Đã xa rồi phiên chợ quê ngày giáp Tết. Đã hết rồi một thuở củi rơm. Còn đâu nữa khói lam trên mái bếp. Nhớ thương hoài Tết cũ quê xưa.
Gió bấc tái tê đã hết. Mưa phùn nhão đất đã qua. Trời bỗng lên cao, ửng hồng nắng ấm. Bãi ven sông rực vàng màu hoa cải. Xoan bời bời rụng hoa tím phủ ven đê. Đào đã nhú những nụ hồng bên chồi non xanh biếc. Lũ trẻ không còn hào hứng chơi trò kết hoa, làm nhà, trốn tìm quanh cây rơm sau vườn nữa mà đang chụm đầu háo hức tính từng ngày mong cho mau đến Tết…
Nhưng với tôi, Tết đã đến từ hôm được theo mẹ đi phiên chợ cuối năm. Chợ họp gần bến đò ngang. Ngày thường, bến đò này vắng khách. Trừ mùa thu nước nguồn về tràn bến, sóng vỗ lưng đê và mùa đông mưa dầm gió bấc, bến nhão bùn lầy trơn như đổ mỡ, còn ngày thường con sông vài sải quai chèo này có thể nhìn thấy đáy. Chỉ những người gánh gồng, mang vác cồng kềnh hay khách phương xa mới phải lụy đò. Còn dân quanh vùng thì cứ xắn quần tìm chỗ cạn lội qua.
Chợ chỉ đông vào dịp cuối năm. Chợ họp dài từ gốc cây đa cổ thụ cho đến tận chân đê. Tin có “thần cây đa, ma cây gạo…” nên dù là dân tứ xứ về họp chợ, nhưng gần gốc đa bao giờ người ta cũng ưu tiên dành cho những mặt hàng “tinh khiết”. Như đã thành lệ khi thấy gần gốc đa có bày bán đèn nến, hương trầm, trầu cau và tranh thờ, câu đối, tranh Tết là phiên chợ cuối năm bắt đầu đông cho đến ngày ông Táo về trời.
Mẹ mua sắm những gì tôi không nhớ hết. Vì đi theo mẹ nhưng tâm trí thì lại để cả ở hàng bán những con tu huýt bằng đất nung có gắn cái “kèn” thổi nghe kêu toe toe, những con tò he bằng bột nếp sặc sỡ sắc màu, chơi chán có thể bẻ ra ăn được. Chỉ biết khi về thì mẹ đã đầu đội, tay xách, nách mang. Nào hương trầm, vàng mã, hoa quả, trầu cau để cúng ba ngày Tết. Nào lá dong, ống giang để chẻ lạt gói bánh chưng, bó cây mùi già để nấu nước tắm gội tất niên…
Trên đường về tôi được mẹ giao việc. Tôi hớn hở vác hai cây mía (đòn gánh để tổ tiên gánh lễ vật về sau ngày hạ nêu), một tay ôm những bức tranh dân gian được cuộn tròn thơm thơm mùi giấy dó phẩm màu, một tay cầm gói lá chuối nồng nồng mùi vôi trắng.
Tôi được ông giao cho việc treo những bức tranh dân gian này. Ngoài hình ảnh sống động ngộ nghĩnh, những chú chuột, đàn gà, con lợn có xoáy âm dương, mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo… những bức tranh còn tỏa thơm một mùi mơ hồ quyến rũ. Sau này tôi mới biết cái mùi mơ hồ quyến rũ đó là mùi hồ gạo trộn bột điệp giã nhuyễn phết trên giấy dó. Mùi phẩm màu chiết xuất từ sỏi son, rơm nếp, than xoan, hoa giành. Mùi tranh Tết quyện quanh tôi suốt cả mùa xuân.
Ngày đưa ông Táo về trời, tôi được giao việc quấy chậu vôi rồi để ông quét trắng bức tường ngoài ngõ. Buổi chiều tôi được ông giao vẽ nháp hình cung tên dưới gốc cây nêu để đuổi ma trừ quỷ. Khi thấy bản “phác thảo” của tôi vẽ bằng mẩu gạch non trên sân đã vừa ý, ông cầm cái chổi đót giống cây bút lông khổng lồ nhúng vào chậu vôi và cẩn thận vẽ đè trên vết gạch non. Vẽ xong ông nhìn tôi gật đầu cười.
Tôi hãnh diện lâng lâng vì lời khen của ông qua nụ cười móm mém. Gói vôi còn lại bà tôi cho vào bình vôi để những miếng trầu bà têm đãi khách năm mới được ấm nồng thắm đỏ lộc xuân. Tôi chợt hiểu ra ý nghĩa câu mẹ nói khi giao tôi cầm gói vôi “Đi chợ Tết không thể quên mua vôi vì đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.
Ngày Tết người ta không dùng rơm làm chất đốt. Giàu nghèo gì cũng mua vài gánh củi để việc nấu nướng những ngày đầu năm được thong dong thông suốt, không tất bật “rối bù như rơm”. Không đun nấu bằng rơm nhưng vẫn có mùi ngòn ngọt thơm thơm của rơm khô trải làm nệm để cả nhà canh nồi bánh chưng trong gian bếp. Không có dịp nào để gia đình quây quần đông đủ bên nhau chuyện trò vui vẻ như thế này.
Nhưng ở tuổi háu ăn, tôi không để ý đến chuyện vui buồn làng xóm, họ hàng, chuyện đồng áng mùa màng của người lớn ôn kể mà chỉ lâng lâng tận hưởng mùi hỗn hợp của lá giong, nếp đậu, trong nồi bánh chưng đang sôi ùng ục tỏa ra và nôn nóng được thưởng thức chiếc bánh “cua” (bánh được gói bằng nếp đậu lá giong thừa) do chính tay mình gói…
Tôi bừng tỉnh giấc khi nghe tiếng pháo đì đùng ngoài đình, tiếng chuông chùa vang vọng uy nghiêm, tiếng trống đình làng từng hồi dõng dạc báo hiệu giây phút thiêng liêng của đất trời đang chuyển sang ngày đầu năm mới. Ông tôi mặc áo dài, khăn đóng còn thơm mùi băng phiến đang kính cẩn dâng hương trước bàn thờ tổ tiên. Không gian như quánh đặc mùi hương trầm. Thoảng thơm trong gió có mùi hoa bưởi vườn sau, hoa cau sân trước như cùng bừng thức tỏa hương tinh khiết mừng đón Xuân về…
Đã xa rồi phiên chợ quê ngày giáp Tết. Đã hết rồi một thuở củi rơm. Còn đâu nữa khói lam trên mái bếp. Nhớ thương hoài Tết cũ quê xưa.
Đào Quang Bắc
Nguồn Báo điện tử Công Luận