Bánh kẹp thịt Hamburger là món khoái khẩu của người dân Mỹ. Dù đang ở ngay trên đất Mỹ hay cách xa nửa vòng trái đất, khi nghĩ đến ẩm thực Mỹ, người Mỹ sẽ nhớ ngay đến chiếc bánh Hamburger.
Trong khi hầu hết người Mỹ đều biết đến và yêu thích món ăn này, bánh mì kẹp thịt Hamburger chỉ bắt đầu trở nên phổ biến rộng rãi ở Hoa Kỳ khoảng một thế kỷ trước.
Có rất ít nhà hàng chuyên bán bánh Hamburger từ thời đó tiếp tục phục vụ bánh Hamburger làm từ thịt xay tươi hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít nhà hàng phục vụ những chiếc Hamburger được chế biến theo cách truyền thống.
George Motz, một học giả về bánh mì kẹp thịt Hamburger, đã dành hơn 20 năm cuộc đời để đi khắp Hoa Kỳ nghiên cứu về món bánh này. Sau khi sản xuất, quay, biên tập và đạo diễn bộ phim tài liệu năm 2004 “Hamburger America”, George Motz tiếp tục xuất bản cuốn sách hướng dẫn về bánh Hamburger theo từng tiểu bang, và sau đó là cuốn sách dạy nấu ăn đầu tiên của ông, “The Great American Burger Book” vào năm 2016.
Gần đây nhất, ông đã tổ chức “Buổi học của Học giả Hamburger” (“Burger Scholar Sessions”) trên kênh Youtube chuyên về ẩm thực “First We Feast” của Complex Media, đang ở mùa thứ tư trên YouTube.
George Motz khẳng định: “Tôi muốn nói rằng tôi chắc chắn đã ăn nhiều bánh Hamburger ở nhiều nơi hơn các bạn”.
George Motz ước tính ông có thể đã ăn khoảng 20.000 chiếc bánh Hamburger xuyên suốt cuộc đời và vẫn chưa có kế hoạch dừng lại.
Trong các chuyến du lịch của mình, George Motz đã tìm thấy các cơ sở kinh doanh Hamburger vẫn tiếp tục làm bánh hamburger bằng các phương pháp có từ hơn một thế kỷ trước.
Các cơ sở này chiếm thị phần rất nhỏ so với vô số các đối thủ trong chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Tuy nhiên, họ lại nắm giữ chiếc chìa khóa cho lịch sử bánh Hamburger của nước Mỹ.
Hành trình lịch sử của bánh Hamburger
Chiếc bánh kẹp thịt Hamburger được du nhập qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Theo George Motz, câu chuyện về nguồn gốc của bánh Hamburger bắt đầu từ đất nước Mông Cổ vào thế kỷ 13 khi người Mông Cổ và người Tatar chiến tranh.
Ông cho biết: “Rõ ràng là người Tatar có sở thích ăn thịt cừu sống. Họ sẽ cưỡi ngựa cả ngày dài với thịt cừu sống treo dưới yên ngựa. Cuối cùng, khi dựng trại, họ sẽ băm nhỏ số thịt cừu sống còn ấm này, sau đó có thể thêm một số gia vị, rồi ăn ngay”.
Món ăn này đã được đưa đến tay các công nhân tàu thủy và các cảng dọc theo biển Baltic, cho phép nó tiếp cận nhiều vùng phía tây của châu Âu bao gồm cả khu vực Bắc Âu.
Từ đó, món ăn cũng đã đến nước Đức và cảng Hamburg. Khi đến Đức, nhiều thế kỷ sau, món ăn này đã chuyển từ thịt cừu sống sang thịt bò nấu chín băm nhỏ, ngày nay được gọi là frikadellen.
George Motz giải thích rằng khi những người Đức di cư chờ đợi tàu của họ, họ đã ăn frikadellen vì đây là một món ăn ngon và rẻ. Khi rời Hamburg đến Mỹ vào giữa thế kỷ 19, những người di cư đã mang theo công thức của món ăn này.
“Frikadellen cuối cùng đã đến được Hoa Kỳ, và tôi có thể hình dung rằng cái tên Frikadellen chẳng có ý nghĩa gì đối với hầu hết những người đang sống ở Hoa Kỳ trừ khi đó là người Đức. Vì vậy, vào thời điểm đó, họ phải đổi tên món ăn thành bít tết theo phong cách của Hamburg, hay đơn giản là bít tết Hamburg”.
Khi những người di cư Đức chuyển đến phía tây Hoa Kỳ để làm nông, các hội chợ cấp bang (state fairs) cũng bắt đầu xuất hiện.
Nông dân từ mọi tầng lớp xã hội sẽ tham dự các hội chợ này để tìm hiểu về các phương pháp và thiết bị nông nghiệp khác nhau. Theo George Motz, những người di cư Đức đã thành lập quầy riêng phục vụ bít tết Hamburg, được coi là món ăn dân tộc vào thời điểm đó.
Vì bánh mì kẹp xúc xích (hot dog) xuất hiện tại các hội chợ trước hamburger, George Motz tin rằng bánh mì kẹp xúc xích đã truyền cảm hứng cho nhiều người bán hàng đưa bít tết Hamburg vào bánh mì, biến nó thành bánh mì Hamburg và cuối cùng là Hamburger.
Tuy nhiên, không ai có thể chỉ đích danh người đã làm điều đó đầu tiên.
George Motz cho biết: “Có khoảng 7 đến 9 người tự nhận là mình đã phát minh ra hamburger đến từ khắp miền Trung Tây, Texas đến Ohio đến Wisconsin, quá nhiều. Việc này (đưa bít tết Hamburg vào bánh mì) xảy ra ở khắp mọi nơi cùng một lúc, và không ai báo cáo về nó”.
Món ăn điển hình của nước Mỹ
Xu hướng đã gây sốt và các nhà hàng bắt đầu phục vụ Hamburger. Bánh mì kẹp thịt Hamburger giờ đây là niềm tự hào trong ẩm thực Mỹ.
George Motz chia sẻ: “Bánh hamburger gần như là phát minh thực phẩm duy nhất ở Mỹ trong khoảng 100 năm trở lại đây. Ban đầu nó là món ăn dân tộc từ Đức, nhưng chúng tôi đã áp dụng và làm cho nó trở nên khác biệt bằng cách cho nó vào bánh mì”.
Vượt qua thử thách của thời gian, từ cuộc Đại suy thoái đến Covid-19, một số nhà hàng Hamburger ban đầu vẫn đứng vững cho đến ngày nay.
Theo Công luận
https://congluan.vn/hanh-trinh-chiec-banh-hamburger-chinh-phuc-nuoc-my-post195042.html#p-4