Cách đây mấy hôm, tôi nhận được bản thảo một sáng tác vừa mới hoàn thành của nhà thơ Thanh Thảo, trường ca “Đám mây hình người thợ săn và con chó”.
Đọc qua một lượt, tôi hiểu Thanh Thảo gửi cho tôi tác phẩm còn nóng hôi hổi này là muốn gửi đến một người đồng điệu. Anh biết tôi từng có tham gia cuộc tiểu phỉ hồi 1959-60 ở Đồng Văn – Mèo Vạc, từng mê mẩn lang thang trên cao nguyên đá huyền ảo địa đầu đất nước ấy suốt mấy năm dài; từng viết những trang đắm đuối và trằn trọc về nó. Thanh Thảo cũng đã đến đấy sau chiến tranh biên giới phía Bắc, chắc lúc đầu do bị dày vò bởi ký ức về cuộc chiến tranh kỳ quặc, anh hùng và bi tráng ấy. Nhưng rồi sau đó lại còn có chuyện khác nữa, “nghiêm trọng” không kém, nếu không nói là hơn: anh đã “đụng phải” người Mông! Theo chỗ tôi được biết, không người cầm bút, cầm đàn, cầm cọ nào ít nhiều xứng với danh hiệu đó, đã đụng phải người Mông, trên chính quê hương của họ, mà không bị ám ảnh. Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Tài Tuệ… Đấy là một dân tộc khác thường. Mà Thanh Thảo, khổ thế, lại là một nhà thơ tài năng!
Trường ca lần này của Thanh Thảo viết về một người Mông lạ lùng, quê ở chính Mèo Vạc, nơi nửa thế kỷ trước tôi từng làm đội phó đội tiểu phỉ suốt hai năm. Một nhân vật vô cùng kỳ lạ, nói không ngoa đâu, có thể kỳ lạ nhất thế giới. Anh ta tên là Vừ Già Pó. Mấy năm trước, ở Mèo Vạc, một hôm Vừ Già Pó đột ngột mất tích. Nói cho đúng, trên vùng biên cương xáo động và bí ẩn này, chuyện ấy cũng không hoàn toàn lạ. Thỉnh thoảng vẫn có người bị bắt cóc bán sang Tàu, con gái thì làm vợ người ta hay bị đẩy vào các ổ điếm, đàn ông thì làm nô lệ. Vừ Già Pó biến mất. Người ta đi tìm… Rồi người ta cũng quên… Cho đến một hôm, bỗng có tin, trên báo chính thống hẳn hoi: Vừ Già Pó bị bắt tại… Kashmir, vùng đất tranh chấp khốc liệt nằm giữa Ấn Độ và Pakistan. Hẳn Vừ Già Pó đã trốn thoát được cảnh nô lệ bên Tàu, có thể đoán thế. Nhưng tại sao anh lại lưu lạc tít tắp đến tận Kashmir? Bằng một trực cảm cũng kỳ lạ không kém, Thanh Thảo nói rằng nếu không bị bắt ở vùng đất quá nhạy cảm Kashmir, hẳn Vừ Già Pó sẽ còn đi nữa, theo anh là tiếp tục về hướng Tây…, anh bảo tôi như vậy khi gửi trường ca mới cho tôi. Còn tôi, tôi cũng có chuyện để kể lại với anh.
Hơn mười năm trước tôi có đọc cuốn Lịch sử người Mông (Histoire des Miao) của F. M. Savina, một vị linh mục và là nhà dân tộc học nổi tiếng, cũng từng “đụng phải” người Mông và bị dân tộc này mê hoặc. Quả thật người Mông có một lịch sử rất hiếm hoi. Theo Savina quê hương cổ xưa của họ là ở vùng Lưỡng Hà. Ông viết: “Ta thấy tất cả các dân tộc từng cư trú trên trái đất từ thuở khởi nguyên đều bắt đầu tỏa ra từ một khu vực chung nằm giữa cao nguyên Pamir về phía Đông, sông Indus về phía Đông-Nam, biển Caspienne về phía Nam và hồ Aral về phía Bắc (Ở khu vực đó, người Mông thuộc nhóm Touran), nhóm này vốn đã chiếm vùng Iran từ những thời kỳ đầu tiên của lịch sử. Từ đó họ tràn ra khắp vùng đồng bằng nằm giữa sông Tigris và sông Euphrate (hai con sông hợp nên vùng Lưỡng Hà nổi tiếng), và trên các cao nguyên của Médie và Iran… Về sau, bị người Aryen và người Sémite xua đuổi, họ đổ về Trung Á, từ đó tỏa dần ra các vùng Nga, Tarim, Mông Cổ, Mãn Châu, Triều Tiên, Bắc Nhật Bản, và cho đến tận châu Mỹ qua eo biển Behring. Họ tạo thành nguồn gốc của người Finno-Tartar (Finno chính là Phần Lan ngày nay), người Mông Cổ, người Ainos (Nhật Bản), người Esquimo, và cả người Mông…”
… Truyền thuyết của người Mông kể rằng họ vốn sống ở vùng Sennaar vào thời xây dựng tháp Babel (tháp ngôn ngữ), từ đó họ đi dần lên hướng Bắc, cho đến bên trong vòng tròn Bắc Cực, vượt qua hoặc men theo các núi cao… Điểm xuất phát của họ, theo Savina, hẳn phải là từ vùng nằm giữa dãy núi Pamir, biển Caspienne và vịnh Ba Tư. (Đấy chính là cao nguyên Ta soa, thường được nhắc đến trong các truyền thuyết Mông). Điểm họ đến nằm sâu trong vòng tròn Bắc Cực… có thể ở đâu đó thuộc vùng Bắc Sibérie, bên trên vĩ độ 60, giữa Biển Trắng và eo biển Behring… (Chính giai đoạn ở trong vòng tròn Bắc Cực này đã để lại dấu vết trong các truyền thuyết và truyện cổ tích Mông kể về ngày dài 6 tháng, đêm dài 6 tháng…). Từ đó, người Mông đi dần xuống phương Nam, theo sông Wei và bờ Nam sông Hoàng Hà, dừng lại ở vùng Trung Nguyên, trung tâm lục địa Trung Hoa ngày nay. Rồi bị người Hán từ phía Tây tràn sang xua đuổi, họ lại chuyển dần xuống phía Nam, đường đi hầu hết men trên các đỉnh và sườn núi cao. Savina viết rằng “họ đã nán lại quá lâu trên núi cao, chẳng còn chỗ cho họ ở đồng bằng […] Dân tộc lữ hành này, chưa bao giờ có tổ quốc cố định, chẳng hề quan tâm đến biên giới của các dân tộc khác, nhưng họ thành thạo tuyệt vời các con sông và các ngọn núi của châu Á, và đã đặt tên cho hầu hết các sông núi đó bằng ngôn ngữ của mình. Hẳn họ sẽ đoạt giải nhất về địa lý so với toàn bộ người phương Đông!
[…] Người Mông chưa bao giờ có tổ quốc cố định, tuy nhiên lại cũng chưa bao giờ biết đến tình trạng nô lệ. Độc lập một cách dữ tợn là dấu hiệu khác biệt của người Mông, suốt mọi thời đại…
[…] Sự tồn tại của dân tộc có đến 5000 năm tuổi này quả là một sự kiện lịch sử kỳ lạ: việc họ giữ nguyên vẹn ngôn ngữ của mình mà không cần có sự hỗ trợ của bất cứ hệ thống chữ viết nào, (trong khi họ đi xuyên qua hàng trăm dân tộc khác có các ngôn ngữ được cố định bằng chữ viết, đặc biệt là ngôn ngữ Trung Hoa có tuổi đến năm mươi thế kỷ), có thể là một hiện tượng ngôn ngữ học độc nhất vô nhị trên toàn thế giới […]”.
Trên đường trường chinh 5000 năm đi lên tới cực Bắc rồi lại đổ xuống phương Nam, người Mông vào Việt Nam ở đỉnh nhọn Lũng Cú – Hà Giang, lan tiếp qua Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, rồi sang Lào, Thái Lan, Myanmar… Tổ tiên của Vừ Già Pó, một nhánh Mông nhỏ, đã dừng lại – từ bao giờ? bao nhiêu đời rồi? – ở cái làng đẹp như tranh và đã đặt tên cho cái thung lung đá mộng mơ đó là Mèo Vạc…
Bao nhiêu đời cho đến Vừ Già Pó hôm nay, đủ để có thể quên tất cả… Thế tại sao, thoát được cảnh nô lệ bên Tàu, anh không trở về Mèo Vạc thân quen. Mà lại dấn mình như một người mộng du vào một cuộc đi lạ lùng dường đến phi lý, về một hướng lạ lùng chắc chắn trước đó anh không hề biết, chưa hề mường tượng? Tại sao? Có tiếng gọi nào từ trong thăm thẳm của thời gian, của vô thức mịt mùng mà lại rõ rệt, quyết liệt như một sức mạnh vật chất bất khả kháng? Các bạn có thể nhìn thấy con đường đi của Vừ Già Pó trên tấm bản đồ kèm dưới đây. Từ Nam Trung Quốc, anh đã đi xuyên qua Bắc Lào, Bắc Thái Lan, Myanmar, vượt qua sườn Hymalaya, sang Bangladesh, Buhtan, Népal, qua Bắc Ấn Độ…, bị bắt ở Kashmir vì đây là vùng đất tranh chấp quá ư nhạy cảm ngày nay. Vừ Già Pó đã đi 7000 kilômét! Và hoàn toàn đi bộ. Hệt tổ tiên anh đã đi bộ suốt 5000 năm từ Lưỡng Hà lên Bắc Cực giá buốt, rồi lạị từ Bắc Cực xuống Đông Nam Á nóng bức… Không biết các quan chức an ninh – của Ấn Độ hay của Pakistan? – đã tra hỏi anh những gì và anh đã nói với họ những gì về động cơ của anh trong cuộc đi phi lý này? Liệu anh có thể nói gì, khai báo gì? Anh có thể nói gì về cái sức hút dữ dội, âm thầm, bí ẩn đột ngột thức dậy đâu đó tận rất sâu trong anh, trong vô thức mịt mù mà lại sáng rõ lắng đọng 5000 năm trong từng tế bào, từng li ti huyết quản của anh, một ký ức hóa thạch đột ngột thức dậy, đột ngột tươi rói, kéo anh cắm cúi đi mãi đi mãi về phía trước, vượt qua tất cả, núi cao và sông sâu, hệt như tổ tiên anh từ rất rất cổ xưa. Thanh Thảo bảo rằng Vừ Già Pó không định dừng ở Kashmir đâu. Anh còn muốn đi nữa đi nữa, cắm cúi đi nữa, cho đến cái điểm ấy, mà Savina gọi là Lưỡng Hà, đẹp biết bao nhiêu, nằm giữa hai con sông thiêng Tigris và Euphrate… Lưỡng Hà cội nguồn của người Mông, của anh.
Vừ Già Pó chưa bao giờ đọc Savina, đương nhiên rồi. Anh không cần đọc. Những trang ấy, những dòng thống thiết ấy vốn có trong máu anh. Có phải cảnh nô lệ mà anh bị ném vào, mà là một người Mông anh quyết không bao giờ chấp nhận, là một người Mông, như Savina từng viết, “dân tộc độc lập một cách dữ dằn”, anh quyết phá tung ra, cú sốc đột ngột và mãnh liệt ấy, như vẫn thường thấy ở những người đột nhiên đạt đến những khả năng phi thường, đột ngột tháo mở một “luân xa” quan trọng nhất, đã đánh thức ký ức dân tộc hóa thạch trong anh. Lớp vỏ đá ngàn năm đột nhiên tan chảy. Và Vừ Già Pó trở lại là người Mông lữ hành vĩnh cửu từng băng qua tất cả núi cao nhất sông sâu nhất châu Á.
Tôi hiện không có cuốn Lịch sử người Mông của F. M. Savina trong tay, nhưng còn giữ được trong máy một số đoạn ghi chép khi đọc sách này mười năm trước. Tôi dịch vội những trang ấy và gửi cho Thanh Thảo. Anh gọi điện cho tôi, bảo anh đã đọc ngay, hết sức thú vị vì những điều Savina viết, càng thú vị vì dường như nhà dân tộc học nổi tiếng ấy nói đúng từng chút một những gì anh đã mường tượng về người Mông khi cầm bút. Nhưng rồi anh lại nói: “Cũng may quá là anh đã dịch và cho tôi đọc Savina sau khi tôi đã viết trường ca. Nếu được đọc trước, chắc tôi đã không thể viết được. Bởi vì viết sau khi đã biết tất cả những điều ấy thì hóa ra tôi sẽ chỉ minh họa lại các ý tưởng đã có sẵn đó. Văn học không phải là minh họa bằng ngôn từ những gì đã biết bằng lý trí. Tôi chỉ có thể viết say sưa được như đã viết khi còn tin rằng tất cả những gì mình trải ra trên trang giấy đó là do mình sáng tạo ra, mình “bịa” ra một hiện thực hoàn toàn mới thêm cho cuộc đời này!…”.
Vậy đó, điều vẫn được gọi là văn học phản ánh hiện thực. Bằng tất cả tình yêu say đắm của mình, nhà văn “đoán” về những sự lạ ở đời khiến anh kinh ngạc và da diết cố hiểu, cố nói cho ra. Khi anh có tài thật sự, thì điều anh ước đoán đó có thể trùng hợp, hay đúng hơn, còn thực hơn sự thực nhiều.
Như vậy ở đây có đến hai sự lạ, đều thật đẹp: sự lạ của Vừ Già Pó vô thức đi xuyên lục địa châu Á để tìm về cội nguồn thăm thẳm của mình; và sự lạ của nhà thơ Thanh Thảo, cũng bằng vô thức, vô thức nghệ thuật, khám phá ra sự thật tuyệt diệu mà nhà khoa học uyên bác Savina đã tìm được về dân tộc Mông bằng con đường chặt chẽ của lý trí khoa học.
Đẹp quá, cả hai.
một đám mây hình người thợ săn và con chó
trôi lang thang
từ Siberie sang
Mèo Vạc Lũng Cú Quản Bạ Đồng Văn
X Y Z…
mây bay như nỗi buồn phiêu dạt khắp trời biết nơi nào dừng
quê hương mây ở đâu?
ai xua đuổi mây nếu không là gió
ai xua đuổi gió nếu không là sóng
ai xua đuổi sóng cho đảo nổi đảo chìm đàn chim tha hương ngậm cọng rác xây tổ từ đỉnh núi
bây giờ trong mắt người còn giá băng nơi rời bỏ
còn lửa những đám cháy nơi tạm cư
bây giờ sông Hoàng Hà hay Trường Giang chỉ là vệt nước
trên tay áo
lông chó đã cằn khô nhiều sợi mây
lả tả
những cơn đói
mây cũng biết đói?
có cái gì trên đời này không đói
cái gì ta thiếu mà không đói
mây đói hình người thợ săn và con chó?
đói tổ quốc
đói tự do
đói cơm
đói
gió
gió xua đuổi ta nhưng không gió làm sao ta bay
không gió đời ta thành giẻ rách
chứ đâu phải mây
gió làm nên người dân ta trong sạch
dựng nhà nơi chất ngất
dưới bóng cây cổ thụ mồ côi
mải mê cách biệt
vách nhà khoét lỗ châu mai lẫm liệt
những cặp mắt sáng trưng
địu con xuống núi sáo vân vi lừng khừng
nghĩ theo từng vòng xoay cối đá
chầm chậm xay mẻ
bột ngô
đồ thưng
mèn mén
tôi gọi anh là người mây
tôi gọi anh là bạn gió
nơi ngày xưa anh từ bỏ
nơi ngày xưa xua đuổi anh
là vương quốc đọa đày
chuyển động vòm trời
những hạt ngô trong hốc
những cây ngô bồng con xoáy lốc
tụ và tán
mây bay con mắt mở
xôm xốp hình người
phường săn con mắt khép
chó trắng chạy ngời ngời
nắng mới
trời xanh
đá lành
sinh từ đá
những bờ vai chai cạ
gùi thăm thẳm phận mình
những xác thuyền đỉnh núi
những hóa thạch san hô và cá
vạn năm
những bắp ngô mẩy hạt
trăng rằm
kèn lá
đăm đăm
lãng đãng bay hình người và chó
âm thanh lênh loang gió
tận cổng trời
cô gái thêu một vầng mây trên váy
thêu một đời tảo tần lên đá
thêu xanh thẳm điệu kèn
lên âm u màu đêm
ba năm xong một chiếc váy
ba trăm năm xong một chỗ dừng
ta đám mây ngũ sắc
thiên di
ta bầy chim trú rét
Siberie
ngậm từng cọng cỏ đỉnh cao
tìm tổ quốc
gặp cao nguyên cỗi cằn
cắm chốt
gặp đại dương đá gộc
vác đá dựng hàng rào
gặp hạt ngô lăn lóc
đời ta nảy mầm thế sao
Việt Nam
ta đến với Người nơi chót núi
ta đến với Người lúc cùng đường
đá của Người bảo bọc ta
từng hạt ngô nuôi ta lớn
và gùi nước trĩu nặng
dạy ta bài học biển khơi
và chiếc lá lúng liếng
dạy ta giai điệu chơi vơi
kèn lá lâng lâng nâng mặt trời
vuốt vào đêm tối
khèn bè rondo khiến ai chới với
nghe xa xăm tiếng quả thông rơi
rừng taiga mờ mịt
rừng Nga
(hay Phần Lan?)
Bắc cực quang những đêm trắng
băng hà
ta muốn tìm nơi ấm áp
tìm mặt trời xuyên tuyết lạnh
con chó của ta vốn nòi Dũng Cảm
dắt ta bay qua các vùng trời
nhưng có thứ còn giá hơn băng tuyết
kinh hơn cạm bẫy
những Trường Giang Hoàng Hà đã tới
sao lòng chua xót khôn nguôi
chó yêu ơi đánh hơi gì nơi ấy
mà giục ta mau vội bước dời
có đàn chim nào ngày lang bạt
hướng mây băng về phương nam xa xôi
đám mây người thợ săn và con chó
qua vạn dặm xứ người
tìm một đỉnh cao không buốt giá
nơi chó săn mải đuổi con mồi
phường săn bứt lá cây ăn được
về đây mình dựng tạm ngôi nhà
một ngôi nhà trình tường bằng đất
trước cổng kê cao hàng rào bằng đá
có khoảngsân trồng mấy cây đào
lấy quả cho chim
lấy hoa cho núi
lấy gốc buộc ngựa
mùa xuân tới tiếng kèn lơi lả
sáo trúc thênh thênh đêm mùa hạ
Việt Nam
ta là con dân của Người
những dãy núi hoang vu không sợ hãi
những lối mòn không dấp cành kiêng cữ
ánh nhìn tin cậy
lá rừng miên man không lá ngón
người anh em ăn cùng ta một quả dưa nương
chấm mèn mén
giữa đường
chúng ta sống với nhau đá mọc
thở cùng nhau sương mai
hát đồng ca hẻm núi
hun hút đèo mây
người dân ta quen ở trên cao
mắt nhìn xuống thấp
tai lắng nghe tiếng động phía sau mình
chân bấm đá nhịp đầy mê hoặc
người dân ta toàn thân âm nhạc
ngay con dao đeo bên hông
cũng hát
bác thợ săn niềm vui khốc liệt
giương súng kíp
con chó săn đam mê lốc xiết
ngửi mùi chồn hương
trời làm cao nguyên đá
người Mông làm khẩu súng này
khoan nòng
đá hay đạn ghém
đỉnh núi cao hay bờ vực hiểm
đều vũ trang
đá lăn
đá lăn
đá lăn
lăn đá
xuống đầu thù
rình rập
suốt đêm thâu
mỗi ngôi nhà một pháo đài
nhiều mắt cửa
con chó của ta mũi ướt
thở
nó lắc lư khi ngửi thấy mùa thu
gió
chứa chan trong trẻo
có những lối mòn trong đầu
chỉ mình ta biết
nếu giặc từ biên giới tràn qua
ta chặn nơi cần gặp
phục bờ vực sâu
cây dương cung đá bật
đá lăn
đá lăn
đá lăn
uống với nhau một bát rượu ngô
nói người anh em đừng giận
nhiều bữa con ta ăn cơm với lá
đi vài chục cây số tới trường
vẹo chân
ở lều che tạm
gió sương
chờ dự án
nói người anh em đừng giận
chúng ta sống khổ quen rồi
nhưng các con ta không có chữ
làm sao chúng giữ đất này
các con ta thiếu đói
cột mốc đường biên sẽ lung lay
uống với ta một bát rượu ngô
nói người anh em đừng giận
đừng tham bát bỏ mâm tham của bỏ người
mỗi hòn đá nơi này đều thật đá
mỗi vầng mây dẫn lối tới mây trời
trong hình người thợ săn và con chó
ta đã bay qua rất nhiều nơi
đừng nghĩ mây quên lãng
hay chó ngửi nhầm mùi
thợ săn hãi đêm tối
đá không thốt nên lời
người ở núi cao cách trở
nói ít thôi
ta không chém gió
mà trần ra cho gió chém mình
ngang dọc
tin ta đi, hạnh phúc
chỉ đến với ai tự biết
ta biết từng hạt ngô nảy mầm trong hốc
từng lá cây làm men rượu ngô hạ thổ nhiều năm
kỳ sánh như mật
bao nhiêu cây số đường dốc mỗi ngày lên nương
dấu chân lõm mồ hôi khoan từng giọt
mặt đá in hình cánh chim thảng thốt
ta biết
mình rất nghèo
trên quê mình đá tươi tốt bao nhiêu
đá là của để dành
là vàng của đất
là bài ca cháy khát
dưới mây trời
giọng khèn bè nén hơi
ngàn ngạt
đá hát
đá hát
đá hát
hai quả núi sinh đôi hình cặp vú
đầy căng
hai người yêu tìm nhau qua tiếng hú
mênh mang
đá sinh đá sinh đá sinh đá
đá mẹ bồng con
đá vợ yêu chồng
đá mồ côi thất lạc
đá sum vầy mở hội xông xênh
đá ngẩn ngơ ngồi giữa chênh vênh
đá nguyên thủy đá đang thành hình
trong một thế giới không sắp đặt
đám mây người thợ săn và con chó
lững thững bay trên cao nguyên gió
Đồng Văn
mình là mây hay đây là đá
ta đang bay hay mây đang hạ
cánh giữa ngút ngàn
đá
mờ mờ
thở
ngô
mờ mờ
nở
tít dưới lòng thung dòng sông vệt nắng
vẽ giữa đáy sâu hình con rắn
sông Nho Quế mật mã trời xanh
làm sao ta xuống đó
tóc dựng ngược đèo Mã Pí Lèng
đêm sù sì góc khuất
đêm giam cầm nước mắt
đêm những người đang yêu khản đặc
thì thào kèn lá
ta bay và con chó
muốn nói không nói được
người anh em hãy vút cùng ta
cao hơn chóp núi
sâu hơn thung sâu
phiên chợ tình khắc khoải
lốc cốc chiều buông mõ trâu
ờ, chó sủa
những người yêu hối hả
cuống quít đạp lên vệt đêm nhọn sắc
trao nhau vấp váp lời thề
nóng hực
đám mây người thợ săn và con chó
cài đỉnh gió
chờ trăng
ta đang biến hình thở sâu nghĩ ngợi
phiên chợ chưa tàn
ta vuốt ve lá cờ đỉnh Lũng Cú
lá cờ 54m2
tiếng trống đồng
rung lồng ngực
Vua Quang Trung
rụng rời vía giặc
trăng lồng lộng cờ bay ràn rạt
trăm vạn hùng binh
nơi phên dậu tận cùng
quằn quại yêu
lặng im giữ nước
chúng ta tự do
như đá mọc
đá mát
như da thịt trẻ con
chúng ta là anh em
ba ông táo trong bếp
chung một điểm nhìn
lướt trên phận mình
một đời lao nhọc
gom từng vốc đất
nuôi từng cây ngô
xe từng sợi chỉ
chiếc váy ước mơ
nhiều lúc mắt hoa
nỗi buồn tiền kiếp
người thợ săn già
tay nâng súng kíp
lưng gùi Tổ quốc
con chó của ta
bay lên phía trước
lang thang năm châu lục
vẫn người Mông ta thôi
có lúc
Vừ Già Pó là tôi
từ Mèo Vạc
không bay
cuốc bộ hơn 7000 km(1)
băng qua sườn dãy Himalaya đến tận bang Azad Kashmir
(Pakistan)
tôi chẳng biết
vì sao mình đi được
cứ như ai ám quẻ gọi tên
Vừ Già Pó
một con vẹt
thường ăn ngô trên nương Mèo Vạc
bay theo tôi
7000 km
trong đêm vượt thác cao đèo dốc
chân trần
lướt qua nhiều quốc gia chủng tộc
con vẹt trò chuyện cùng tôi
cứ như mình sinh ra là bạn
(Vừ Già Pó bị bắt do vượt biên trái phép)
Báo Thanh Niên kể lại rằng: Khi nhìn thấy ảnh cờ và tiền Việt Nam trên màn hình, “Anh ta rất phấn khích và hạnh phúc. Anh ta nói gì đó và ra dấu hiệu để nói rằng những thứ này là của tôi”.
“Việt Nam là của tôi!” Vừ Già Pó
“Tôi là của Việt Nam!” xin đừng hỏi
tôi đến từ đâu?
dẫu đất nước tôi toàn đá
tôi cứ yêu đất nước mình vật vã
rồi mơ một lối mòn
dẫn về bản nhỏ
say rượu quá nằm im trên lưng ngựa
vợ che ô bóng tròn nắng dữ
lơ mơ móng vó
gõ trong đầu
đều đều một điệu kinh cầu
siêu tĩnh
con vẹt thân yêu không bao giờ phỉnh nịnh
nói với tôi bằng thứ tiếng
chỉ hai người hiểu nhau
không phải Pó muốn lập kỷ lục phượt hay gì đâu
tôi bị lừa bán sang Trung Quốc
làm nô lệ
tôi không muốn thế
nên bỏ đi
từ đó bắt đầu chuyến lang thang cơ nhỡ
hơn bảy nghìn cây số
theo hướng mặt trời lặn
cứ như ông trời muốn thử
Pó có phải người Mông?
tôi tên Vừ Già Pó, ở Mèo Vạc
Tổ quốc tôi là Việt Nam
từ những đỉnh núi cao
ong ong trong đầu
hình như ai gọi
tôi muốn đi tới một nơi nào đó
dù thế giới bây giờ không còn đất mới
người dân tôi vẫn muốn đi
tới một nơi nào đó
một nơi nào không rõ
thế thôi
như tổ tiên tôi đã đi đã đến
vân cẩu mòng mòng
kèn lá vẩn vơ không đầu không cuối
tắt mà chưa xong
người yêu có chồng có vợ
yên mà chưa xong
nhà dựng áp đỉnh núi
chắc mà chưa xong
cầu treo chông chênh thác lũ
rồi mà chưa xong
con ta chui bao ny lông vượt suối(2)
qua mà chưa xong
đám mây người thợ săn và con chó
nhàu nhò núi lở mưa giông
người dân ta bước chậm từng bước
xây ruộng bậc thang hàng mấy trăm năm
trồng nương ngô tốn vài ba thế hệ
đất và nước chợt nhẹ
gùi lên nương từng vốc từng vò
đất và nước chợt nặng
đời ta ăm ắp nỗi lo
Vị Xuyên
Thanh Thủy
12/7/1984
1698 ngôi mộ máu Việt Nam từ 30 tỉnh thành góp giữ
từng tấc đất tấc núi
Thanh Thủy bây giờ là cửa khẩu
đêm cú kêu khắc khoải liên hồi
tôi dừng lại bên sườn núi Đất
một nỗi đau bầm ứ trong đầu
mây gấp gáp hành quân về lối cũ
mây bay như vết chém ngang người
nào phải kẻ nhớ quên lơ đãng
tôi thầm đi xương máu các anh tôi
những hàng mộ bia dạy tôi cách sống
và chết không tủi hổ dưới mặt trời
“sẽ không một ai bị quên lãng”
nhưng từ nhiều năm nay quên lãng đã tới rồi
quên lãng ngồi chén chú chén anh
quên lãng lên mặt báo
chém gió
mặt căng vành vạnh
nói với ta lời có cánh
chỉ trừ những gì xảy ra ở Vị Xuyên tháng 7/1984
là quên lãng cố tình im lặng
ta với lãng quên không là bạn
xin cho ta
ngày trở lại nơi này
thắp nén hương nghèn nghẹn khói bay
rót vài ba chén rượu
lên những nấm mộ buồn
chiều mưa tuôn
ta ngược đường Thanh Thủy
nơi lũ giặc phun lửa đốt các anh thành tro bụi
thành sương khói
thành mây ôm đỉnh núi
thành nỗi đau vạn thuở(3)
trời ơi!
a di đà a di đà a di đà
a a a a a a a a a a
tôi là Vàng Xín Dư
người Mông
xã đội trưởng Tả Ván
từ năm 1979 tới 1984
đội quân của tôi chỉ vài mươi người
mấy khẩu CKC đạn lép
lựu đạn chày Trung Quốc
ném không nổ
còn lại là súng kíp
chúng tôi đã ba lần đánh thắng quân Trung Quốc
khi chúng tràn sang làng bản chúng tôi
được khen thưởng
chúng tôi cười
được phong anh hùng
chúng tôi vui
thế thôi
sau này
tôi được lên chức huyện rồi lên chức tỉnh
đi ô tô mỏi cả mông
thế thôi
giờ về hưu
cùng đám du kích già làm nương
chơi với lũ trẻ trai trong bản
uống rượu ngô ăn mèn mén
thế thôi
hỏi: sắc phong anh hùng cấp cho xã, giờ đâu?
đáp: cấp trên nói hãy tạm giấu
sợ ảnh hưởng đến tình hữu hảo bên kia biên giới
thế thôi
nhẹ một hơi sáo trúc
tôi ước
nghe tiếng kèn lá vò xé
thổi vào cuối canh ba
lúc tầng tầng đá cao nguyên thiếp ngủ
tiếng kèn khóc
cười
thở
mịn như đêm
mềm như lá
đột ngột
tắt
sao đổi ngôi
những người yêu
đứng bên hàng rào đá
nói với nhau bằng kèn lá
giai điệu miết vào cuối canh tư
lõm sâu
mệt mỏi
đám mây
lâng lâng bay
này này
người thợ săn
múc
bát sương xanh
con chó
đầu gục gục
xơi
tia nắng lành
một ngày mới trên cao nguyên Đồng Văn
những bước chân đều đều lên nương
những người gùi nặng đi cắm mặt về phía trước
những người cấy đá tạo thành hốc
nhón đất làm nên nương
những người miệt mài tới giữa trưa
khẩu phần chỉ một quả dưa
và một bát mèn mén
những đám mây làm dịu cơn nóng
trong khi chai nước lạnh khiến cổ họng được an ủi
và món dưa nương chấm mèn mén cam kết
cái bền chặt mỗi ngày
người dân ta khát thèm
yên ổn
họ không ưa gây chuyện
nhưng đừng ép họ tới mức không chịu nổi
vì lúc đó
toàn thân họ là danh dự
lúc đó
đá
nổ
đá cũng
nén đầy danh dự
Vàng Xín Dư nói với tôi
ông muốn cưỡi lên đám mây cuối trời
cùng con chó của đồn biên phòng
ngao du cao nguyên đá
có phút giây không mua được bằng tiền
không đổi được bằng vòng vàng hay quần áo đẹp
có niềm vui phấn khích như sương
có cú bay
chói ngời hạnh phúc
có đám mây
đẫm màu mơ ước
tôi nghe âm nhạc chiều thẳng đứng
lung linh giữa đỉnh và vực
đó là cú giáng khốc liệt
của một vận động viên nhảy dù
rơi tự do
thân thể mình
vi vu
ống sáo
những huyệt đạo nóng bừng
rừng cây chao đảo
ngồi trên đá và bay
tay níu mây tay nắm gió
hơi thở lụa
buông bắt nhẹ nhàng
tiếng sáo lâng khâng
ngập ngừng bước chân lữ khách
chưa biết dừng đâu khuya khoắt
mây trải nệm lưng chừng
đêm nay con chó và người thợ săn
chụm đầu thủ thỉ
mình ơi thân thiết đã bao đời
chia nhau củ sắn lùi
vốc ngô bung
dòng âm thanh trong đục lạ lùng
từ trời xanh thả xuống
cheo leo bao điều vọng tưởng
đất nước tôi
miệng ăn măng trúc, củ dơn
những giang cùng nứa
thực đơn
xót lòng
nhiều khi vuốt miếng lá dong
gói tấm bánh nếp chờ mong ai về
rừng xa nhạc ngựa tái tê
em mơ đá nở đầy khe hoa vàng
Vừ Già Pó về Mèo Vạc
lang thang cuối đất cùng trời
quê mình cứ vẫn thế thôi quê mình
uống một hơi sáo trúc
nâng tầm bát rượu ngô
vợ nhìn chồng đắm đuối
mất rồi được, ai ngờ!
trôi rất chậm dòng sông trôi rất chậm
những tường minh cây lóe sáng cạn ngày
và hơi thở hăng hăng mùi cỏ rậm
cứ như hồn mọc đá phía ngây ngây
lăn về phận người lầm lũi
trong sa mù nhào nặn mãi
bức tường
im lặng chắn
nỗi buồn dằng dặc
giữ từng đốm lửa cuối đêm sương
con chim gì tiếng hót rất xanh
bình minh lên từ cổ họng
miệng nhả hạt bàn chân chim nhúng nắng
rung cành cây mờ hơi suối thượng nguồn
người dân tôi ăn hòa điệu bên trong
những vật tổ (totems) đất trời sắp đặt
không xáo trộn chỉ tìm ra nút thắt
lần mở cõi thiên đường
con gà thiêng
cất tiếng gáy lật từng trang sáng thế
vòi nước chảy
nước từ đỉnh cao quanh quất lượn về
với cao nguyên đá
nước
là tất cả
với người đang yêu
bài ca
là tất cả(4)
bài ca ấy như một hơi thở lạ
ngấm vào tôi quá nửa đời
vì sao người Mông lại gặp Tô Hoài
vì sao Nguyễn Văn Thương có “Bài ca trên núi”?
vì sao người Mông ở cao đến vậy?
vì sao đá hút hồn tôi?
nắm xôi tím nước mắt em cay xé
đưa ta qua biết mấy thăng trầm
trên đám mây cuối ngày lặng lẽ
con chó và ta tóc xõa mưa dầm
chúng ta bay lang thang tìm hạnh phúc
có ngờ đâu hạnh phúc lại quá gần
nắm xôi tím mái đầu giờ bạc trắng
vẫn như xưa thơm từng ngón tay cầm
em đừng khóc mình về phiên chợ
mùi thắng cố ngất ngây lửa phừng
chảo quà ngon bạn bè sum họp
bát rượu ngô bùng cháy nỗi mừng
ta vào hội đi nương mùa mới
ống hóp tươi tẩu xênh(5) nhà làm
rồi chả ngóe măng chua ớt nướng
tiệc mở giữa trời thơm cơm lam
món bánh ngô em chờ qua Tết
bánh khô rồi chưa thấy anh sang
người mải yêu tìm yêu mải miết
họ ăn tình nhau suốt mùa màng
chúng mình đi chợ tình anh ạ
chợ tình như đất nước thật thà
cao nguyên đá làm sao hết đá
tình yêu thành núi mọc trong ta
thành lá kia ăn được
nước kia uống được
trúc kia thổi được
men kia rượu được
con dế mèn trong hốc
gáy vang bình minh
trăng sắp lặn người đi nương xuống núi
bỏ lại đâu đây bóng mình
“không núi nào cao bằng đầu gối người Mông”(6)
không mây nào lành bằng đám mây hình người thợ săn và con chó
bay vùn vụt dặm ngàn cây số
về ôm biển Đông xanh mặn đời ta
lũ giặc từng tràn qua cao nguyên đá
giờ lại lấn xâm biển cả
chó ta ơi, hãy đánh hơi lần nữa
nhận đúng mùi tanh tưởi kẻ thù xưa
chó của ta chính nòi đuôi cộc
lành như mây và dữ như hùm
chó của ta chớ hề khuất phục
với đất này nó trọn thủy chung
xin hãy nhận chúng tôi hỡi những người lính biển
lão thợ săn và con chó trung thành
súng kíp của ta dù thô sơ cũ kỹ
chưa bao giờ bắn chệch hồng tâm
người dân ta không ăn ở hai lòng
dù phải dạt trôi khắp cùng thế giới
tấm thân già chỉ mong ngày ký gửi
ở một góc cao nguyên đá Đồng Văn
đã bao lần dân tộc tôi bật khóc
nước mắt lặn sâu rừng đá cao nguyên
đã bao lần dân tộc tôi bật dậy
chém lưỡi dao vào đá khắc lời nguyền
“chúng ta thà hy sinh tất cả
chứ nhất định không chịu mất nước
nhất định không chịu làm nô lệ!”
Bác Hồ đã nói thế
“jamais!”(7)
Bác Hồ đã nói thế
người Mông cũng nói thế
“không bao giờ!”
rừng đá cao nguyên nhắc lại
“không bao giờ!”
chỉ con Cộc nhà ta im lặng
nó lao lên như tia chớp bất ngờ
những dòng sông buông xuống từ trời
vương-quốc-đá trồi lên từ biển
riêng người thợ săn và con chó
lại hóa hình trong một đám mây
qua bao nhiêu đỉnh vực
bay cùng mỗi phận người
bình tâm nét môi cười
em bé Mông thổi sáo
nổi nênh vài giai điệu
sau trước một lối về
có hòn sỏi ngọn cỏ
dâng mình cho đất quê
bông hoa tam giác mạch
nở viền khuất chân trời
đám mây màu phiêu bạt
thả neo vào xa khơi
dẫu mai đây những gì còn mất
xin đừng quên rượu cất từ ngô
con cún ấy vẫn nòi đuôi cộc
mây yếm lành ngực đá nhấp nhô
Cao nguyên đá Đồng Văn, 2012
Quảng Ngãi, 2014
________________________
(1) Theo một ký sự của báo Thanh Niên, ông Vừ Già Pó, cư dân khu vực Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang, Việt Nam, bị cho là mất tích từ hai năm trước. Tuy nhiên, hiện ông đang bị nhà cầm quyền Pakistan giữ sau nhiều tháng điều tra, và người ta chưa có nhiều thông tin về lý do và làm sao ông lưu lạc hơn 5.800 km (sau đó xác định chính xác là hơn 7000km) băng qua dải núi Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan).
(2)http://tv.tuoitre.vn/tin/9016/qua-song-bang-tui-bong
(3)https://www.youtube.com/watch?v=2rzhToA0R78
(4) https://www.youtube.com/watch?v=l4X6IJUN8DA
(5) tẩu xênh: món lương khô mùa đi nương đặc trưng của người Mông (dẫn theo nhà thơ Mã A Lềnh)
(6) ngạn ngữ của người Mông
(7) không bao giờ! (tiếng Pháp)
Nguyên Ngọc/Tạp chí Văn Hiến bản in