Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê một đời thao thức

11:44 | 22/01/2022

“Thao thức” – đó là tên một tác phẩm văn học Nga hiện đại của Aleksandr Kron được kiến trúc sư trẻ Hoàng Hữu Phê dịch sang tiếng Việt, khi ông vừa tốt nghiệp Khoa Kiến trúc Đại học Xây dựng ở Kiev vào năm 1978, làm chấn động cả giới văn học Việt Nam thời ấy. Nhà văn Nguyễn Tuân sau khi đọc bản thảo rất thích thú và có lời khen ngợi dịch giả, sau đó cuốn tiểu thuyết dịch được trao giải thưởng Hội Nhà văn, và người trao giải thưởng chính là Chủ tịch Hội Nguyễn Đình Thi.

Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê.

Sự “Thao thức” này đã ám ảnh, đeo đẳng ông từ tuổi thơ sống ánh chớp của đạn bom, những ngày ông cùng gia đình chạy trốn khỏi những loạt bom tọa độ ở Đồng Hới, giữa những thây người chết, trong đó có những bạn học của ông… “Thao thức” đó còn chứa đựng khát vọng của cả một thế hệ nhà khoa học VN trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Từ một sinh viên kiến trúc trở thành nhà quy hoạch đô thị tầm cỡ hàng đầu nước ta, từng trải qua nhiều năm được nuôi dưỡng trong những môi trường khoa học – kỹ thuật tiên tiến nhất thời đại, TS.KTS. Hoàng Hữu Phê đã bộc lộ những “thao thức” của đời ông qua cuốn hồi ký “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề”; nó còn như cuốn hồi ký về một thời kỳ lịch sử VN trong nửa thế kỷ đặc biệt nhất, và ông dường còn nói hộ khát vọng sáng tạo cho Tổ quốc của không ít nhà khoa học tương lai mặc áo lính đã nằm lại vĩnh viễn ở chiến trường…

Hồi ký là một câu chuyện trưởng thành của một cậu bé tỉnh lẻ đã sống qua chiến tranh phá hoại khốc liệt ở khu bốn và những năm tháng là du học sinh, khám phá kiến thức và những điểu mới mẻ, từ các truyền thống văn hóa khác nhau, thông qua một tập hợp ngẫu nhiên và lạ lùng của các nơi chốn, từ những địa danh bom đạn khốc liệt của Quảng Bình cho đến các khung cảnh đô thị đặc trưng, như Hà Nội, Kiev, Băng Cốc, London, Darmstad, Helsinki …

Với khả năng văn chương, hội họa, âm nhạc, sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên,  con người, với trí nhớ tuyệt vời và sự hóm hỉnh, tác giả đã đưa người đọc vào một cuộc du lịch kỳ thú, ngược về 50 năm trước tại những làng chiến tranh ở Quảng Bình rồi tới thăm những vẻ đẹp của nhiều nơi kỳ thú trên thế giới, cùng những thao thức trăn trở của ông về tương lai Đô thị Đất nước.

Trong bao đận lang bạt tới nhiều nơi trên thế giới để học tập và nuôi sống một gia đình, trong bao cuộc “đấu trí” với các nhà khoa học lớn, các đồng nghiệp để giành tấm bằng tiến sĩ, những giải thưởng kiến trúc và những thể nghiệm nghề nghiệp, cái khát vọng ấy thường trực trong trái tim yêu nước của ông và làm nên sức mạnh tinh thần to lớn nhất trong ông… Thông qua hình ảnh cảm động vượt khó của chú bé đồng quê, nay là một nhà khoa học tên tuổi, thấp thoáng bóng dáng một dân tộc đã trải qua những năm tháng giông bão khắc nghiệt nhất của chiến tranh, qua nghèo đói của thất học, để từng bước đi lên, hội nhập, vươn vai cùng các tầm cao của thời đại.

Tốt nghiệp Kiến trúc ở Liên Xô, vài năm sau ông tiếp tục theo học tại AIT, Học viện Công nghệ châu Á, là một cơ sở đào tạo quốc tế sau đại học dành cho các nước châu Á, có sinh viên từ 45 nước đến đây, các thứ hạng cao trong số các cơ sở đào tạo sau đại học ở châu Á. 20 tháng tại đây giúp ông tiếp xúc với những công nghệ mới, kiến thức mới ở cấp cao, đa diện hơn…. Rồi những năm 90, ông lại có dịp sang Luân Đôn làm luận án tiến sĩ tại trường Kinh tế Luân Đôn theo quỹ học bổng Otto Koenigsberget. Lúc đó số người làm tiến sĩ tại Anh còn rất ít.

Ông được may mắn tiếp xúc với các bậc thầy kiến trúc thế giới, được giao lưu trao đổi, tranh luận cùng các giáo sư hàng đầu của khoa học Kiến trúc và quy hoạch đô thị, như: Ser Peter Hall, Patrick Wakely, Steven Groak, Terry McGee… Do không có đủ tiền để cả gia đình sinh sống, ông vừa đi học, đi dạy thêm trong 8 năm trời. Trong thời gian đối mặt với vấn đề kinh tế gia đình gay go, ông đã nghĩ ra lý thuyết vị thế – chất lượng (SQTO) được thế giới đánh giá cao và được tặng giải thưởng kỷ niệm Donald Robertson năm 2000 của tạp chí Kiến trúc quốc tế hàng đầu: Urban Studies. Ông trở về Hà Nội với lý thuyết của mình tham gia xây những công trình, đô thị mới cho Tổ quốc. Đằng sau cái thao thức, khát vọng nồng nàn và cái đích của cả một đời say mê lao động sáng tạo kia, là công trình nghiên cứu đầu tay về 36 phố phường Hà Nội, là tác giả quy hoạch & thiết kế nhiều công trình – như Rạp xiếc TW, nhà học ĐH Cần Thơ, Trụ sở Viện Dầu khí, các khu đô thị mới Trung Hòa-nhân Chính, Bắc An Khánh, đô thị du lịch Cái Giá-Cát Bà, Splendora, Thảo Điền, Hưng Điền, Hòn ngọc Châu Á cùng nhiều công trình khác, đặc biệt là nhà cao tầng tại các thành phố trong cả nước…

Những năm gần đây, mối trăn trở, thao thức của ông là những vấn đề mới nhất mang tính toàn cầu và cấp bách, đặc biệt là “các kịch bản phức tạp và tế nhị” về “mối quan hệ giữa nơi chốn và vị trí, giữa phần hồn và phần xác, giữa cái phi vật thể và cái vật thể”, như ông viết trong một bài báo mới nhất cho Tạp chí Kiến trúc Việt Nam: “Câu chuyện về vị trí và nơi chốn không phải chỉ là một thứ chuyện phiếm dành cho lúc trà dư tửu lậu. Các nhà đầu tư, kể cả nhà nước và tư nhân, vẫn liên tục đổ những khối tiền của khổng lồ vào những dự án xây dựng tốn kém, nhưng đôi khi có thể chỉ tạo ra được vị trí, chứ không hình thành nổi nơi chốn” – “Việc phân biệt giữa nơi chốn và vị trí vốn là trung tâm chú ý của môn địa lý học từ buổi khởi thủy của nó. Trong ngành Quy hoạch đô thị và Thiết kế cảnh quan, vào những thập kỷ đầu thế kỷ XXI, người ta luôn nói về “hồn nơi chốn” như một thứ ảo ảnh khó nắm bắt, nhưng một khi đã chộp được nó và tìm cách nhốt nó vào giữa những nan lồng ken chặt của cái bẫy ngôn ngữ, thì cái “hồn nơi chốn” vốn là vô định hình kia, cái ảo ảnh ngọt ngào hay cay đắng kia có thể mang lại những sự đền bù rất lớn, hoặc là lợi nhuận tính bằng tiền, cho những ai đầu tư vào nhà ở hay các ngành du lịch – dịch vụ, hoặc các cung bậc tình cảm mãnh liệt, cho các nhà thơ nhà văn, vốn chỉ làm mỗi một việc duy nhất, là đầu tư vào tâm trạng con người” (Nơi chốn và Vị trí).

Nhưng ý tưởng mang tính triết học đó thực ra là sự nâng cao những ý tưởng trong nhiều năm về tương lai của Đô thị Việt Nam theo hướng Xanh – Bền vững mà ông từng khẳng định qua lời của một nhà kiến trúc lớn nước ngoài: “Chất lượng môi trường phải đứng ở thứ bậc cao nhất trên thang giá trị của các cộng đồng dân cư, phải là “cực vị thế” được mong đợi nhất, thay cho tiền bạc, tham vọng quyền lực và tất cả những gì được tôn thờ một cách thiển cận trước đó” (Hồi ký…tr.504)

Ông Hoàng Hữu Phê đang cùng một số nhà điện ảnh tâm huyết bắt tay thực hiện loạt phim tài liệu khoa học quy mô: “Ký sự hành trình Kiến trúc Đô Thị Việt Nam”. Hành trình & số phận của các thành trì – thành thị Việt Nam từ thời cổ đại đến thời hiện đại sẽ được tham chiếu qua lịch sử Đô thị thế giới, qua hàng loạt lý thuyết Đô thị của các trường phái từ viễn tưởng nhất tới khoa học tân tiến nhất, bằng kiến giải, kinh nghiệm và tâm tư của các nhà kiến trúc sư & nhà quy hoạch hàng đầu nước ta. Loạt phim ký sự lịch sử này thông qua hành trình & số phận của các thành trì – thành thị cổ – trung đại Việt Nam, hướng đông đảo người xem tới cái đích của những Đô thị tương lai với chất lượng sống hoàn hảo cho người Việt Nam.

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái