Xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) nơi con sông Ngàn Sâu chảy qua, uốn lượn quanh núi non hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình, là một vùng quê nổi tiếng địa linh đã sinh ra một gia đình trí thức tiêu biểu, cả 5 cha con đều là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ.
Từ tấm gương người bố…
Ở Xứ Nghệ nói riêng, các tỉnh Bắc miền Trung nói chung, hầu như ít ai lại không biết đến PGS. Lê Bá Hán – một nhà giáo đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người ở Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Văn Hiến, Hồ Chí Minh.
PGS. Lê Bá Hán sinh ngày 15/2/1933. Là con trai trưởng nên ông được bố mẹ đặc biệt quan tâm dạy dỗ, chăm lo việc học hành mong sớm thành đạt nên người. Năm 1957, sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Hai năm sau, ông là một trong 17 người được Bộ Giáo dục cử vào Nghệ An xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Khó có thể kể hết những gian truân, vất vả của những ngày đầu trong môi trường làm việc mới. Chiến tranh phá hoại xảy ra, Trường Đại học Sư phạm Vinh 8 năm liền phải sơ tán qua 7 địa điểm, có năm thầy trò phải dắt díu nhau ra dựng trường tận huyện miền núi cao Thạch Thành (Thanh Hóa). Đồng lương nhà giáo hồi ấy đã “ba cọc ba đồng”, với vợ chồng nhà giáo Lê Bá Hán cuộc sống lại càng bi đát. Nhà có đến bảy miệng ăn, 4 con còn nhỏ đang học phổ thông, mẹ già, mắt kém.
Vợ chồng GS. Lê Bá Hán cùng 4 người con tại nhà riêng của ông bà ở TP. Vinh 1999. Ảnh: Tư liệu
Để động viên, cổ vũ tinh thần cho cán bộ, nhân dân và các đơn vị bộ đội vùng trường sơ tán, ông tự mình soạn ra một chuyên đề “Những vần thơ chống Mỹ” rồi đến nói chuyện cho mọi người. Có hôm, đi nói chuyện với một cơ quan trở về bằng xe đạp, mặc dù trời đã xẩm tối, ông gặp một đơn vị bộ đội hành quân vào chiến trường đang nghỉ lại ven đường. Mặc cho chặng đường từ Kim Tân (Thanh Hóa) về trường còn xa, trời tối dần, ông vẫn xuống xe gặp Ban chỉ huy đề nghị được nói chuyện về “Những vần thơ chống Mỹ” cho các chiến sĩ. Trước sự háo hức, say mê nghe những bài thơ chống Mỹ đầy hào hùng, lạc quan của những người lính trẻ sắp bước vào cuộc chiến, thầy giáo Lê Bá Hán rất vui, quên cả mệt nhọc sau mấy chục cây số đạp xe trong đêm băng rừng về nhà.
Từ một giảng viên trẻ, thầy Lê Bá Hán đã phấn đấu trở thành PGS. của một trường đại học lớn vào năm 1984. Hơn 40 năm gắn bó với Đại học Sư phạm Vinh, ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Chủ nhiệm bộ môn lý luận văn học; Chủ nhiệm chuyên ngành lý thuyết và lịch sử văn học (Hệ đào tạo sau đại học); Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trường, Ủy viên Hội đồng Học hàm chuyên ngành văn học, trực thuộc hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước. Ông được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1992; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, năm 2000, PGS Lê Bá Hán còn tiếp tục sự nghiệp nhà giáo của mình với chức vụ Trưởng Khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Văn Hiến, TP. Hồ Chí Minh cho đến khi ông mất vì căn bệnh hiểm nghèo, tháng 11/2006.
Ngoài giảng dạy, PGS. Lê Bá Hán còn để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị với vai trò chủ biên cũng như viết chung; là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
…Đến sự thành đạt của những người con
Sinh ra và lớn lên trong môi trường sư phạm tốt đẹp của bố mẹ, được nhận sự quan tâm và giáo dục, nuôi dạy hết lòng của đấng sinh thành, 4 người con (1 trai, 3 gái) của PGS. Lê Bá Hán đều thành đạt trên con đường học vấn, đóng góp nhiều cho đất nước và quốc tế.
PGS.TS Lê Thị Hoài Châu – con gái đầu của PGS. Lê Bá Hán là một tấm gương học tập ngay khi còn nhỏ. Năm 1975, chị tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Vinh. Sau nhiều năm giảng dạy ở trường Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh); Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Vinh, từ năm 1989 chị “đầu quân” vào trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Chị là người Việt Nam đầu tiên, năm 1997, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành lý luận dạy học tại Pháp. Chị cũng là một trong số ít người có công đầu trong việc truyền bá và giảng dạy các lý thuyết của trường phái Pháp (didactic) ở Việt Nam. Chị đã có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc được báo cáo tại các hội nghị quốc tế và giảng dạy toán. Là tác giả của nhiều sách chuyên khảo, giáo trình đại học và là người chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ được đánh giá cao. Đã có hai tiến sĩ do chị đồng hướng dẫn trong chương trình hợp tác giữa Đại học Joseph Fourier và Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Con trai thứ hai, PGS.TS Lê Quang Hưng là Trưởng khoa Việt Nam học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Là người đam mê văn học ngay những năm học phổ thông, anh quyết tâm nối nghiệp giảng dạy, nghiên cứu của bố. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc khoa ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, anh được giữ lại công tác tại trường vào năm 1977. Anh đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2003, anh được phong chức danh Phó Giáo sư và được bổ nhiệm là Trưởng khoa Việt Nam học và là ủy viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 2008.
PGS.TS Lê Quang Hưng là người bỏ công nghiên cứu và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học; là chủ nhiệm nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, tham gia biên soạn nhiều giáo trình đại học và sách giáo khoa phổ thông các cấp.
Người con thứ ba là GS.TS Nghệ thuật học Lê Thị Hoài Phương – một người sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật sân khấu. Nhờ học tập xuất sắc tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 1981, chị được nhà trường cử sang học ở Trường Đại học Quốc gia Sân khấu, Âm nhạc và Điện ảnh tại TP. Leningrat (sau này là Học viện Nghệ thuật sân khấu Sant – Petersburg – Nga).
Năm 1987, chị tốt nghiệp chuyên ngành Phê bình lý luận Sân khấu tại đây. Và cũng chính tại Học viện này, năm 1998, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học. Năm 2009, chị được công nhận chức danh PGS, năm 2016 được phong GS. Chị từng đảm nhận các vị trí như Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật kiêm Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch); Chủ tịch Hội đồng đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử nghệ thuật sân khấu của Viện. Chị là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Năm 2004 – 2005, chị là một trong 7 nhà khoa học của Việt Nam trúng tuyển nhận học bổng của chương trình Trao đổi học giả Fulbright (Hoa Kỳ), sang nghiên cứu tại Trường Đại học Tổng hợp Bang Ohio.
Từ năm 2019 đến nay, chị là thành viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao. Tuy đã nghỉ hưu theo chính sách từ 8/2018 nhưng chị vẫn được mời tham gia công tác đào tạo của một số trường Đại học, tham gia các hội đồng chấm luận án tiến sĩ.
Cô con gái út của PGS. Lê Bá Hán là Giáo sư Lê Thị Hoài An và chồng là Giáo sư Phạm Đình Tảo là “cặp đôi hoàn hảo”, đạt thành tựu xuất sắc về khoa học trên đất Pháp những năm gần đây.
Chị Lê Thị Hoài An từng là cán bộ giảng dạy 10 năm ở Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Chị nhận bằng Tiến sĩ hạng ưu chuyên ngành Tối ưu hóa năm 1994 và bằng Tiến sĩ khoa học năm 1997 tại Học viện Quốc gia về Khoa học ứng dụng Rouen (INSA). Năm 1998, chị được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư Toán ứng dụng tại INSA Rouen và Giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Paul Verlaine – Metz năm 2003.
Chị là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng tin học, Đại học Paul Verlaine – Metz, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia ngành tin học của Trường đại học Paul Verlaine – Metz (Cộng hòa Pháp). Chị có vinh dự được nhận giải thưởng Toán học quốc tế Constantine Caratheodory Prize của Hiệp hội quốc tế Tối ưu hóa Toàn cầu vào tháng 9/2021. GS. Lê Thị Hoài An là nhà nghiên cứu đầu tiên ở Pháp, và là người Việt Nam thứ 2 (sau GS Hoàng Tụy) được nhận giải thưởng danh giá này.
May mắn đối với chị là có chồng làm khoa học và cùng nghiên cứu một chuyên ngành. Cả hai người cùng sáng lập lý thuyết quy hoạch DC (hiệu hai hàm lồi) và DCA (thuật toán hiệu hai hàm lồi) được rất nhiều nhà khoa học thế giới thuộc những lĩnh vực chuyên ngành sử dụng.
Với hơn 280 công trình khoa học trong lĩnh vực tối ưu và khoa học dữ liệu, trong đó có 240 bài báo là tác giả và đồng tác giả được công bố trong các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, chị còn là đồng biên tập 19 cuốn sách và đã hướng dẫn 35 luận án tiến sĩ khoa học trên các lĩnh vực tối ưu và khoa học dữ liệu. Tháng 7/2013, chị được Chính phủ Pháp tặng Huân chương “Orde des Palmes Académiques” – giải thưởng quốc gia cho các học giả và nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực Văn hóa – Giáo dục.
Như một dòng sông tri thức nối tiếp mạch nguồn cha ông chảy mãi không ngừng. Thế hệ thứ ba của gia đình PGS. Lê Bá Hán có đến 5 người sống và làm việc tại Pháp. Tất cả vợ chồng họ đều là Thạc sĩ, trong đó có 3 Tiến sĩ ở các lĩnh vực chuyên ngành khoa học máy tính, chuyên ngành tim mạch và chuyên ngành xương khớp tại Trường Đại học và hai bệnh viện lớn ở Paris.
Khắc Hiển
Nguồn Báo điện tử Công Luận