Người Hoa thờ mấy Thần Tài?

6:07 | 17/04/2022

Ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), người Hoa chủ yếu hoạt động kinh doanh, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Do đó, lợi nhuận là vấn đề mà họ luôn rất quan tâm. Vì thế, tín ngưỡng thờ Thần Tài xưa nay vốn đã phổ biến trong cộng đồng người Hoa, giờ đây lại càng được phát triển ngày một phong phú và đa dạng hơn.

Tín ngưỡng thờ Thần Tài xưa nay vốn đã phổ biến trong cộng đồng người Hoa,

Trong các gia đình người Hoa, từ trước đến nay, luôn thờ Thần Tài trong một bàn thờ đặt sát vách trên mặt đất. Thần Tài với hình dạng một viên bá hộ râu tóc bạc phơ, ngồi trên đống vàng hoặc trên tay cầm nén vàng. Thực tế đây là Phúc Đức Chính Thần – tức Thổ Địa của người Hoa.

Theo quan niệm Ngũ Hành, Thổ sinh Kim nên Thần Tài luôn được đặt thờ chung với Thổ Địa. Sau lưng hai tượng Thần Tài và Thổ Địa có tấm tranh kiếng với nhiều dòng chữ Hán ghi dọc từ trên xuống, đáng chú ý nhất là hai câu nổi bật ở chính giữa: “Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần”. Trong đó, “Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần” bao gồm Tiền Địa Chủ Tài Thần là vị Thần Tài ở nhà trước tức “Môn Khẩu Thổ Địa Tiếp Dẫn Tài Thần” và Hậu Địa Chủ Tài Thần là vị Thần Tài ở nhà sau tức “Táo Quân”. Trong bàn thờ này, còn có sự hiện diện của “Thiềm thừ”. Thiềm thừ vốn là loài cóc ba chân, là con vật có nhiệm vụ giữ của cải và tạo ra của cải, nên Thiềm Thừ luôn ngồi trên đống vàng, miệng ngậm đồng tiền vàng. Người Hoa có thói quen từ sáng sớm đến chiều thì xoay đầu Thiềm Thừ ra cửa để đón tài lộc vào nhà. Từ 18g đến sáng sớm hôm sau thì xoay đầu Thiềm Thừ vào trong nhà để giữ của cải, tài lộc cho gia đình.

 Ngoài những vị Thần Tài nói trên, người Hoa ở TPHCM còn thờ thêm nhiều vị Thần đã được “Thần Tài hóa” như Quan Thánh Đế Quân, Thần Tài Di Lặc … Người Hoa thờ Quan Thánh Đế Quân ngoài ý nghĩa là biểu tượng cho lòng trung nghĩa, quả cảm, là vị thần độ mạng cho nam giới …, họ còn coi ông là một vị Thần Tài ban tài lộc đến cho con người. Vì thế, hằng năm vào Tết Nguyên Tiêu, nhiều người Hoa và người Việt đều nô nức đến chùa Ông (hội quán Nghĩa An) để “vay lộc, trả lễ”. Tập tục này đã có từ lâu và vẫn được gìn giữ đến tận ngày nay. Đây là một nét văn hóa tín ngưỡng ảnh hưởng nhiều đến những người buôn bán, làm ăn. Họ tin là vay lộc từ ông thì sẽ thành công trong công việc kinh doanh của mình.

Ở các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa, nhất là tại khu vực quận 5, nhiều vị Thần được thờ tự cũng mang ý nghĩa “Thần Tài”.

Tài Bạch Tinh Quân : là sao Thần Tài, là vị thần chủ quản tiền của tài lộc, luôn ở bên cạnh Thượng Đế, vì thế vị Thần này được người Hoa tôn thờ khá phổ biến. Tài Bạch Tinh Quân có 5 vị: Kim Long Như Ý Chính Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân (tức Triệu Công Minh), Chân Bửu Thiên Tôn, Nạp Trân Thiên Tôn, Chiêu Tài Đồng Tử và Lợi Thị Tiên Quan.

Huê Quang Đại Đế: vốn là một vị thần Lửa của đạo Bà La Môn (Ấn Độ), theo tín ngưỡng Phật giáo truyền qua Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Huê Quang là một ngọn đèn ở cõi Tây Phương, do thọ khí âm dương nhiều năm nên ngọn đèn thành quỷ, trốn xuống trần gian quấy phá chúng sinh, bị Phật Tổ Như Lai thu phục, bắt tu hành trở lại để thành chánh quả. Như vậy, Huê Quang ban đầu là vị thần Lửa, dần dần được chuyển hóa trở thành Thần Tài cho những người làm gạch ngói hay gốm sứ và được người Hoa gọi là ông Lò.

Thần Tài Gia Gia : còn gọi là Thần Tài âm phủ, Thần Tài áo trắng hay Thần Tài địa phương. Vị Thần này được thờ khá phổ biến trong nhiều cơ sở tín ngưỡng cộng đồng của người Hoa. Thần Tài Gia Gia trên đầu đội mũ cao có 4 chữ Hán “Nhất kiến phát tài” nghĩa là nhìn thấy một lần là phát tài. Tín ngưỡng thờ Thần Tài này có liên quan đến hai nhân vật Hắc vô thường – Bạch vô thường ở âm ty địa phủ. Dân gian quan niệm rằng hễ người sống nhìn thấy hai nhân vật này là đã “tới số”, còn những kẻ đam mê cờ bạc khi nhìn thấy hai nhân vật này thì còn chút hy vọng. Vì thế, ban đầu chỉ có những kẻ cờ bạc cùng đường, mạt vận cầu xin vị Thần Tài này. Dần dần về sau, những người mua bán, kinh doanh cũng ảnh hưởng và cúng bái nhân vật này rất nhiều.

Văn Xương Đế Quân : hay còn gọi là Khôi tinh, chủ quản việc học hành, thi cử. Lễ ký có câu “Văn Xương cung lục viết từ lộc” (Văn Xương là vị thần thứ sáu chủ quản lợi lộc) nên ông cũng được người Hoa xem như Thần Tài. Theo suy nghĩ của người Hoa, ai học hành đỗ đạt cao thì sẽ làm quan, từ đó có cơ hội nhận được nhiều bổng lộc, cho nên họ gọi ông là Tăng Phúc Tài Thần. Văn Xương Đế Quân được thờ dưới dạng một đại thần, áo mão chỉnh tề, tay cầm bút mà dân gian thường gọi là ông Lộc trong bộ ba Tam tinh “Phúc – Lộc – Thọ”.

Thần Tài Đại Hắc Thiên :  vị Thần này có nguồn gốc từ Ấn Độ, tên là Mahakala (có nghĩa là rất đen). Khi du nhập vào Nhật Bản, vị Thần này được thờ rất phổ biến với tên gọi Daikoku. Ở Nhật Bản, Daikoku mang rất nhiều ý nghĩa: Thần Lúa vì ông luôn ngồi trên hai bao lúa; Thần sức khỏe vì trên tay luôn cầm cái búa vồ; Thần Bếp vì quá đen nên được đặt ở nhà bếp. Bản thân vị Thần này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nên người Hoa cũng đã tiếp nhận và gọi với một tên mới là Thần Tài Đại Hắc Thiên (hội quán Nghĩa Nhuận) với nhu cầu mong muốn ông mang lại cho họ nhiều tài lộc, sức khỏe, thịnh vượng…

Hòa hợp Nhị Tiên : là hai vợ chồng (có dị bản là hai chị em gái) thương yêu nhau, tâm đầu ý hợp, làm ăn luôn gặp thuận lợi dù trải qua bao nhiêu bất trắc, gian nan thậm chí đôi lúc cố ý phá bỏ cũng đắc lợi. Sau khi qua đời, hóa thân thành hai vị Thần chuyên giúp mọi người về mua bán, thuận buồm xuôi gió, hóa hung thành cát, giúp vợ chồng hòa thuận hạnh phúc, hóa giải khắc mệnh, khắc khẩu lẫn nhau. Tranh hoặc tượng Hòa Hợp Nhị Tiên có một người cầm bó lúa (lúa đọc là hòa); người kia cầm cái hộp (đồng âm với chữ hợp) bên trong có con dơi treo ngược đang ngậm đồng tiền (dơi đồng âm với chữ phúc, dơi treo ngược đọc là phúc đáo tức phúc đến) hoặc cầm hoa sen (hoa sen là hà, gần âm với hòa).

Tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài hay các vị thần được “Thần Tài hóa” nhằm mang lại của cải, tiền bạc cho gia chủ, đã có từ lâu đời trong văn hóa truyền thống của người Hoa cũng như ở nhiều dân tộc khác. Nhưng từ xưa tới nay, để trở nên giàu có, luôn dư giả tiền bạc, nhiều của cải, người ta đều phải dựa vào năng lực, trí tuệ cũng như công sức lao động của bản thân chứ không phải chỉ nhờ vào việc thờ cúng Thần Tài. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài cũng có tác dụng giúp cho con người có thêm niềm tin vào cuộc sống và luôn hy vọng rằng nếu vẫn nỗ lực làm việc, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn, thất bại thì sẽ có được được những điều may mắn hơn trong tương lai.

 

 

ThS. Trần Đăng Kim Trang 

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả