Phát biểu trong chương trình diễn thuyết trên truyền hình mang tên Richard Dimbleby, “mẹ đẻ” vaccine AstraZeneca đã lên tiếng cảnh báo một đại dịch khác sẽ đe dọa mạng sống của con người, có khả năng dễ lây lan và dễ gây chết người hơn.
Giáo sư Sarah Gilbert – “mẹ đẻ” vaccine ngừa Covid-19 của Hãng AstraZeneca.
Phát biểu trong chương trình diễn thuyết trên truyền hình mang tên Richard Dimbleby, giáo sư Gilbert (Viện Jenner thuộc Đại học Oxford) bình luận: “Đây sẽ không phải là lần cuối cùng virus đe dọa mạng sống và sinh kế của chúng ta. Sự thật là một đại dịch sắp tới có thể nghiêm trọng hơn. Nó có thể dễ lây nhiễm hơn hoặc dễ gây chết người hơn, hoặc cả hai”.
Giáo sư Gilbert kêu gọi không được để mất đi những tiến bộ khoa học đạt được đến nay trong hoạt động nghiên cứu phòng ngừa các virus gây chết người, cũng như những kiến thức đạt được về vấn đề này.
Bà nhắn nhủ: “Chúng ta không thể cho phép xảy ra tình hình mà chúng ta từng trải qua và sau đó nhận ra rằng những thiệt hại kinh tế to lớn (do tác động của đại dịch Covid-19) mà chúng ta gánh chịu đồng nghĩa là vẫn không có kinh phí để ứng phó với đại dịch”.
Nhận định về biến thể Omicron, giáo sư Gilbert cho biết sự gia tăng protein của biến thể Omicron có chứa đột biến này đã được cho là làm tăng khả năng lây lan của virus. Những biến đổi này có nghĩa là kháng thể được tạo ra nhờ tiêm vắc xin hoặc do nhiễm các biến thể khác sẽ mang lại ít hiệu quả hơn trong phòng chống biến thể Omicron.
Giáo sư Gilbert nhấn mạnh các nước cần nâng cao cảnh giác và áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron cho đến khi có kết quả nghiên cứu sâu hơn về biến thể mới này.
Hình ảnh của biến thể Omicron, ký hiệu B.1.1.529.
Ở một diễn biến khác, Giáo sư Peter White, chuyên gia nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học New South Wales (Úc), dự đoán biến thể Omicron chưa phải là sự tiến hóa cuối cùng của virus gây đại dịch Covid-19.
“Nếu 100% dân số thế giới được tiêm vaccine chống lại chủng Alpha và sau đó virus đột biến. Lúc đó, các kháng thể mà cơ thể chúng ta tạo ra sẽ không liên kết với protein đột biến của biến thể mới. Nếu vaccine yếu đi, chúng ta phải nhanh chóng cải tiến vaccine để chặn đầu biến thể mới”, giáo sư White nhận định.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia người Úc, các biện pháp giãn cách xã hội chỉ có thể tạo ra một loại virus dễ lây lan hơn. Theo giáo sư White, giãn cách xã hội không phải là mỗi người sống trên một hoang đảo, nên sự tiếp xúc chớp nhoáng cũng làm lây lan tiếp diễn dù chậm hơn.
LKLinh