Có lẽ đây là năm thứ ba mùa lễ hội nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục diễn ra trong lặng lẽ. Khắp các địa phương trong cả nước, hầu hết các lễ hội lớn như hội Gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, Hội Gióng Đền Sóc, lễ hội Hai Bà Trưng (Hà Nội), lễ hội Đền Trần (Nam Định), hội Lim, hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Tịch Điền (Hà Nam)… đều đã chắc phương án tạm dừng, hoặc thu gọn quy mô tổ chức nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Bộ cũng đề nghị các địa phương theo phương án tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết.
Lo lắng khi di tích vẫn “cửa đóng then cài”
Chùa Hương trải qua hai năm mùa lễ hội đìu hiu, thuyền đò nằm ngủ, điệp khúc “đóng, mở” lặp đi lặp lại. Đến năm thứ ba, nhiều người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức ngóng chờ di tích được mở cửa đón khách nếu dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, trong năm 2021, chùa Hương chỉ mở cửa khoảng 50 ngày, còn lại là quang cảnh đìu hiu, vắng lặng kéo dài. Từ tháng 5.2021 tới thời điểm hiện tại, chùa Hương vẫn chưa thể mở cửa. Năm qua nơi đây chỉ đón 45 vạn khách tham quan, một con số quá khiêm tốn so với quy mô và lượng khách đến vãn cảnh, thực hiện các nghi lễ tâm linh ở thời điểm chưa có dịch Covid-19. Chỉ tính riêng ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng, chùa Hương thường đã đón tới 4-5 vạn người về trẩy hội.
Cũng theo ông Hiển, không chỉ chờ tới Tết Nguyên đán, thông thường người dân tới chùa Hương lễ đầu năm thường sẽ về di tích thực hiện thủ tục lễ tạ cuối năm. Bởi vậy, trong dịp cuối năm khi Covid-19 chưa ập đến, di tích Hương Sơn thường nhộn nhịp. Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, quy định vẫn ngặt nghèo nên khách hành hương chỉ có thể lễ tạ ở đền Trình chứ không thể vào trong khu vực chùa Thiên Trù, động Hương Tích. Toàn bộ thuyền, đò chở khách trên suối Yến đều không được phép hoạt động. BQL di tích cũng không bán vé đón khách từ thời điểm suốt tháng 5 năm ngoái. BQL Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức đã họp, soạn thảo kế hoạch trình UBND TP Hà Nội về phương án đón khách tùy theo cấp độ dịch của địa phương. Mặc dù không tổ chức lễ hội nhưng nếu trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, di tích vẫn có thể được phép đón khách.
Đối với những người dân xã Hương Sơn, sự mong ngóng di tích được mở cửa, lễ hội được nhộn nhịp ngày càng nhiều hơn. Một người dân kinh doanh dịch vụ tại xã Hương Sơn chia sẻ, thuyền, đò đã nằm bờ nhiều tháng nay, cả gia đình quanh năm chỉ trông vào mùa lễ hội nhưng hai năm qua, và chắc cả năm nay nữa, nguồn thu bị ảnh hưởng quá nhiều. Tình trạng “cửa đóng then cài” mang đến nhiều tâm lý hoang mang, lo lắng, trông chờ một sự phục hồi sau dịch bệnh từ phía người dân. Du khách thập phương, những người vẫn thường về di tích lễ bái vào các thời điểm đầu, cuối năm cũng trông mong không kém.
BQL di tích chùa Hương cũng đã lên kế hoạch phân vùng, bố trí lực lượng y tế test nhanh Covid-19, có phương án di chuyển F0 tới nơi điều trị trong trường hợp được đón khách trở lại. Các phương án đã sẵn sàng, nhưng bao giờ được mở cửa di tích vẫn đang là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Vẫn đảm bảo nghi lễ truyền thống
Mùa lễ hội cận kề nhưng BTC lễ hội, BQL di tích tại các địa phương đều phải sẵn sàng tâm thế dừng không tổ chức. Văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL ban hành ngày 7.1 vừa qua cũng nhấn mạnh nội dung này. Theo đó, Bộ khuyến nghị các địa phương chủ động tạm dừng bắn pháo hoa, dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Mặc dù quyết định mở hội hay đóng cửa phụ thuộc vào địa phương, tuy nhiên lãnh đạo Bộ khuyến cáo các địa phương tùy diễn biến dịch bệnh để điều phối hoạt động, không lơ là phòng, chống dịch đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, du lịch…
Lễ hội Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) năm nay cũng tiếp tục tạm dừng tổ chức. Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL khu di tích Đền Trần – Chùa Tháp cho biết, thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định, di tích Đền Trần sẽ không tổ chức lễ khai ấn trong đêm 14 rạng sáng ngày rằm tháng Giêng với quy mô như những năm trước khi có dịch. Tuy nhiên phần nghi lễ truyền thống sẽ vẫn được đảm bảo. BQL di tích sẽ xin ý kiến của lãnh đạo TP Nam Định, có thể trong đêm khai ấn, các cụ Từ đền sẽ thực hiện phần nghi lễ trong nội cung.
“Cổng đền vẫn đóng từ tháng 3.2021. Dịch bệnh phức tạp khiến mọi kế hoạch bị đảo lộn. BQL di tích và các cụ Từ đền vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm túc mọi ý kiến chỉ đạo từ các cấp. Năm nay, lễ hội tiếp tục không được tổ chức, những cánh ấn lộc đầu năm theo truyền thống sẽ được nhà đền chuyển đến nhân dân thập phương một cách phù hợp nhất”, ông Nguyễn Đức Bình cho biết.
Năm nay, đền Sóc (Hà Nội) cũng không tổ chức lễ hội với quy mô lớn như mọi năm, thay vào đó chỉ tổ chức nội bộ. Theo ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu du lịch di tích đền Sóc, BQL di tích vẫn mở cửa để dân làng dâng hương, dâng lễ vật và thực hiện nghi thức tế lễ với quy mô hạn chế tập trung đông người. Nghi thức dâng lễ vật của các dân làng mang giá trị tâm linh, cầu mong mùa màng tươi tốt cần được duy trì.
Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc là một trong những điểm du lịch của Hà Nội, thế nhưng năm 2021 không thoát khỏi tình cảnh sụt giảm khách nghiêm trọng. Năm 2021 có 15 nghìn người tới đền Sóc, chỉ bằng 1/10 lượng du khách của năm 2020. Hội Gióng đền Sóc diễn ra từ mùng 6-8 tháng Giêng hằng năm. Năm nay, UBND huyện Sóc Sơn chính thức có văn bản dừng tổ chức hoạt động lễ hội đầu xuân 2022 cho tới khi có thông báo mới. Hoạt động du lịch, thể thao, hoạt động tại di tích, thư viện được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Trước kia, người dân làng theo hộ tống đoàn rước lễ vật có thể lên tới 50 người, nhưng trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp chỉ giới hạn không quá 20 người.
Cũng trên địa bàn Hà Nội, các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh từ sớm có văn bản yêu cầu cơ quan, đơn vị tạm dừng tổ chức các lễ hội. Trong đó, đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) vừa được công nhận là điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt, tuy nhiên lãnh đạo huyện Mê Linh cũng đã quyết định dừng tất cả các lễ hội, trong đó có lễ hội Hai Bà Trưng.
Một số lễ hội lớn ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng sẽ được thu gọn quy mô tổ chức như Hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh), hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Tịch Điền (Hà Nam)…
Với nhiều lễ hội nổi tiếng dịp Tết Nguyên đán, Bắc Ninh vốn có nhiều điểm hẹn đầu năm như hội Lim (huyện Tiên Du), hội chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), hội làng Diềm (TP Bắc Ninh), hội đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh), hội Đền Đô (TP Từ Sơn)…, nhưng trước những diễn biến của dịch bệnh, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã có văn bản tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động trước, trong và sau dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Tại Hà Nam, Lễ hội Tịch điền năm 2022 sẽ được tổ chức với quy mô gọn hơn, tuy nhiên vẫn đảm bảo các yếu tố trang trọng, đúng nghi thức truyền thống. Năm 2022 là kỷ niệm 1.035 năm ngày vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền trên cánh đồng dưới chân núi Đọi Sơn (nay là xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên). Đây cũng là năm thứ 13 lễ hội được chính quyền địa phương tổ chức. Để lễ hội mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, BTC sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể, chặt chẽ cho các đơn vị có liên quan. Sở Y tế xây dựng kịch bản riêng, khuyến khích đại biểu và du khách test Covid-19 trước khi tham gia lễ hội; bố trí điểm quét mã QR Code để điều tra dịch…
Theo Văn hóa