Mười năm qua, tôi được gần gũi các nhà Kiều học ở Hà Nội và các tỉnh thành trên toàn quốc, được biết rõ hơn nhiều về các sinh hoạt/ hình thức văn hóa Kiều độc đáo có từ mấy trăm năm nay – như tập Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, giai thoại Truyện Kiều; được ngưỡng mộ học giả Đào Duy Anh – người đầu tiên đã biên soạn từ điển Truyện Kiều, nhà Kiều học Phạm Đan Quế – người đã nêu ra 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục Việt Nam của Truyện Kiều… Rồi học được ở không ít nhà nghiên cứu bậc thầy đã tìm ra nhiều lý thuyết hiện đại, nhiều phương thức mới tiếp cận nội dung – tư tưởng – nghệ thuật Truyện Kiều, giúp Truyện Kiều ngày một thấm sâu vào đời sống tinh thần dân tộc – đặc biệt là “Phong cách học” của nhà nghiên cứu Phan Ngọc, “Thi pháp học” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử…
Nhưng, dùng lý thuyết “Ma Trận” của toán học hiện đại để nghiên cứu – khai thác giá trị nội dung – nghệ thuật Truyện Kiều, thì lần đầu tiên tôi được biết đến với không ít ngỡ ngàng, nghi hoặc ban đầu, khi đọc cuốn sách “70 kỷ lục mới phát hiện trong Truyện Kiều và một số thống kê” (Nxb Thanh Niên, 2020) của TS. toán học Nguyễn Huy Việt, người Nghệ An, hiện đang sống tại CHLB Đức và Cộng hòa Czech.
Trong một cuộc thi “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều” – sáng kiến của Hội Kiều học Việt Nam, tổ chức nhân kỷ niệm 255 năm sinh và tưởng niệm 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du, tôi được tận mắt chứng kiến một cuộc “tỷ thí” ngoạn mục mà nhiều người xem có lúc phải nín thở, giữa nhà thơ Vương Trọng – trong vai chủ khảo với một thí sinh đầu bạc – TS. Nguyễn Huy Việt: thí sinh này không chỉ thuộc lòng văn bản Truyện Kiều đến mức có thể đọc xuôi ngược một cách tài tình, đáng kinh ngạc, mà còn trả lời một cách chính xác, tự tin nhiều câu hỏi khá hóc của chủ khảo, ban GK lẫn người dự hôm ấy về nội dung Truyện Kiều! Ông xuất hiện như một nhà Kiều học xuất sắc! Đương nhiên, đó chính là người đã giành giải đặc biệt, giải cao nhất cuộc thi (Sau khi BGK chọn được 40 người trong tổng số gần 60 người dự thi các lứa tuổi, các thành phần xã hội để trao giải, gồm 1 giải đặc biệt, 7 giải xuất sắc và 32 giải khác). Có điều rất thú vị mà ít người biết rõ: cả chủ khảo Vương Trọng lẫn thí sinh Nguyễn Huy Việt đều là “ông đồ xứ Nghệ”, và đều là dân toán xuất thân!
Một năm sau, người “thí sinh” danh giá ấy đã cho ra đời cuốn sách khổ lớn trên 300 trang: “70 kỷ lục mới phát hiện trong truyện Kiều và một số thống kê”! Tác giả cuốn sách là người từng bảo vệ luận án tiến sĩ Toán học tại Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU) ở thủ đô Moskva (Liên bang Nga). Từ khi còn là cậu bé trường làng, Nguyễn Huy Việt đã được bậc thân phụ truyền cho tình yêu Truyện Kiều, và khi thành danh là một nhà toán học, ông đã bằng công cụ toán học để giải mã, khám phá được nhiều sự kỳ lạ trong kiệt tác vĩ đại của dân tộc.
Các chương vận dụng lý thuyết ma trận toán học một cách công phu, tỷ mẩn, ngoài “70 kỷ lục mới phát hiện” – chương quan trọng nhất lấy làm tên sách, còn có “Lục bát Kiều đồng cốt”, “Những con số 2 gắn với cuộc đời nàng Kiều”, “Số nguyên tố và Truyện Kiều”, “200 câu hỏi, đố về Kiều”, “Lục bát Kiều đồng cở”. Ngài ra có các chương nhận định riêng về các nhân vật Truyện Kiều, kỷ niệm với nhà thơ Vương Trọng…
Trong sách, nhà toán học đã thiết lập “ma trận lục bát Kiều” để khẳng định nhiều kỷ lục của kiệt tác này. Bằng ma trận đó ông đã tìm ra, ví dụ như ba câu 1151, 2005, 2109: “là ba câu lục và cũng là ba câu Kiều chứa ít phụ âm nhất với chỉ 5 phụ âm mỗi câu” (tr. 29). Tương ứng ba câu lục có nhiều phụ âm kỷ lục với 19 phụ âm mỗi câu là 27, 1401 và 2809…
Cứ thế, ông phát hiện 70 kỷ lục của Truyện Kiều !
Ngoài các kỷ lục đó, cuốn sách này còn cho biết những điều kỳ thú khác, như “Số nguyên tố và Truyện Kiều”. Định nghĩa số nguyên tố là “những số nguyên lớn hơn 1 có tính chất chỉ chia hết cho 1 và chính nó”. Tác giả viết: “Euclit đã có định lý về số nguyên tố từ khoảng 300 năm trước Công Nguyên nên không thể khẳng định rằng Nguyễn Du, một người uyên bác, sống ở thế kỷ 18-19, lại không biết gì về số nguyên tố. Vậy, biết đâu Nguyễn Du chọn viết đúng 1627 cặp lục bát là một số nguyên tố để Truyện Kiều trở thành “bất khả phân chia” theo nghĩa như đã phân tích trên” (tr. 226) – “Một phát hiện đặc biệt thú vị là Truyện Kiều không hề có bất kỳ hai cặp lục bát nào đồng cỡ với nhau, nghĩa là tất cả 1627 cặp lục bát Kiều đều là riêng cỡ” (tr. 335)”. Nghĩa là không hề có hai cặp lục bát Kiều nào mà đồng thời có các câu lục và các câu bát tương ứng đồng cỡ với nhau. Đây là một điều kỳ diệu của Truyện Kiều. Chính tác giả nói, ông có một chứng minh cho điều này trong dạng tường minh, nhưng dài đến hơn bốn trăm trang! Một phép toán của nhà toán học vận vào văn chương có khi lại tìm ra những đáp số thật bất ngờ. Ví như “Lục bát kiểu đồng cở/ cỡ” (tr. 269), trong Truyện Kiều mà ông tiến sỹ toán đã khảo sát và thống kê: Có tất cả 280 nhóm câu lục đồng cỡ khác nhau với 807 câu lục đồng cỡ và có tất cả 75 nhóm câu bát đồng cỡ khác nhau với 161 câu bát đồng cỡ. Và như vậy, tính chung, trong 3254 câu Kiều có tới 355 nhóm đồng cỡ khác nhau với 968 câu Kiều đồng cỡ. Trong đó ông đã công bố 350 nhóm đồng cỡ và giữ kín 5 nhóm làm 5 nhóm đồng cỡ bí ẩn khác nhau để nêu ra hai câu đố có thưởng dành cho bạn đọc.
…
Nhà toán học có tâm hồn thi sĩ và mê Kiều, với cuốn sách độc đáo – kỳ lạ này quả đã mở ra một hướng mới mẻ và lý thú trong sự nghiệp nghiên cứu & quảng bá kiệt tác Truyện Kiều trên cả nước!
(Về nhà toán học, nhà Kiều học Nguyễn Huy Việt)
Hà Nội, đầu năm 2022
Đạo diễn điện ảnh Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Ủy viên BCH Hội Kiều học Việt Nam