(CLO) Trái ngược với cảnh đìu hiu tại các bến xe, ga tàu vào chiều tối 28/1 (tức ngày 26 Tết), nhiều tuyến đường trục chính của Thủ đô đã đông đúc phương tiện, cảng hàng không quốc tế Nội Bài chứng kiến lượng hành khách di chuyển tăng mạnh.
Chiều tối 28/1 (tức ngày 26 Tết) là ngày làm việc cuối cùng, người lao động sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 kéo dài 9 ngày.
Hoạt động vận tải hành khách tại Thủ đô đã chứng kiến sự trái ngược khi tại các bến xe, ga đường sắt rất vắng khách còn tại cảng hàng không Nội Bài thì đông đúc, nhiều tuyến đường ùn tắc khi xe cá nhân lưu thông quá đông.
Những hình ảnh trái ngược tại bến xe, ga tàu với cảng hàng không, các tuyến đường giao thông Thủ đô trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2022.
Ghi nhận tại 2 bến xe khách lớn của Hà Nội là Mỹ Đình và Giáp Bát, khu vực bán vé chỉ có vài nhân viên nhà xe. Hành lang dẫn ra bãi để xe, tài xế và phụ xe nhiều hơn cả hành khách. Tại bến xe Mỹ Đình, một xe khách tuyến Hà Nội – Phú Thọ chỉ có vài ba khách, cả lái và phụ xe đều đang ngồi ngóng khách.
Anh Việt Cường, một lái xe tại bến xe Giáp Bát chán nản: “Chưa có năm nào bến xe lại vắng khách như vậy ngay cả những ngày cận Tết. Trong khi mọi năm từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, người dân nườm nượp về quê, phương tiện hoạt động hết công suất”.
Theo đại diện bến xe Giáp Bát, lượng khách dịp Tết Nhâm Dần chỉ bằng khoảng 30% so với các năm trước và bến đang có khoảng 400 lượt xe/ngày.
Thông tin từ Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, việc bến xe vắng khách đã được dự báo trước. Nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến người dân có tâm lý lo ngại khi di chuyển bằng xe khách.
Thống kê của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, đợt cao điểm từ ngày 21/1 đến nay, khách qua bến xe Mỹ Đình khoảng 4.000 lượt/ngày và 380 lượt xe/ngày, bến xe Gia Lâm là 1.600 lượt khách và 220 lượt xe/ngày, đạt 50% tải trọng thiết kế.
Các bến xe khách tại Hà Nội chứng kiến lượng sụt giảm hành khách chưa từng có trong những ngày cận Tết.
Cảnh vắng khách đi lại cũng xuất hiện tại ga Hà Nội trong giờ tan tầm; khu vực bán vé, nhà chờ khách chỉ có lác đác vài khách đi lại
Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco) thông tin, để phục vụ nhu cầu đi lại Tết Nguyên đán 2022, Haraco sử dụng 5 đôi tàu Bắc – Nam chạy chính và 5 đôi dự bị.
Trái ngược với cảnh đìu hiu tại các bến xe, ga tàu, bắt đầu từ 16h, nhiều tuyến đường trục chính của Thủ đô như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Trường Chinh, Giải Phóng, đại lộ Thăng Long,… đã đông đúc phương tiện.
Nhiều ô tô, xe máy chằng buộc nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, người dân vội vã trở về quê ăn Tết. Nhiều tuyến đường đã xảy ra tình trạng ùn ứ do lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn.
Không dấu nổi niềm vui, anh Tuấn (quê Thanh Hóa) cho biết, ngay khi nhận được thông tin các địa phương không được gây khó khăn, cách ly tập trung người dân về quê đón Tết, anh đã chuẩn bị để kết thúc ngày làm việc cuối cùng sẽ về quê ngay.
Còn anh Khoa (quê Yên Bái) chia sẻ, do dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên dù phải di chuyển quãng đường khá xa nhưng anh vẫn chọn xe máy để về quê ăn Tết thay vì đi xe khách.
Trong khi đó đại diện cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, lượng vận chuyển qua sân bay Nội Bài đang có chiều hướng tăng dần vào những ngày cận Tết Nguyên đán.
Có những ngày số lượng cất hạ cánh đạt khoảng 385 lượt chuyến/ngày (khoảng 120 chuyến bay quốc tế, 265 chuyến bay quốc nội) và lượng hành khách đạt khoảng 36 nghìn lượt khách/ngày. Trung bình các tuần trước đó đạt khoảng 270 lượt cất hạ cánh và 26 nghìn lượt khách.
Ngày 28/1, cảng hàng không quốc tế Nội Bài khai thác khoảng 400 chuyến bay với 280 chuyến quốc nội. Thống kê, lượng khách dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2022 tăng 15% so cùng kỳ Tết 2021 mặc dù vẫn thấp hơn so với nhiều thời điểm trước đây.
Giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (kể cả vào các khung giờ cao điểm), lượng vận chuyển đều giảm so với các dịp cao điểm trước đây và không vượt quá năng lực thông qua của sân bay.
Thế Anh
Nguồn Báo điện tử Công Luận