Y Phương: Nhẩn nha sống, nhẩn nha thơ

7:32 | 11/02/2022

Vĩnh biệt bạn thân Hứa Vĩnh Sước – nhà thơ Y Phương. Y Phương nhà thơ không chỉ lớn của xứ Tày, mà còn lớn ở cả xứ Kinh. Sước ơi, an nghỉ nhá. Thương “mày” vô cùng, mong hồn bạn siêu thoát.

Nhà thơ Y Phương.

Không hẳn bài thơ nào, tập thơ nào của Y Phương cũng khá, cũng hay. Ông cũng đủ nếp tẻ như mọi người, đủ cả hay và dở, lành hiền và có khi trái tính trái nết. Đọc xong ba tập thơ của ông :”TIẾNG HÁT THÁNG GIÊNG” – SVHTT Cao Bằng xb 1986, giải thưởng văn học hạng A Hội Nhà văn Việt Nam 1987, “LỜI CHÚC “- NXB Văn hóa dân tộc in năm 1991, giải A Hội đồng văn học miền núi Hội Nhà văn 1992 và “ĐÀN THEN” NXB Hội nhà văn 1996, tôi cứ phải đọc lại tới ba bốn lần.

Thơ Y Phương bình dị, chân chất, hồn nhiên, giấu cất mà he hé lộ thiên, lặng lẽ mà bùng nổ, nhẩn nha như chính cuộc đời ông, con người ông. Gặp thoáng qua bằng bàn tay xã giao, đọc thoáng qua bằng cặp mắt xa lạ ta sẽ thấy anh này, thơ này nhàn nhạt, lạnh lẽo, tưng tửng, cứ nhấp nha nhấp nhổm những núi cùng non. Nhưng nếu dùng tấm lòng để gặp, để đọc Y Phương và thơ ông, ta sẽ không còn thấy nhàn nhạt, lành lạnh nữa mà lại âm ấm, mằn mặn, mặn mòi, làm như thể những câu thơ của ông cũng biết ứa nước mắt vậy.

Riêng tôi, cứ thui thủi một mình mà thích thơ Y Phương. Có lúc, hồn thơ ông như con cuốc lạc vào mùa hè của tôi, cứ thi thoảng ném vào khoảng trời tôi đôi ba tiếng kêu rớm máu ; lại có khi hóa thành tiếng hoẵng đơn độc biến tôi thành rừng hoang vắng ngày xưa… Và tôi chợt bé lại cùng những mẫu tự chạy như trẻ con trên mặt đất, để nhẩn nha sống, nhẩn nha lớn cùng với niềm thi hứng Y Phương, một niềm thơ mê hoặc và cảm động, đầy suy tư của chiều sâu khái quát:

“Con ào ạt đến
Những chữ O, chữ A không kịp thở
Những chữ B, chữ C ôm choàng lên cổ
Khắp người cha toàn chữ
Cha ngồi đây bạc màu mắt
Vậy mà con chẳng biết
Nhẩn nha lớn …” (Chờ con).

Không hiểu sao tôi lại đốc ra yêu câu thơ “Nhẩn nha lớn” này của Y Phương đến vậy ? Dường như từ một con siêu vi khuẩn đến các đại thiên hà, các lỗ đen vũ trụ.. đều nhẩn nha sinh ra, nhẩn nha lớn, nhẩn nha tồn tại và nhẩn nha chết ? Những con chữ chạy ào ạt đến bíu cổ bá vai các nhà thơ, như bầu bí đeo đẳng lên ông ta bao nhiêu cười khóc. Y Phương yêu chữ như con nên ông cứ nhẩn nha mà sướng: “Khắp người cha toàn chữ”.

Thơ Y Phương mềm mỏng, dễ vỡ dễ bay lắm, đừng lật mạnh trang thơ kẻo hồn ông rơi mất:

“Cỏ lấp lánh
Khe khẽ ướt” ( Ánh trăng ).

Không phải sương mà ánh trăng đang khe khẽ ướt từng lá cỏ, cũng là khe khẽ sáng, khe khẽ yêu và khe khẽ mất đi. Ngôn ngữ Y Phương đến thế này là tinh diệu lắm, hồn vía lắm. Nhẩn nha thơ, khe khẽ thơ, Y Phương rất lạ khi sáng tạo ngôn ngữ, thở vào những chữ bình thường cái hơi thở của Chúa Trời phà vào hình nhân đất sét, để hình nhân sống động thành người như ví dụ sau:

“Như bầy ong ong
Như đàn chim chim” (Lên Cao Bằng).

Những “ong ong”, “chim chim” trong hai câu thơ kỳ ảo trên mang đến không gian và thời gian thần thoại, vượt qua giới hạn chủng loài ong và chim, khiến chúng được trìu tượng hóa, xúc cảm hóa, đa ngữ nghĩa hóa thành thế giới tâm linh thơ.

Cũng như thế, tôi yêu từ “kin kin” trong câu thơ sau của Y Phương, không biết có phải là tiếng Tày được nhà thơ Việt hóa hay không mà đọc lên nghe gợi cảm đến vậy: “Cháu của bà còn bé kin kin” (Con ốc của bà).Chúng ta viết về cái gì đã quan trọng, viết như thế nào còn quan trọng hơn, tìm ra một hình thức để biểu đạt nội dung sao cho tương ứng, để thành cái hay, cái đẹp, thành mỹ cảm văn chương, đặng như máu thịt hòa với nhau không còn phân biệt được đâu là nội dung, đâu là hình thức.

Thơ Y Phương phần nào đã đạt được những yêu cầu đó, ít ra là trong những bài hay, câu hay. Ông nhìn cuộc đời bằng đôi mắt thơ ngây của hoa lá dân tộc mình, rung động bằng trái tim suối nguồn và suy tư bằng sừng sững đá. Ngay cả tôm cá trong thơ ông cũng thơ thẩn nỗi người, cũng vật vờ ngơ ngẩn gái trai: “Tôm cá đi thơ thẩn như người” (Có một mùa sông Bằng không chảy). Ngay cả núi non trong thơ Y Phương cũng rất lạ:

“Chỉ thấy núi cao
Nhọn như chông
Nghiêng ngả như đũa
Cái thế chon von chỉ nhìn đã ngã” ( Bài hát chăn trâu ).

Hóa ra Y Phương có khả năng mang núi non Cao Bằng vời vợi, chông chà vào trong chạn bát nhà mình mà nghiêng ngả tuỳ thích ; để mai núi lại song đôi thành đũa gắp trời, gắp xong cái vô biên nó lại về mâm nhà thơ sóng xoài như ngả rạ. Cuộc đời hóa thân thành đứa trẻ thơ ba tháng dưới mắt nhà thơ dân tộc Tày này sao lại ngộ nghĩnh, lại cảm động và chân tình làm vậy, cái tưởng không thể thành thơ đã thành thơ, thành rung động đẹp và tràn đầy ý nghĩa:

“Cái bé Thêm vừa ba tháng
Cầm ảnh tôi
Nó mút
Thương chưa”.

Viết những câu thơ như không thế này, tưởng còn ai có thể hồn nhiên hơn Y Phương, nhưng là một thứ hồn nhiên đầy nghĩ ngợi, đầy nỗi người, nỗi sống.

Và đây là mắt những đứa trẻ mà người Kinh chúng ta hay nói là đen như hạt nhãn, hạt huyền, thậm chí đen óng ánh than đá, đen như hạt na, nhưng với Y Phương: “Đôi mắt đen như chữ Hán” (Lời chúc). “Mắt đen như chữ Hán” quả là cái đen rất lạ, rất gợi, rất ý nghĩa, rất Y Phương vậy. Trong bài thơ “Lời ru quê ngoại”, Y Phương hẳn là yêu con mình lắm lắm, mới mượn da thịt trẻ thơ mà nói về quê hương, hòa một vào muôn như hòa giọt nước mắt vào biển cả để viết được một câu thơ giản dị mà hay đến cảm động: “Chân tay thơm quê hương”. Cũng trong bài thơ này, nhà thơ lấy hình ảnh ngọn khói bếp hầu như tỏa ra suốt ngày đêm trên mái nhà sàn để vẽ ra hình ảnh người mẹ, cũng là vẽ nên hồn vía quê hương:

“Khói bếp bận như mẹ
Cặm cụi một người già”.

Và trong bài thơ “Mưa”, ông lấy mưa mà vẽ ra người già, vẽ ra nỗi niềm, tâm trạng: “Người già trầm ngâm lâu như cơn mưa”.

Y Phương đã đi ra với thế giới từ khói bếp ấy, mẹ già ấy, cơn mưa kia và người già trầm ngâm kia. Nhà thơ là tiếng dế đêm, là ngọn cỏ tranh của quê hương mình:

“Đầu đặt lên tiếng giun dế
Chân bật dậy cỏ tranh” (Bài ca thứ chín).

Người Kinh nói gối đất nằm sương nhưng Y Phương viết khác. Ông biết lấy tiếng giun dế làm gối, như thể đâu đây, thi ca đã chọn cho người trai tha phương này chiếc gối của muôn đời tịch lặng. Một người biết gối đầu lên cái vĩnh hằng là tiếng giun dế để ngủ, người ấy lãng mạn và vô vi, thiền thức biết là chừng nào.

Y Phương quê rừng núi mà viết về tre pheo bản Tày cũng da diết và âm vang lắm, lục bát lắm:

“Tiếng tre như thể tiếng người
Giữa trưa núi vẳng noọng ời tiếng ru” (Tiếng ru).

Đến cả một câu lục bát viết về trái thị của Y Phương cũng hay không kém gì bất cứ câu thơ hay nào về điều này của bất cứ nhà thơ người Kinh nào:

“Trái vàng trông thấy mấy khi
Trái thơm, thơm cả những gì chưa thơm” (Hương thơm trái thị). ” Thơm cả những gì chưa thơm ” phải chăng là đích tới của thi ca hay chính là bút pháp riêng của Y Phương ?

Nhà thơ, đôi khi cũng phải là trái thị này, yêu cả những gì chưa yêu, hoặc là chỉ gợi ra nỗi yêu, nỗi đẹp để người đọc yêu với, đẹp với, cảm với và nghĩ với. Khi viết về gió dữ trong bài “Gió Phủ Trùng”:

“Thứ gió làm người mốc thếch
Lửa lung lay không thổi được nồi cơm”,

Y Phương đã biết dùng thi pháp của trái thị “thơm cả những gì chưa thơm” mà để hồn vía của mình lãng đãng bên ngoài những câu thơ rất “thi tại ngôn ngoại”, đặng có cơ mê hoặc người đọc từ ngoài chữ nghĩa:

“Ở ngoài đồng có người cắt rạ
Lúc lắc đi
Mặc kệ
Gió
Trời”.

Khổ thơ đi theo kiểu rồng rắn, thấp dần, ngắn dần tôn cái dáng ” Lúc lắc đi ” của người vượt gió lên vẻ đẹp của tạo hóa. Con người cắt rạ bình thường trong gió dữ chợt ngạo nghễ vào uy nghi như núi non . Như là, trên cánh đồng thi ca, Y Phương, người trai đất Tày sau khi cắt rạ ngôn từ, một mình “Lúc lắc đi” vào vần điệu, đi vào cái an nhiên thư thái đất trời.

Thơ hay là thứ thơ viết như không, vượt qua cả kỹ thuật chữ, không in vết tay thợ lành nghề lên trang giấy, như thể người nghệ sĩ thở ra cảm xúc và ngôn từ, hổn hển, tươi rói như những câu chúng tôi vừa trích và sẽ trích dưới đây. Y Phương người của nước non Cao Bằng, của núi rừng sao lại thân thuộc và mê man với mùi bùn lúa nước vốn là sở hữu của đồng bằng đến vậy:

“Tháng tư
Tháng vất vả cày bừa
Giấc ngủ còn mơ bùn” (Tháng tư).

Bàn chân tôi vốn ngấu bùn từ tám chín tuổi, tay từng thơm nồng mùi bùn ruộng lúa mà đọc câu thơ của Y Phương “Giấc ngủ còn mơ bùn” sao cảm động đến sững sờ, cứ như thể hồn thơ này lưu giữ hộ tôi loài bùn làm nên gạo thơm cơm dẻo. Tôi tưởng chỉ có loài sen trong ca dao khi ngủ mới biết mơ bùn, vì bùn dù hôi tanh nhưng là bà mẹ giấu mình trong chìm khuất để sinh nở ra hương hoa.

Người “mơ bùn”, yêu bùn, mang hồn vía bùn đất của dân tộc mình vào thơ kia là người từng hiểu giá của cuộc sống trên núi non, hiểu nỗi quằn quại vật vã của hành trình kiếm sống:

“Đi từ chân núi lên đỉnh núi
Sắp mục nát cả bàn chân
Để lần tìm cái ăn” ( Những người thấp bé ).

“Sắp mục nát cả bàn chân”, một câu thơ thật hay, thật hàm súc, dư ba của Y Phương viết về kiếp người trong dáng vẻ nhỏ nhoi, kiến cỏ, mài bàn chân vào đá núi như mài dao suốt đời mà đôi chân vẫn bị con mọt thời gian, con mọt cơm áo làm cho mục nát. Chính vì vậy, khi con người khổ ải này nhìn thấy mùa măng đội đất lên tặng người cái hạnh phúc của mồ hôi nước mắt, người hân hoan reo lên kinh ngạc bằng hai câu thơ khá hay:

“Ai cho mùa măng nhọn thế này
Đỏ như mắt nhớ, mập như tay “(Người vùng cao).

Chao, ngay đến đọt măng Cao Bằng của Y Phương vừa thức dậy trong đất đã đa tình làm vậy, đã “đỏ như mắt nhớ”, huống hồ chàng trai bản Tày đẹp trai, cao to thuở ấy!

Chừng như Y Phương là một nhà yêu học, một người sinh ra để yêu và để làm thơ, để ca ngợi vẻ đẹp của đàn bà. Đây là bài thơ tình thật ngắn “Da thịt em” nhưng khá hay, là cái hay của một cách nói riêng Y Phương:

“Khi lửa tắt
Nó thoát vào không khí
Khi mặt trời lặn
Nó thoát vào không khí
Khi mặt trăng lặn
Nó thoát vào da thịt em”.

Giá biết trước như thế này, Lý Bạch đã không phải nhảy xuống sông mà tìm, mà vớt vầng trăng đến nỗi chết đuối !

Hóa ra, nhờ thơ Y Phương, mỗi chúng ta, những người đàn ông đều có ít ra là một vầng trăng đi lại trong nhà ngay cả khi mặt trời chói sáng và những đêm không trăng. Trong thơ ông, mặt trời cô đơn như gã thất tình suốt một đời đi tìm mặt trăng mà không thấy. Bài thơ “Đi tìm” rất hay dưới đây là một bài thơ tình lạ của Y Phương:

“Nhà em ở miền Đông
Nhà anh mãi miền Tây
Từ anh sang em
Đi hỏng đôi giày
Anh đi quên vung tay
Cởi áo vắt vai
Phăm phăm bước
Mặt trời cũng một mình
Đi tìm
Mặt trăng”.

Khoảng cách xa vời, thăm thẳm, nhiêu khê mà tình yêu phải vượt qua thật cụ thể, thật hồn nhiên, cảm động :“Từ anh sang em / Đi hỏng đôi giày”. Trong thế giới tình yêu của thi ca Y Phương, có thể bao nhiêu giày với ông đều không đủ, đều được quãng đường đi tìm người yêu làm hỏng cả. Vì không còn giày nữa, nên nhà thơ cứ để chân trần mà đi tới người đọc.

Ông viết một bài thơ tình hay khác là bài “Mùa hoa” mà đến cả ong bướm cũng phải ghen tị:

“Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt đỏ phừng phừng
Thừa sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi
Mùa hoa
Mùa đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn rào vừa đi vừa ngái ngủ “.

Mùa xuân, mùa hoa, mùa ân ái, mùa của những người đàn bà thừa sức vác núi non, vác chồng lên đỉnh trời hoan lạc, mùa của đàn ông sau cuộc tình “mệt như chiếc áo rũ”. Khi những người đàn ông trong bản thơ Y Phương “vừa vịn rào vừa đi vừa ngái ngủ” là lúc những câu thơ của ông dù say khướt vẫn phải tỉnh thức mà tìm đường vào hồn vía người đọc.

Riêng Y Phương, có cảm giác trong mùa hoa của đời mình, ông “vừa vịn rào vừa đi…” vừa …viết. Ông mượn bức tường vôi trắng mà nói về nỗi cô đơn của con người thật hay: “Bức tường vẫn trắng sang nhau” (Nón mùa thu). Ngay cả trong nỗi nhớ Hà Nội, ông cũng giành riêng cho mình sự cô lẻ, hoang vu: “Quảng trường rộng cho một mình tôi nhớ” (Nhớ Hà Nội). Ông tìm ra cách nói lạ diễn tả nỗi đau, nỗi tiếc vì mất người yêu sau khi đi bộ đội về, người yêu xưa đã đi yêu người khác, đã đẻ cho người khác những đứa con, một giọng thơ gan ruột, nhức nhói:

“Tôi sẽ có với người ấy một đứa con
Nhiều đứa con
Thế rồi không có đứa nào
…Những đứa con của tôi sợ hãi
Nhìn chằm chằm vào gã đàn ông không phải cha mình
Chúng dán người lên tường / Thành tờ lịch ” (Sám hối).

Những đứa con của nhà thơ chính ra, nếu không có chiến tranh, chúng đã ra đời. Nhưng chúng không được ra đời nhường cho những bài thơ oa oa khóc. Và tâm hồn nhà thơ đã thay chúng, tự “dán mình lên tường” của cuộc đời “thành tờ lịch” cho nỗi rung động thẩm mỹ thi ca nơi người đọc.

Cứ như vậy, Y Phương nhẩn nha sống, nhẩn nha thơ. Ông có nhiều bài thơ hay và cả nhiều bài thơ chưa hay, cũng như có những đứa con thể xác, đứa con tinh thần đã ra đời và vì lẽ gì đó không thể ra đời. Bài thơ “Chén nước” có ba câu Y Phương để đầu tập thơ “Lời chúc” như sau:

“Anh tự biết mình như chén nước
Chớ rót đầy
Nó sẽ tràn”.

Có thể, bài viết của tôi về thơ ông đã làm tràn li nước Y Phương sang cả người đọc, thậm chí có thể còn làm ướt áo người yêu thơ. Nhưng tôi biết rằng chén nước xúc cảm tâm hồn ông đã rót đầy tràn ra ngoài trang giấy vẻ đẹp của quê hương và con người dân tộc ông, có khi tràn qua cả mí mắt người đọc thơ ông nữa. Xin nhà thơ chớ sợ rót đầy, bởi tâm hồn chúng ta là bình thông nhau của trời đất, những bình thông nhau đã từng đi hỏng tất cả những đôi giày trên thế gian này, như ngày nào ông tìm đến người yêu .,.

 

Trần Mạnh Hảo.

 

Cùng chuyên mục

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”

HÀ TĨNH: Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am đã “hé lộ” nhiều vấn đề bất cập

HÀ TĨNH: Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am đã “hé lộ” nhiều vấn đề bất cập

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

‘2 Phải 4 Không’ để phòng lừa đảo trực tuyến

‘2 Phải 4 Không’ để phòng lừa đảo trực tuyến

Lợi nhuận ‘khủng’ của cơ sở sản xuất sữa giả, bán online

Lợi nhuận ‘khủng’ của cơ sở sản xuất sữa giả, bán online

Ngài GURUJI SAGARRUMAGARMATHA

Ngài GURUJI SAGARRUMAGARMATHA