Trên đất Thừa Thiên Huế còn lại khá nhiều dấu tích và di vật Champa. Con số di tích khảo cổ Bảo Tàng Tổng Hợp Thừa Thiên Huế kiểm kê phổ thông để đề nghị bảo vệ là 44 di tích, khá đa dạng về loại hình như: nền móng của các công trình kiến trúc (tháp, đền, thành…) bia đá và trụ đá có chữ, những tác phẩm điêu khắc bằng đá (tượng, phù điêu, trang trí cột kiển trúc, đài thờ, linga, yoni)…
Tháp Mỹ Khánh được phát hiện ngày 18-4-2001. Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế tiến hành đào thám sát ngày 3-5-2001. Ngày 29-6-2001 Bộ Văn hoá Thông tin ra quyết định số 1533/QÐ-BVHTT cho phép Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Khảo Cổ học tiến hành khai quật từ ngày 5 đến ngày 21-9-2001. Tháp Mỹ Khánh nằm ở độ sâu 5m so với mặt đất, lọt thỏm giữa vùng cát trắng ven biển, một vị trí rất hiếm đối với các tháp Chăm được phát hiện và còn tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tháp Chăm Mỹ Khánh có niên đại sớm nhất trong những tháp Chăm hiện nay, niên đại xác định theo PPC14 là 750+-40 năm – thế kỷ VIII.
Tháp Mỹ Khánh kiến trúc hình chữ nhật, dài 8,22m, rộng 7,12m, giật cấp thu nhỏ dần phần thân tháp phía trên, thuộc nhóm tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa.
Tháp Mỹ Khánh được xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 52/2001QÐ-BVHTT ngày 28-12-2001.
Minh Quang