Chào mừng Đại hội Hiệp hội hoa Lan Việt Nam (AOV) lần thứ Nhất vào tháng 6/2022; Hiệp hội hoa Lan Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Thơ Ca Đất Việt (thuộc Viện Nghiên Cứu Bảo tồn & Phát huy Văn hóa Dân Tộc) tổ chức Cuộc thi sáng tác Thơ về hoa Lan Việt Nam chủ đề: “Thiên hạ đệ nhất sắc hương” tới toàn thể bạn yêu thơ, yêu Lan trong và ngoài nước.
Tác giả : Nhà giáo Vũ Thị Huệ
Địa chỉ : Phường Tân Dân Thị Xã Nghi Sơn Thanh Hóa
ĐT: 0335 648 875
ĐẾN VỚI MỘT BÀI THƠ HAY
“ SẮC HƯƠNG ĐỆ NHẤT THIÊN HƯƠNG”
( xa luân ngũ bộ)
Tác giả : Phạm Hữu Vệ
Tiên nữ Thiên Đường hiện xuống đây
Hóa thân dâng hiến đóa Lan này
Nhà thơ lựa ý mơ màng ngắm
Họa sỹ tìm màu đắm đuối say
Mỹ nữ anh hùng gieo mộng thắm
Tao nhân mặc khách thả hồn bay
Dạt dào cảm xúc loài hoa ấy
Trai gái trẻ già mãn nhãn thay
Hóa thân dâng hiến đóa Lan này
Thỏa sức ngắm nhìn thỏa sức say
Hồng Cúc Đào Mai… hờn sắc thắm
Huệ Ly Ngâu Sữa …kém hương bay
Trung Tâm …xướng họa nhiều thơ mới
Hiệp Hội …vun trồng lắm thế thay
Phong cảnh hữu tình nên mới biết
Chắc gì Tiên giới đã hơn đây
Họa sỹ tìm màu đắm đuối say
Hồn thơ có cánh dạt dào bay
Xuân về rộ khắp hoa vừa nở
Tết đến bung tràn lộc mới thay
Mặc khách mừng vui chờ chốn ấy
Tao nhân hớn hở đợi nơi này
Muôn hoa có lẽ còn đương dỗi
Hương sắc loài Lan ở chốn này
Tao nhân mặc khách thả hồn bay
Ai đến ngắm nhìn cũng sướng thay
Ong lượn nhẹ nhàng trên nụ ấy
Bướm bay khe khẽ cạnh hoa đây
Bạn về thỏa dạ mê hương đó
Khách đến lòng vui đắm sắc này
Có một loài hoa xinh đẹp quá
Thả hương trần cho thế gian say
Trai gái trẻ già mãn nhãn thay
Ngắm nhìn Tiên nữ hóa Lan đây
Trước sau đâu kẻ so hương đó
Trên dưới nào ai sánh sắc này
Tạo thế nghệ nhân trao mộng ước
Làm thơ thi sĩ gửi hồn say
Sắc hương đệ nhất thiên hoa ấy
Hòa quyện tình người cất cánh bay
Trong 99 ngón chơi của thơ Đường Luật thì ngón chơi “Xa luân ngũ bộ” là ngón chơi khó bởi vì toàn bộ 5 câu có vận đươc vần xoay như một bánh xe chuyển động không ngừng nghỉ. Ngón này khó làm nhưng nếu làm được cũng rất ít bài thơ đi vào lòng bạn đọc. Nhưng “Sắc hương đệ nhất thiên hoa” đã làm được điều ấy.
Với đề thi ban đầu “THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT SẮC HƯƠNG” sau đổi là “ HOA LAN – ĐỆ NHẤT SẮC HƯƠNG”, tác giả đã bám sát đề tài để thể hiện ra cái “sắc” và cái “hương” của Lan là “Đệ nhất” . Cái khó là tả thế nào để người đọc không nhàm chán, không đi vào vết xe tầm thường theo tính kể lể ,tập danh, phải tìm ra được tứ thơ mới lạ để biểu đạt được cái ý đề thi đã nêu ra. Và tác giả đã tìm được, diễn đạt được trong một ngón chơi thơ cổ, đó chính là chiều sâu của ý và tứ để người đã đọc càng muốn đọc, càng đọc càng thấy hay, càng đọc càng biền biệt được cái ý bên ngoài của bài thơ.
Hãy bắt đầu bằng cái “Sắc”, ngay từ cặp “khai” của khổ đầu đã truyền tải được cái ý này, tác giả đã đặt chữ “Tiên” ở đầu câu để bắt đầu thể hiện cái đẹp theo lối ẩn dụ ví von để dẫn dắt người đọc đến cái “sắc” của Lan. Ai dám nói là “Tiên” không đẹp , và khi các nàng Tiên đã “hóa thân dâng hiến” cho nhân gian “đóa Lan này” thì chắc chắn là phải đẹp. Chỉ với hai câu mở đầu nó đã bao quát được cả không gian rộng lớn (Thiên Đường), cả thời gian (hiện xuống), cả địa điểm (đây), cả cái chủ thể của bài thơ là Lan. Ngay từ đầu đã xuất hiện một từ được xem như là “nhãn tự” đó là chữ “đây”. “đây” không những là địa điểm mà cái ý biền biệt của nó chính là nơi nào có Lan thì chính nơi đó nàng “Tiên”hiện xuống hóa ra mà thành. Đẹp chính là cái “sắc” của Lan ,tác giả đã ém vào “Tiên” để mọi người tự cảm nhận. Câu đầu là bối cảnh lấy “Tiên nữ” ở Thiên đường để vẽ nên cái nền rực rỡ hương sắc của hoa Lan. Thật là “vi diệu” với cách chơi chữ theo lối ẩn dụ tạo cho người đọc cảm thấy bất ngờ và thú vị (không nói gì đến cái đẹp của Lan mà chúng ta đã cảm nhận cái đẹp của Lan rồi). Nghệ thuật chính là thế.
Tiếp cặp “khai” là cặp “Thực” càng nâng cái hương sắc của hoa Lan lên tầm cao mới. Khi mà được chiêm ngưỡng Lan, Thi sĩ mới bất ngờ thấy mình còn chưa “già” trong câu chữ khi tả về Lan và Họa sỹ còn “non” nét vẽ khi tô màu sắc hoa Lan. Thơ tả về Tiên nữ thì tả được, họa về Tiên nữ thì họa được nhưng với Lan thì chưa, chỉ thế thôi người đọc cũng đã cảm nhận Hoa Lan hương sắc đến cỡ nào.
Bốn câu đầu nói lên cái tầm nhìn của tác giả đó là cảnh mà cảnh thấm đẫm tình người, trong bốn danh từ “Tiên nữ”, “Lan” , “Nhà thơ”, “Họa sỹ” gắn quyện hòa với nhau để bạn đọc biết được cái bên ngoài của ý. Không một từ nào nói về hương sắc của Lan mà ta vẫn cảm nhận được hoa Lan đã tuyệt sắc hương rồi, “Vi điệu”, nghệ thuật chơi chữ chính là chỗ ấy.
Hai câu “luận” là cái tình của tác giả đặt vào những con người dũng cảm và quý phái, trang đài và tao nhã (Mỹ nữ, Anh hùng, Tao nhân, Mặc khách) để thả cái tình người thấm đậm vào cảnh “Gieo mộng đến” “Thả hồn bay” rồi rót xuống cặp “Kết” dâng lên cái “Dạt dào cảm xúc loài hoa ấy” cho “Trai gái trẻ già mãn nhãn trông”. Cái kết nhẹ nhàng nhưng lại rất mênh mông sâu thẳm với một từ Hán Việt “mãn nhãn” đậm đà và lan tỏa.
Ở khổ 2 ta vẫn bắt gặp cách sử dụng ngôn từ và lối viết ẩn dụ, so sánh mang tính “ý tại ngôn ngoại”. Nếu như ở Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng lối so sánh để tôn vinh sắc đẹp và tài hoa của Thúy Vân, Thúy Kiều: “Hoa ghen thua thắm, Liễu hờn kém xanh”…, thì bạn đọc cũng cảm nhận được cái hương sắc của hoa lan tuyệt thế tới cỡ nào khi tác giả đem so sánh với các loài hoa: “Hồng Cúc Đào Mai …hờn sắc thắm/ Huệ Ly Ngâu Sữa…kém hương bay”. Sâu xa hơn, tác giả còn cho ta cảm nhận cả màu sắc và hương thơm của muôn loài hoa trong vườn hoa mà ở đó nổi trội lên cái hương sắc của loài hoa Lan này. Trước cái đẹp của cả vườn hoa, nghệ nhân, thi sĩ bỗng cảm thấy mình bâng khuâng, cảm thấy hình như không thỏa mãn với chính mình, như mắc nợ và hiểu ra rằng: Cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn, nhắc con người nhìn lại chính mình, đó chính là cảm nhận nhân văn cần phải giành cho Lan. Vì thế từ cặp “thực” tiếp xuống cặp “luận” rực sáng lên cái tính nhân văn ấy : Với thơ, “Trung Tâm…” phải có trách nhiêm “xướng họa nhiều thơ mới”. Với Lan, “Hiệp Hôi…” phải có trách nhiệm “vun trồng lắm thế thay”. Và khi con người cảm nhận, hòa mình vào với hoa Lan, bất ngờ nhận ra “Phong cảnh hữu tình nên mới thấy/ Chắc gì Tiên giới đã hơn đây”. “Chắc” chính là từ “đắt” của khổ thơ này, nó chính là sự kết tụ của lối so sánh đầy tính nghệ thuật giành cho thơ cũng chính là giành cho loài Lan đệ nhất này.
Khổ 3 thuận theo ý và tứ của khổ thơ 1 và 2, nhưng ở khổ này cặp “khai” đã rộng mở cánh cửa để Thi nhân và Họa sỹ khởi sắc. Nếu “Họa sỹ tìm màu đắm đuối say” ở khổ 1 và 2 đang trong sự khép kín, nhưng khi đặt làm câu “Mở” cho khổ 3 lại chuyển sang một ý khác, đó chính là sự cởi mở bung ra đến tận cùng khi mà Họa sỹ đã tìm được màu và đắm đuối say vì nó, và cũng như thế, nhà thơ đã tìm đươc ý , được tứ, được từ để làm nên bài thơ bất hủ cho nó “cất cánh bay”. Bằng phép tu từ, vận vào thể thơ cổ, mỗi từ đặt vào đúng chỗ của nó đã chuyển tải được cảm xúc của nhà thơ mà nâng tầm cho một khổ thơ hay.
Hai câu “Khai” chuyển xuống hai cặp “thực” “luận”, tác giả đã cho bạn đọc bất ngờ khi mà “Tết đến” “Xuân về” để “Mặc khách” thì “mừng vui”, “Tao nhân” thì “hớn hở” trước các loài hoa nở rộ dâng xuân rồi ngỡ ngàng khi nhận ra rằng : “muôn hoa có lẽ còn đang dỗi / Hương sắc hoa Lan ở chốn này”. Thật là “diệu” với cách xử lý câu chữ tài tình và sâu xa đến vậy, nghệ thuật chính là như thế. Chỉ có sự rung động tế nhị của tâm hồn, cảm xúc trước cái đẹp của hoa Lan mới cảm nhận được cái ý tình mà tác giả gửi gắm vào
Khổ 4 được xem như là hồn cốt của bài thơ, cả khổ thơ đầy ắp chất liệu, hòa vào, bay lên ,dồn xuống . Chúng ta nghe như đâu đó trong không gian phát ra câu hát thốt ra của một người, của mọi người, của nghệ nhân, của thi sĩ, đồng vọng vào mênh mông: “Có một loài hoa xinh đẹp thế”, thì ra bây giờ ta mới “mục kích sở thị” để tự trong tâm của mình cảm nhận được và hiểu ra rằng chỉ có loài hoa xinh đẹp ấy mới “Thả hương trần cho thế gian say”. Câu kết này có thể được xem như là câu thơ tuyệt tác. Ở câu này có hai “Nhãn tự”, chữ “trần” là “nhãn tự” truyền tải rất nhiều ý: chỉ riêng mình nó, trần trụi mà tinh khôi, trong suốt và tinh khiết…, hiểu rộng ra nó chính là hương thơm của mái tóc và làn da của nàng Tiên vậy…để rồi nó bổ trợ cho “nhãn tự” thứ hai và cũng là “nhãn tự” của cả bài thơ đó là chữ “say”. Có thể nói cả khổ thơ có 56 chữ thì 55 chữ đều là bước chuẩn bị tất yếu cho một chữ “say”đậu xuống, kết đọng vào tâm hồn bạn đọc. Cả 3 khổ thơ trước đều có chữ “say” nhưng đều là cái “Say” tác giả dùng để ép vào, vắt ra cho nó nhểu một giọt thơ “diệu vợi” bằng chữ “say” kết ở cuối khổ 4 để người đọc cảm được cái “men” của tình người, men của hồn người, men của một loài hoa “Đệ nhất sắc hương” tỏa ra đọng lại cho “thế gian say”. Chúng ta đã đọc rất nhiều bài thơ Đường Luật từ cổ chí kim và các thể thơ khác, có rất ít những bài thơ có “nhãn tự”, và càng rất ít bài thơ có “nhãn tự” ở cuối câu kết, những bài như thế sống cùng với thời gian
Khổ 5 được xem như là khổ kết của bài thơ, vẫn dùng lối ẩn dụ, so sánh, đặc biệt là bút pháp “Hư tả”, vì thế tạo cho khổ thơ mới lạ, từng câu mới lạ dù là những từ rất quen thuộc nhưng phát huy được cái “diệu” của nó nên ý thơ tạo ra bất ngờ, tạo cảm hứng trữ tình, vận hành khởi phát từ “khai” xuống “kết” từ ngoại cảnh đến nội tâm để trở về “khai” đó chính là sự “nhất khí” trong cả khổ thơ. Lấy động để khởi tĩnh, khởi tĩnh để động nâng tầm “Hòa quyện tình người cất cánh bay”, c ất cánh cùng thi ca, cất cánh cùng hội họa và cất cánh cùng bản tình ca về Hoa Lan.
Cả bài thơ thể hiện sự tuần hoàn của cấu trúc, là sự luân hồi của 5 câu vận để rồi câu kết của cuối bài lại dính kết (niêm) vào với câu đầu của khổ một tạo nên một mắt xích trong guồng quay không ngừng nghỉ, khép kín như cái lẽ “Chu nhi phục thủy” (đi vòng mà trở về vạch xuất phát) của Dịch đạo. Cái mạch ngầm liên tục giữa các khổ thơ về mặt hình thức thể hiện bằng Niêm Vần, còn về nội dung là sự liên tục thể hiện cái nét đẹp vô thường của loài Hoa Lan hòa quyện với tâm tình của tác giả, ý thơ thật kín đáo và tình thì sâu đến không cùng.
Chiều sâu của bài thơ chính là tác giả đã bám sát vào đề tài, thoát ý và thấu tình để người đọc nhận ra một loài Lan “Đệ nhất sắc hương” như thế nào: quyền quý và cao sang, mỹ miều và lộng lẫy, rực rỡ và ngát hương, không có loại hoa nào sánh được. Cả bài thơ không có một từ nào tả về hương sắc của Lan mà khi đọc đến cặp kết câu cuối tác giả đã đưa bạn đọc đến không ngờ là cùng nhau công nhận: Hoa Lan – Đệ nhất sắc hương. Dùng nghệ thuật, dùng ngôn từ “vi diệu” để dẫn suy nghĩ của bạn đọc đến cái tận cùng của lạc cảm: Hoa Lan đã lặn vào, đã chiếm ngự trong tâm của mỗi người.
Mặc dù vậy, trong bài thơ vẫn có những kết cấu về từ nghữ mà trong Luật thi cho là có “lỗi, có “bệnh”. Nhưng xét cho đến tận cùng thì ngay cả “Tiên thi” ,”Thánh thi” “Thần thi” như Thôi Hiệu, Lý Bạch, Đỗ Phủ hay như “Thần Siêu Thánh Quát” thì vẫn có lỗi và bệnh trong những bài thơ nổi tiếng. Phải chăng tác giả không phải không biết luật và chưa hẳn là cố ý phá luật, mà chính là “Tri chi nhi bất cố” (biết nó nhưng không để ý tới) hay “ý đắc trước tượng, thần hành ngữ ngoại, túng bút thả khứ, toại thiện thiên cổ chi kỳ” (ý đến trước tượng, thần đi ngoài lời, phóng bút viết ra, bèn riêng chiếm cái diệu kỳ thiên cổ). Và vì vậy, phàm người biết thưởng thức và yêu nghệ thuật không bàn về lỗi bệnh để bài thơ được cất cánh bay cao, bay xa đi vào lòng bạn đọc như hương sắc của loài hoa “đệ nhất sắc hương này.
Trong bộn bề của thơ ca hiện nay, chắc chắn “SẮC HƯƠNG ĐỆ NHẤT THIÊN HOA” có chỗ đứng trong lòng độc giả
Thanh minh, mùng 4/3/ Nhâm Dần(2022)