Bạch Vân am cư sĩ – Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến là người có tư cách đạo đức, tài thơ văn và là một nhà giáo nổi tiếng thời kỳ Nam – Bắc triều (Lê – Mạc phân tranh). Đặc biệt ông được nhiều người nhắc đến với biệt tài tiên đoán các sự kiện lịch sử diễn ra sau cả trăm năm.
Tượng đài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), lúc nhỏ ông có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ra tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Gia đình Nguyễn Bỉnh Khiêm có truyền thống khoa bảng, mẹ là con út của quan tiến sĩ thượng thư bộ Hộ triều vua Lê Thánh Tông nên ông sớm được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực và trí lực. Mặc dù chưa đến một tuổi nhưng ông đã nói sõi, to khỏe, thông minh khác thường.
Mặc dù là người học rộng, tài cao nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không màng danh lợi, bỏ qua nhiều kỳ thi lớn. Mãi tới năm Đại Chính thứ sáu (1535) đời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), Nguyễn Bỉnh Khiêm mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên. Năm ấy ông đã 45 tuổi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên năm ông 45 tuổi.
Nhiều lần Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mách bảo kín đáo cho vua chúa nhằm hạn chế chiến tranh, chết chóc cho người vô tội. Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế 487 câu sấm ký gọi là “Sấm Trạng Trình”. Lạ kỳ là không ít sự kiện lịch sử điều ứng vào các câu “sấm truyền” này.
Có thể kể đến một số lời sấm truyền nổi tiếng:
1. “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng dùng tài lý số của mình để “cứu vãn” cho triều đình nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài.
Được biết, khi triều Mạc lâm nguy, vua Mạc đương triều sai người đến hỏi Trạng Trình. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”.
Có nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng và tồn tại được thêm 3 đời nữa.
2. “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”
Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê. Khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (có tài liệu viết là “khả dĩ dung thân”) nghĩa là “Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài”. Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá. Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể” (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa.
Đối với Lê – Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông.
Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản” (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”.
3. Phải giữ được Biển Đông
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xem là người đầu tiên nhắc đến quốc hiệu Việt Nam. Ngoài câu “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung”, cụ Trạng còn có lời tiên tri trong bài thơ “Cự Ngao Đới Sơn”, thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập rằng: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình”.
Bài thơ có tuổi đã khoảng 500 năm mà bây giờ càng đọc, càng thấy rất “kim nhật kim thì”, rất thời sự. Ta những tưởng như cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay. Bài thơ nguyên là để nói cái chí của cụ “Chí những phù nguy xin gắng sức” (Ngã kim dục triển phù nguy lực), nhưng lại đọng trong đó một tư tưởng chiến lược, một dự báo thiên tài: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Vạn lý Đông minh quy bả ác/ức niên Nam cực điện long bình”.
4. “ Thằng Trứ phá đền’’
Vào giai đoạn thế kỉ XIX, những năm 1834, vào đời Minh Mệnh thứ mười bốn, tức sau 249 năm sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời. Lúc này Vua Minh Mệnh có chiếu vụ cho Nguyễn Công Trứ đi khai phá vùng đất Hải Dương, đào sông mở đường giúp cho dân chúng phát triển. Ở tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm trấn Hải Dương, Nguyễn Công Trứ thấy cần phải di dời đền thờ Trạng thì mới đào được con sông theo ý muốn.
Ông liền xin phép triều đình và được chấp thuận, trong lúc di dời những đồ đạt có trong đền. Khi di dời bát nhan binh lính thấy dưới bát nhanh có một bia đá nhỏ phủ vải điều, bèn đưa cho Trứ xem, Trứ kinh hãi toát mồ hôi lạnh đổ mồ hôi tay, khi đọc mấy dòng chữ “ Minh Mệnh thập tứ, thằng Trứ phá đền, phá đền thì phải lập đền, nào ai đụng đến doanh điền nhà mi.”
5. Câu Truyện: “Con ngựa đá sang sông”
Nguyên Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống tại làng Vĩnh Lại, nổi tiếng có tài học rộng hiểu nhiều, tiên đoán nhiều cho các thí sinh ứng thí khoa thi của các làng lân cận thành danh, chỉ riêng nơi ông sống là Vĩnh Lại thì vẫn chẳng ai thành quan. Trong cái ghen tị từ cuộc sống nghèo khổ, dân làng Vĩnh Lại cho rằng Trạng trình không chú ý đến người nhà.
Một ngày nọ, Trạng Trình cho người dựng một bức tượng ngựa đá bên dòng sông, và viết lên đó 2 câu thơ: “Hà thời thạch mã độ giang/ Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu”.
Nghĩa là khi nào ngựa đá sang sông thì làng Vĩnh Lại sẽ đầy công đầy hầu, nhưng hỡi ôi mấy người tin ngựa đá có thể sang sông, con ngựa thật còn có thể dùng hết sức bơi qua sông được, còn đằng này…, lại là một con ngựa đá thì làm sao có thể. Một thời gian sau câu chuyện từ đó đi vào quên lãng.
Hai trăm năm sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời, làng Vĩnh Lại gặp một trận lụt to. Và trận lụt đã đổi nguồn dòng sông từ trước mặt ngựa đá sang sau lưng ngựa đá, vậy là lời tiên tri đã ứng nghiệm. Khi ấy dân làng Vĩnh Lại lên mặt với các làng kế cận, còn các cô gái ai cũng muốn về Vĩnh Lại làm dâu.
Thời gian này, Tây Sơn đã chiếm được một nửa giang sơn và trong lần Bắc tiến đầu tiên khiến vua Lê bỏ thành mà chạy lưu lạc đến làng Vĩnh Lại. Dân làng Vĩnh Lại tìm được vua, đem về phò. Vua ban công ban tước cho cả làng dưới áp lực của dân làng Vĩnh Lại, dĩ nhiên khi mà mất cả giang sơn thì vài cái chức tước tự nghĩ ra có hà đáng gì?
Dân Vĩnh Lại sau khi được phong tước, đều tập họp quân đội sẵn sàng cần vương. Nhưng đội quân ô hợp ấy chỉ một trận đã bị đội quân bách chiến bách thắng của Tây Sơn đánh tan nát, làng Vĩnh Lại tử vong vô số, gần như bị tiêu diệt hết.
6. Nam Đàn sinh Thánh
Từ lâu ở vùng Nghệ Tĩnh người ta lưu truyền những câu sấm truyền của Trạng Trình như: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh thánh”. Tạm dịch nghĩa là: “Khi núi Đụn chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân”.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng) cho biết, sau khi Thực dân Pháp đàn áp tàn khốc phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, những lời sấm truyền này được bàn tán xôn xao. Người dân mong chờ một vị thánh sống xuất thế. Lúc đó, khe Bồ Đái nước ngừng chảy do đó người dân càng tin hơn.
”Nam Đàn sinh thánh”.
Được biết, trong một cuộc gặp gỡ giữa cụ Phan Bội Châu và học giả Đào Duy Anh cùng nhà nho Trần Lê Hữu với nội dung tình thế nước nhà và tương lai. Trần Lê Hữu hỏi: “Thưa cụ Phan, “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” chẳng phải là cụ hay sao? Cụ còn thất bại nữa là người khác!”. Phan Bội Châu đáp: “Kể cái nghề cử tử xưa kia tôi cũng có tiếng thật. Dân ra thường có thói trọng người văn học và gán cho người ta tiếng nọ tiếng kia. Nhưng nếu Nam Đàn có thánh thực thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ chẳng phải ai khác”.
7. Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930
Sau khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng phát động thất bại vào tháng 2/1930, nhiều căn cứ bị Pháp đàn áp, khủng bố như Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hóa, Kiến An, Vĩnh Bảo… Riêng làng Cổ Am bị 5 máy bay đến ném bom làm nhiều người chết, nhiều nhà cửa bị thiêu cháy đổ nát.
Ở sự kiện này, tuần báo Phụ nữ tân văn số 44 có đăng bài “Ông Trạng Trình có biết trước rằng làng Cổ Am của ông có ngày nay không?”. Tác giả bài viết ngờ rằng Trạng có biết nên “đã rời hết sách vở của ông vào Thanh Hóa… vì theo di chúc của ông thì làng Cổ Am không được bền vững”.
Đến số 48, Phụ nữ tân văn đã đăng một bài thơ do bạn đọc gửi đến được cho là lời Sấm của Trạng Trình: “Hiu hiu gió thổi, lá rung cây/ Từ Bắc sang Nam, Đông tới Tây/ Cửa nhà tan tác ra cồn cát/ Rừng núi ruộng nương hóa vũng lầy/ Tan tác Kiến kiều An đất nước/ Xác xơ Cổ thụ sạch Am mây/ Một gió, một Yên ai sùng Bái/ Cha con người Vĩnh, Bảo cho hay”.
Người dân sống trong làng Cổ Am cho biết, khi Pháp ném bom, miếu thờ Trạng bị đổ lây. Mấy tuần sau dân ra sửa sang thì phát hiện một tấm bia nhỏ có 3 hàng chữ Hán: “Canh niên tân phá/ Tuất, hợi phục sanh/ Nhị ngũ dư bình”.
Lúc này người ta phán đoán, Canh tức là năm Canh Ngọ (1930), còn ý tứ của 2 câu sau cho đến giờ vẫn đang còn tranh luận.
8. Cách mạng Tháng Tám
Theo một số nhà sưu tầm và nghiên cứu, Cách mạng Tháng Tám đã được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dự báo qua câu thơ: “Đầu Thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”.
Ở câu 1, “đầu Thu” là tháng 7 Âm lịch, “gà” nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện lịch sử này diễn ra, “gáy xôn xao” nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người.
Câu 2, “Trăng xưa” nghĩa là “cổ nguyệt” theo Hán tự, ghép lại thành từ “hồ”, là họ của Hồ Chủ tịch. “Sáng tỏ soi vào Thăng Long” là sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội.
Quảng trường Ba Đình năm 1945.
Liên quan đến sự kiện này, nhà sử học Ngô Đăng Lợi cũng sưu tầm 1 bài thơ trong nhân gian được cho là của Trạng Trình để lại: “Rồng nằm bể cạn dễ ai hay (năm thìn 1940)/ Rắn mới hai đầu khó chịu thay (năm tỵ 1941)/ Ngựa để gác yên không ai cưỡi (năm ngọ 1942)/ Dê khan ăn lộc ngoảnh về tây (năm mùi 1943)/ Khỉ nọ bồng con ngồi khóc mếu (năm thân 1944)/ Gà kia xào xạc cất cánh bay (năm dậu 1945)/ Chó ve vẩy đuôi mừng thánh chúa (năm tuất 1946)/ Lợn ủn ỉn ăn no ngủ ngày (năm hợi 1947)”.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nếu để ý ở câu 6 thì ““Gà kia xào xạc cất cánh bay”, phải chăng là ám chỉ việc quân Pháp bị tước khí giới và phải trở về nước, trả lại nền độc lập cho chúng ta, vì chữ gaulois (người Pháp) do chữ latin gallus cũng có nghĩa là con gà.
Theo đó, câu 6 của bài sấm ứng vào Cách mạng Tháng 8. Câu 7 “Chó ve vẩy đuôi mừng thánh chúa” sẽ ứng với việc Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu lãnh tụ dân tộc Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước vào năm 1946 (năm Bính Tuất).
Câu 6 của bài sấm ứng vào Cách mạng Tháng 8. Câu 7 “Chó ve vẩy đuôi mừng thánh chúa” sẽ ứng với việc Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu lãnh tụ dân tộc Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước vào năm 1946 (năm Bính Tuất).
Mãi cho đến nay thời hiện đại bây giờ người ta còn kính nể và lập những diễn đàn lớn về “ sấm Trạng Trình”, bấy nhiêu đó cũng đủ để hiểu dân tộc Việt Nam ta có vô số những nhân tài, làm nổi danh đất nước, rạng rỡ non sông. Là niềm tự hào, hãnh diện lớn của dân Tộc Việt Nam với các nước bạn.
Đức Dũng Tổng hợp