Xứ Huế “mộng mơ” không chỉ là nguồn cảm hứng trong thơ văn, từ “Đây thôn Vĩ Dạ” cho đến những ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn. Người Huế và lối sống nơi đây cũng khơi gợi trí tò mò của “khách đường xa” với vẻ kín đáo mà ung dung, giữ kẽ mà vẫn chân thành. Cho nên nếu bạn muốn biết làm sao để đến Huế và tận hưởng không khí Huế một cách chân thực nhất, thì thử tham khảo những gợi ý nhỏ sau đây nhé.
Tản bộ dọc bờ sông Hương
Bỏ lại mọi xô bồ và vội vã, nếu đến Huế thì chỉ cần một ngày thôi, cố gắng thức dậy vào sáng và đi bộ dọc sông Hương, bạn sẽ được tận hưởng những trải nghiệm chỉ nơi đây mới có.
Sông Hương êm đềm chảy qua trái tim thành phố Huế, cho nên hơn bất cứ đâu, chỉ cần đi dọc bờ sông Hương, từ bờ Nam qua bờ Bắc, bạn đã có thể nhìn ngắm và cảm nhận nhịp sống của thành phố này. Từ những bà và mẹ đi chợ Đông Ba sáng sớm, những khu vui chơi tập thể dục ngoài trời cho người dân thành phố hay ngắm thuyền tam bản thả lưới trên sông Hương. Đặc biệt nhất là cầu bán nguyệt Bến Me, nơi mà dù bạn đừng ở góc nào cũng sẽ thu gọn khung hình đẹp nhất vào máy ảnh của mình.
Nếp ẩm thực cầu kì của người Huế luôn luôn để lại một ấn tượng sâu sắc với những ai ghé đến đây. Đất Huế cũng là nơi đầu tiên thành lập “Nữ Công học hội”, nơi mà mọi cô gái dù quyền quý đến mấy vẫn phải biết nấu một mâm cơm chuẩn mực.
Với đặc trưng khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, ẩm thực Huế luôn khác với các vùng khác bởi vị cay nồng như cơm hến hay bún bò Huế. Song, không chỉ dừng lại ở những món ăn trứ danh ấy, ở Huế vẫn còn những món ngon và đơn giản mà bạn có thể thử như cơm Bát Bửu nấu từ hạt sen, gói trong lá sen thơm lừng, hay bún nghệ xào lòng. Đây là những món ăn mà bất kể là người con Huế xa quê, hay một người lạ yêu Huế đều có thể thử.
Đi thăm các ngôi chùa
Nhắc đến Huế không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng của Phật giáo. Không phải chỉ vì văn hóa chốn Kinh kì mà người Huế sống kín đáo, trầm lặng, mà còn bởi không khí “thiền” gần như mọi nẻo với hơn 400 ngôi chùa và niệm đường. Sự khác biệt của những ngôi chùa ở đây là không gian kiến trúc đặc trưng với vườn tược xen lẫn đài các của Huế.
Có thể kể đến như chùa Thiên Mụ, Thiền Viện Trúc Lâm là những trung tâm tôn giáo quan trọng. Với Thiền viện Trúc Lâm, biệt viện này nằm thấp thoáng ở núi Truồi trên dãy Bạch Mã, thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử. Đây là nơi phong cảnh hữu tình, hồ nước và thiên nhiên chung quanh còn hoang sơ. Bạn có thể ghé đến hồ Ba Trại gần đó để ngắm nhìn phong cảnh và nghe những câu chuyện kì bí nơi đây.
Trong khi đó chùa Thiên Mụ với tháp Phước Duyên được coi là ngôi chùa cổ linh thiêng nhất Việt Nam. Bên trong chùa còn nhiếu bút tích cùng những bức hoành phi của các bậc vua chúa thời Nguyễn, vậy nên không chỉ là biểu tượng tâm linh, nơi đây cũng là chứng tích cho những thăng trầm lịch sử xứ Huế.
Leo núi Bạch Mã thăm Vọng Hải Đài
Núi Bạch Mã nằm trong khuôn viên vườn Quốc gia Bạch Mã là ranh giới giữa Huế và Đà Nẵng. Đường lên núi quanh co, song với độ cao hơn 1400m so với mực nước biển, lên đến đây sẽ là một phần thưởng lớn. Khí hậu trong lành và mát mẻ hơn so với ở trung tâm thành phố Huế. Trên đường rải rác đến những 139 biệt thự và công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc.
Đặc biệt, Vọng Hải Đài là nơi cao nhất của ngọn núi Bạch Mã. Từ Vọng Hải Đài có thể nhìn bao quát cả vùng non nước xung quanh, bao gồm cả vịnh Lăng Cô, Hồ Truồi, xa hơn là biển miền Trung bao la. Vậy nên đừng bỏ qua danh thắng này nếu bạn đến Huế nhé!
Lẽ dĩ nhiên, Huế còn sở hữu vô vàn những điểm đến thi vị mà đôi khi không cần đến một danh xưng cụ thể cũng khiến cho bất cứ ai cũng mong muốn đặt chân qua. Đó là “đường phượng bay”, là “gác Trịnh”, là “con đường hoàng mai”… lạ lẫm đấy mà cũng hết sức thân thuộc. Huế nên thơ mà bình dị. Huế cổ kính, uy nghiêm nhưng cũng hết sức mới mẻ và gần gũi. Ai đến Huế rồi đều nói “Huế xanh”, nhưng thực ra, càng khám phá càng thấy Huế đa sắc màu và đầy quyến rũ.
Bấy nhiêu đó thôi đã đủ thôi thúc ban có hẹn cùng Huế chưa?!
Theo Petrotimes