Hình ảnh rào vỉa hè ở Hà Nội chặn cả lối đi bộ, qua đường buộc phải trèo

10:31 | 24/02/2022

Một số đoạn vỉa hè Hà Nội được lực lượng chức năng dựng hàng rào ngăn xe máy đi lên, nhưng lại nảy sinh bất cập khiến người đi bộ muốn lên vỉa hè phải trèo rào.


Rào vỉa hè “chắn” luôn lối sang đường

Đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) đoạn vỉa hè trước cổng Trường ĐH Thương mại được lực lượng chức năng dựng khoảng 200m rào chắn để ngăn xe máy đi lên vỉa hè, tạo thuận lợi cho người đi bộ. Nhưng cách làm này lại phát sinh bất cập.

Đầu tiên phải kể đến là cách rào chặn cứng nhắc, chặn cả đoạn có vạch kẻ, lối đi cho người đi bộ sang đường ở cả hai chiều.

Rào ngăn xe máy đi lên vỉa hè tại đường Hồ Tùng Mậu.
Đoạn đầu rào chặn làm theo kiểu “dích dắc” để xe máy khó có thể đi vào.
Nhưng ở cả đoạn vạch kẻ cho người đi bộ sang đường cũng bị chặn bởi hàng rào, người đi bộ phải trèo rào vào vỉa hè hoặc đi bộ dưới lòng đường.

Bạn Ngọc Quỳnh (sinh viên Trường ĐH Thương Mại) cho biết, tuyến đường có lưu lượng phương tiện đi lại rất đông, mặt đường rộng, các xe đi lại nhanh nên đi sang đường khá khó khăn. Để đảm bảo an toàn, sinh viên thường đi đúng vạch kẻ đường, nhưng nay thì ở hai đầu đã bị chặn bởi hàng rào.

“Tôi chỉ có thể trèo qua hàng rào thì mới lên được vỉa hè, nếu không thì phải chấp nhận đi dưới lòng đường. Tôi đề nghị cần mở hàng rào ở đoạn có lối đi bộ để người qua đường có thể đi lên vỉa hè”, Ngọc Quỳnh chia sẻ.

Không ít người đã không chọn đi vào phần đường dành cho người đi bộ vì lối lên hè đã bị rào chặn. Nhưng băng qua đường ở những đoạn không dành cho người đi bộ lại dễ xảy ra nguy hiểm với các dòng phương tiện.

“Tôi thấy nếu tuân thủ theo vạch kẻ cho người đi bộ sang đường thì vẫn phải đi bộ dưới lòng đường mới lên được vỉa hè, rất không khoa học và gây nguy hiểm cho người dân”, anh Hoàng Trung Kiên, ở quận Hoàng Mai nói.

Chưa hết, vẫn còn bất cập là vỉa hè tại tuyến đường Hồ Tùng Mậu có diện tích khá rộng, trước kia lực lượng chức năng đã từng kẻ vạch cho người đi bộ và xe máy để trên hè, nhưng nay khi dựng rào chặn, toàn bộ xe máy dừng, đỗ ngổn ngang dưới lòng đường.

Anh Trần Mạnh Nghĩa (tài xế xe ôm công nghệ) chia sẻ, nếu lực lượng chức năng có thể lùi rào vào bên trong, như vậy sẽ vừa có không gian cho người đi bộ, vừa để được xe máy thì hợp lý hơn.

Không thể lên vỉa hè, người dân đỗ xe ngay dưới lòng đường.
Xe máy đỗ tràn lan dưới lòng đường suốt dọc đoạn rào chắn.
Quán trà đá vỉa hè bên trong hàng rào.

Tuy nhiên, dù dựng rào chặn để giành vỉa hè cho người đi bộ, nhưng ở những chỗ vỉa hè thông thoáng nhất thì lập tức các loại hàng rong, trà đá vỉa hè mọc lên ngay bên trong rào.

Hơn 2 giờ ghi nhận tại đây, tình trạng các hàng quán lấn chiếm vỉa hè này không có bất kỳ lực lượng chức năng nào nhắc nhở.

Vì sao xe máy đi lên vỉa hè?

Theo Tiến sĩ Phan Lê Bình (giảng viên Đại học Việt – Nhật, chuyên gia giao thông từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA), mục đích dựng rào để ngăn xe máy đi lên vỉa hè nhằm tạo thuận lợi cho người đi bộ. Tuy nhiên, cách làm cứng nhắc, chưa khoa học nên đã gây khó khăn, cản trở người đi bộ, vì vậy cần có điều chỉnh.

“Có thể điều chỉnh vị trí, chiều cao, cấu tạo của hàng rào đó. Ví như tại Nhật Bản, họ bố trí các hàng rào dích dắc ở vỉa hè, có khe hở chỉ vừa cho người đi bộ qua. Hoặc hình thức khác là các cánh cửa xoay như ở các trung tâm thương mại”, Tiến sĩ Phan Lê Bình nói.

Tiến sĩ Phan Lê Bình cho biết thêm, việc xe máy đi lên vỉa hè chính là hệ lụy của ô tô không đi đúng làn đường của mình, dàn hàng ngang hiếm hết lòng đường.

Ô tô chiếm gần hết lòng đường tại đường Tố Hữu.
Dòng xe máy chen nhau trên vỉa hè.

“Có thể xét tới mức độ sốt ruột về tâm lý của người đi máy và người đi ô tô là rất khác nhau. Nếu người đi ô tô có môi trường khá thoải mái, dễ chịu nhưng với người xe máy thì ngược lại. Nên rất cần có một phần đường đủ rộng để cho xe máy lưu thông”, chuyên gia giao thông của JICA phân tích.

Tiến sĩ Phan Lê Bình đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để phân chia phần mặt đường theo các loại phương tiện. Đơn cử như việc buộc tất cả ô tô chỉ được dùng làn đường bên trái, chỉ được sang làn bên phải khi chuyển hướng, rẽ phải. Khi có các quy định mới như vậy sẽ góp phần đảm bảo lưu thông cho người đi xe máy, giảm thiểu tình trạng xe máy đi lên vỉa hè.

Còn nói về tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán, Tiến sĩ Phan Lê Bình cho biết, không còn cách nào khác, lực lượng chức năng phải liên tục tuần tra xử lý, chỉ có xử lý nghiêm mới dẹp được vấn nạn này.

Vietnamnet


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG