Trên những chuyến đò đổ về động Hương Tích (chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội), nhiều người dân không giấu được sự bồn chồn, háo hức.
Mong chùa Hương luôn “khoẻ”
Ngày 16.2, khu di tích lịch sử chùa Hương chính thức mở cửa sau một thời gian dài đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Thông tin này như một liều thuốc tinh thần cho người dân địa phương và du khách trong thời điểm này. Bởi lâu rồi, họ mới được thấy chùa Hương “khoẻ mạnh” bình thường.
Bà Trần Thị Hằng (50 tuổi) làm nghề chèo thuyền hơn 20 năm ở suối Yến. Theo lời kể của bà Hằng, ngay từ khi còn trẻ, bà đã làm công việc chèo đò đưa khách vào động Hương Tích. Nhiều năm chứng kiến chùa Hương vào mùa lễ hội, khách thập phương đổ về đông đúc, từng chuyến đò nối đuôi nhau, trên thuyền, du khách vui vẻ trò chuyện, có những chuyến đò vang lên câu ca “Đò đi qua bến Đục, mọi người ngắm nhìn em” khiến bầu không khí trên suối Yến lúc nào cũng sôi động.
Khi dịch bệnh bùng phát, chùa Hương dừng hoạt động để phòng dịch COVID-19, chùa Hương bỗng rơi vào trạng thái “ngủ yên”, hàng quán đóng cửa im lìm, các con thuyền “lặng thinh” nằm dưới cầu Yến Vĩ khiến người dân không khỏi hụt hẫng.
Vì thế, nghe tin thành phố Hà Nội cho phép chùa Hương đón khách trở lại, người dân địa phương ai nấy đều phấn khởi, vui mừng. Vì với họ, việc đón du khách không chỉ tăng thu nhập mà còn được chứng kiến quê hương mình phát triển, du khách gần xa đến du xuân, vãn cảnh đẹp… là niềm tự hào của mỗi người con Hương Sơn.
Chia sẻ với Lao Động, bà Hằng cho biết: “Những người con Hương Sơn như chúng tôi, cả đời gắn bó với bến Đục, với Suối Yến. Năm nào cũng vậy, tôi không thể nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu chuyến trong suốt hơn 20 năm qua. Cảm giác nhận được tin chùa Hương mở cửa giống như đêm giao thừa vậy, phấn khích, hào hứng và vui mừng. Chỉ mong chùa Hương luôn “khoẻ” để chào đón du khách thập phương”.
Chùa Hương là nơi để về
30 năm nay, có lẽ số lần lỡ hẹn với chùa Hương của ông Đình Tú (60 tuổi, Hưng Yên) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu như năm nào ông cũng có mặt tại chùa Hương vào dịp đầu năm để hành hương, lễ Phật. Thậm chí, trong những ngày thường, ông Đình cũng cùng gia đình đến đây vãn cảnh. Theo ông Tú miêu tả, vãn cảnh chùa vào ngày thường sẽ cảm nhận được hết vẻ thanh tịnh và trong lành của những ngôi chùa nằm giữa núi rừng.
Nghe những gì ông Tú chia sẻ, có lẽ ông là một người dành nhiều tình cảm cho chùa Hương nên khi chùa Hương mở cửa đón khách, ông và vợ đã có mặt từ 5h sáng. Ông Tú cho biết, đêm qua, ông đã háo hức nên mất ngủ. Tuy vậy, sáng hôm sau, dù trời mưa lớn nhưng ông vẫn dậy từ sớm và lái xe đưa vợ từ Hưng Yên sang Hương Sơn.
Chia sẻ về cảm xúc trong ngày đến chùa Hương, ông Tú cho biết: “Chưa bao giờ tôi có chuyến hành hương về Hương Tích mà tràn đầy sinh lực đến như thế. Chúng tôi mong đợi ngày này từ trước Tết nên khi mở cửa trở lại, chúng tôi phải sang ngay. Tình hình dịch bệnh phức tạp nên khách đến chùa Hương không đông đúc, tuy nhiên đây cũng là dịp để tôi có cơ hội thong thả, thư thái, không phải chen chúc”.
Ông Tú cũng chia sẻ thêm: “Lặng ngắm mái ngói thâm trầm của chùa cổ Thiên Trù, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hương Sơn những ngày vãn khách, tôi thấy một chùa Hương vừa bình yên, vừa nhộn nhịp. Giống như trở về quê hương vậy”.
Theo Laodong