Gần 200 mẫu xương sống người được xâu vào cây sậy đã được phát hiện ở Peru, có thể là một cách an táng người chết độc đáo chưa từng được ghi nhận tại khu vực này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế làm việc tại thung lũng Chincha, trên bờ biển phía Nam của Peru, đã tìm thấy một số lượng lớn cột sống của cơ thể người trong các ngôi mộ lớn của người bản địa, được gọi là “chullpas”, có niên đại hàng trăm năm, tức là khoảng thời gian thực dân châu Âu đặt chân đến đất nước Nam Mỹ này.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khảo cổ Antiquity, trong số 192 mẫu cột sống được tìm thấy, mỗi mẫu đều tương ứng với một cá nhân khác nhau.
Đối tượng của phương thức độc đáo này được cho là người lớn và thanh thiếu niên người bản địa. Các mẫu có thể được tạo ra từ khoảng năm 1450-1650, khi nền văn minh Inca lụi tàn và sự thống trị của người châu Âu bắt đầu lan rộng tại khu vực.
Jacob L. Bongers, chuyên gia tại Đại học Đông Anglia tại Anh đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đây là giai đoạn đặc biệt hỗn loạn trong lịch sử của thung lũng Chincha, vì “dịch bệnh và nạn đói” khiến cộng đồng người bản xứ khốn khổ.
Trước khi người châu Âu đến khu vực này, thung lũng Chincha từng là quê hương của Vương quốc Chincha từ năm 1000 đến năm 1400, vương quốc này thậm chí đã thiết lập một liên minh với Đế chế Inca hùng mạnh. Nhưng khi thực dân châu Âu tràn vào khu vực này, dân số người bản địa đã giảm dần từ hơn 30.000 vào năm 1533 xuống chỉ còn 979 vào năm 1583.
Theo chuyên gia Bongers, nhiều tài liệu ghi nhận các vụ cướp mộ xảy ra tại khu vực này trong thời kỳ thuộc địa. Các vụ cướp chủ yếu nhằm vào những đồ đạc bằng vàng và bạc, thậm chí là một nỗ lực của thực dân châu Âu lúc bấy giờ nhằm xóa bỏ các tập tục tôn giáo và mai táng bản địa.
Các nghiên cứu cho thấy việc nối cột sống có thể được thực hiện nhằm bảo vệ thi thể khỏi bị ảnh hưởng do các vụ cướp mộ. Nhờ xác định niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ, nhóm nghiên cứu cho biết việc nối cột sống bằng cây sậy có thể được tiến hành sau khi thi thể đã được chôn cất một thời gian.
Người bản địa ở thung lũng Chincha rất coi trọng sự toàn vẹn của cơ thể sau khi chết. Các dân tộc bản địa trong khu vực áp dụng nhiều biện pháp mai táng độc đáo, ví dụ như những người Chinchorro sinh sống gần đó đã phát triển các kỹ thuật ướp xác nhân tạo đầu tiên được biết đến, hàng thiên niên kỷ trước khi người Ai Cập cổ đại thực hiện nghi thức này.
Khi các xác ướp ở khu vực núi Andes bị thực dân châu Âu phá hủy, các nhóm người bản địa cố gắng khôi phục những phần sót lại. Những mẫu cột sống được tìm thấy ở thung lũng Chincha có thể là một nỗ lực nhằm tái tạo lại những phần thi thể người chết bị hư hại và khôi phục sự toàn vẹn của cơ thể sau các vụ cướp mộ.
Theo CAND