Cũng là hình ảnh bàn tay khổng lồ nâng đỡ cây cầu, cây cầu Thái Hồng Tiên của Trung Quốc bị nhiều netizen (cư dân mạng) trên Weibo Việt ‘tố’ mượn ý tưởng Cầu Vàng tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Dù đã được khánh thành từ ngày 17/8/2019 ở khu du lịch Cổ Khê Tinh Hà thuộc huyện Vưu Khê, Tam Minh, Phúc Kiến, Trung Quốc, nhưng mỗi khi mùa du lịch tới, cây cầu này lại được cư dân mạng xứ tỷ dân chia sẻ hình ảnh rầm rộ.
Họ phấn khởi bởi công trình to lớn và đẹp đẽ này, tuy nhiên cũng có những bình luận khiến netizen Việt… không mấy hài lòng:
“Cây cầu này đẹp hơn cây cầu ở Việt Nam”, một bình luận của cư dân mạng Trung Quốc viết.
“Vậy là không cần đến Việt Nam du lịch vì ở nước mình cũng có cây cầu đẹp như vậy rồi”, người khác bày tỏ quan điểm.
“Thái Hồng Tiên Thủ nghe tên hay hơn Cầu Vàng ấy nhỉ”, một netizen Trung Quốc đánh giá.
Đó là một số bình luận của các cư dân mạng Trung Quốc bên cạnh việc chia sẻ hình ảnh cây cầu Thái Hồng Tiên Thủ. Rõ ràng mỗi một quốc gia đều có những danh thắng mang vẻ đẹp riêng, và mọi sự so sánh như vậy đều khập khiễng.
Cầu Thái Hồng Tiên Thủ mang ý nghĩa “bàn tay thần nâng đỡ cầu vồng”, được coi là thắng cảnh nổi tiếng ở Phúc Kiến. Cây cầu dài 99m, điểm nổi bật nhất là “bàn tay thần” có chiều cao 19m. Công trình này đã được kỷ lục Guinness ghi nhận là nơi có bàn tay Phật lớn nhất thế giới.
Với phí xây dựng lên tới 16 triệu tệ (52,8 tỷ đồng), cây cầu này được truyền thông xứ tỷ dân miêu tả như bàn tay tiên nâng đỡ dải cầu vồng, khi được ánh mặt trời chiếu rọi sẽ tạo ra cảnh tượng ngũ sắc sặc sỡ, như huyền ảo mà cũng rất thơ mộng.
Điều đáng nói là cây cầu này có thiết kế giống hệt với Cầu Vàng hay còn gọi là Cầu Bàn Tay Bà Nà Hills ở Đà Nẵng. Hai cây cầu cùng một kiểu thiết kế với bàn tay rêu phong to lớn vươn ra từ thân núi đỡ lấy cây cầu, chỉ khác ở một điểm là cây cầu ở Phúc Kiến chỉ có một tay và được làm bằng kính nên khi ánh nắng chiếu vào sẽ ánh lên nhiều màu sắc khác nhau.
Trong khi đó, cầu Vàng Đà Nẵng được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2018, ngay lập tức được khen ngợi và thu hút hàng đông đảo du lịch đến thăm quan mỗi năm. Là cây cầu đặc biệt, tựa như tấm vải lụa xinh đẹp vắt ngang chừng núi, Cầu Vàng cao khoảng 1.400 mét, dài gần 150 mét. Điểm nổi bật của cầu là có hai bàn tay khổng lồ như đang nâng đỡ cây cầu.
Trước động thái bị đem ra so sánh, một số cư dân mạng tại Việt Nam cũng đã có những bình luận mạnh mẽ:
“Rõ ràng, Cầu Vàng của Việt Nam xuất hiện trước, liệu có tham khảo gì trước khi xây không vậy?”.
“Cầu Vàng ở trên cao hơn, trông vẫn có nét như tiên cảnh ấy nhỉ”.
“Cầu Vàng có ý nghĩa hai bàn tay cân xứng, nâng đỡ con người đầy nhân văn. Thiết nghĩ các bạn xứ Trung không nên so sánh như vậy”.
Hai cây cầu dù có vẻ chung ý tưởng bàn tay, tuy nhiên chúng mang vẻ đẹp khác nhau và cùng có những đóng góp cho ngành du lịch khu vực sở tại. Mùa du lịch đang diễn ra, Cầu Vàng tại Đà Nẵng là một điểm đến được các khách du lịch truyền tai rằng nhất định phải ghé qua mỗi khi có dịp tới Việt Nam.
Theo Công luận
https://congluan.vn/cau-thai-hong-tien-thu-bi-to-nhai-y-tuong-cau-vang-o-da-nang-post197200.html#p-0