Trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp được hình thành vào những thế kỷ đầu công nguyên, chỉ có ở Việt Nam.
Huyền tích về Phật mẫu Man Nương
Luy Lâu là một miền đất cổ, nơi có thủ phủ Giao Châu xưa (nay là địa bàn xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, nơi đây đã ra đời một loại hình tín ngưỡng mới của người Việt được một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là Phật giáo dân gian Việt Nam, với vị Phật tổ là Phật Mẫu Man Nương cùng bốn người con của Bà – bốn Phật Bà mà dân gian quen gọi là Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Lần lượt tượng trưng cho 4 yếu tố thiên nhiên là: Mây – Mưa – Sấm – Chớp.
Truyền thuyết được ghi lại trong nhiều sách cổ như: Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú soạn lại trong thế kỷ XIV-XV), Kiến Văn Tiểu Lục (Lê Quý Đôn)… Còn tại chùa Dâu, ba cuốn sách hiện còn ván khắc đó là: Cổ Châu lục, Cổ Châu pháp và Cổ Châu Nghi được in khắc vào năm 1752 cũng nói về sự hình thành Phật mẫu Man Nương cùng Tứ Pháp.
Hiện nay, ở chùa Tổ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nơi thờ Phật mẫu Man Nương còn lưu giữ tấm bia có tên “Phúc Nghiêm tự sự tích bi” được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 12, năm Tự Đức 26 (1873) được khắc lại, nội dung có thể tóm tắt như sau: “Xưa, sư Khâu Đà La người nước Thiên Trúc hành đạo Bà La Môn. Từng ở trên núi cao, không cần tu viện lớn mà chu du khắp bốn biển. Bấy giờ, vào thời Hán đã đến thành Luy Lâu nước ta.
Bên cạnh thành Luy Lâu có ông bà Tu Định người làng Mãn Xá rất kính mộ phép thuật của nhà sư. Khâu Đà La thường ngồi tĩnh tọa không ăn uống. Trong lòng Tu Định biết là Phật xuất thế nên rất kính cẩn mến mộ. Tu Định có một người con gái xinh đẹp nết na, đã cho theo thầy học đạo. Nhà sư nói với Tu Định rằng: “Ông nhập Phật Pháp của ta là sớm có duyên, Man Nương có đạo ngày kia sẽ thành Đại pháp khí” và còn giúp Tu Định phép thuật lấy nước cứu hạn giúp dân, rồi nói lời từ biệt vào trong núi tu hành.
Một hôm, Man Nương đến bỗng có rồng mây cuốn quanh mình rồi cảm động mà mang thai. Man Nương sợ hãi nói rõ sự việc với cha mẹ. Ông bà Tu Định kinh ngạc vào núi để nói rõ sự tình với Đà La. Nhà sư bảo rằng: “Man Nương có thai là do nhân thiên hợp khí”. Man Nương có mang 14 tháng, đến ngày 8 tháng 4 sinh được một bé gái, trong phòng hương thơm khác lạ lan tỏa đầy nhà. Man Nương liền bế con vào nơi núi non tìm thầy, trời âm u không thấy rõ ràng, chỉ nghe thấy tiếng tụng niệm, bèn quay lại nói với cây dung thụ rằng: “Nếu có thiêng hãy ôm lấy hài nhi này”.
Cây bèn mở thân, Man Nương bèn đặt đứa bé vào đó, cây thần liền khép lại. Sau đó, trời mưa to gió lớn giật đổ cây dung thụ trôi đến cửa bến thành Luy Lâu, trong cây như có tiếng nhạc, ánh sáng chiếu rọi, mùi hương thơm phức, mọi người đều thấy. Sĩ Vương trong thành thấy lạ, bèn lệnh cho quan quân xem xét, quả nhiên như vậy, đến đêm mộng thấy một vị Thần nói rằng: “Cây này là thần mây, mưa, sấm, chớp”. Vương bèn ban bố tạc tượng Phật để thờ và lệnh cho thợ cắt cây làm bốn đoạn tạc thành bốn tượng. Khi tượng tạc xong đã lệnh cho nhân dân lập các chùa: Thiền Định – Diên Ứng (Dâu), Thành Đạo (Đậu), Phi Tướng tự và chùa Phương Quan (Dàn) Trí Quả để thờ phụng.
Khi chưa đưa tượng vào chùa thì giữa lúc gặp đại hạn, vương bèn cầu khấn, bỗng nhiên mưa to. Điều lạ là khi rước tượng vào chùa, ba tượng xe chở rất nhẹ, riêng tượng Pháp Vân nặng không đưa đi được. Vương cho thợ tạc tượng đến hỏi, thợ tâu trong cây có hòn đá đã vứt xuống sông, lại lệnh cho ngư dân đi mò tìm vì biết cây đó chứa con của Man Nương và tạc thành tượng Thạch Quang để thờ. Vương lại lệnh cho nhân dân tạc tượng Tam tổ sáng lập chùa Phúc Nghiêm”.
Tuy cùng là chùa nhưng điện thần của các ngôi chùa thờ Tứ Pháp có cách bài trí không giống với những ngôi chùa thờ Phật bình thường. Tọa ở vị trí trung tâm chính điện của chùa thờ Tứ Pháp không phải là các tượng Phật như Thích Ca, La Hán, Bồ Tát, Kim Cương… mà ở đây, các Bà giữ tư cách chủ điện. Tượng các Bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp là tượng chính, được làm to hơn cả, đặt trong khám. Các tượng khác có kích cỡ nhỏ hơn. Từ đó, tín ngưỡng Tứ Pháp nhanh chóng được cư dân các vùng lân cận Luy Lâu mà ngày nay thuộc về các địa phương Hà Nội, Hà Tây cũ, các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên tiếp nhận.
Các chùa trên có vị trí nằm trong góc nhọn của hai dòng sông Hồng và sông Đuống, những vùng này đều có một nền văn hóa lúa nước lâu đời. Đó cũng là nguyên do để tín ngưỡng thờ Tứ Pháp hình thành và phát triển rực rỡ chỉ có ở Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp độc đáo của người Việt
Trong đời sống tâm linh của người Việt, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp không chỉ có trong kinh Phật mà nó được hiện thực hóa bằng những lễ hội, diễn ra ở các ngôi chùa thờ bốn bà. Các lễ hội diễn ra chủ yếu mang các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh và rước giao hiếu. Các lễ này tiến hành vào hai dịp là ngày 17 tháng Giêng – ngày hóa Phật Mẫu Man Nương và ngày mùng 8 tháng Tư âm lịch – ngày sinh Phật Thích Ca (Phật Đản) và Tứ Pháp.
Nền văn minh lúa nước cả ngàn đời nay đều phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Thời tiết thì luôn bất thường, chẳng phải lúc nào cũng mưa thuận, gió hòa mà mưa nắng bất chợt. Điều này khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân thường xưa gặp phải nắng hạn, mưa ngập úng. Mỗi lúc như vậy, người dân lại nhờ tới Tứ Pháp. Người ta tin rằng các bà làm được mưa, thì cũng có thể làm cho trời tạnh theo tiếng kêu cầu khẩn thiết của chúng sinh.
Khi cầu tạnh, người ta mở cửa chùa ra, khiêng kiệu lên vai rước tượng đi. Người ta kể lại, nhiều khi ngay lập tức có gió mát thổi và mưa tạnh ngay. Từ lịch sử nước Việt cho thấy, “cầu đảo” là nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng tứ Pháp, tức là do dân Việt Nam trồng lúa nước, nước đủ không hạn, không lụt là quan trọng, nên hạn thì cầu mưa, lụt thì cầu nắng. “Lậy giời mưa xuống/ Cho nước tôi uống/ Cho ruộng tôi cầy/ Cho bát cơm đầy/ Cho khúc cá to…”, những câu ca dao, tục ngữ cổ đã phần nào thể hiện được sự phụ thuộc của nền nông nghiệp vào thiên nhiên: “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.
Sự linh thiêng, ứng nghiệm của Tứ Pháp còn được ghi chép và kể lại như sau: Thời Tam quốc, Đào Hoành làm thái thú Giao Châu nghe thấy tiếng Tứ Pháp linh thiêng, đã lệnh cho xây đàn lớn, không được xâm phạm, hương hoả cung kính; mỗi khi gặp dịch bệnh thì phụng quốc mệnh cầu đảo, tai ương lập tức qua khỏi. Thời Tấn, Đào Khản làm thái thú Giao Châu, muốn rước tượng về nước, lấy hàng ngàn tráng sĩ hợp sức di chuyển cũng không được.
Thời Tùy, sai Lưu Phương đến châu của ta tìm đến Tam tổ chùa Tứ Pháp yết bái để thoả sự mong mỏi. Đường Xương khi rời qua châu của ta đã đích thân đến chùa Phúc Nghiêm, lệnh cho chép lại sự tích để dâng lên vua Đường. Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư chép dưới thời vua Lý Nhân Tông vào năm 1073, khi mới lên ngôi, vua đã đích thân đứng ra tổ chức đại lễ hội rước Phật Pháp Vân để cầu đảo với khát vọng Phật nhật tăng huy, Phong hòa vũ thuận, Quốc thái dân an: “Quí sửu Thái Ninh nhị niên, dâm vũ, nghinh Pháp Vân phó kinh từ tình” (Thái Ninh thứ hai, năm Quí Sửu, lúc bấy giờ mưa dầm, bèn rước Phật Pháp Vân về kinh đô cầu tạnh).
Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ghi: “Quí sửu, Nhân Tông hoàng đế Thái Ninh nhị niên, dâm vũ bất chỉ, đế mệnh từ tình vu Pháp Vân tự” (Thái Ninh năm thứ hai, năm Quí sửu, mưa dầm không ngớt, vua sai cầu tạnh ở chùa Pháp Vân). Các sử liệu nói trên đã minh chứng cho hệ tín ngưỡng Tứ Pháp đã tạo ra dấu ấn, đặc trưng riêng của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ phát triển trong việc phục hưng mọi giá trị văn hóa truyền thống nước nhà. Không chỉ được ghi chép lại trong chính sử, một loạt tác phẩm thi ca ra đời để vịnh về chùa Pháp Vân nhằm ca ngợi sự linh ứng của Phật Pháp Vân đối với Phật pháp và đất nước mà ngày nay ta còn bảo lưu được trong Hồng Đức Quốc âm thi tập.
Trong vai trò của lịch sử, Phật Pháp Vân được tôn vinh “Tỉnh phò thế nước dường như tại, Thăm thẳm cao trông nữa thái dương”. Đến thế kỷ XVI, Việt sử diễn âm ra đời, ghi nhận vai trò và vị trí của hệ tư tưởng Tứ Phật Pháp trong tâm thức người Việt: “Siêu loại có làng Cổ Châu, Làm bốn tượng Phật nhẫn sau còn truyền. Hiệu là Pháp Vũ – Pháp Vân, Pháp Lôi – Pháp Điện còn truyền đến nay”.
Như đã trình bày ở trên, tín ngưỡng thờ Phật mẫu Man Nương và 4 người con của bà là Tứ Pháp là tín ngưỡng độc đáo duy nhất có ở Việt Nam, được khởi phát từ cuộc sống lao động của người Việt cổ với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, công cụ và kỹ thuật lao động thô sơ, phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên nên gửi gắm tâm nguyện vào các vị thần nắm giữ quyền lực điều tiết thiên nhiên. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp như một mạch nguồn xuyên suốt chiều dài lịch sử, trở thành nét văn hóa tâm linh đặc sắc của dân tộc.
Theo Thượng Tọa Thích Phước Đạt, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam, từ truyền thuyết về sự ra đời của Tứ Pháp có thể thấy rằng, tình hình sinh hoạt Phật giáo nước ta bấy giờ đã được bản địa hóa rõ ràng cụ thể.
Nếu như ở giai đoạn buổi đầu, vai trò Phật giáo quyền năng, được thiết lập một cách rõ ràng cụ thể để Phật giáo dễ dàng thâm nhập tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Từ Chữ Đồng Tử, Tiên Dung và nhà sư Phật Quang, rồi đến Tu Định và Man Nương và sư Khâu Đà La, thực chất đây là cả quá trình tiếp biến, bản địa hóa đạo Phật, khiến cho Phật giáo có vị thế vững chắc trong lòng dân tộc, tạo nên sắc thái đặc biệt của Việt Nam.
Do đó, sự ra đời hệ Phật Tứ Pháp là quy luật lịch sử tất nhiên. Nó là cơ sở lý luận để phát huy các yếu tố cơ bản, tích cực để phát huy ý thức tự chủ của dân tộc trước sự xâm lăng và ý đồ đồng hóa của phong kiến Trung Hoa. Một mặt, giới Phật giáo cộng đồng người Việt nỗ lực bản địa hóa giáo lý cơ bản như nhân quả, nghiệp báo luân hồi, về Phật, Pháp, Tăng của nhà Phật theo đạo lý truyền thống và tín ngưỡng đa thần, được diễn đạt theo cách hiểu và ngôn ngữ Việt bấy giờ.
Chẳng hạn, trong Lý hoặc luận viết: “Phật là nguyên tổ của đạo đức, nguồn gốc thần minh. Phật là thức tỉnh, ngài có biến hóa thần thông, phân thân tán thể, khí có đó, khi không đó, khi lớn khi nhỏ, khi già khi trẻ, khi ẩn khi hiện, lửa đốt không được, đao không đâm được, trong bùn không nhiễm, giữa họa không bị tai ương, khi đi thì có thể bay, khi ngồi hào quang chiếu sáng. Đó là Phật”. Mặt khác, giới Phật giáo cũng nhiệt tâm xây dựng hình tượng Phật được cụ thể cho phù hợp tư tưởng người Việt.
Và như vậy, người Việt giải trình vấn đề bản địa hóa đạo Phật bằng thể nhập niềm tin và chuyển hóa thân tâm. Con người có thể vươn tới những quyền năng bằng sự tu thân, phải hiếu thảo cha mẹ, sống có nhân nghĩa, không lấy của không cho, không tà dâm… để trở thành những con người có phẩm tính cao cả, lên trời, đi trên hư không, không vẫy đục trong bùn như Lục độ tập kinh mô tả hay như trong Lý hoặc luận mà Mâu Tử định danh là một vị Phật.
Ngoài ra, hình ảnh Tứ Pháp còn tương ứng với một chủ đề quan trọng trong Phật giáo Đại thừa đó chính là Tứ Vô lượng Tâm: Đại Từ, Đại Bi, Đại hỷ, Đại Xả. Trong đó: “Từ, đại từ” là mong muốn chúng sinh được sung sướng, như đám mây che mát tất cả chúng sinh, che chở khỏi khổ đau – Đám mây Pháp Vân. “Bi, Đại Bi” chính là lòng thương xót chúng sinh, muốn chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ, được đại biểu bằng mưa, giống như giọt nước mắt – Pháp Vũ. Điều này tương đồng trong tín ngưỡng Việt về thoải Phủ, các vị thánh thuộc Nước thường có truyện tích buồn dễ khóc. “Hỷ, Đại Hỷ” mang ý nghĩa tự mình vui mừng thay cho kẻ khác khi họ làm được điều thiện, thành công, hạnh phúc – Tiếng Sấm – Pháp Lôi.
Người Việt có câu ca dao “Lúa chiêm lấp ló đàu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Cuối cùng “Xả, Đại Xả” không gì khác chính là sự xả ly khỏi các bán chấp; mọi sự trên đời như giấc mộng, như tia chớp lóe lên rồi vụt tắt. Mọi sự có hình đấy mà không có thực chất không thể nắm giữ, mà không năm giữ thì phải xả ly, buông bỏ mọi bám chấp – Tia sét – Pháp Điện.
Nếu Ấn Độ có một Đức Phật Thích Ca lịch sử thì khi đạo Phật vào Giao Châu, với tinh thần khế lý khế cơ, quá trình bản địa hóa đó đòi hỏi cần tái tạo một hình ảnh những vị Phật xuất phát từ trong cội rễ văn hóa nước nhà. Tứ Pháp được hình thành từ trong hiện thực lao động của nền nông nghiệp sơ khai, thật bình dị và gần gũi của người Việt cổ để cầu nguyện, gởi gắm tâm tư nguyện vọng của mình.
Cho nên, các vị Phật của cộng đồng người Việt bấy giờ phải có những yếu tố người Việt thật, mang dáng vóc và gương mặt người Việt. Vì vậy thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Sét đã hóa thành hệ Tứ Pháp. Hẳn nhiên trong tâm thức người Việt, thần điện người Việt đã có những vị thần này hiện hữu. Để rồi một ngàn năm sau, vào thời Trần ta có Phật hoàng Trần Nhân Tông làm rạng rỡ ba lần lãnh đạo dân ta đánh tan quân Nguyên- Mông, mở bờ cõi phương Nam, phục hưng văn hóa Đại Việt. Và như vậy, trải qua từng giai đoạn lịch sử ứng với các triều đại, tín ngưỡng Phật Tứ Pháp đã có một vai trò lịch sử rất to lớn trong việc phát huy nội lực, đề cao ý thức độc lập tự chủ, gìn giữ và phục hưng bản sắc văn hóa dân tộc Đại Việt.
Đến triều Nguyễn, các vị vua từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… tiếp tục tôn thờ và phát huy những giá trị tâm linh, cũng những giá trị nhân văn, văn hóa, văn học, mỹ thuật… mà hệ Phật Tứ Pháp đem lại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ văn hóa dân tộc.
Theo PLVN