Không thể nào nghĩ được rằng Lương Ngọc An đã vào lứa U60. Mắt sáng trẻ trung, môi hồng tươi tắn, tóc cua còn nhiều phần xanh mát, nhìn chị em lúc nào cũng như muốn gửi thơ tình sao đã U60?
Lương Ngọc An lúc nào cũng được coi là nhà thơ trẻ. Anh làm báo Văn nghệ từ khi giải ngũ (1990), tiếp đó học trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5 (1993-1997) rồi sau đó về làm Văn nghệ trẻ.
Lương Ngọc An lúc nào cũng được coi là trẻ vì anh có quãng thời gian dài gắn với Văn nghệ trẻ, tờ báo nổi trội còn hơn cả đấng khai sinh. Lương Ngọc An tiếp đó làm tờ Văn nghệ (già) đầy sóng gió một thời cũng chẳng sao.
Đến bây giờ, anh đã là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam – Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ cũng là thuận theo thời cuộc với khả năng nội lực của anh.
Tôi thấy ít người ghềnh thác như anh. Có thác ghềnh mới sỏi nấu thành cơm được. Chơi với anh trên ba mươi năm, từ khi tôi nhập học Viết văn Nguyễn Du khóa 6 (1998-2002) đã được gặp, nhất là được nghe thơ anh. Tôi đã thấy sẵn ở đó sự quyết liệt, tự trẫm mình, tìm tai ách trong ngang tàng, ngạo nghễ:
Chung nhau nốt chén này đi
Rồi đem sầu muộn mà di dưới giày
Vỏ chai đập vỡ một ngày
Rồi không say cũng giả say mà cười.
Thơ như thế, êm đềm làm sao được.
Đã thế, lại còn tự tuyên ngôn:
Mặc ai hoa cúc hoa nhài
Với hương hoa bưởi, với gai hoa hồng
Cho ta làm ngọn cải ngồng
Liu riu thắp chút nắng hong mắt người…
Thì trách nào thiên hạ chả ghét cho.
Lương Ngọc An từng là lính tăng – thiết giáp. Sắc lính đậm chất kỹ thuật nhưng cũng rất đa tình. Từng có một thời, truyện ngắn “Hồi ức binh nhì” của nhà văn Nguyễn Thế Tường được chuyển thành phim gây xôn xao dư luận về cách tán tỉnh chị em của mấy tướng xe tăng. Ai đời dám sử dụng tháp pháo đu người lên nòng súng quay qua hàng rào đột kích vào gặp gỡ lính nữ thông tin rồi thề non hẹn biển. Lính xe tăng là thế. Đã lên xe là cùng một hướng mà đã “rắp tâm” quay nòng pháo cho đồng đội theo mệnh lệnh trái tim vượt hàng rào thép gai cũng đặc biệt khác thường.
Có lẽ do được rèn luyện từ sắc lính đặc biệt này với bản tính mỗi học viên trường Viết văn Nguyễn Du đều không giống người thường nên Lương Ngọc An đã sớm mang trong mình những phẩm chất vừa như mọi người thường vừa ngược chiều mây bay gió thổi.
Tương truyền rằng, thời trai trẻ, Lương Ngọc An tậu một con “thiết giáp” phân khối lớn kềnh càng ngang dọc khắp trong Nam ngoài Bắc. Ngày đó còn chưa ai biết đến mũ bảo hiểm là gì, chiếc đầu trọc lốc của họ Lương phơi sương phơi nắng dãi dầu quanh năm suốt tháng. Trời nắng đã vậy, trời mưa cũng một mực để cho muôn vàn giọt to giọt nhỏ giáng thẳng xuống mặt mũi người ngợm trong lộ trình thiên lý Bắc – Trung – Nam.
Một hôm, khi đoàn nhà văn quân đội vượt đèo Hải Vân (khi đó còn chưa có đường hầm xuyên đèo), tới giữa đỉnh đèo trời nắng như đổ lửa, ai nấy trố mắt dõi nhìn một thanh niên cưỡi chiếc xe phân phối lớn siết ga máy nổ đoành đoành như xe tăng khói tuôn mờ mịt vượt dốc tay áo lên đèo. Có lúc, tưởng chừng dốc đứng cua gấp, nhựa đường nóng chảy lóa nhóa trơn trượt sẽ hất văng cả xe và người xuống vực mà ái ngại, thì đoành đoành đoành, chiếc xe đã đỗ xịch ngay giữa đỉnh đèo.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, vốn người Quảng Bình mắt sáng tiếng vang nói như reo lên:
– Trời đất! Lương Ngọc An!
Anh em trợn mắt nhìn quả đúng là Lương Ngọc An ngực phanh trần, đầu trọc như sư, đeo cặp kính đen đã chít đầy bụi đỏ.
Nhà thơ họ Lương luôn tạo ra những bất ngờ như thế.
Đó cũng là ưa thích của Lương Ngọc An.
Lại có chuyện thật như đùa. Khi Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi bút ký đón chào thiên niên kỷ mới đã nhận được nhiều tác phẩm lần lượt được giới thiệu trên các số báo và tờ phụ san do nhà văn Lê Lựu cầm trịch. Lương Ngọc An quyết định đã thi phải có gì đó khác thường, người đời không theo được mới nghĩ ra cách một mình cưỡi lên con chiến giáp từ Hà Nội vượt dãy Hoành Sơn, vượt Hải Vân Sơn vào thẳng mạn Bình Định, Phú Yên quyết chí ra khơi một chuyến.
Những năm đó, việc đi biển không phải dễ dàng. Các làng nghề câu cá ngừ đại dương cũng hiếm có. Lương Ngọc An quyết định theo một thuyền câu cá ngừ lênh đênh hàng tháng trời mãi tận vùng đảo Hoàng Sa nơi tổ tiên các dũng binh Bình Định đã từng được các đời vua Nguyễn sung vào đội Hoàng Sa đi khai khẩn cắm mốc chủ quyền. Đời này nối đời kia, vì mưu sinh cũng là vì thôi thúc của dòng máu tổ tiên, các đội câu cá ngừ đại dương đã nối đời trọn kiếp lênh đênh trên biển thẳm.
Đi được cỡ già nửa hải trình, các bạn thuyền mới hỏi tay nhà báo, nhà thơ đầu trọc rằng ông đã mổ ruột thừa chưa? Nhà thơ ngơ ngác không hiểu chuyện gì? Việc quái gì quan tâm ruột thừa ở nơi trùng khơi mênh mang sóng bạc đẹp như chốn thần tiên thế này bèn thật thà mỉm cười bảo tôi quý nhất ruột thừa nên nó vẫn còn nguyên, chưa chia tay khổ chủ. Đám thủy thủ trong đó có thuyền trưởng là một người bạn thân trợn mắt bảo: “Ông giết tôi rồi! Từ đây về đất liền rồi quay ra mất nửa tấn dầu hơn cây vàng đấy bố ạ. Bố mà có chuyển ruột thừa, hoặc là làm mồi cho cá, hoặc chạy kịp vào bờ thì e rằng con ngựa sắt của bố cộp vào đấy cũng chưa đủ tiền dầu”.
May suốt hơn tháng giời lênh đênh trên biển trở thành một thợ săn cá ngừ thực thụ, bụng dạ họ Lương vẫn vững chắc như thường.
Bút ký “Những thợ săn trên biển” của Lương Ngọc An đoạt giải nhất Văn nghệ quân đội được giới văn bút thán phục, ra đời từ một chuyến đi đậm chất giang hồ như thế.
Khí chất của Lương Ngọc An cũng thật khác thường và hết sức nhất quán. Những năm 1997-2006, tôi khi đó còn là phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân, nhà ở thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm – Hưng Yên). Vùng đất Như Quỳnh những năm đó, các doanh nghiệp theo chủ trương về các khu công nghiệp tổ chức sản xuất rất đông. Mảnh đất Như Quỳnh, Văn Lâm rất sôi động. Thầy dạy toán của tôi là Cao Hưng Lâm khi đó giữ chức Chủ tịch huyện đã phải tiếp đón và xử lý khối lượng công việc khổng lồ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Đồng thời, lúc đó, nhà văn Lê Lựu cũng đang khai sinh Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam được ông Đoàn Duy Thành – Trưởng phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam hết sức ủng hộ và đã làm được những việc rất hữu ích. Càng lạ lùng hơn, các nhà văn, nhà báo thường xuyên về mảnh đất Như Quỳnh giống như một mô hình mẫu với hàng chục doanh nghiệp lớn sau này là những tập đoàn “khổng lồ”… Trong những người bám sát và quan tâm tới sự phát triển toàn diện của mảnh đất Văn Lâm, có nhà văn Lê Lựu, nhà văn Hoàng Quốc Hải và đặc biệt là nhà thơ Lương Ngọc An.
Lương Ngọc An những tháng ngày lăn lộn ở Văn Lâm về kinh tế chắc cũng mù tịt giống như nhà văn Hoàng Quốc Hải nhưng những đóng góp của hai vị Hoàng – Lương về văn hóa, nhất là về bảo vệ môi trường càng về sau càng thấy đúng. Tuy nhiên, vốn là một người thơ đúng nghĩa, Lương Ngọc An đã bắt gặp ở đó những Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thích và đặc biệt là Nguyễn Thành Tuấn – một người thơ đồng tuế với anh, cũng là dân nghiện thơ, sống chết chỉ có thơ. Hai ông xoắn bện vào nhau như hình với bóng. Lúc đó, Nguyễn Thành Tuấn là đương kim Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên – Tổng Biên tập Tạp chí Phố Hiến. Hai ông này thơ phú đàm đạo suốt đêm quên vợ con, quên trời đất.
Lương Ngọc An làm nhiều thơ tình, hay nhất phải kể đến chùm bài về mùa thu và hoa sữa. Đã có nhiều người cho rằng đây chính là thành tựu lớn nhất của Lương Ngọc An. Bình luận về văn chương, nhất là thơ ca, ở những trường hợp độc đáo như Lương Ngọc An, mỗi người mỗi khác cũng là chuyện bình thường.
Cũng như tôi luôn cho rằng, ngoài cung cách sống trọng nghĩa liên tài, luôn hết mình vì bạn bè, vì văn chương chữ nghĩa, thì phần đáng kể nhất của Lương Ngọc An chính là những bài thơ về chiến tranh và người lính từng đoạt giải cao trong cuộc thi thơ của Văn nghệ quân đội. Trong bài “Tản mạn về Bà mẹ anh hùng” từ cách đây hai mươi năm, Lương Ngọc An đã viết:
Nếu như bà nội con thành Bà mẹ anh hùng,
Nghĩa là ngày hôm qua, cha đã không về nữa.
Nghĩa là ngày hôm nay, không có một đứa trẻ là con vừa ra đời sau cánh cửa.
Nên cha viết khúc ca dâng những Bà mẹ anh hùng…
…
Run run con nắm bàn tay
Không đành nắm chặt – xương gầy dễ đau
Không chia với mẹ một câu
Chia vui sợ tủi… chia sầu sợ oan
Những vần thơ như thịt da hồn cốt của biết bao thân phận đã phải chịu tận cùng mất mát hy sinh để góp nên hình hài đất nước.
Đó mới chính là Lương Ngọc An.
Những năm gần đây, Lương Ngọc An đằm tính một cách khác thường. Ngày xưa, lúc nào cũng hăm hở ra đi, đi để tan sông nát bến cũng chỉ vì gương mặt thơ, gương mặt anh em bầu bạn. Nay vẫn còn đó một Lương Ngọc An, nhưng đã trầm hậu và thanh thoát, luôn tìm theo nguồn ngọn để trở về. Phải đâu ngọn núi lửa đã tìm cho mình một khúc du ca riêng tĩnh lặng.
Điều này thiết tưởng cũng không cần rạch ròi minh định. Những gì ta đã sống qua. Những gì đang diễn ra và bước tiếp, hãy để cho người đời tự tìm lấy câu trả lời, cũng là một cách thuận thảo tự nhiên.
Những năm gần đây, Lương Ngọc An đằm tính một cách khác thường. Ngày xưa, lúc nào cũng hăm hở ra đi, đi để tan sông nát bến cũng chỉ vì gương mặt thơ, gương mặt anh em bầu bạn. Nay vẫn còn đó một Lương Ngọc An, nhưng đã trầm hậu và thanh thoát, luôn tìm theo nguồn ngọn để trở về. Phải đâu ngọn núi lửa đã tìm cho mình một khúc du ca riêng tĩnh lặng. |
Phùng Văn Khai/Tạp chí Văn Hiến bản in