Các bậc tiên hiền thời cổ đại định ra hệ thống lễ nghi để nuôi dưỡng bản tính con người, tiết chế dục vọng của con người và cũng là để giúp con người có được lợi và tránh được hại. Thời xưa, không chỉ những người có đạo đức cao thượng là coi trọng lễ nghi mà những người phụ nữ hiền đức, giúp chồng tạo dựng được công danh sự nghiệp cũng chú trọng tuân thủ lễ nghi, tránh để chồng sa vào tửu sắc, dục vọng. Dưới đây là một số điển cố như vậy.
Giữ lễ giúp phòng ngừa họa loạn
Thời kỳ Tây Chu, Khương Vương là vợ của vua Chu Tuyên Vương, là con gái của Tề hầu, là người vừa có tài vừa có đức. Phàm là mọi việc, nếu không hợp với lễ, Khương Vương đều sẽ không nói, không làm.
Có một ngày, Chu Tuyên Vương ngủ sớm dậy muộn và không lên triều, Vương hậu liền cởi quan phục, tháo hết đồ trang sức, mặc y phục của tội nhân và quỳ ngoài cửa phòng. Vương hậu sai Phó mẫu đến bẩm với Chu Tuyên Vương rằng: “Dâm tâm của thiếp khiến cho Quân Vương thất lễ. Quân Vương vì háo sắc mà mất đức là khởi đầu của loạn. Cái loạn này là do thiếp mà ra, mong Đại Vương hãy trị tội của thiếp”.
Chu Tuyên Vương vốn là người hiểu đạo lý, nghe xong bèn nói: “Quả nhân không có đức hạnh, nguyên nhân thực sự là do bản thân trẫm, không phải lỗi của phu nhân”. Vua Chu Tuyên Vương từ đó siêng năng việc triều chính. Hàng ngày, ông đều sáng sớm thượng triều, tối muộn mới bãi triều, tạo phúc cho dân chúng, cuối cùng trở thành vị vua trung hưng nhà Chu.
Căn cứ theo lễ nghi thời xưa, hậu phi khi hầu hạ Vua phải lấy ánh sáng của ngọn nến dẫn đường. Khi đến nơi Vua ở, tắt nến vào phòng, cởi bỏ triều phục, thay quần áo lót, sau đó tiến vào hầu hạ Vua. Sau khi gà gáy, nhạc sư đánh trống báo trời sáng, gà gáy sáng thì hậu phi dậy mặc lại trang phục và rời đi. Đó là phép tắc nhưng không phải phi tần nào cũng tuân thủ theo.
Khương Hậu có uy nghi lại có đức hạnh, giữ gìn lễ nghi mà làm thức tỉnh vua Chu Tuyên Vương. Cổ ngữ nói: “Quân vương có hiền phi thì quốc gia thịnh vượng, hậu cung yên ổn. Nhà có hiền thê thì cha nhân từ con hiếu thảo, gia đình hạnh phúc. Bề tôi có hiền thị (thị hầu) thì không quên gốc, không mất đạo. Người có bạn tốt thì tăng trí ích tuệ, ít phải đi đường vòng”. Những lời này thật không sai!
Dùng lễ quân thần khuyên can vua
Ban Tiệp Dư là nữ từ phú nổi tiếng thời Tây Hán, là phi tử được Hán Thành Đế nể trọng nhất. Bà có vẻ ngoài xinh đẹp, hiền đức lại hiểu biết lễ nghi nên rất được Hoàng đế sủng ái. Mặc dù được sủng ái, nhưng bà không sinh tâm kiêu ngạo, rất biết phép tắc, không nói chuyện thị phi, không khoa trương khoác lác nên ngay cả Thái hậu cũng rất yêu quý.
Hán Thành Đế từng đặc biệt cho người chế tạo ra một chiếc xe rồng xa hoa rộng lớn để cùng Ban Tiệp Dư di du ngoạn. Biết chuyện ấy, Ban Tiệp Dư lễ phép nói với Hoàng đế: “Tâu Bệ hạ, xưa nay bậc Thánh vương khi xuất ngoại đều chỉ ngồi cùng danh thần. Nếu thần thiếp ngồi cùng Bệ hạ thì chẳng phải là giống với hành vi của Hạ Kiệt, Trụ Thương và Chu U Vương sao? Thần thiếp không thể làm loại việc trái lễ ngông cuồng như vậy được. Háo sắc quên đức, nên coi đây là giới cấm.”
Hán Thành Đế nghe thấy Ban Tiệp Dư nói có đạo lý nên liền rời đi. Hoàng Thái Hậu tán dương Ban Tiệp Dư rằng: “Thời cổ có Phàn Cơ, ngày nay có Ban Tiệp Dư”. Phàn Cơ là phi tần của Sở Trang Vương thời Xuân Thu. Phàn Cơ thấy Sở Trang Vương đam mê săn bắn, trầm mê vào tửu sắc thì chủ động khuyên can. Nhưng Sở Trang Vương vẫn chứng nào tật nấy, và Phàn Cơ đã quyết định cự tuyệt không ăn thịt thú rừng. Điều này khiến Sở Trang Vương tỉnh ngộ, từ đó không còn lấy săn bắn làm thú vui. Bà cũng trợ giúp Sở Trang Vương trở thành một trong ngũ bá thời Xuân Thu.
Ban Tiệp Dư lấy lễ khắc chế dục vọng, hành động theo lễ. Tiếc rằng Hán Thành Đế phóng túng dục vọng, cuối cùng vì mê luyến sắc đẹp của chị em Triệu Phi Yến mà bỏ mạng, không có người kế vị.
Trịnh Mậu giữ lễ không vì thiên kim, tước vị mà thay đổi
Thời kỳ Xuân Thu, Trịnh Mậu là nàng hầu đi theo con gái họ Trịnh khi xuất giá. Một hôm, Sở Thành Vương đi lên trên đài cao nhìn xuống hậu cung. Các phi tần và cung nữ trong cung, ai nấy đều ngước lên nhìn Sở Thành Vương với mong ước được Sở Thành Vương để ý. Duy chỉ có Trịnh Mậu là không nhìn, vẫn chậm rãi bước đi về phía trước.
Sở Thành Vương nhìn thấy Trịnh Mậu không giống những người khác thì cảm thấy rất ngạc nhiên, lớn tiếng nói: “Mỹ nhân đang đi kia, hãy ngẩng đầu nhìn ta”. Trịnh Mậu vẫn không ngẩng đầu nhìn. Sở Thành Vương lại nói: “Mỹ nhân, nếu nàng nhìn ta, ta sẽ phong nàng là phu nhân”. Trịnh Mậu vẫn không ngẩng đầu nhìn Sở Thành Vương.
Sở Thành Vương lại nói: “Mỹ nhân, nếu nàng nhìn ta, ta sẽ ban cho nghìn vàng và phong quan tước cho cha và anh em của nàng”. Trịnh Mậu vẫn thong dong đi tiếp, không ngẩng đầu lên nhìn Sở Thành Vương.
Sở Thành Vương cảm thấy cô gái không giống người bình thường nên đã đích thân xuống đài hỏi: “Ở hậu cung, phu nhân là địa vị tôn quý. Phong tước là bổng cao lộc hậu, chỉ cần nàng nhìn ta một cái là có được những thứ này, vì sao mà nàng lại không chịu làm?”
Trịnh Mậu đáp: “Thần thiếp nghe nói, dáng vẻ của người phụ nữ phải là đoan chính, hòa nhã. Hôm nay Đại Vương đứng ở trên đài cao, thần thiếp ngẩng đầu nhìn là trái với lễ nghi. Thần thiếp không ngẩng đầu nhìn, Đại Vương liền dùng địa vị phu nhân, quan tước lộc hậu để hấp dẫn thần thiếp. Nếu vì địa vị và quan tước mà thần thiếp nhìn Đại Vương thì đó là tham luyến phú quý lợi ích mà quên đi đạo lý làm người. Thần thiếp quên đi lễ nghĩa làm người thì sau này làm sao mà hầu hạ Đại Vương?”
Trịnh Mậu không ham mê danh lợi, tuân thủ lễ nghi phép tắc, cuối cùng lại nhận được sự khen ngợi tán thưởng của Sở Thành Vương. Sở Thành Vương đã phong Trịnh Mậu làm phu nhân. Từng có thơ khen Trịnh Mậu rằng: “Trịnh Mậu biết trước, thường giữ lễ nghĩa, do không ngẩng đầu, trở thành phu nhân của Thành Vương, biết Thương Thần làm loạn, tận lực can gián, biết Thành Vương hiềm nghi không phải con mình, nên tự vẫn để chứng minh không có tình riêng”.
Dục vọng của con người là vô cùng vô tận, nếu một người thỏa tâm thỏa chí phóng túng dục vọng thì nhất định sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí là diệt vong. Chỉ có thủ lễ, khống chế dục vọng, không chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất thì mới có thể ít phạm phải sai lầm, tránh bị lầm đường lạc lối mà hủy hoại chính mình.
Theo VisionTimes