Đó là các kỳ quan hang động danh tiếng trên các vịnh Hạ Long, Vân Phong hay chìm sâu trong lòng đất ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Một hòn Phụ Tử nơi cuối đất Hà Tiên hay một bãi đá Nhảy ở Quảng Bình, một gềnh Đá Đĩa Phú Yên, những hòn Chồng, hòn Vợ, hòn Trống, hòn Mái ở Nha Trang, Thanh Hoá. Một bãi đá cổ Sa Pa- bộ sưu tập chạm khắc thời tiền sử đầy bí ẩn hay những nàng Vọng Phu ôm con đợi chồng từ ngàn vạn năm nay từ Tam Thanh-Lạng Sơn đến núi Bà-Bình Định. Một vương quốc đá trên cao nguyên Hà Giang, nơi sự hùng vĩ của đá cho ta biết sự kỳ diệu của của sức sống con người, nơi lao động và tình yêu của con người có thể làm cho đá nở hoa.
Đẹp nhất, kỳ lạ nhất giữa các kỳ quan hang động Việt Nam chắc chắn là Phong Nha-Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới. Đây là một kiệt tác của tạo hoá được làm bằng đá và nước, một trong những cảnh quan đẹp nhất thế giới với 7 cái nhất: Hang nước dài nhất, Cửa hang cao và rộng nhất, Bãi cát và đá rộng đẹp nhất, Hồ ngầm đẹp nhất, Hệ thống thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, Hang có sông ngầm dài nhất (13.969 m), Hang khô rộng và đẹp nhất.
Hòn Phụ Tử Kiên Giang – Danh thắng đặc sắc.
Hang Sơn Đoòng
Thuyền xuôi theo dòng sông Son để vào động Phong Nha- Nguồn Internet
Khó có thể mô tả vẻ đẹp huyền bí của hệ thống hang động cao rộng dài hàng chục km phủ đầy thạch nhũ trăm hình nghìn sắc tuyệt mỹ của Phong Nha-Kẻ Bàng do con sông ngầm tên là sông Chài hoà tan với núi đá vôi hình thành từ 400 triệu năm trước tạo thành. Ngành du lịch thế giới coi Phong Nha -Kẻ Bàng là thiên đường mới được phát hiện của du lịch hang động trên hành tinh.
Ghềnh đá đĩa Tuy An-Phú Yên là một kỳ quan đá có cấu trúc kỳ lạ, hiếm thấy trên thế giới. Ghềnh được tạo thành bởi những trụ đá hình lục giác hay hình tròn xếp chồng lên nhau như những chồng chén, bát, đĩa trong các lô sành sứ. Đá có màu nâu sẩm hoặc màu đen nhạt, nửa chìm nửa nổi ở bờ biển. Ước có khoảng 35.000 trụ đá như vậy. Những cột đĩa xếp chồng lên thành một hòn núi cao hơn mười mét, nằm ngang mép sóng biển. Giữa ghềnh có một lõm trũng, nước biển và nước mưa đọng lại lâu ngày thàng một vũng lớn, có các loại cá đủ màu xanh đỏ tím vàng sinh sống bơi lội rất vui mắt. Theo Cục địa chất VN, đây là một cảnh quan cực kỳ quý giá, có giá trị độc đáo về mặt địa chất, hết sức hấp dẫn nhưng từ trước tới nay chưa được quan tâm. Ghềnh Đá Đĩa hình thành bởi dung nham nóng chảy của núi lửa từ lòng đất phun trào lên qua những vết nứt nẻ của vỏ trái đất, rồi đông cứng lại mà thành đá. Sự phun trào hết đợt này đến đợt khác chồng chất lên nhau. Qua hàng triệu năm, sự xâm thực của sóng biển đã bào mòn dần những lớp đất đá trên cùng ,để lộ ra những cột đá phẳng phiu.
Nhìn từ xa Núi Đá Bia
Ghềnh Đá Đĩa đẹp hoang sơ và kỳ vĩ trong ánh bình minh.
Một nhà sử học nước ngoài gọi Bãi đá cổ Sa Pa là Bảo tàng văn tự đá thiên nhiên kỳ vĩ có một không hai. Nằm dưới chân đỉnh Phăngxiphăng, dọc con Suối Hoa từ độ cao 1200m đổ xuống thung lũng Mường Hoa, bãi đá cổ trải rộng trên diện tích 8 km2 với hơn 300 phiến đá lớn nhỏ đầy những hình chạm trổ huyền bí. Có phiến đến 55 m2, có phiến chỉ bằng cái bàn nhỏ. Hình chạm trổ trên đá rất phong phú, từ hình bản đồ, la bàn, các vạch âm dương như những quẻ kinh dịch, hình tượng trưng cho nam nữ giao phối, rồi hình mặt trời, con đường, ruộng bậc thang…Nhiều nhà khoa học dự đoán đây là một loại văn tự cổ, chữ tượng hình của thời tiền sử. Nếu giải mã được chúng, ta sẽ nhận được những thông điệp của người xưa gửi cho hậu thế.
Bãi đá cổ Sa Pa là khu di tích có diện tích khoảng 8 km².
Nếu ở địa đầu tổ quốc chúng ta có nàng Tô Thị đá ôm con chờ chồng trên núi cao Tam Thanh, thì ở chót mũi Hà Tiên, chúng ta lại có một hòn Phụ Tử giữa biển khơi lồng lộng. Hòn Phụ Tử nối liền với chùa Hang là hai kỳ quan đá nổi tiếng của vùng cực nam đất nước. Chùa Hang nằm trong một hang động thiên nhiên ở dãy núi đá vôi bị xâm thực cách đây trên ngàn năm. Trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều hình tượng lạ mắt, kỳ vĩ. Chùa Hang có nhiều pho tượng Phật, đặc biệt có 2 pho tượng Phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm. Ngay sau chùa Hang là vùng biển lộng gió nổi lên một khối đá mà người dân nơi đây gọi là hòn Phụ Tử để ghi lại một câu chuyện bi hùng.
Người Mông tại Đồng Văn canh tác lúa, ngô, hoa màu trên những núi đá.
Địa danh Hòn vọng phu – núi Tô Thị ở Lạng Sơn.
Hoa tam giác mạch trên sườn núi ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Loài cây này không ưa nước nên chỉ phù hợp nhất ở các vùng cao nguyên, núi đá.
Theo truyền thuyết, xưa kia, ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Cạnh chùa Hang, có hai cha con người chài lưới. Người cha quyết hy sinh thân mình diệt trừ ác thú trừ hại cho bà con. Ông tẩm thuốc độc vào người, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến ăn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu, ôm lấy, khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm qua khiến người con cũng trúng độc chết. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con.
Đến thăm hòn Phụ Tử nhà thơ Lê Chí đã cảm tác: “Hình như biển chẳng bao giờ ngủ/Từ cái đêm Phụ Tử thét gào/Giọt nước mắt triệu năm hoá đá/Đến bây giờ sóng vỗ còn đau. Ngày 9/8/2006, hòn Phụ trong kỳ quan đá Phụ Tử đã bị đổ sụp xuống biển. Ngành văn hoá du lịch và tỉnh Kiên Giang đang tìm mọi cách để phục dựng lại nguyên vẹn di tích Phụ Tử, Nhưng dù có được phục dựng hay không, hòn Phụ Tử với hình hai cha con sống chết có nhau vẫn mãi sừng sững trong tâm khảm của người trong nước, người Việt ở nước ngoài và bạn bè du khách quốc tế.
Núi Đôi Quản Bạ.
Dốc chín khoanh – Phố Cáo – Đồng văn.
Một trạm dừng chân trên cung đèo Mã Pì Lèng bên sông Nho Quế .
Một nhà thơ đã gọi Hà Giang là “Vương quốc đá”. Quả đúng cao nguyên cực bắc của tổ quốc là xứ sở của đá, là thế giới đá, thiên hình vạn trạng, thiên biến vạn hoá, hùng tráng và nên thơ tuyệt vời.
Trên con đường từ thị xã Hà Giang đến Đồng Văn – Mèo Vạc hơn 200 km qua “Cổng trời” Quản Bạ và các đỉnh núi cao vực sâu hiểm trở nổi tiếng Pắc Sum, Na Khê, Mã Pí Lèng… ta như trôi giữa chập chùng sóng đá vô hạn vô hồi, nhảy múa uốn lượn giữa bát ngát mây trời. Có lẽ, chưa bao giờ ta được thấy đá nhiều đến thế, lấn át đến thế, dữ dội đến thế, kỳ vĩ đến thế.
Nhà nhiếp ảnh Hà Giang nổi tiếng Nông Tú Tường có một bức ảnh rất tiêu biểu về quê hương mình, bức ảnh một người Mông đang cày trên những tảng đá tai mèo lởm chởm trong sương sớm đang trùm lên vùng núi đá mênh mông. Đó là cách tồn tại của con người trên Vương quốc đá cực kỳ khắc nghiệt. Bà con người Mông, Tày, Nùng, Giáy, Dao, Lô Lô… đã giành giật với đá từng giọt đất, từng giọt nước, từng giọt sống. Và cây ngô đã từ những hốc đá mà xanh vút lên, hoa cải đã vàng rực khắp những ruộng đá.
Xứ sở tưởng như chỉ đá và nắng này lại có một con sông nhỏ tuyệt đẹp có dòng nước rất trong xanh và cái tên vô cùng dịu dàng – Nho Quế, lại là xứ sở của một loài hoa kỳ lạ như tam giác mạch, loài hoa không chỉ làm đẹp mà còn có thể nuôi sống con người. Đây là xứ sở của đàn môi, khèn bè, khèn lá, kèn pí lè, xứ sở của những câu ca nghe một lần mà suốt đời phải nhớ. Đây còn là xứ sở của những phiên chợ Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú, Quản Bạ… lộng lẫy sắc màu và thắm thiết ân tình. Chợ họp không chỉ để buôn bán mà còn là một ngày hội gặp gỡ, giao duyên. Đặc biệt có một phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần, vào đêm 27-3 âm lịch – chợ tình Khau Vai. Phiên chợ này không có kẻ mua người bán, chỉ dành cho những đôi lứa có duyên không phận mỗi năm gặp lại nhau một lần:
Ta không thành chồng vợ
Ta vẫn là người yêu
Chờ qua hết mùa lạnh
Chờ qua tới mùa đào
Vượt đỉnh Mã Pí Lèng
Về Khau Vai tìm nhau
Cột cờ Lũng Cú tại Hà Giang.
Người ta nói quả ngô trong trên nương đá Hà Giang tuy nhỏ nhưng ngọt và dẻo hơn ngô ở nơi khác nhiều. Có kỳ lạ không, khi đến với “Vương quốc đá”, nóc nhà của Tổ quốc, ta không chỉ được chiêm ngưỡng những kỳ quan đá mà còn được chiêm ngưỡng những kỳ quan của tình yêu và lòng nhân ái của con người nơi đây.
Hoàng Anh
.