“Mày cứ xem và chửi nhiều vào nhé!”. Quý lắm, thân lắm ông mới nói thế. Chứ ai lại nói với nhà báo như vậy. Tôi đến dự họp báo triển lãm của ông mùa đông năm 1992 với 3 tư cách: Trò ông, em ông và là phóng viên Nghệ thuật tuần báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam.
Chân dung họa sĩ Lưu Công Nhân. Nguồn ảnh: Tư liệu của G39 và nhà sưu tập.
Tác phẩm Cô hái chuối danh họa Lưu Công Nhân 1960.
Tôi thân cả bộ ba xe pháo mã: Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Mai Long. Ba chàng sinh viên khóa kháng chiến, học trò thầy Tô Ngọc Vân. Trong đó, Họa sỹ Mai Long là thầy khai sinh cho tôi nghệ thuật vẽ tranh lụa. Chúng tôi đã nhiều lần lên cây số 2 đường đi Tam Đảo thăm xưởng sáng tác của Lưu Công Nhân. Những cuộc rượu dù ở Tam Đảo hay về nhà tôi ở 23 Tông Đản chỉ có 4 người và không bao giờ có người thứ 5.
Có lẽ quá thân nên tôi ảnh hưởng ông từ lối sống, cách nói, cách sống ứng xử đến vẽ tranh. Những nét tung phá lãng mạn, vẽ như chơi trong tranh tôi có hơi hướng của Lưu Công Nhân.
Họa sỹ Lưu công Nhân là một trong những họa sỹ xuất sắc nhất, tài hoa nhất trong khóa kháng chiến. Ông vẽ trên các chất liệu : Sơn dầu, giấy dó, mực nho, màu nước. Tranh ông chắc về bố cục, đẹp về màu, là độ chín của tài năng và độ dầy vốn sống. Họa sỹ Trần lưu Hậu đã phát biểu trong buổi khai mạc: “ Họa sỹ Lưu Công Nhân là một trong những người vẽ nhiều nhất, say sưa nhất và bầy tranh nhiều nhất”.
Tài tình nhất là những bức ông vẽ khỏa thân trên giấy Dó và phong cảnh, tĩnh vật bằng màu nước trên giấy koki. Một hương vị phương Đông dưới nét bút khoáng hoạt đầy cảm xúc. Hàng nghìn tờ giấy Dó vô tri đã thành tác phẩm đẹp đến kỳ diệu bởi nét tài hoa và độ nhòe đặc thù của loại giấy này. Độ loang chảy lãng mạn, tài tình có sức lay động kỳ lạ. Có cảm giác Họa sỹ vẽ như chơi, như không định vẽ như vô tình mà dụng công hữu ý. Có biết đâu đấy là năm tháng, tâm huyết , khổ đau, thành công, thất bại, nhục vinh…
Hãy nhìn vào mặt sau của tấm huân chương lấp lánh. Không phải bây giờ người chơi tranh đi lùng sục tìm mua tranh ông, có bức hàng mấy chục ngàn đôla mà hãy nghe ông nói: “ Đời tao lận đận, đắng cay, khốn nạn lắm Thế Hùng ạ”… Chuyện cách đây đã 65 năm. Khi ấy, chàng hoạ sỹ trẻ Lưu Công Nhân hăm hở bầy tranh lần thứ nhất. 80 bức được trình làng hôm 25 tháng chạp thì 3 hôm sau phải thu tranh về quê ăn tết vì quá ít người xem. Có ngày chỉ thu được 3 hào vé vào cửa.Không nản chí, năm sau, chàng lại bầy tiếp một phòng tranh nữa và lần này …thảm thương thay cho chàng trên con đường họa nghiệp, chỉ được duyệt có 1 bức trong 54 bức tranh sơn dầu khổ lớn. Thế là lại gom tranh ôm hận về quê. Tết năm ấy Lưu Công Nhân “ nhắm rượu” với nỗi đau thảm hại của mình. Ông đã từng nói với tôi: “ Đi để ngã, vẽ để hỏng thì mới nên người”.
Thiếu nữ mùa xuân (81x100cm, 1976, sơn dầu), bức tranh được chọn in thiếp mời triển lãm.
“Một buổi cày” khổ 82x105cm, sơn dầu trên vải, vẽ năm 1960. Trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Trong phòng sáng tác của ông sếp hàng chồng giấy Dó, ông vẽ ngày dài đêm thâu, không tiếp ai để tập trung sáng tạo. Họa sỹ Hoàng Trúc ở thành phố Vĩnh Yên đến xin học, ông mời ra khỏi nhà : “ Tôi về Vĩnh Yên để sáng tác chứ không phải để dạy vẽ”.
Tôi thích nhất là kỹ thuật vẽ màu nước trên giất koki. Lưu Công Nhân yêu thiên nhiên chân thành đến mức không nỡ vẽ bịa mà phải trực họa. Họa sỹ Hoàng Trúc là người đèo ông đi khắp các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, vùng ven thị xã Vĩnh Yên để vẽ. Anh còn mua cho thầy nón lá, áo tơi, hom, giỏ … Một buổi cầy trong sương sớm, một con đò bên sông vắng, ngôi miếu rêu phong, một góc phố nghiêng ánh nắng chiều… màu tinh tế, sắc độ chênh nhau rất ít. Các gam màu ve, vàng chanh, vàng thư, vàng ốc, coban hài hòa nhuyễn vào nhau chứng tỏ ông làm việc rất nhiều, chỉ những ai vẽ nhiều mới cảm thấy điều này.
Tại Sài Gòn, trước ngày ông đi gặp Picatsso, tôi thấy nhiều tranh sơn dầu rất lớn và rất nhiều. Ông, một đời tận tụy với nghề, một đời phiêu linh giữa biển màu, ông chỉ yêu hội họa và hiến thân cho nó. Ông đã yếu lắm rồi, những mắt ông có lửa. Ông đọc cho tôi nghe câu nói nổi tiếng của đại danh họa Đờlacroa bằng tiếng Pháp, tôi hiểu: Tôi có thể tô màu lấp cả một thành phố. Đấy, mày nhớ nhé nếu còn cầm cọ.
Tết này, chắc ông đang nhâm nhi ly rượu và đàm đạo nghệ thuật với bạn thân của ông – danh họa Trần Lưu Hậu ở thế giới bên kia. Em nhớ hai bác, nhớ những ngày dong duổi bên nhau. Bài viết này như một nén tâm hương tình nghĩa.
Thế Hùng