Nhặt được ví tiền của người giàu có, cậu bé đem trả nhưng lại xin một chút tiền, lý do đưa ra khiến đối phương vừa nghe đã phải xấu hổ.
Nhà từ thiện người Mỹ Kenneth Behring từng có một câu nói được rút ra từ chính kinh nghiệm của bản thân ông như thế này: Đừng tùy tiện đưa ra lời phỏng đoán về người khác.
Trải nghiệm của người đàn ông giàu có
Vào thập niên 90 của thế kỉ 20, khi đi ngang qua vịnh San Francisco, Behring đột nhiên phát hiện ví tiền của mình đã biến mất.
Người trợ lý lo lắng: “Có khi nào sáng nay chúng ta đi bộ qua khu ổ chuột ở Berkeley đã đánh rơi mất rồi, phải làm sao đây?”
Behring bất lực đáp: “Đành đợi người nhặt được ví liên hệ chúng ta vậy”.
Hai tiếng sau, người trợ lý thất vọng lên tiếng: “Thôi bỏ đi, đừng đợi nữa. Chúng ta đáng nhẽ không nên ôm hy vọng đối với những người ở khu ổ chuột đó”.
“Không, chờ thêm chút nữa xem sao”. Behring bình tĩnh nói.
Người trợ lý cảm thấy khó hiểu: “Trong ví còn có danh thiếp. Nếu người nhặt được muốn mang trả, thì gọi cuộc điện thoại mất mấy phút đâu cơ chứ. Trong khi chúng ta đã chờ cả buổi chiều rồi, rõ ràng bọn họ không có ý định trả lại cho chúng ta mà”.
Nhưng Behring vẫn khăng khăng chờ đợi. Khi bóng tối dần bao phủ, đột nhiên có tiếng chuông điện thoại reo lên. Chính là người nhặt được chiếc ví gọi điện tới, yêu cầu họ đến đường XX nhận lại ví.
Người trợ lý rối rít bên cạnh: “Đây liệu có phải là cái bẫy? Có thể họ muốn gài chúng ta tới đó rồi tấn công hoặc tống tiền gì đó?”.
Behring không quan tâm tới lời nói của người trợ lý, lập tức phóng xe tới đó.
Khi tới điểm hẹn, một cậu bé mặc bộ quần áo rách rưới đi về phía họ và cái cậu bé đang cầm trên tay chính là chiếc ví mà Behring đã đánh rơi. Người trợ lý đón lấy chiếc ví, đếm số tiền trong ví, không thiếu một đồng.
“Cháu có một thỉnh cầu”. Cậu bé ngập ngừng nói, “Ông có thể cho cháu 1 ít tiền được không?”.
Khi đó, người trợ lý phá lên cười: “Tôi biết mà…” Behring ngắt lời người trợ lý, mỉm cười hỏi cậu bé cần bao nhiêu tiền.
“Chỉ cần 1 đô là đủ ạ”. Cậu bé ngại ngùng trả lời: “Cháu đi bộ rất lâu mới tìm thấy bốt điện thoại công cộng, nhưng trên người lại không có tiền, đành đi vay người ta 1 đô để gọi điện, bây giờ cháu cần tiền để trả người ta”.
Nhìn thấy đôi mắt trong veo của cậu bé, người trợ lý cúi đầu xấu hổ. Còn Behring thì xúc động ôm chầm cậu bé.
Ngay sau đó, ông thay đổi kế hoạch từ thiện trước đấy, chuyển tiền đầu tư xây dựng một số trường học trong thành phố Berkeley, chuyên thu nhận những đứa trẻ không có tiền tới trường trong các khu ổ chuột.
Trong buổi lễ khai giảng, Behring phát biểu: “Xin đừng tùy tiện phỏng đoán hay đánh giá về người khác.
Thay vào đó chúng ta cần dành thời gian và cơ hội, đón nhận những trái tim thuần khiết và lương thiện.
Một trái tim như vậy thật xứng đáng để chúng ta dày công vun đắp thành tài”.
Theo http://ttvn.toquoc.vn/nhat-duoc-vi-cua-nguoi-giau-co-cau-be-dem-tra-nhung-lai-xin-mot-chut-tien-ly-do-dua-ra-khien-doi-phuong-vua-nghe-da-phai-xau-ho-82021258165846354.htm