Nùng Tông Đản: Danh tướng giúp Đại Việt hạ thành Ung châu

8:40 | 02/03/2022

Khi quân Đại Việt bất lực trước thành trì vững chắc, Nùng Tông Đản đã đề xuất cách công thành giúp quân Đại Việt chiếm được thành Ung châu.


Ảnh minh họa.

Xuất thân

Vào thời nhà Lý, vùng đất nằm ở biên giới giữa Đại Việt, nhà Tống và Đại Lý thuộc về người Tày, người Nùng và người Thái, đứng đầu là các tù trưởng. Các vua nhà Lý thường kết thân cùng các tù trưởng và giao cho họ bảo vệ vùng biên giới này.

Nùng Tông Đản là Tù trưởng có tiếng của người Nùng, cũng là người chỉ huy cánh quân Đại Việt đánh chiếm thành Ung châu. Tuy vậy chính sử viết rất ít về ông, nhất là do các nguồn sử liệu cũ đã bị quân Minh cướp mất hoặc đốt phá khi đánh bại nhà Hồ.

Một số nghiên cứu cho rằng Nùng Tông Đản là con của Tôn Trung Luận, nhưng Tôn Trung Luận là ai thì không nói rõ.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ cho biết phu nhân của Nùng Tông Đản là Ngô Cẩm Thi. Theo gia phả họ Ngô thì bà là cháu 5 đời của Ngô Quyền, thuộc dòng Ngô Xương Văn.

Nhà Tống chuẩn bị tiến đánh Đại Việt

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, vua Lý Nhân Tông lên ngôi mới 7 tuổi. Nhà Tống nhân cơ hội này muốn thôn tính Đại Việt.

Năm 1073, nhà Tống chuẩn bị quân sang xâm chiếm Đại Việt, lập căn cứ luyện tập binh mã, chuẩn bị quân lương ở Ung châu. Ngoài ra, nhà Tống chuẩn bị huy động thêm 45.000 cấm binh thiện chiến xuống làm quân chủ lực.

Triều đình Đại Việt nhận được tin từ Khu Mật Viện báo việc này. Đứng đầu triều đình bấy giờ là Lý Thường Kiệt và Thái hậu Ỷ Lan đã cho rằng phải tiến đánh Ung châu trước khi quân Tống tiến sang. Kế hoạch đánh Ung châu được tiến hành và đặt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt.

Đại Việt chuẩn bị binh lực đánh Ung châu

Đại Việt huy động 10 vạn quân binh bao gồm quân triều đình và quân của thủ lĩnh các dân tộc thiểu số miền biên giới.

Quân Đại Việt chia làm 2 cánh, cánh phía tây do các thủ lĩnh dân tộc vùng biên giới chỉ huy, chia làm 4 mũi tiến đến thành Ung châu. Cánh quân này vừa tiến đến Ung châu vừa thu hút quân Tống tập trung lực lượng vào đánh chặn, để cho cánh quân phía đông thọc sâu vào đất Tống. Nùng Tông Đản được tin tưởng trao cho nhiệm vụ chỉ huy cánh quân này.

Cánh phía đông do Lý Thường Kiệt chỉ huy quân triều đình từ Móng Cái theo 2 đường thủy bộ tiến đánh Khâm châu của Tống (tỉnh Quảng Tây ngày nay), sau đó cùng với cánh quân phía tây đánh thành Ung Châu. Cánh quân này có đến dược Khâm châu hay không phụ thuộc rất lớn vào việc thu hút quân Tống của cánh quân phía tây.

Bản đồ trận Ung châu và Như Nguyệt. (Tranh: Trương guy, Wikipedia, CC0 1.0)

Nùng Tông Đản thu hút binh lực quân Tống

Tháng 10/1075, Nùng Tông Đản chỉ huy 6 vạn quân phía tây tiến đánh Tống. Cánh quân này tấn công chiếm trại Cổ Vạn vào ngày 27/10/1075, đồng thời nhử quân Tống đang tập trung ở Ung châu đến đánh.

Quân Tống ở thành Ung châu điều bình đến các đồn trại sẵn sàng đón đánh quân Đại Việt, khiến lực lượng bảo vệ Ung châu bị suy yếu.

Nùng Tông Đản tiếp tục cho quân tiến đánh và chiếm được các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, cùng các châu Lộc, Tây Bình. Các căn cứ phòng thủ phía nam Ung châu hoàn toàn bị mất, quân của Nùng Tông Đản có thể thẳng tiến đến Ung châu.

Liên tục bị thất trận, quân Tống tập trung binh lực vào cánh quân phía tây của Nùng Tông Đản, nhờ đó cánh quân phía đông của Lý Thường Kiệt tiến quân mà không bị phát hiện.

Ngày 30/12/1075, Lý Thường Kiệt đến Khâm châu và tấn công khiến quân Tống hết sức bất ngờ và hoàn toàn không có phòng bị. Rất nhiều binh tướng nhà Tống tử trận. Lý Thường Kiệt cho quân đánh tiếp Liêm châu, quân Tống đại bại.

Vây thành Ung châu

Ngày 10/12/1075 Nùng Tông Đản cho quân đến thành Ung Châu, quân Tống không chống được phải cố thủ trong thành.

Lý Thường Kiệt cho quân từ Khâm châu tiến đến Ung châu, còn quân ở Liêm châu tiến đánh châu Bạch.

Ngày 18/1/1076, Lý Thường Kiệt đưa quân đến Ung châu, hội cùng quân của Nùng Tông Đản ở đây vây chặt thành Ung châu.

Theo sử nhà Tống, viên quan phòng thủ thành Ung châu là Tô Giam (một số tài liệu viết là Tô Giám) đốc thúc quân Tống phòng thủ chặt, phân phát của cải trong kho và của cải của nhà mình cho binh sĩ, động viên họ quyết giữ thành đến cùng, bảo họ rằng: “Khí giới của ta đã đủ, lương thực không thiếu, nay giặc đã đến gần thành, nên cố thủ để chờ ngoại viện. Nếu một kẻ nhấc chân, thì mọi người sẽ dao động, hãy nghe theo lời ta, ai dám bỏ trốn sẽ bị tội chết.”

Triều đình Tống nhận được tin quân Việt đã vây thành, nhưng nghĩ rằng quân Việt sẽ không chiếm được vì thành Ung châu rất chắc chắn. Thực tế cho thấy các đợt tấn công của quân Việt đều không phá được thành.

Từ Quế châu, quân Tống đưa quân đến giải vây cho Ung châu. Lý Thường Kiệt đoán sẽ có viện binh nên cho quân mai phục đánh tan viện binh của Tống. Tướng chỉ huy là Trương Thủ Tiết bị chém ngay giữa trận tiền, các tướng Tống bị tử trận.

Kế sách hạ nhanh thành Ung Châu của Tông Đản

Lý Thường Kiệt xác định phải hạ nhanh thành Ung châu để rút quân về, nếu không quân Tống kịp chuẩn bị lực lượng thì quân Đại Việt sẽ lâm nguy.

Lý Thường Kiệt thử cho quân đào hầm xuyên tường để vào trong nhưng Tô Giam cho phóng hỏa đốt hầm khiến quân Đại Việt bị thương vong nhiều mà không tiến vào được.

Sau 40 ngày tấn công, các tướng Đại Việt lo lắng nguy cơ. Trong lúc lúng túng, Nùng Tông Đản nghĩ ra kế cho quân đổ đất vào bao, rồi mang hàng vạn bao đất đắp từ dưới chân thành cao đến mặt thành. Cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có ghi chép lại rằng:

“Tông Đản vây Châu Ung hơn bốn mươi ngày đêm. Quan giữ chức tri châu của châu Ung là Tô Giam cứ đóng cửa thành để cố thủ. Tông Đản sai quan quân xếp từng bao đất sát theo chân thành để tạo ra những bậc thang mà leo lên. Thành liền bị hạ.”

Thảm sát Ung châu

Sau 42 ngày công phá, quân Đại Việt chiếm được Ung châu, thiệt hại 15.000 quân. Khi Ung Châu thất thủ, Tô Giam tự sát. Lý Thường Kiệt hạ lệnh thảm sát Ung Châu.

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:

“Tri Ung châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bèn bị hạ. Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. Người trong thành cảm ân nghĩa của Giám, không một người nào chịu hàng, giết hết hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn. Bọn Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về.”

Chiếm được Ung Châu, Lý Thường Kiệt cho quân phá hết các kho tàng lương thảo, cùng quân nhu của Tống dự định để tấn công Đại Việt, lại dùng đá lấp sông Ung, một tuyến đường thủy huyết mạch quan trọng.

Quân Đại Việt rút về

Để đánh lạc hướng quân Tống khi rút về nước, tránh bị đuổi theo, Lý Thường Kiệt phao tin đang chuẩn bị quân tiến đánh Tân châu, quan giữ Tân châu là Cổ Cắn Lạc nghe tin sợ hãi bỏ thành mà chạy. Tháng 3/1076, Lý Thường Kiệt cho quân rút về.

Sau thắng lợi này, Lý Thường Kiệt được phong làm Điện tiền nguyên súy Phục quốc Thái úy. Nùng Tông Đản được phong chức Lang Trung tướng quân, triệu về kinh thành Thăng Long làm Đô quân thống lĩnh Ngự tiền sử.

Nghi vấn dâng đất hàng Tống

Trong lịch sử có ghi chép rằng một người Nùng là Nùng Tông Đán từng đánh Tống nhưng sau đó dâng đất và hàng Tống. Thực chất Nùng Tông Đản (儂宗亶) và Nùng Tông Đán (儂宗膻) dù phát âm có phần giống nhưng chữ viết là khác nhau. Nùng Tông Đán đã hàng Tống từ lâu trước khi Nùng Tông Đản đưa quân tiến đánh thành Ung châu.

Trong cuốn chính sử “Tục tư trị thông giám trường biên” của nhà Tống có ghi chép rằng con trai của Nùng Tông Đán là Nùng Nhật Tân chết trong trận Ung châu nên được vua Tống tặng cho chức giám áp Ung châu vào tháng 2/1076. Cuốn sách này cũng chép rằng khi chuẩn bị quân tiến đánh Đại Việt, tháng 6/1076, ti An Nam tuyên phủ đã sai Nùng Tông Đán kiểm điểm đinh tráng để đánh Lưu Kỷ, một Tù trưởng vùng biên giới của Đại Việt.

Những dữ liệu này cho thấy Nùng Tông Đán là một người khác.

Ngày nay Tông Đản là tên một con phố ở Hà Nội, ghi nhận công lao của Nùng Tông Đản đối với dân tộc.

 

Theo Trithucvn

Video hay


Cùng chuyên mục

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình