Chung sống với đại dịch, các thương hiệu F&B cần không ngừng sáng tạo, điều chỉnh chuỗi cung ứng và giá trị của mình để tìm cách chiều lòng các “thượng đế”.
Cơ sở hạ tầng cho hệ thống vận hành trong ngành F&B đòi hỏi sự đầu tư lớn nếu muốn bài bản và chuyên nghiệp. Điều này làm tăng chi phí vận hành và quản lý, không thích hợp với những doanh nghiệp không sở hữu vốn lớn và dài hạn.
Tiếp đó, tính cạnh tranh được đẩy cao khi các thương hiệu nước ngoài tiến vào thị trường Việt. Lợi thế của người đi trước về thương hiệu, kinh nghiệm, nguồn vốn là thách thức cực lớn đối với các thương hiệu F&B trong nước.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang thay đổi sở thích, chuyển dần sang các thực phẩm lành mạnh hơn. Theo Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ ràng về lợi ích sức khỏe từ thực phẩm hàng ngày. Đối với nhiều người, đại dịch Covid-19 như một lời cảnh tỉnh để mọi người nhận ra tầm quan trọng của một hệ thống miễn dịch mạnh và áp dụng lối sống xanh từ các sản phẩm thực phẩm lành mạnh.
Cuối cùng, sự gia tăng của việc mua và giao thực phẩm trực tuyến dẫn tới sự xuất hiện của nhiều sản phẩm thay thế trong ngành F&B. Trong cuộc khủng hoảng chưa từng có như Covid 19, mảng giao hàng thực phẩm và hàng tạp hóa đã đạt được sự phát triển rất lớn.
Chợ Tốt đã hợp tác với Unilever Food Solutions để tung danh mục thực phẩm ra thị trường online và đạt mức tăng trưởng lượng truy cập trung bình là 40% với số lượng đơn đặt hàng tăng 26%. Tương tự, các nhà khai thác thương mại điện tử khác như Tiki, Lazada và Shopee cũng nhảy vào cuộc bằng cách giới thiệu dịch vụ giao hàng tạp hóa trong đợt bùng phát Covid-19.
Giờ đây, chuyển đổi để đón đầu là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp F&B.
Sở hữu một thương hiệu đủ mạnh là yếu tố quyết định để giữ chân và nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng.
Không có gì bí mật khi khách hàng chuyển đổi và dành nhiều thời gian, tiền bạc hơn cho các thương hiệu mà họ trung thành. Những khách hàng này chính là người chia sẻ với đồng nghiệp, gia đình của họ về những thương hiệu đó, thúc đẩy lưu lượng truy cập giới thiệu và tiếp thị truyền miệng. Tuy nhiên, đối với nhiều thương hiệu F&B, chiến lược duy trì và khách hàng trung thành là một khái niệm vẫn mới.
Nhiều thương hiệu đang đặt sự chú ý về phát triển kỹ thuật, xây dựng một hệ thống D2C online (Direct to Customers – trực tiếp tới khách hàng tiêu dùng cuối). Sự đầu tư vào nền tảng thương mại điện tử, các công cụ tự động hóa tiếp thị, thanh toán và quản lý nội dung là một nhóm các công việc tốn nhiều chi phí, cần có một nhóm nhân sự hiểu biết về công nghệ để tích hợp liền mạch các hệ thống và xây dựng các luồng dữ liệu.
Để giảm thiểu thời gian, các doanh nghiệp F&B có thể thuê ngoài những đơn vị có kinh nghiệm. Họ có thể tư vấn sẽ giúp các thương hiệu F&B xây dựng những giải pháp công nghệ phù hợp để nhanh chóng tiếp cận thị trường.
Cách giải quyết này cũng áp dụng cho việc cải thiện hiệu suất tiếp thị online – Chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng ra doanh thu. Thông thường, các thương hiệu khi tự làm marketing online, nếu không có nghề sẽ đạt hiệu quả không cao. Để phát triển thương mại điện tử hay E Marketing, cần có một nhóm nhân sự sở hữu chuyên môn cụ thể về thương mại điện tử như CTA, nguồn data, sản phẩm, quảng cáo sản phẩm tự động và thúc đẩy trải nghiệm người dùng có liên quan, hoàn tất xu hướng mua hàng cao nhất.
Cuối cùng, việc quan trọng nhất là phát triển trải nghiệm khách hàng mới để hình thành và lưu giữ mối quan hệ với khách hàng. Chìa khóa cốt lõi của bài toán này xoay quanh nhận định: Mua sắm là để trải nghiệm!
Nếu các loại thực phẩm có thể chuyển sang giao dịch trực tuyến và loại hình giao dịch này ngày càng phổ biến thì các cửa hàng địa phương, nhà hàng truyền thống “đi đâu về đâu”? Các loại hình kinh doanh đồ ăn đồ uống ngoài việc đáp ứng nhu cầu ăn uống cần thiết cơ bản thì từ lâu đã trở thành một loại hình dịch vụ giải trí và yêu cầu cao về tính trải nghiệm.
Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt hiện nay đa phần bị bỏ sót và chưa làm “hiện hình” rõ tính dịch vụ mới, độc đáo và thực sự trải nghiệm. Cạnh tranh càng nhiều, chất lượng đồ ăn không khác nhau vậy thì khách hàng có lý do gì để chọn mình? Câu trả lời chính là tìm ra điểm khác biệt của sản phẩm (Unique Selling Point – USP).
Do những tác động COVID-19, việc đổi mới mô hình kinh doanh hay sản phẩm đã gần như bị dừng lại đối với nhiều thương hiệu trong đó có ngành F&B. Để tiếp tục phát triển, các thương hiệu bây giờ cần phải sáng tạo, điều chỉnh liên tục chuỗi cung ứng và giá trị của mình sao cho phù hợp với những mong muốn mới của những “thượng đế”. Hợp tác với những bên thứ ba sở hữu năng lực và chuyên môn về công nghệ cũng như chuyển đổi số là một sự lựa chọn tốt.
Phải chăng đã đến lúc các thương hiệu F&B nên nghiêm túc nghĩ tới phải có vị trí CTO (Chief of Technology Officer – Giám đốc công nghệ) trong mô hình tổ chức để hướng tới một chu trình phát triển mới và đầy cơ hội của mình?
Nguyễn Hoàng Phương
Chuyên gia trưởng tổ chức giáo dục đào tạo PTI
Cố vấn trưởng của một số các DN