Nhiều người quan niệm rằng thái giám chỉ là một chức vị nhỏ bé để phục dịch chốn hoàng cung, là hạ đẳng và bị xem thường. Rất nhiều thái giám trong lịch sử còn được biết đến vì tiếng xấu hại vua, hại nước. Tuy nhiên trong sử Việt cũng có những vị thái giám gánh vác việc lớn, là nhân vật kiệt xuất của giang sơn.
Lý Thường Kiệt
Cháu 5 đời của Ngô Quyền là Ngô An Ngữ làm tướng quân dưới thời vua Lý Thái Tổ, gia đình ông ở phường Thái Hòa, ngay trước cửa tây hoàng thành Thăng Long. Trong sách “Kể chuyện các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam” có ghi chép rằng vợ của Ngô An Ngữ là bà Hàn Diệu Chi từng được một ông lão chỉ bảo rằng:
“Đêm trước lão xem thiên văn thấy một ngôi phúc tinh sa xuống khu vực này nên định bụng sáng ra đi xem, nay gặp phu nhân lão đã hiểu rõ sự tình. Xin chúc mừng phu nhân. Phu nhân sắp có tin vui rồi. Nhìn sắc mặt, dáng vẻ và cốt cách của phu nhân, lão đoán chắc phu nhân sẽ sinh quý tử. Đây là 1 con người tuấn kiệt, uy danh lừng lẫy không chỉ mang lại vinh quang cho dòng họ Ngô mà còn là phúc tinh của nước Nam này nữa.”
Đang nói chuyện vui vẻ bỗng ông lão ngập ngừng vẻ khó nói: “Duy chỉ có một điều…”, Hàn phu nhân gặng hỏi mãi ông lão mới nói rằng: “Duy có một điều e rằng lại không có con nối dõi”. Nói xong, sợ Hàn phu nhân buồn bã ông lão an ủi: “Nhưng dù chẳng có người nối dõi thì tiếng thơm muôn thuở cũng không dòng họ nào sánh kịp”. Hàn phu nhân ngẩn ngơ với những lời của ông lão, ngoảnh lại đã thấy ông lão đi mất rồi.
Năm 1019, Hàn phu nhân có mang rồi hạ sinh được một đứa bé trai rất khôi ngô tuấn tú. Ngô An Ngữ quý lắm nên đặt tên cho con trai mình là Ngô Tuấn với mong muốn sau này sở trở thành người tài ba tuấn kiệt.
Năm Ngô Tuấn 13 tuổi thì cha mất, cậu được chồng của cô là Tạ Đức đón về nhà nuôi nấng cho ăn học đầu đủ, nghiên cứu các binh thư kim cổ cùng kinh điển các nhà. Tạ Đức thấy Ngô Tuấn có chí hướng thì đem gả luôn cháu gái của mình là Tạ Thuần Khanh cho.
Lớn lên Ngô Tuấn được vào cung giữ một chức nhỏ trong đội kỵ binh. Năm 1041, vua Lý Thái Tông trong khi đi săn đã tình cờ gặp Ngô Tuấn và rất yêu thích tài năng. Vì biết Ngô Tuấn đã có gia đình nên vua nói: “Ta thấy ngươi hình dung tài mạo tuyệt vời lại cưỡi ngựa bắn cung giỏi, ta rất muốn bổ ngươi vào ngạch thị vệ để luôn hầu cận bên ta. Nhưng muốn vào cung ngươi phải tự yếm. Tuy nhiên ta biết ngươi đã có gia đình. Vậy ngươi hãy tự quyết chứ ta không ép”.
Thấy đây là cơ hội để đem tài năng của mình phục vụ cho Giang Sơn Xã Tắc, Ngô Tuấn quyết định nhập cung và bàn với vợ để bà có thể đi tìm hạnh phúc khác.
Sau này, bằng tài năng của mình, Ngô Tuấn lập được nhiều công lao, được đổi sang họ Lý (tức mang họ Vua), từ đó mang tên Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt đã cống hiến cho Đại Việt nhiều chiến công hiển hách: đánh bại và bắt được vua Chiêm; tiến sang đất Tống, đánh chiếm nhiều châu trại rồi rút về; sau đó lại tiếp tục chặn đứng quân Tống trên đất Đại Việt.
Lý Thường Kiệt được xem là vị anh hùng giúp Đại Việt đứng vững trước liên minh Tống – Chiêm, tạo tiền đề cho sự phát triển cực thịnh của Đại Việt với sự ra đời của Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng sự hưng thịnh của đạo Phật.
Hoàng Ngũ Phúc
Theo ngọc phả của họ Hoàng Đình ở Phụng Công, Yên Dũng, Bắc Giang ghi lại thì Hoàng Ngũ Phúc sinh ở trấn Kinh Bắc, từ nhỏ đã mồ côi cha, nhà nghèo, được người cậu ruột nhận nuôi, tự nguyện vào cung làm thái giám từ nhỏ. Lớn lên trong cung, Hoàng Ngũ Phúc thận cận với chúa Trịnh Doanh và được cất nhắc thăng tiến.
Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, năm 1743, Hoàng Ngũ phúc dâng 12 điều binh pháp lên chúa Trịnh Doanh. Vốn đã biết Ngũ Phúc là kẻ có tài, Chúa liền cho thi hành.
Sau Chúa phong cho ông làm thống lĩnh kỳ binh đạo Hải Dương, cùng Phạm Đình Trọng tiến đánh các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Danh Phương. Hoàng Ngũ Phúc vay tiền trong kho công, tuyển được nhiều người giỏi võ nghệ thiện chiến theo mình, lập nhiều chiến công, dẹp yên được cuộc khởi nghĩa này.
Nhờ lập công lớn, Hoàng Ngũ Phúc được phong làm Việp quận công, thường gọi là quận Việp. Năm 1754, Thượng thư bộ binh là Phạm Đình Trọng mất sớm, Hoàng Ngũ Phúc trở thành vị tướng cầm quân quan trọng nhất của triều đình.
Sau này ở Đàng Trong, Trương Phúc Loan lạm quyền khiến muôn dân oán thán, ba anh em Tây Sơn nhân cơ hội này khởi nghĩa. Nhận thấy cơ hội nam tiến đã đến, năm 1774 chúa Trịnh Sâm cử Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy 33 doanh quân, lấy danh nghĩa giúp chúa Nguyễn đánh Tây Sơn để nam tiến.
Quân Trịnh chiếm được Bố Chính, Hoàng Ngũ Phúc cho quân vượt sông Gianh đánh đâu thắng đó. Nguyễn Phúc Thuần phải đem trói Trương Phúc Loan giao cho quân Trịnh. Tuy nhiên Hoàng Ngũ Phúc không rút quân, mà lấy lý do giúp chúa Nguyễn đánh Tây Sơn nên cho quân tiến vào Phú Xuân hội binh, quân chúa Nguyễn phải chạy ra Quảng Nam.
Thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc cho quân tiến ra Quảng Nam đánh chúa Nguyễn, khiến quân Nguyễn phải chạy vào Gia Định. Tháng 4/1775, Hoàng Ngũ Phúc cho quân vượt đèo Hải Vân để vào Quảng Nam. Quân Trịnh tiến đánh quân Tây Sơn ở Cẩm Sa và giành chiến thắng, Nguyễn Nhạc phải cho quân rút về Quy Nhơn.
Quân Nguyễn nhân cơ hội này từ Bình Khang đánh Phú Yên khiến quân Tây Sơn lại thảm bại phải rút về Quy Nhơn.
Tình hình quân Tây Sơn nguy ngập bởi phía bắc gặp quân Trịnh, phía nam bị chúa Nguyễn tiến đánh. Nguyễn Nhạc phải cho người đến hàng Hoàng Ngũ Phúc và xin được làm tiên phong cho Ngũ Phúc để đánh quân chúa Nguyễn.
Lúc này quận Trịnh tiến xa đã mệt mỏi, nên Hoàng Ngũ Phúc đồng ý, sai thủ hạ là Nguyễn Hữu Chỉnh đến phong cho Nguyễn Nhạc làm “Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân”, Nguyễn Huệ làm “Tây Sơn hiệu tiền tướng quân” .
Trong khi quân Trịnh đứng trước cơ hội nam tiến thành công thì bị dịch bệnh khiến 3 đến 6 ngàn binh tướng bị chết, bản thân Hoàng Ngũ Phúc lúc này tuổi cao sức yếu cũng phải nhờ người dìu. Ông cho quân rút về Phú Xuân.
Do Hoàng Ngũ Phúc quá già yếu nên ông xin chúa Trịnh được trở về Kinh thành. Ông mất trên đường trở về, thọ 64 tuổi.
Lê Văn Duyệt
Cha Lê Văn Duyệt là ông Lê Văn Toại, người huyện Chương Nghĩa, Quảng Ngãi, vào Tiền Giang lập nghiệp. Một lần Nguyễn Ánh bị quân của Nguyễn Lữ truy bắt ngoài biển, được Lê Văn Toại cưu mang. Lúc ra đi Nguyễn Ánh có hứa sau này sẽ trở lại mang con ông Lê Văn Toại là Lê Văn Duyệt theo hầu.
Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng Nguyễn Vương ở Gia Định, đưa Lê Văn Duyệt theo bên mình làm thái giám. Năm ấy Lê Văn Duyệt 17 tuổi. Cuộc đời Lê Văn Duyệt từ đó gắn bó với Nguyễn Ánh suốt từ những năm thất bại phải chạy trốn quân Tây Sơn cho đến khi thống nhất Giang Sơn.
Nhận thấy Lê Văn Duyệt có tài cầm quân, Nguyễn Ánh giao binh quyền cho ông, nhưng cũng không ngờ rằng ông lại trở thành võ tướng rất xuất sắc. Nguyễn Ánh tin tưởng giao cho ông chỉ huy tả quân, nhiều lần trao cho tiết chế chỉ huy cả các danh tướng.
Năm 1801, Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt cùng binh tướng tiến đánh Thị Nại. Ban đầu hỏa lực quân Tây Sơn rất mạnh khiến tướng Võ Di Nguy tử trận. Nhận thấy tình hình bất lợi, Nguyễn Ánh cho người đến báo rút quân. Tuy nhiên Lê Văn Duyệt thấy gió nam thổi lớn và nước chảy vào trong đầm Thị Nại lợi thế cho bên tấn công, liền tiếp tục cho toàn quân tiến lên, giúp quân Nguyễn đánh thắng lớn trận này. Trận Thị Nại được “Quốc triều sử toát yếu” xem là “võ công đệ nhất” của nhà Nguyễn.
Thắng trận, Nguyễn Ánh cùng Lê Văn duyệt tiến đánh chiếm thành Phú Xuân. Năm 1802, Lê Văn Duyệt chỉ huy binh tướng nhà Nguyễn tiến ra bắc đánh bại Tây Sơn, nhà Tây Sơn sụp đổ từ đây.
Sau này Lê Văn Duyệt lãnh chức kinh lược Thanh Hóa, Nghệ An. Năm 1812, ông làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ Cao Miên, ông được trao uy quyền như một vị phó Vương, cai quản cả vùng Gia Định và miền Nam.
Lê Văn Duyệt cũng có công tâu với Triều đình cho đào kênh Vĩnh Tế, đây là con kênh giúp tiêu úng, và rửa phèn chua cho đồng ruộng, đồng thời giúp người dân thuận tiện đi lại, mang ý nghĩa to lớn về kinh tế lẫn quốc phòng.
Ông cũng giúp mở rộng giao thương với các nước, tạo ra vùng thương mại Gia Định – Bến Nghé.
Dựa theo bài viết “Ba vị thái giám quyền lực – có những đóng ghóp lớn cho lịch sử nước nhà”
Đăng trên Facebook Tôn gia – Sĩ tộc.
Theo Trithucvn