Tại Afghanistan, lực lượng Taliban mới đây đã phê duyệt tiền lương hàng tháng cho các thành viên chính phủ, Tòa án tối cao, Văn phòng Tổng công tố, Ngân hàng Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học, khu tự trị Kabul và một số tổ chức khác.
Cổng thông tin Afghanistan 8am.af dẫn các tài liệu cho biết, Thủ tướng Afghanistan Mullah Mohammad Hasan Akhund sẽ nhận mức lương 198.250 Afghani (2.000 USD) một tháng.
Mỗi Phó Thủ tướng sẽ nhận được 183.000 Afghani (1.900 USD), Chánh án Tòa án Tối cao – 167.750 Afghani (1.750 USD), các bộ trưởng – 137.250 Afghani (1.430 USD) một tháng.
Người đứng đầu Cơ quan tình báo – 137.250 Afghani (1.430 USD), người đứng đầu Cơ quan quản lý chính phủ – 122.000 Afghani (1.270 USD) một tháng.
Trong khi đó, các thống đốc sẽ nhận được 91.500 Afghani (953 USD), thị trưởng Kabul – 106.750 Afghani (1.100 USD), và người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học – 76.250 Afghani (792,6 USD) một tháng.
Ngoài ra, tiền lương của viên chức sẽ được tính bằng công thức: tiền lương nhân hệ số thích hợp.
Mức lương tối thiểu trong chính phủ là 5.000 Afghani (52 USD)/tháng, và mức lương tối thiểu trong cả nước là 3.000 Afghani (31,2 USD)/tháng.
Tuy nhiên, trước khi Taliban lên nắm quyền, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài đã nhận mức lương khoảng 500.000 Afghani/tháng.
Theo các nhà phân tích, do tỷ giá hối đoái của Afghanistan so với USD khi đó cao hơn, nên lương của ông Ghani ước tính vào khoảng 8.000 USD/tháng.
Hơn 3 tháng sau khi tiếp quản Kabul, Taliban đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bối cảnh nỗ lực xây dựng một chính phủ mới. Sau 4 thập kỷ chiến tranh và gây ra cái chết của hàng chục nghìn người, an ninh tại Afghanistan cơ bản đã được cải thiện, nhưng nền kinh tế của quốc gia này vẫn đang trong tình trạng kiệt quệ, dù đã được chi hàng trăm tỉ USD trong vòng 20 năm qua.
Phía Afghanistan cũng khuyến nghị các khoản viện trợ nên được gửi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của nhân viên để tránh mất thêm chi phí và thời gian.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, mặc dù tiềm lực của tổ chức khủng bố Al-Qaeda bị suy giảm nhưng vẫn duy trì nhiều cơ sở ở Afghanistan. Từ tháng 9/2020 đến nay, Al-Qaeda và các tổ chức liên kết đang hoạt động mạnh tại 7 tỉnh của Afghanistan và duy trì vị thế tại 15 trong số 34 tỉnh của Afghanistan.
Trong đó, chi nhánh xuyên lục địa của Al-Qaeda ở tiểu lục địa Ấn Độ là AQIS đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công trên khắp Afghanistan. Ngoài Al-Qaeda, ở Afghanistan hiện có hơn 20 tổ chức khủng bố và hồi giáo cực đoan khác. Trong số đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với khoảng 4.000 tay súng người Afghanistan.
Trước đó, hôm 15/8, Taliban tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp phải sự kháng cự nào từ quân đội, lực lượng vũ trang Afghanistan dưới quyền Tổng thống Ashraf Ghani. Việc tiếp quản, chuyển giao quyền lực được thực hiện êm thấm, không có đụng độ, tạo cho người dân nước này hy vọng về một nền an ninh, kinh tế tốt đẹp hơn.
Taliban là phong trào Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni, thành lập đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989. Taliban chiếm được chính quyền năm 1996. Năm 2001, chế độ Taliban bị lật đổ trong chiến dịch quân sự “Tự do bền vững” của Mỹ với sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong thời kỳ Taliban cầm quyền, luật Sharia Hồi giáo khắc nghiệt nhất đã được áp dụng. Taliban đã giúp các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ẩn náu và tiếp tục cưu mang các chiến binh của tổ chức này, sau khi chế độ Taliban bị lật đổ ở Afghanistan. Năm 2003, Liên Hiệp Quốc liệt kê Taliban vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Theo Infonet