Đi tìm một vì sao – Một cuốn sách thụ vị và bổ ích

17:34 | 21/04/2022

Sau tập thơ “Nỗi nhớ vùng ven” và tập nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” công bố 3 năm trước đây, tác giả Phạm Quang Nghị, cựu thành viên khóa 4, khóa bồi dưỡng những người viết trẻ cho chiến trường miền Nam của Hội Nhà Văn VN những năm 1970 – 1971 do hai nhà văn Nguyên Hồng và Kim Lân phụ trách, vừa cho công bố tác phẩm “Đi tìm một vì sao”. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét về cuốn sách: “Đi tìm một vì sao là một tự truyện đậm chất văn chương. Như phụ đề của tên sách: Tự kể chuyện mình, tác giả Phạm Quang Nghị  đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Có nhiều trang sách là những trang văn chân thực, đẹp đẽ và có quyến rũ mạnh mẽ với người đọc. Cùng với những ký ức chân thật và sống động ấy là những chiêm nghiệm sâu sắc và mỗi câu chuyện thường ngày được ông kể đều chứa đựng những tầng suy tưởng và những thông điệp”.VHVN xin giới thiệu bài viết của nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương về cuốn sách này…


Sông Mã quê hương.

Đầu tháng 12 năm 2021. Một ngày đẹp trời, Phạm Quang Nghị gọi điện báo tin tới thăm.

Tôi biết Phạm Quang Nghị từ ngày tôi làm Tổng Biên tập báo Nhân Dân. Anh bạn thân này là cộng tác viên được anh em trong cơ quan báo quý mến. Vừa là do tính tình, vừa là nhu cầu bài vở. Phạm Quang Nghị thường được Ban Xây dựng Đảng đặt bài. Anh viết rất nhanh và bài gửi đến hầu như không phải sửa. Nhiều bài sau khi đăng đã nhận được những phản hồi tích cực. Qua vài chục năm, có bài đến nay tôi vẫn nhớ: “Dân chủ, mở ra hay khép lại”, “Đảng gần gũi trong lòng nhân dân”; “Đổi mới tư duy là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng”… Những chủ đề từng được nhiều người viết, nhưng Phạm Quang Nghị có một lối viết, cách tiếp cận riêng, mới mẻ, dung dị, nhẹ nhàng mà đầy sức thuyết phục… Trong các bài viết về kinh nghiệm, bài học của quá trình đổi mới đất nước vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, có bài được dịch đăng lại trên báo Sự thật của Liên Xô. Tôi nhớ thiên phóng sự điều tra “Mấy vấn đề của hộ nông dân nghèo đồng bằng sông Cửu Long – Lắng nghe và suy nghĩ”, đăng hai kỳ, tháng 7 năm 1997, phong phú về số liệu, phản ảnh được những vấn đề cấp bách của nông thôn và nêu nhiều kiến nghị sát với thực tiễn.

Trên chiến trường Tây Ninh

Khi tôi là Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản, có lần đề nghị Phạm Quang Nghị viết về kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng ở Hà Nam. Chỉ ít hôm, tạp chí nhận được bài “Đi cửa sau”. Phạm Quang Nghị còn viết cho mục “Chuyện thời sự” của báo Nhân Dân với những bút danh khác nhau. Các bài viết ngắn, cập nhật những vấn đề thời sự, chính trị trong nước và quốc tế. Đó cũng là lợi thế của anh, một cán bộ được học hành, đào tạo bài bản, làm việc ở cơ quan đầu não về công tác tư tưởng văn hóa.

Từ ngày về làm Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, với Phạm Quang Nghị, tôi không chỉ quen biết mà còn là rất gần gũi, thân thiết, cùng làm việc bên nhau.

Với Trưởng ban TTVH Hà Đăng

Hôm nay Phạm Quang Nghị tới thăm mang theo tập bản thảo cuốn sách mà có lần anh nói “muốn viết từ lâu, nhưng nay về nghỉ hưu mới có thời gian để viết”. Vậy ra, cái sự muốn viết của tác giả không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà là một quá trình ghi chép, tích lũy và trải nghiệm bằng ngòi bút qua mấy chục năm. Đó là những trang nhật ký chiến tranh đã được in thành sách Nơi ấy là chiến trường, là những cuốn sách đã được xuất bản; những bài báo, bài tham luận đã được in, được công bố trong suốt quá trình công tác.

Đi tìm một vì sao. Tên sách gợi cho tôi đôi chút tò mò, muốn xem những trang viết chứa đựng những gì trong đó.

Thì ra, đấy là những trang viết công phu và hấp dẫn kể những câu chuyện đời thường, những năm tháng đã qua của tác giả. Những chuyện như thế thường là khó viết và nhiều người ngại viết: Chuyện một cậu bé sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên bờ sông Mã. Một học trò chăm chỉ, thông minh đã trải qua những năm tháng học vỡ lòng, rồi cấp I, cấp II ở trường làng; đến năm cấp III đi học trọ; vừa học vừa phụ giúp mẹ làm đủ thứ việc mà một đứa trẻ ở làng quê phải làm, phải học. Những kỷ niệm thời ấu thơ, được mẹ đặt trong chiếc thúng quảy gánh ra đồng, ngồi trên bờ ruộng chơi đùa với lũ kiến. Lớn lên, vào đại học, rồi xung phong tình nguyện đi B… Tiếp theo là những năm tháng Phạm Quang Nghị được giao, được làm những công việc “do Đảng, do tổ chức phân công, dù muốn hay không muốn cũng phải làm, phải nhận”… Những câu chuyện tác giả tự kể “Vừa là cho mình, vừa để tặng những người thân!”.

Khi tôi về làm Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (1991), Phạm Quang Nghị đang là Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng. Ít năm sau (1994) anh được bổ nhiệm Phó Trưởng ban, ít lâu sau được phân công làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Có dịp làm việc cùng nhau nhưng tôi cũng không biết nhiều về quãng thời gian trước đó của Nghị. Giờ đây đọc những trang tự truyện ghi lại một cách sinh động, chân thật và hấp dẫn những chặng đường đã qua tôi mới có dịp hiểu thêm người cộng sự gần gũi, thân thiết và đáng mến.

Phạm Quang Nghị thuộc lớp thanh niên xếp “bút nghiên lên đường ra trận”. Học chưa xong đại học, Nghị đã viết đơn tình nguyện đi B. Mà đi sâu, đi xa, xẻ dọc Truờng Sơn vào tận B2 Nam Bộ – làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Rồi từ đấy được cơ quan cử đi các chiến trường miền Đông Nam Bộ, Nam lộ 4 Mỹ Tho, về Tây Ninh… vào thời điểm chiến trường cực kỳ ác liệt – “Mùa hè đỏ lửa” 1972, bám trụ ở những địa bàn vùng ven cho tới ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành được toàn thắng. Sau ngày 30 tháng Tư 1975 anh chia tay chiến khu về thành phố Sài Gòn.

Với công dân sơ sinh Trường Sa

“Đi tìm một vì sao” có rất nhiều trang viết hấp dẫn khiến người đọc ước ao được một lần được trải nghiệm: những cánh rừng Trường Sơn thâm u với những bản nhạc rừng du dương của các loài chim; những đêm được bơi xuồng trên những dòng kênh băng qua Đồng Tháp Mười mênh mông như lạc vào một biển sen bát ngát hương thơm… Ai đã trải qua một thời đạn lửa có dịp cùng nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng chiến tranh cực kỳ cam go, khốc liệt: những tháng ngày mang ba lô đi bộ trên dải Trường Sơn, được nếm trải những cơn sốt rét, ốm đau có lúc dường như “một chân trên bờ, một chân đã thò xuống hố chôn”; những khi băng qua làn đạn cả của ta và của địch đan chéo qua đầu để vượt qua lộ 4… Những lần chứng kiến sau trận bom rơi, máu người hòa lẫn trong nước mưa, chảy lênh láng, chan hòa trên mặt đất. Những giọt nước mắt xót xa cùng chảy trên mặt đất. Không biết thứ nào sẽ thấm sâu, ngấm lâu trong lòng đất?

… Rất nhiều trang gây xúc động bởi cách viết, cách kể mộc mạc, chân thật, sống động của một thứ văn chương không cần đến sự tưởng tượng và hư cấu. Từ ngôn từ đến sự kiện, không gian, thời gian, địa danh, tên người và những nghĩ suy, cảm xúc của tác giả. Tất cả đều chân thật và có thật.

Trước khi đọc toàn bộ cuốn sách, tôi tìm đọc những trang viết về “Chuyện thường ngày ở Ban”. Những câu chuyện cách nay đã vài chục năm, khi tôi và Phạm Quang Nghị từng có những tháng năm cộng tác. Dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành (năm 2010), Ban Tuyên giáo tổ chức cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc trong công tác tuyên giáo”. Dạo ấy Phạm Quang Nghị cũng đóng góp một bài và đã nhận được giải thưởng đặc biệt của Ban tổ chức nên lần này tôi có phần hào hứng xen chút tò mò muốn biết với những câu chuyện về công việc và con người làm công tác tư tưởng, báo chí, tuyên truyền, báo cáo viên, văn hóa, văn nghệ ở Ban… Nơi anh đã sống, làm việc gần tròn 20 năm, anh sẽ kể những gì về những câu chuyện dường như là rất bình thường, khô khan, không có gì để kể?

Phạm Quang Nghị đã gây cho tôi một sự bất ngờ thú vị. Anh đã kể một cách nhẹ nhàng, dung dị, chân thật nhưng không kém phần sinh động và hấp dẫn: những bữa cơm trưa, những cốc bia hơi thời bao cấp, những khi trong cơ quan chộn rộn, rầm rập lên xuống cầu thang, í ới gọi chia nhau mấy con cá đồng tiền… Và những công việc nghiêm trang, nghiêm túc: các buổi họp giao ban, sinh hoạt trong Hội đồng Lý luận, công tác chỉ đạo, quản lý, báo chí, văn hóa, văn nghệ… được tác giả kể, diễn giải nhẹ nhàng, chân thật và tinh tế. Qua chuyện nhỏ Phạm Quang Nghị nói được việc lớn: bầu không khí xã hội; những thảo luận, tranh luận lý luận ở những năm tháng đất nước tiến hành công cuộc đổi mới; những quan hệ bạn bè, đồng chí, đạo đức, tình người… Nói những việc lớn bằng lời văn nhỏ nhẹ, khiêm nhường để chuyển tải những thông điệp chính trị, tư tưởng, báo chí, văn chương, nghệ thuật. Kể về mình, viết về những câu chuyện của mình đã trải qua hoặc chứng kiến, nhưng tác giả luôn chọn một chỗ đứng cùng hàng, cũng phía với mọi người để quan sát, lắng nghe, nghĩ suy và kể lại.

Hơn nửa số trang của cuốn sách “Đi tìm một vì sao” tác giả viết về những năm tháng tuổi thơ và thời gian tham gia chiến tranh. Nửa còn lại là chặng đường bốn mươi năm làm việc ở Ban Tuyên huấn, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin; làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Có rất nhiều câu chuyện bình thường trong cuộc sống nhiều người đã từng gặp. Nhiều câu chuyện tuy không là “thâm cung bí sử” nhưng cũng là những việc nghiêm trang, nghiêm túc, đầy trọng trách mà tác giả đã từng trải qua. Dù là những mẩu chuyện ăn ở, sinh hoạt đời thường hay chuyện họp hành kiểm điểm căng thẳng do nội bộ mất đoàn kết, người đọc đều có những chia sẻ hết sức thú vị và bổ ích qua những trang viết đầy suy tư và trách nhiệm của một người sau khi rời khỏi vị trí công tác.

Với NSND Đặng Thái Sơn.

Với lối viết, lối kể như thế Phạm Quang Nghị đã vẽ nên một bức tranh sống động về những năm tháng sống, làm việc ở Hà Nam, Bộ Văn hóa – Thông tin, thành phố Hà Nội. Những chặng đường đầy ắp những sự kiện gắn liền với thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Đó cũng là giai đoạn anh rời Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, được “ném” vào thực tiễn, được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành tại những địa bàn nóng bỏng, đầy ắp những công việc cần làm và đáng làm.

Đọc “Đi tìm một vì sao” người đọc có dịp hiểu một con người đầy suy tư và nghị lực, được sống trong môi trường rèn luyện, thử thách từ những năm tháng khói lửa chiến tranh tới khi đất nước hòa bình. Một cán bộ nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, thầm lặng, kiên trì phấn đấu, luôn có niềm tin và hướng tới những điều cao cả, một lòng phục vụ nhân dân và đất nước. Trên suốt chặng đường ấy, lúc thuận lợi hay trong lúc rất khó khăn, Phạm Quang Nghị cảm thấy mình luôn được bạn bè, đồng chí, người thân ủng hộ, đồng hành, tiếp sức. Luôn cảm nhận có được một ngôi sao dẫn đường. Ngôi sao ấy là lý tưởng, là niềm tin vào sự nghiệp vinh quang của Đảng, của nhân dân, là con đường mà anh đang đi. Bởi thế khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó những nhiệm vụ, trên mọi cương vị, mọi chặng đường, Phạm Quang Nghị đều nỗ lực hoàn thành và hoàn thành tốt.

Trong cuốn sách, tác giả không tổng kết công việc của mình. Nhưng khi đọc tôi lại thấy đây là những trang tổng kết bằng cách kể ra những câu chuyện rất sinh động và có thật. Với một cái nhìn sắc sảo, tinh tế, đầy tính nhân văn, trước những việc đời thường và những việc trọng trách khó khăn. Có rất nhiều trang tác giả trải lòng trước những niềm vui, những thành công trong công việc và những trang trăn trở, suy tư trước những thách thức, khó lường.

Đọc “Đi tìm một vì sao”, qua các trang sách người đọc thấy hiện lên rất nhiều chân dung những con người. Thấy tác giả và bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp đã cùng đồng hành. Viết về công việc, viết về mọi người, người đọc lại hiểu thêm về tác giả – một con người luôn sống, làm việc hết sức nhiệt tình, chân tình, trách nhiệm, bản lĩnh và đáng mến biết bao.

“Đi tìm một vì sao” – một cuốn sách thật thú vị mà cũng thật bổ ích.

HÀ ĐĂNG

Nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

Theo Văn Hiến Việt Nam

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái