Đi tìm mô hình phát triển Đà Nẵng tương lai

11:52 | 09/09/2018

 

Hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng.

Ngày 8/9,  tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng do Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tổ chức. Với 22 bài tham luận, các chuyên gia trong nước và quốc tế đóng góp, chia sẻ các kinh nghiệm về công tác quy hoạch và phát triển đô thị, đồng thời đưa ra những ý tưởng và tầm nhìn cho phát triển đô thị Đà Nẵng trong tương lai.


Cẩn trọng với các đề xuất lấn biển hoặc xây dựng đảo nhân tạo

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được đánh giá là một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.Từ một đô thị nhỏ bé, diện tích khoảng 5.600 ha, sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, không gian đô thị Đà Nẵng đã mở rộng lên tới gần 20.000 ha, tức gấp hơn 3 lần so với đô thị cũ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cũng như nhiều địa phương khác, bước đường đi lên của Đà Nẵng cũng trải đầy những thách thức, khó khăn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, hiện nay Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh.

Ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu chào mững Hội thảo.

Trong đó, thành phố kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị, tạo dựng bản sắc riêng. Đồng thời, tái cấu trúc khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình nén kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng cùng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn. Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng để áp dụng vào quy hoạch đô thị, đặc biệt tại các công trình ở khu vực đô thị và vùng đệm thoát lũ.

Ông Vũ Quang Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng nhấn mạnh: “Cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có giải pháp tái thiết hữu hiệu vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng. Đồng thời, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo như phát triển vịnh Đà Nẵng, phát triển đô thị về phía Tây… một cách khoa học và hiệu quả”.

TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch đang làm việc tại Bắc Mỹ) cho rằng, chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng cần hài hòa giữa việc phát triển tiềm năng đô thị với việc bảo tồn giá trị di sản quy hoạch kiến trúc, môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Từ đó, ông đưa ra đề xuất mở rộng các khu đô thị tiềm năng như khu đô thị du lịch biển và giao thương hàng hải; khu đô thị ven sông; khu đô thị sân bay Đà Nẵng…. sẽ tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng và giải quyết vấn đề cạn kiệt quỹ đất.Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo Đà Nẵng cần cẩn trọng với các đề xuất lấn biển hoặc xây dựng đảo nhân tạo trong vịnh Đà Nẵng. TP. Đà Nẵng không nên vội vã quyết định khi chưa có nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đến toàn khu vực.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đề xuất giải pháp xây dựng đô thị nên hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tiện nghi đô thị và môi trường sống cho người dân; phát triển hệ thống giao thông công cộng và nâng tỷ lệ cây xanh đô thị, khuyến khích người dân trồng cây trên mái nhà…

Nên chăng di dời sân bay Đà Nẵng về Quảng Nam?

Tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã đưa ra đề xuất về việc di dời sân bay Đà Nẵng hiện có. Bởi, theo ông, quỹ đất đô thị của Đà Nẵng hiện rất chật hẹp, thậm chí “hết đất” cho các mục tiêu phát triển.

Vì vậy, TP cần di dời các cơ sở sản xuất, bến bãi, kho tàng ra ngoại ô; nghiên cứu cải tạo, chỉnh trang đô thị khu vực ga Đà Nẵng, sân vận động Chi Lăng… khi di dời. Ông Trần Ngọc Hùng nói: “Đặc biệt, với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi đề nghị nghiên cứu ngay việc di dời sân bay Đà Nẵng hiện có.

Hiện rất bất tiện khi phát triển đô thị Đà Nẵng về phía Tây do bị sân bay chia cắt. Sắp tới công suất sân bay này nâng lên hàng chục triệu lượt khách/năm, mỗi phút có một chuyến bay lên xuống thì sẽ gây ra tắc nghẽn giao thông, gây ảnh hưởng cho sự phát triển của TP trung tâm miền Trung – Tây Nguyên”.

Cùng quan điểm trên, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký VUPDA cũng vho rằng: “Việc di dời sân bay Đà Nẵng sau năm 2035 để dành quỹ đất quy hoạch xây dựng, phát triển trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị… có đẳng cấp ngang tầm quốc tế cần được coi là tư duy chiến lược có tính đột phá để thay đổi căn bản cấu trúc đô thị, mở ra nhiều cơ hội cho Đà Nẵng phát triển năng động, hiệu quả hơn theo hướng xanh, thông minh và bền vững!”.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đóng góp, chia sẻ các kinh nghiệm với hơn 22 bài tham luận tại Hội thảo.

Theo Chủ tịch VUPDA Trần Ngọc Chính, xử lý sân bay Đà Nẵng như thế nào là một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà quy hoạch. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng coi đây là một trong những nội dung cần phải bàn cho thật kỹ. Thực tế hiện nay sân bay Đà Nẵng là sân bay gần TP nhất, còn gần hơn cả sân bay Tân Sơn Nhất, rất tiện lợi cho việc từ trung tâm TP tới sân bay và ngược lại.

Mặc dù, việc di dời sân bay là hết sức cần thiết đối với Đà Nẵng. Tuy nhiên, muốn xây dựng sân bay mới đáp ứng 20 – 30 triệu lượt khách/năm cần quỹ đất khoảng 1.000ha thì Đà Nẵng không có. Vậy phải di dời sân bay Đà Nẵng đi đâu? Ông Trần Ngọc Hùng cho rằng: “Đà Nẵng có bờ biển trải dài hàng chục cây số và hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề di dời sân bay Đà Nẵng bằng cách làm sân bay trên biển. Còn tại sân bay hiện này sẽ làm một khu đô thị trung tâm mới, từ đó làm cuốn chiếu các khu còn lại. Dành toàn bộ khu này để tái định cư các tiểu khu đô thị cũ lân cận!”.

Trước đó, tại hội thảo “Phát triển Đà Nẵng thành TP mang tầm vóc khu vực ASEAN và Châu Á” hồi tháng 7/2012, TS.KTS Trương Văn Quảng cũng từng có bài viết đề xuất phương án khai thác quỹ đất của sân bay Đà Nẵng với diện tích khoảng 815ha, sau khi sân bay này di dời đến địa điểm mới, để quy hoạch phát triển trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị… đủ khả năng vượt trội, cạnh tranh với Hồng Kông, Singapore…

Tại hội thảo lần này, ông tiếp tục đề xuất hai giải pháp để lựa chọn cho việc di dời sân bay Đà Nẵng: Một là, khai thác sử dụng sân bay Chu Lai (cách Đà Nẵng 100km) được kết nối nhanh bằng đường cao tốc (đã xây dựng) và đường sắt đô thị trên cao. Hai là, xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ở phía Đông bán đảo Sơn Trà. TS.KTS Trương Văn Quảng cho rằng, trên thế giới có nhiều mô hình sân bay xây dựng trên biển rất thành công như sân bay Kansai (Nhật Bản) xây dựng trên đảo nhân tạo 511ha trên vịnh Osaka, cách đất liền khoảng 5km. Hoặc sân bay Hồng Kông xây dựng bằng cách san bằng một quả núi, rồi dùng đất đá đó đắp nền lấn ra biển… Nếu chọn vị trí ở mõm Sơn Trà, nghiên cứu kỹ thì có thể đáp ứng việc vừa di dời sân bay Đà Nẵng đến vị trí mới không xa lắm, vừa tổ chức được trung tâm tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị… có đẳng cấp.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Chính, nếu san lấp ở mõm cuối bán đảo Sơn Trà ra biển sẽ rất rắc rối, vì Sơn Trà là vùng cảnh quan đặc biệt và liên quan đến rừng Sơn Trà. Năm ngoái, vụ 40 nền móng biệt thự đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ, nên nếu đặt vấn đề lấn biển ở khu vực bán đảo Sơn Trà để xây dựng sân bay mới nhằm di dời sân bay Đà Nẵng sẽ là thách thức rất lớn.

Ông Trần Ngọc Chính nói: “Theo tôi, lấy trong ranh giới Đà Nẵng để hình thành sân bay mới là vấn đề không tưởng, vì vậy phải nghĩ đến Quảng Nam. Tôi nghĩ sân bay Chu Lai có lẽ là phương án khả thi, vì trong tương lai nó còn kết nối với đường sắt nhanh, đường cao tốc quốc gia… Từ sân bay Narita tới thủ đô Tokyo phải đi mất 2 tiếng, nên từ sân bay Chu Lai tới Đà Nẵng chỉ đi mất 1 tiếng đồng hồ là quá lý tưởng!” 

KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, phải xác định sân bay Đà Nẵng là sân bay của vùng, của khu vực chứ không phải chỉ riêng cho TP Đà Nẵng. Nếu đặt sân bay Đà Nẵng tại sân bay Chu Lai sẽ phục vụ cho cả vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng…, kết hợp với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường sắt tốc độ cao quốc gia… sẽ rất hợp lý cho tính chất của một sân bay vùng./.

 

Trần Trung Sáng/VHVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả