‘Văn học phải biến tinh hoa văn hóa dân tộc thành sức mạnh phát triển đất nước’

21:36 | 09/01/2022

Phát biểu tại sự kiện của Hội Nhà văn, Chủ tịch nước mong muốn, văn học phải đi trước một bước, biến những tinh hoa văn hóa của dân tộc thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước.


Ngày 9/1, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao Giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ nhất. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo một số bộ, ngành và Hội nhà văn Việt Nam.

Chủ tịch nước trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam cho các tác giả

Tại lễ phát động, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi kéo dài trong 5 năm, từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025 với hai thể loại văn xuôi và thơ. Đối tượng dự thi gồm tất cả công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Ban Tổ chức đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các em thanh, thiếu niên và nhi đồng. Lễ trao giải đợt một dự kiến tiến hành vào dịp Tết trung thu năm 2023.

Về Giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ nhất, đây là giải nằm trong hệ thống giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, trao tặng cho những tác giả tuổi từ 35 trở xuống, có tác phẩm văn học xuất sắc trong năm (xuất bản từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm trao giải).

Năm 2021, một số tác giả đoạt giải như tác giả Lý Hữu Lương với tập thơ Yao, tác giả Phương Đặng với tập thơ Con người; tác giả Đinh Phương với tiểu thuyết Nắng thổ tang; tác giả Nguyễn Bình với Bản dịch tiếng Anh tác phẩm Truyện Kiều.

Chủ tịch nước phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và cho rằng, đây là sự kiện rất có ý nghĩa này. Bởi văn học chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái; đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vượn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi, nhi đồng.

“Những gì chứa đựng trong tâm hồn của trẻ em Việt Nam hôm nay chính là bản thiết kế quan trọng cho chân dung những công dân Việt Nam trong tương lai. Do đó, nếu chúng ta không gieo những hạt giống của cái đẹp và lòng nhân ái vào tâm hồn trẻ em hôm nay thì trong tương lai chúng ta khó mà có được những “mùa” người nhân ái”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước nhắc lại trong những đóng góp bền bỉ của các thế hệ nhà văn Việt Nam, trong đó có các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi như Thạch Lam, Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa. Tiếp nối truyền thống đó, các cây bút viết cho thiếu nhi ở các thế hệ tiếp theo sẽ kiến tạo nên một kho tàng văn học thiếu nhi đặc sắc.

“Ở bất cứ thời đại nào và ở bất cứ quốc gia nào, một câu hỏi lớn luôn được đặt ra là: Một đứa trẻ lớn lên sẽ thành một con người như thế nào nếu trong tâm hồn chúng không tràn ngập những vẻ đẹp văn hóa dân tộc, tràn ngập tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên và những giấc mơ trong trẻo. Những thành tựu của khoa học công nghệ đã và đang làm cho thế giới văn minh hơn, giúp con người sản xuất ra nhiều của cải vật chất hơn và mang lại cho con người nhiều tiện ích hơn trong cuộc sống. Nhưng chính những tác phẩm văn học nghệ thuật làm cho con người sống một đời sống có nhân phẩm, nhân văn và tâm hồn phong phú. Vì lẽ đó, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ chiến lược của Hội nhà văn Việt Nam nhằm tạo ra những tác phẩm văn chương xuất sắc cho trẻ em cũng như mang những tác phẩm văn chương ấy đến với trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa. Đồng thời tôi tha thiết kêu gọi các nhà văn Việt Nam, kêu gọi toàn xã hội hãy vì tương lai của dân tộc mình mà dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước trao kinh phí ủng hộ cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, “Trẻ em như búp trên cành”, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho những cái búp ấy lớn lên một cách khoẻ mạnh cả về hình hài lẫn tâm trí. Các nhà văn có một phần trách nhiệm trong đó. Hãy làm cho trẻ yêu quê hương đất nước, xòm làng, đồng bào của mình từ những trang viết quý giá ấy.

Khẳng định vai trò của văn học đối với đời sống và sự phát triển của đất nước, dân tộc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, văn học làm cho con người xích lại gần nhau, biết san sẻ, yêu thương nhau. Hình ảnh đó được thể hiện đậm nét qua cơn đại dịch COVID-19 vừa qua. Mỗi một tác phẩm văn học như là một chiếc thẻ nhớ lưu giữ những suy nghĩ, tư tưởng, xúc cảm hoặc những hình ảnh, ký ức đẹp về một thời đoạn lịch sử.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”. Tuy nhiên, để dân tộc ta có thể trường tồn trong một thế giới đa dạng và hội nhập sâu sắc như ngày nay đòi hỏi văn hóa phải phát triển mạnh mẽ hơn trên cái hồn cốt của dân tộc đó. Văn học phản ánh những giá trị văn hóa, những nét đẹp, tinh hoa của dân tộc. Vì lẽ đó, văn học phải đi trước một bước, biến những tinh hoa văn hóa của dân tộc thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước.

Cùng với chiến lược văn học cho thiếu nhi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội Nhà văn Việt Nam thành lập giải thưởng mang tên giải Tác giả trẻ, là cách mà Hội nhà văn hiện thực hóa chiến lược giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

“Hội nhà văn có sứ mệnh tập hợp đội ngũ những nhà văn trẻ trong cả nước, gợi mở họ, khích lệ họ, bồi dưỡng họ và đặt lòng tin vào họ. Chỉ như vậy, chúng ta mới có quyền hy vọng và đợi chờ vào những nhà văn trẻ sẽ viết lên những tác phẩm xứng đáng với nhân dân mình, với đất nước mình. Trong giờ phút này, chúng ta hãy tưởng nhớ tới những nhà văn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã bước vào hai cuộc kháng chiến đúng nghĩa là một người lính chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc. Họ phải đối mặt với cái chết để khắc họa lên những trang sử chói lọi của dân tộc bằng chính những trang viết của mình, như nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hy sinh tại tỉnh Quảng Nam khi chưa tròn 28 tuổi. Các nhà văn, trẻ hãy tiếp bước các thế hệ đi trước. Hãy viết bằng nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bằng tâm thế của thời đại mình, bằng lương tri, bản lĩnh của con người Việt Nam. Chỉ như vậy, họ mới có thể hoàn thành sứ mệnh của nhà văn với danh vị vô cùng cao quí mà xã hội dành cho họ: lương tri của thời đại”, Chủ tịch nước đề nghị.

Nhân dịp hướng đến kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn các nhà văn Việt Nam qua nhiều thế hệ đã trí tuệ, tâm huyết, có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp văn học của nước nhà, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ta giàu đẹp hơn. Trong tính từ “đẹp” đó có nét viết từ ngòi bút của những nhà văn chúng ta.

Chủ tịch nước và các đại biểu tham dự sự kiện.

Đặt niềm tin vào các tác giả trẻ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn một ngày không xa Việt Nam ta sẽ có nhà văn đạt giải Nobel văn chương, mang về niềm tự hào cho đất nước chúng ta. Chủ tịch nước đề nghị Hội nhà văn Việt Nam trên cơ sở chiến lược phát triển đất nước, các cơ quan có chức năng cần tạo ra một không gian sáng tạo để nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng. Trong đó có việc đóng góp vào việc thực hiện Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030 với một trong những nội dung quan trọng là nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan và nhà trường cũng cần tạo không gian cho thanh thiếu nhi sáng tạo, nhất là các cuộc thi sáng tác trong trường học để các em được cất lên tiếng nói, thể hiện ước mơ, hoài bão của mình./.

 

Theo VOV

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương