Bà Hồ Thị Phuôn làm già làng Pa Tầng đã 7 mùa rẫy. Dân làng từ già đến trẻ tất thảy thuận hòa, ấm êm. Hễ thôn có việc gì khó, cứ cậy đến bà là xong ngay.
Chuyện chưa có tiền lệ ở thôn Pa Tầng, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Nơi vùng cao này, lâu nay không ai nghĩ đến chuyện phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số lại được làm già làng. Bởi đây là vị trí tối cao trong mỗi bản làng của người Pa Cô, Vân Kiều và xưa nay đều do đàn ông đảm nhận.
Được làng trịnh trọng mời
Thế mà từ 7 năm trước, bà Hồ Thị Phuôn (67 tuổi) đã được cả làng mời đảm nhận vị trí quan trọng này. Lúc cúng làng thì bà làm chủ lễ, đến phần hội bà chễm chệ chiếu trên. Mà bà đã nói thì từ già đến trẻ răm rắp nghe theo.
Chuyện xảy ra lúc đó đến nay nhiều người vẫn chưa quên. Đó là một đêm đèn đuốc sáng trưng cả góc làng. Trên một khoảng sân trống, hơn chục vị cao niên ngồi quây tròn, nghiêm nghị. Họ là những người uy tín nhất trong 5 dòng họ quần cư ở Pa Tầng. Hôm ấy, họ đại diện dân làng và dòng họ mình để chọn ra người kế vị, vì già làng của thôn vừa khuất núi.
Theo quan niệm, già làng là “cầu nối” giữa thần linh với dân làng. Vị trí này không thể để khuyết lâu ngày. Vì thế, yêu cầu của cuộc họp là chọn ra bằng được già làng mới với điều kiện phải biết “nói chuyện” với thần linh. Biết xin Giàng (trời) cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân bản an yên.
Nói chuyện ở đây được hiểu là thể hiện thông thạo các bài cúng, khấn bằng thổ ngữ. Xưa nay, ở Pa Tầng, già làng nào cũng biết “nói chuyện” với thần linh như thế.
Cuộc họp hôm đó toàn đàn ông, chỉ có một phụ nữ tham dự là bà Hồ Thị Phuôn – vợ già làng cũ. Bà được làng trịnh trọng mời đến dự hẳn hoi. Điều này là sự lạ, bởi đã vượt qua định kiến về giới lưu cữu bấy lâu. Hôm ấy, chưa ai kịp ngồi nóng chỗ thì một vị cao niên đứng dậy, vào ngay việc chính: “Này Giã Sao (tên gọi khác của bà Phuôn – PV), từ bố đến chồng làm già làng, bà có thể tiếp nối được hay không?”.
Hẳn nhiên, lời đề nghị này đã có sự bàn bạc giữa mọi người từ trước, trừ bà Phuôn. Vì trước giờ ai cũng biết quá trình chồng bà Phuôn làm già làng, bà luôn ở bên phụ giúp, chạy việc. Những năm chồng bà ốm yếu, mỗi dịp diễn ra lễ cúng, bà Phuôn thay ông quán xuyến mọi chuyện.
Ngày đi, tháng lại, năm qua, những bài cúng khấn bằng thổ ngữ dần “nhập” vào huyết quản. Bà chẳng cần học mà nhớ như in. Ngày cuối đời, không biết chồng bà có truyền lại hay không nhưng cả thôn Pa Tầng ai cũng nói bà đã học được cách “nói chuyện” với thần linh.
Ông Hồ Văn Xa Ơn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Pa Tầng, nói vị trí già làng này xưa nay thường là cha truyền, con nối. Tuy nhiên, con cái của già làng cũ “chưa đủ bản lĩnh” nên không thể kế vị. Vì vậy, làng phải chọn người khác đảm đương. Việc chọn người kế vị được cân nhắc, xem xét rất kỹ lưỡng, bởi làng sợ rằng người mới nói chuyện không đúng cách, thần linh sẽ quở trách, dân bản chịu tai ương.
“Có đủ các điều kiện trên thì không ai qua bà Phuôn. Thế nên làng chỉ định bà đảm đương vị trí này. Tuy vậy, hôm đó làng vẫn đưa thêm điều kiện là nếu bà Phuôn mát tay cầu được mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, dân làng an yên thì họ mới giữ lại. Còn nếu quá trình bà làm già làng mà dân bản xảy ra chuyện thì sẽ bầu lại người khác” – ông Xa Ơn nhớ lại.
Dù có bất ngờ và lo lắng về trọng trách sắp tới nhưng bà Phuôn vẫn gật đầu nhận lời. Mà bà cũng khó chối từ, vì những người ngồi quanh cứ nhỏ to động viên. Kể từ sau cuộc họp đó, bà Phuôn đảm nhận vị trí già làng và trở thành nữ thủ lĩnh đầu tiên tính từ khi lập làng đến nay. Và thế là cứ mỗi năm vài bận, bà lại vận áo quần thổ cẩm, cổ đeo tràng hạt mã não, rồi cả vòng bạc cũ Đông Dương, đứng ra làm chủ tế cho làng.
Theo bà Phuôn, người Vân Kiều mỗi năm tổ chức cúng làng một đến hai lần. Nếu muốn nhờ thần núi giữ cho hạt nảy mầm, cây cối xanh tươi thì thực hiện nghi lễ pủ-bo. Muốn mưa thuận gió hòa, dân bản an yên thì cúng thần mặt trời, thần ánh sao, thần rừng. Lễ cúng thường bắt đầu vào sáng sớm và kết thúc lúc non trưa. Lễ vật dâng lên thường là heo, gà và các loại bánh trái truyền thống. Lúc thực hành nghi lễ, mọi người nhất tề im lặng, chỉ có bà đứng ra “nói chuyện” với thần linh.
Đến nay, bà Phuôn làm già làng ở Pa Tầng đã 7 mùa rẫy. Dân làng từ già đến trẻ tất thảy thuận hòa, ấm êm. Sống điềm đạm, chuẩn mực và “cái bụng” trong như nước suối đầu làng, nên tiếng nói của bà Phuôn rất có trọng lượng. Hễ thôn có việc gì khó, hàng xóm xảy ra tiếng bấc tiếng chì, cứ cậy đến bà là xong ngay.
Ông Hồ Văn Xa Ơn nói thôn có trên 100 hộ dân với gần 400 người đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Trong thôn, đàn ông không có ai nghiện ma túy, rượu chè bê tha và đánh đập vợ con; đàn bà thì siêng năng làm lụng, con em không ai bỏ học giữa chừng. Thôn ngày càng văn minh. Được như thế là có sự đóng góp quan trọng của già làng Phuôn.
“Tết năm rồi, Pa Tầng được chọn là thôn mẫu không tiếng pháo nổ, nên thôn tổ chức cuộc họp để quán triệt. Bà Phuôn cũng được mời đến dự và có lời dặn dò con cháu trong thôn. Hôm đó, bà dặn rằng các cháu làm gì thì làm, đừng có vi phạm pháp luật. Phải biết cái gì chơi được và cái gì không nên chơi. Bà chỉ nói đơn giản như thế mà dân làng từ lớn đến nhỏ ai cũng nghe. Tết rồi Pa Tầng không có vụ đốt pháo nổ nào xảy ra, cấp trên dành nhiều lời khen ngợi” – ông Xa Ơn hào hứng.
Theo ông Hồ Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông, bà Phuôn có 6 người con, gồm 4 trai, 2 gái. Con cái của bà ai cũng tử tế, nhiều người còn giữ chức vụ quan trọng trong thôn, xã.
“Lúc trẻ, bà chăm chỉ làm lụng, đi đầu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước. Đến lúc già thì luôn uốn nắn, dặn dò con cháu sống phải có đạo đức, không vi phạm pháp luật và phải làm gương để dân bản noi theo” – ông Chiến nhận xét, đồng thời khẳng định từ xưa đến nay, bà Phuôn là “nữ thủ lĩnh” đầu tiên trên địa bàn. Tuy là nữ nhưng tầm ảnh hưởng tiếng nói của bà rất cao.
Chị Hồ Thị ở gần nhà bà Phuôn, thẹn thùng kể hồi mới kết hôn, chồng chị uống rượu về định “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ thì già làng Phuôn bắt gặp. Bà chỉ ngắn gọn rằng: “Cháu vào nhà ngủ hay để già đánh kẻng mời dân làng đến đây”. Chồng chị nghe vậy thì mặt mày tái mét, một dạ, hai thưa, lẳng lặng đi tìm chỗ ngủ. Chị thì hả dạ lườm theo chồng.
“Chị em trong thôn ai mà bị bắt nạt, ăn hiếp nếu méc với già làng Phuôn, già phân xử ngay. Từ khi có già làng Phuôn, ở Pa Tầng đàn ông không dám đánh vợ nữa đâu” – chị Thị góp chuyện.
Kết nối khối đoàn kết
Bà Hồ Thị Minh – đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị – khẳng định ngày càng có nhiều nữ giới người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao tỉnh này đảm nhiệm vị trí quan trọng trong các bản làng, thôn, xã… Điều này chứng tỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới ở các bản làng vùng cao đang dần được xóa bỏ.
Bà Minh thông tin toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 190 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều người là nữ. Họ đảm nhận vai trò kết nối khối đoàn kết trong bản làng, trong dòng tộc và là hạt nhân hòa giải các vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống. Những năm qua, có nhiều vụ việc phức tạp nếu không có sự khuyên răn, giảng giải của người có uy tín thì nguy cơ mâu thuẫn, kiện cáo sẽ kéo dài.
“Phải khẳng định rằng những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình. Họ luôn gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước. Bên cạnh đó, người có uy tín đã tích cực vận động dân làng, dòng tộc, người thân xóa bỏ dần các hủ tục cũng như gìn giữ, trao truyền những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông” – bà Minh nhận định.
Ngày trước, theo chu kỳ cứ 5 năm một lần, thôn Pa Tầng lại cúng to. Người dân mổ cả trâu, dê, heo dâng lên thần linh với tấm lòng tôn kính. Khi cúng xong thì già, trẻ rượu chè thâu đêm suốt sáng. Nhưng nay lễ cúng đã giản tiện hơn nhiều rồi. Bản làng không còn cảnh rượu chè bê bết như trước nữa đâu” – già làng Hồ Thị Phuôn khẳng định.
Theo Bùi Đức Nghĩa (NLĐ)