và nhân rộng những mô hình tổ chức dạy bơi cho học sinh đang thực hiện hiệu quả ở các địa phương.

Ông Nguyễn Nho Huy cho rằng, về mặt lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan cần thống nhất để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chương trình, đề án phổ cập bơi cho học sinh thông qua việc đầu tư của Nhà nước; có cơ chế để thu hút tư nhân, xã hội hóa việc phổ cập bơi cho trẻ em, học sinh trong thời gian tới.

Bài 2: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm

Minh Huệ

Nguồn Báo Tin tức – TTXVN

https://baotintuc.vn/xa-hoi/phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-can-giai-phap-dong-bo-bai-1-pho-cap-boi-cho-hoc-sinh-van-con-nhieu-kho-khan-20220601160936742.htm

Cùng chuyên mục

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024