‘Lá đơn thứ 72’ – Thành công mới về đề tài Hồ Chí Minh trên sân khấu

10:03 | 07/05/2022

“Chuyện của một con người là nhỏ sao?”. Câu hỏi nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thư ký thân tín Vũ Kỳ sau khi được biết 71 lá thư kêu oan trong suốt 8 năm trời gửi cho Bác của một người tù đang thụ án giết người đã bị Văn phòng Chủ tịch nước coi là chuyện nhỏ không chuyển cho Bác mà trả về người gửi nên đến lá thư thứ 72 nhờ sự “xé rào” của một kiểm sát viên đồng cảm với người viết đơn, Bác mới nhận được. Cũng như lời nhắn nhủ của Bác với Viện trưởng kiểm sát tối cao (nguyên mẫu là Hoàng Quốc Việt, bạn chiến đấu của Bác) về tầm quan trọng của việc phúc tra bản án của người tù kêu oan: “Chuyện của một con người nhưng nó liên quan đến công lý của cả một đất nước”. Đó là nỗi thao thức khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công lý, công bằng cho mỗi con người, mỗi công dân nhất là khi họ gặp hoạn nạn, oan trái, bất công. Hai câu nói ấy của Bác là thông điệp nóng bỏng của vở diễn Lá đơn thứ 72 của sân khấu Lệ Ngọc ra mắt rất kịp thời ngay trong dịp các ngày kỷ niệm lớn 30/4, 1/5/ và 19/5/2022.


Thật vui khi trong dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác năm nay, có khá nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn cho ra đời các tác phẩm mới về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nhà hát kịch VN có chùm kịch ngắn Tên người sáng mãi, Nhà hát nghệ thuật CAND có vở nhạc kịch Người cầm lái, Nhà hát Cải lương VN có tập đầu Nước non ngàn dặm trong bộ trường thiên cải lương về Bác và Sân khấu Lệ Ngọc có Lá đơn thứ 72.

Sau một thời gian hình tượng Hồ Chí Minh vắng bóng trên sân khấu nước ta. Nay, chỉ trong vòng một tháng đã có tới 4 tác phẩm về Bác, trong đó Hồ Chí Minh đều là nhân vật trung tâm. Nếu ta biết trong lịch sử thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh trên sân khấu VN hơn 46 năm qua bắt đầu từ vở Người Công dân số 1 của Nhà hát Cải lương Trung ương năm 1976, vở diễn có hình tượng Bác khá nhiều nhưng số vở Hồ Chí Minh là nhân vật trung tâm, xuyên suốt chỉ có thể đếm trên một bàn tay thì ta càng thấy hiện tượng này thật đáng mừng.

Có lẽ, giới nghệ thuật biểu diễn diễn đã ý thức rõ hơn bao giờ hết rằng: sự khám phá, phát hiện, thể hiện thật chân thật, toàn diện, sâu sắc, hấp dẫn hình tượng Hồ Chí Minh trên sân khấu thực sự là một trong những đóng góp tốt nhất đưa tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống con người VN hiện nay, có tác động thiết thực bồi dưỡng lý tưởng đạo đức, nền tảng văn hóa, đấu tranh ngăn chặn các cơn lũ tham nhũng tiêu cực, mất dân chủ, bất công đang tràn lan làm băng hoại đất nước, khôi phục niềm tin của nhân dân ta vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, một Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Được coi là một trong những đơn vị sân khấu giàu năng lực sáng tạo và đông đảo khán giả bậc nhất hiện nay, Sân khấu tư nhân Lệ Ngọc ý thức rõ trách nhiệm trong việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu của mình, nhất là sau khi được khích lệ của Bộ VHTT&DL.

Từ trong tết Nhâm Dần, NSND Lệ Ngọc và NS Văn Hải đã sưu tầm tư liệu chuyển cho một số tác giả, gợi ý sáng tác kịch bản về Hồ Chí Minh và người Mỹ trong Cách mạng tháng 8 và chờ đợi. Bất ngờ, tác giả Hoàng Thanh Du, một trong những tác giả được gợi ý, giới thiệu cho anh chị một kịch bản của anh về Bác mang tên Lá đơn thứ 72. Đây là kịch bản Hoàng Thanh Du hoàn thành hơn hai năm trước, đã giới thiệu với một số đơn vị nghệ thuật, được đưa vào tập kịch Bài ca người lính của anh do Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản cuối năm 2021. Tuy vậy, cho đến khi đó kịch bản này chưa có đơn vị nào nhận dàn dựng.

Kịch bản “ế” này đến tay vợ chồng Văn Hải – Lệ Ngọc và sau khi đọc, với sự nhạy bén chính trị của những nghệ sĩ gần trọn đời công tác ở Nhà hát kịch hàng đầu sân khấu đất nước và kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo của một sân khấu kịch tồn tại và phát triển bằng tiền bán vé trong kinh tế thị trường 6 năm qua, anh chị biết đây chính là kịch bản về Bác Hồ mà mình đang cần.

Kịch dựa vào câu chuyện thật về một người tù thụ án giết người kiên trì viết thư kêu oan với niềm tin vào công lý trong 8 năm ròng gửi tới Bác Hồ và tin rằng nhất định Bác Hồ sẽ giải oan cho anh. May mắn là bức thư thứ 72 của anh đã đến được với Bác. Đích thân Bác đã chỉ thị cho điều tra lại bản án mà Người tin có lẽ có oan khuất. Cuối cùng nhờ cán bộ điều tra công minh trách nhiệm, thủ phạm đã bị phát hiện và người tù oan được trả lại tự do.

Câu chuyện vụ án đó đã được tác giả hư cấu thành một kịch bản thể hiện niềm tin không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta vào sự anh minh của Bác cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật, của những người giữ cán cân công lý: Công lý công bằng phải luôn được dành cho mỗi người dân, dù họ là ai. Đối với Bác, nỗi oan trái của một con người là sự thất bại của nền công lý một đất nước. Hình tượng Bác Hồ trăm công ngàn việc giữa những năm chống Mỹ, thức khuya dậy sớm vì sự thành bại của sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc thống nhất đất nước nhưng vẫn không coi số phận của một con người là việc nhỏ.

Lá thư kêu oan bền bỉ của một người tù và sự vô cảm đối với đơn thư loại này của hệ thống công vụ đem đến cho Người nhiều suy tư dằn vặt. Không những chỉ thị cho cơ quan pháp luật phải điều tra lại để tránh oan sai mà đích thân Bác đã cải trang cùng thư ký và cảnh vệ đến tận nhà vợ con người tù để hiểu thêm về anh cũng như gia đình, trực tiếp chứng kiến sự kỳ thị ghê gớm của chính quyền, cộng đồng dành cho họ để có hướng khắc phục, giúp đỡ thích đáng.

Bên cạnh hình tượng Bác Hồ với tình yêu con người, khát khao đem tự do hạnh phúc, công lý tới cho mỗi người dân và nhân vật người tù tin Bác yêu Đảng đến tuyệt đối trên (như dù đã ở tù không còn sinh hoạt Đảng vẫn coi mình là một Đảng viên, hàng tháng vẫn dành dụm số tiền anh có được do lao động trong trại để tự nộp Đảng phí vào một ống tre để khi được giải oan, tự do, anh sẽ báo cáo với Đảng rằng ở trong tù anh vẫn nghiêm túc thực hiện điều lệ Đảng) kịch bản còn xây dựng được các nhân vật chính, phụ, tích cực lẫn tiêu cực đa dạng, giàu tính cách với thắt và mở nút kịch khá bất ngờ, lắt léo, nhiều cảnh kịch xúc động.

Ngoài những cảnh có sự xuất hiện của Bác, các cộng sự thân thiết, người tù oan và gia đình, đặc biệt xúc động còn là cảnh một người tù vốn là đại úy quân đội, vì quá phẫn nộ trước sự hành hạ nhẫn tâm với người mẹ một đồng đội đang ở chiến đấu ở miền Nam của một cán bộ thuế vụ, anh đã lỡ tay bắn chết người này, phải mang án giết người. Nay anh lại ra tay đánh chết một tên tù là cán bộ lãnh đạo tham nhũng vốn theo công giáo ngay trong phòng giam, khi tên này nhăn nhở nhạo báng Chúa và tuyên bố tấm thẻ Đảng cùng chức vụ Đảng giao cũng chỉ là phương tiện để hắn vinh thân, phì gia. Đây là một cựu Đảng viên yêu Đảng mạnh mẽ còn hơn cả người bị tù oan. Anh không chịu nổi bất cứ thứ dơ bẩn nào mang danh Đảng, nhà nước, không ngần ngại ra tay quét sạch chúng, bất chấp việc sẽ phải trả giá rất đắt cho hành động của mình: một bản án giết người thứ 2. Cảnh này là một sáng tạo đắt giá của Hoàng Thanh Du.

Rất nhanh, Văn Hải và Lệ Ngọc quyết định chọn dựng Lá đơn thứ 72 để kịp chào mừng ngày 19/5/2022 với ê kíp dàn dựng có sự hiện diện của NSND Lê Tiến Thọ ở vai trò đạo diễn và NSND Vương Duy Biên là họa sĩ. Hai người đều từng và đang là những quan chức văn hóa văn nghệ cao cấp: họ đều nguyên thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Thọ là cựu Chủ tịch Hội NSSKVN, ông Biên hiện đang là Phó Chủ tịch Chuyên trách LHCHVHNTVN.

Không ít người nghi ngờ vào sự thành công của hai vị “cựu quan lớn” và cho rằng hai vợ chồng Lệ Ngọc – Văn Hải quá mạo hiểm trong sự lựa chọn này: ông Thọ chỉ quen dựng tuồng chưa bao giờ dựng kịch nói, còn ông Biên đã rất lâu rồi chỉ là nhà điêu khắc, chưa trở lại thiết kế sân khấu. Nhưng thực tế lại cho thấy Văn Hải Lệ Ngọc chưa bao giờ sai trong việc quy tụ tài năng: NSND Lê Tiến Thọ đã như một đạo diễn kịch nói lành nghề còn NSND Vương Duy Biên vẫn chưa quên mình là một họa sĩ thiết kế sân khấu đẳng cấp. Hai người phối hợp với nhau khá nhịp nhàng trong xử lý không gian sân khấu theo phương pháp ước lệ rất thông minh. Là một nghệ sĩ và đạo diễn tuồng gạo cội, NSND Lê Tiến Thọ hiểu rõ ưu thế của không gian ước lệ và NSND Vương Duy Biên đã thể hiện xuất sắc một thiết kế mỹ thuật cho lựa chọn đó, góp phần vào thành công chung của vở.

Cũng như hai đạo diễn xuất sắc xuất thân từ tuồng Đoàn Anh Thắng và Ngô Xuân Huyền, khi đạo diễn kịch nói, dấu vết tuồng của NSND Lê Tiến Thọ chỉ còn thấy ở xử lý không gian vở diễn còn trong chỉ đạo diễn xuất và dàn cảnh, không thấy dấu vết nào của sự cách điệu khoa trương từ biểu diễn đến đài từ.

Thành công của đạo diễn Lê Tiến Thọ ở Lá thư thứ 72 được bắt đầu bằng sự tôn trọng ở mức cao nhất phong cách hiện thực tâm lý, chân thật, giản dị, giàu cảm xúc của kịch bản văn học trong dàn dựng. Ông đã phối hợp hiệu quả với Chỉ đạo nghệ thuật kiêm NS Văn Hải xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh như một con người vĩ đại mà bình thường, giản dị, nghiêm minh mà nhân ái, bao dung, cương trực mà sâu sắc, tinh tế. Ta nhận ra Bác Hồ trong vở diễn này chính là con người quen thuộc đã từng nói những câu làm trào nước mắt toàn dân tộc: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bực là làm sao đất nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do. Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo dài mặc, ai cũng được học hành” và nay thêm câu “ai cũng được công lý bảo vệ”.

Tuy vẫn phải theo xu hướng xã hội mong muốn là người thể hiện hình tượng Bác phải có ngoại hình và giọng nói giống Bác nhưng đạo diễn Lê Tiến Thọ và NS Văn Hải đã tập trung thể hiện tinh thần, tâm hồn Hồ Chí Minh nhiều hơn trong vai diễn này. Đài từ của Văn Hải chưa bao giờ hay, rung động và có chiều sâu như bây giờ. Nhờ thế các phân cảnh, các cảnh diễn có sự xuất hiện của Bác đều sâu lắng, gây xúc động. Khi đảm nhận vai Bác Hồ trong Lá đơn thứ 12, vai diễn lớn nhất và khó khăn nhất trong cuộc đời sân khấu của mình, NS Văn Hải hiểu rõ những hạn chế và khó khăn thách thức anh phải vượt qua và chưa mấy tự tin vào nhiệm vụ nghệ thuật dường như vượt quá sức mình. Nhưng vai diễn đã bất ngờ thành công hơn mọi mong đợi. Tình yêu đối với Bác, lòng yêu nghề, tinh thần lao động nghiêm túc, sự cộng hưởng sáng tạo với một tập thể tài năng đã làm Văn Hải thực sự thăng hoa, sáng tạo một vai diễn Bác Hồ thực sự xuất sắc.

Bên cạnh NS Văn Hải, NS Anh Tuấn trong vai người tù oan Đỗ Minh, NSND Lệ Ngọc vai vợ Đỗ Minh, NSUT Hoàng Tùng vai Vũ Kỳ, NSUT Lê Chí Kiên vai Giám thị, các nghệ sĩ Huy Bách vai Viện trưởng kiểm sát, Lâm Cương và Công Phùng vai cán bộ điều tra, Hoàng Nam vai người tù yêu dân yêu Đảng, Huy Hoàng vai người tù tham nhũng, Thanh Hưng vai thủ phạm giết người đội lốt bệnh nhân tâm thần, Anh Đào vai em gái thủ phạm, Châu Sa vai con gái Đỗ Minh đều đã khắc họa rất sắc nét vai diễn để cùng làm nên một Lá đơn thứ 72 đầy xúc động và nhiều ý nghĩa trong tháng năm nhớ Bác.

Tuy vở diễn đã cơ bản thành công và được dư luận rất hoan nghênh nhưng không thể không nhắc những điều có thể hoàn hảo hơn trong kịch bản cũng như dàn dựng. Tôi xin mạnh dạn góp 3 ý.

Thứ nhất, ở cảnh vợ Đỗ Minh vào gặp Viện trưởng kiểm sát kêu oan cho chồng, thật khó chịu khi nghe một cô giáo cấp 1 dùng hình tượng bức tranh và bức tượng để nói về những cái sai của các vị cầm cán cân công lý vừa tối nghĩa vừa lên gân. Đây là một hạt sạn trong ngôn ngữ kịch. Tác giả Hoàng Thanh Du nên sửa các câu thoại gây khó chịu trên bằng cách dùng ngôn ngữ giản dị, dân dã, hợp cảnh hợp tình khá hay chung của vở.

Thứ hai, trong ngôn ngữ thoại của Bác Hồ còn một số chỗ là ngôn ngữ viết, ngôn ngữ diễn văn. Nên nhặt bỏ những câu những từ khẩu hiệu, đại ngôn không cần thiết và không thích hợp với ngôn ngữ nói của Bác không biết tác giả hay đạo diễn cho lẫn vào đây, để nó luôn trong sáng, thuyết phục.

Thứ ba, cảnh kết là một sáng tạo hợp lý của đạo diễn Lê Tiến Thọ khi đưa Bác Hồ xuất hiện trở lại trên sân khấu làm nên một cao trào lòng dân ơn Bác. Tuy vậy, không nên để cảnh kịch như một hoạt cảnh cổ động dễ dãi. Tuy cảnh ngắn cũng nên tổ chức kỹ lưỡng hơn hiệu quả sẽ mạnh mẽ hơn. Đây phải là cảnh gặp gỡ trong đời thực và mơ của Bác, ông Vũ Kỳ với Viện trưởng kiểm sát, điều tra viên phá án thành công, Đỗ Minh cùng vợ con. Và sao lại không có người tù vì bảo vệ dân, bảo vệ Đảng mà phải nhận hai án giết người. Khi tất cả các nhân vật trong kịch bên Bác cùng các cháu thiếu nhi có lẽ nên là sự trở lại của bài hát Bác Hồ một tình yêu bao la từng xuất hiện trong vở chứ không phải là bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Việc đưa các em thiếu nhi tràn lên sân khấu là ý tưởng hay nhưng là trong trong bài hát của Thuận Yến chứ không phải bài của Phong Nhã đơn giản bởi nó hợp với vở hơn.

Cuối cùng xin chúc mừng Sân khấu Lệ Ngọc cùng ê kíp sáng tạo đã làm nên một thành công mới về đề tài Hồ Chí Minh trên sân khấu. Với tính thời sự nóng bỏng và chiều sâu nhân văn của Lá đơn thứ 72, hy vọng tác phẩm sẽ được phổ biến rộng rãi và có sức sống lâu bền.

Cũng xin chúc mừng đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ đã tái xuất thành công như một nghệ sĩ chân đất chứ không phải một ông quan quyền lực. Chỉ trong một tháng ông đã phục dựng thành công vở tuồng Không còn đường nào khác cho Nhà hát tuồng VN và lần đầu tiên dựng thành công vở kịch nói Lá đơn thứ 72 của Sân khấu Lệ Ngọc, cả hai vở đều về đề tài Hồ Chí Minh. Cái tên Lê Tiến Thọ đang trở lại rất hot trong tháng 5 này…

NB Nguyễn Thế Khoa/Văn hiến Việt Nam

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái