Nhà Phật giảng về “luân hồi”, nói rằng hết thảy sinh mệnh trong một phạm vi nhất định của vũ trụ này đều phải thông qua quá trình luân hồi chuyển kiếp giữa cõi Trời, cõi người, và địa ngục. Trong vòng quay ấy, điều nguyên bản trong sinh mệnh sẽ được bảo tồn, nhưng cuộc sống của sinh mệnh sẽ bắt đầu lại mới, với ký ức mới. Kỳ thực, cuộc đời người ta rất nhiều khi cũng là một quá trình lặp lại như vậy đó.
Người ta khi mới sinh ra, ai ai cũng là một đứa trẻ bé nhỏ trong sáng, thuần khiết, không một chút gian dối, toan tính. Trẻ em bao giờ cũng không lo không nghĩ, đơn thuần đáng yêu. Mọi người khi nhớ về thời thơ ấu cũng thường cảm thấy hạnh phúc, khoan khoái.
Khi người ta lớn lên thì nội tâm cũng dần trở nên phức tạp, bị mê hoặc bởi những điều này khác nơi xã hội. Đại đa số đều hình thành tâm danh lợi, hình thành các loại dục vọng, đồng thời lại phải bảo vệ bản thân trong khi đối mặt với cuộc sống và công việc đầy phức tạp bộn bề. Rất nhiều người sẽ ở trong dòng chảy ấy mà “nước chảy bèo trôi”, “gặp sao biết vậy”, “tranh danh đoạt lợi”. Một vài người hiếm hoi hơn thì lưu tồn thiện niệm, giữ bản thân trong sạch, ước chế được ham muốn, coi nhẹ lợi danh.
Người ta đến tuổi trung niên thì tư tưởng, sự nghiệp, mọi phương diện đều đã tương đối ổn định. Lúc này cá nhân ấy cũng không còn bàng hoàng, thảng thốt trước nhân tình thế thái. Đặc biệt là trong cuộc sống, không ít người có thể mang một loại thái độ trầm tĩnh đến nhìn xét sự việc, bởi vì họ đã nếm trải thành bại được mất rồi.
Đợi đến lúc một người về già, bắt đầu suy ngẫm lại cuộc đời, những gì nên trải qua thì đã trải qua, rất nhiều thứ cũng liền xem nhẹ hơn nữa, nghĩ thoáng hơn, thông suốt hơn.
Như bậc Thánh nhân xưa kia từng giảng: 30 tuổi lập thân, 40 tuổi không còn bị mê hoặc, 50 tuổi biết được mệnh trời, 60 tuổi thuận tai nghe tất cả mọi điều, 70 tuổi có thể làm theo lòng mong muốn mà không ra khỏi vòng phép tắc. Người ta khi có thể làm như vậy thì tâm sẽ bao dung hơn, tấm lòng cũng trở nên rộng rãi.
Các ông bà lão có hành vi và tính cách càng ngày càng giống như trẻ con. Mọi người cũng đem cái thất thường của người già ví như sự chưa hiểu hết của con trẻ. Bởi vậy có câu rằng: “Chúng ta như thế nào lớn lên, cha mẹ liền như thế ấy mà già đi, đây cũng là một loại luân hồi”.
Có một hiện tượng kỳ lạ, người già thường rất yêu thích chơi với trẻ con, và cũng có không ít người già bộc lộ tính cách như trẻ con. Bởi vì dường như người già đã trở về với sự ngây thơ và chất phác, đã “luân hồi” về thời thơ ấu.
Tất nhiên ở một thái cực khác, một số người dù già đi vẫn luôn ôm giữ một vài quan niệm. Khi những quan niệm ấy bị đụng chạm đến thì họ trở nên vô cùng cố chấp. Thậm chí có thể nói rằng những quan niệm ấy đã trở thành họ, họ đã bị những thứ hình thành qua tháng năm đời người quay lại điều khiển mất rồi.
Vì sao sinh mệnh người ta phải luân hồi đây? Nhìn từ một khía cạnh, âu nó cũng là sự ban ân của tạo hóa, để cho một người giải thoát khỏi những quan niệm cố hữu, những định kiến quá đỗi bất kham đã hình thành trong suốt cả một đời người. Cũng chỉ có như vậy thì sinh mệnh mới có thể sống tiếp mà không gây ra những sai lầm to lớn hơn.
Còn nữa, trong văn hóa nhân loại từ xa xưa đã tồn tại những khái niệm vượt thoát khỏi luân hồi như vậy: giác ngộ, giải thoát, cứu rỗi… Các bậc Thánh nhân kiệt xuất đã để lại rất nhiều câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng của nhân loại như: nguồn gốc loài người, mối quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Đồng thời, thông qua các hình thức tu luyện khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi… mà họ định hình nên những con đường siêu phàm thoát tục, siêu thoát luân hồi.
Nói đơn giản hơn, trong quá trình luân hồi chuyển thế, sinh mệnh nếu có thể không ngừng hoàn thiện mình, nếu có thể trở nên càng ngày càng thuần khiết tốt đẹp hơn, thì chính là một điều hết sức đáng quý. Sinh mệnh ấy sẽ có một ngày xứng đáng “đắc Đạo”, sẽ có một tương lai an lành và tốt đẹp hơn nữa chờ đón họ.
Theo VisionTimes